Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 Huyện Lâm Hà
Trích từ báo cáo kinh tế xã hội năm 2016 của Chi cục Thống kê Huyện Lâm Hà

                1.Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản:

a. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm: diện tích gieo trồng năm 2016 đạt 6.411,61 ha, bằng 99,8% so với cùng kỳ. Về cơ cấu gieo trồng có sự chuyển dịch giảm diện tích cây lương thực có hạt, đậu thực phẩm; tăng diện tích rau, hoa, cỏ chăn nuôi.

Cây lúa: Diện tích gieo cấy đạt 2.402,3 ha, giảm 2,4% (-60,3 ha) so với cùng kỳ. Năng suất bình quân đạt 36,5 tạ/ ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp do nguồn gốc giống lúa không đảm bảo, sâu bệnh nhiều, mặt khác một số vùng công tác chăm sóc chưa được chú trọng đúng mức.

Cây bắp: diện tích gieo trồng 1.574,5 ha, giảm 2,3% (-37 ha); năng suất ước đạt 44,9 tạ/ ha, bằng 96% so với cùng kỳ .

Khoai lang trồng 150,6 ha, tăng 33,3%; năng suất bình quân đạt 121,9 tạ/ ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Giá bán cao nên diện tích khoai lang tăng mạnh, tại xã Mê Linh khoai lang ngọt còn được sấy để bán tăng hiệu quả kinh tế, nhiều trang trại nuôi heo có nguồn sản phẩm phụ phân chuồng nên cũng trồng nhiều khoai lang.

Đậu phộng (lạc) gieo trồng 125,6 ha, tăng 11,9% so với cùng kỳ, chủ yếu trồng xen diện tích cà phê tái canh và giá bán cao, dễ trồng. Năng suất bình quân 12 tạ/ ha, bằng 98,5% so với cùng kỳ .

Cây rau, đậu, hoa các loại 1.829,8 ha, tăng 2,8% (+49,6 ha) so với cùng kỳ. Trong đó, cây rau các loại 1.405,7 ha, tăng 6,9% (+90,7 ha), đậu thực phẩm 220 ha, giảm 18,5% (-50 ha). Cây hoa 204,1 ha, tăng 4,6% (+8,9 ha) so với cùng kỳ, do trên địa bàn hình thành những vùng chuyên canh rau được đầu tư kỹ thuật, mô hình công nghệ cao, đảm bảo nguồn nước, giảm thiểu sâu bệnh. Năng suất thu hoạch rau bình quân ước đạt 156 tạ/ha, tăng 3,7% so với cùng kỳ .

Cây lâu năm: Tổng diện tích là 43.974,86 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ (+261,97 ha). Các cây trồng chính như cà phê, dâu tằm, cây ăn quả, chè được đầu tư theo hướng thâm canh nhằm tăng sản lượng, hiệu quả canh tác nông nghiệp.

Cây cà phê: Tổng diện tích hiện có 40.480 ha, tăng 0,1% (+20,8 ha), do chuyển đổi từ diện tích canh tác lúa, đất ven sông, đất lâm nghiệp; diện tích cho sản phẩm là 38.494,4 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 28,1 tạ/ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Tổng diện tích cà phê trồng mới, tái canh, ghép cải tạo 1.090,8 ha, bằng 72,5% so với cùng kỳ (trồng tăng diện tích 20,75 ha, ghép chồi cà phê vối 650 ha, tái canh cây thực sinh là 420,05 ha). Những năm gần đây hình thức ghép chồi cà phê vối được bà con nông dân triển khai nhiều nhằm giảm chi phí đầu tư và thời gian cho sản phẩm sớm hơn.

Cây chè: Tổng diện tích hiện có 255,8 ha, giảm 11% so với cùng kỳ. Diện tích cho sản phẩm toàn huyện là 243,7 ha, bằng 93,4% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do tiêu thụ khó khăn, lượng hàng tồn kho nhiều, nên doanh nghiệp chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang loại cây trồng khác. Năng suất thu hoạch bình quân của cây chè ước đạt 114,4 tạ/ ha, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới trong năm là 4,4 ha.

Cây hồ tiêu: Tổng diện tích là 346,8 ha, tăng 31,4% so với cùng kỳ. Diện tích cho sản phẩm là 112,9 ha, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 36,6 tạ/ ha, tăng 1% so với cùng kỳ. Giá tiêu cao, điều kiện đất, khí hậu thích hợp nên cây tiêu là một hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế. Diện tích trồng mới trong năm là 82,9 ha.

Cây dâu tằm: Diện tích hiện có 1.906,6 ha, tăng 2,5%, diện tích cho sản phẩm là 1.754,4 ha, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Giá kén vẫn luôn ổn định ở mức cao nên diện tích trồng dâu được mở rộng. Năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 216 tạ/ ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Diện tích dâu giống mới năng suất cao ngày càng được mở rộng, hiện toàn huyện có 1.330 ha dâu giống mới. Diện tích trồng mới trong năm là 152,2 ha, được trồng trên đất lúa, đất sình, đất bỏ hoang, trồng xen cà phê.

Cây ăn quả: Diện tích cây ăn quả cả năm 755,02 ha, tăng 13,9% so với cùng kỳ . Diện tích trồng mới trong năm là 128,66 ha, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Diện tích cho sản phẩm là 566,16 ha, tăng 14% so với cùng kỳ, do có nhiều chương trình, dự án của ngành nông nghiệp về hỗ trợ cây giống, phát triển các loại cây ăn quả trên địa bàn như cây bơ, cam canh và bưởi da xanh.Năng suất thu hoạch bình quân các loại cây ăn quả ước đạt 192,65 tạ/ ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ (trong đó, một số cây chủ yếu như chuối đạt 300 tạ/ha, tăng 0,4%; bơ 126 tạ/ha, tăng 1%; chanh dây 225 tạ/ ha, tăng 2,9%).

b. Chăn nuôi (Số liệu điều tra tại thời điểm 1/10):

Đàn trâu tại thời điểm 01/10/2016 là 367 con, không biến động so với cùng kỳ. Tổng đàn bò 7.988 con, tăng 36,9% (+2.153 con) so với cùng kỳ, vì đây là loại gia súc dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào, giá bán cao ổn định mang hiệu quả kinh tế nên được bà con đầu tư chăn nuôi. Trong đó, đàn bò sữa tăng 23% (+238 con).

Tổng số đàn heo toàn huyện thời điểm 1/10/2016 là 105.432 con, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Trong tổng đàn thì số heo trang trại chiếm tới 56,8%, hiện có 59.944 con. Kết quả trên cho thấy loại hình chăn nuôi trang trại tiếp tục phát triển mạnh ở địa phương thời gian qua, trang trại nuôi gia công tăng về quy mô bình quân một trang trại là 950 con, nhiều hộ nuôi mô hình gia trại đã mạnh dạn đầu tư về quy mô thành loại hình trang trại. Số trang trại có quy mô trên 1000 con chiếm 26% tổng số trang trại nuôi heo.

Tổng đàn gia cầm toàn huyện thời điểm 1/10/2016 là 711 ngàn con, tăng 21,4% so với cùng kỳ .

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong phạm vi an toàn. Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện tiêm phòng được 2 đợt và tiêu độc khử trùng được 3 đợt.

c. Lâm nghiệp

Trồng rừng tập trung 234,8 ha (trong đó, trồng rừng thay thế 15,3 ha; trồng rừng theo Nghị định 135 là 193 ha; trồng rừng sau giải tỏa 15,7 ha; dân tự trồng 10,8 ha). Trồng rừng theo Đề án 04: 649 ha/ 800 ha KH.

            Diện tích rừng giao khoán quản lý bảo vệ từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng  là 18.759,5 ha, giao cho 935 cá nhân, hộ gia đình (trong đó 576 hộ là đồng bào dân tộc) và 01 tập thể.

            Số vụ vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng phát hiện 100 vụ, bằng 63,7% so với cùng kỳ. Đã xử lý 81 vụ, số tiền thu nộp ngân sách qua xử lý là 592,3 triệu đồng.

            d. Thủy sản:

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện 1.139,4 ha, tăng 12,2% (+124 ha) so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 là 2.072,6 tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó thủy sản khai thác 4 tấn; thủy sản nuôi trồng 2.068,6 tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ, do diện tích nuôi quảng canh vẫn chiếm tỷ trọng cao, hiệu quả nuôi thấp, việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng nhiều nên nguồn nước nuôi bị ảnh hưởng nhiễm độc, cá chậm lớn, dễ bệnh và chết.

            2. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế cá thể ước năm 2016 đạt 375.125,6 triệu đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 7,36%. Theo giá thực tế ước đạt 532.442,5 triệu đồng, tăng  11,38% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất đồ uống ước đạt 46.722 triệu đồng, tăng 50,2%, chiếm 12,45% giá trị sản xuất công nghiệp; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác ước đạt 33.039 triệu đồng, tăng 16,53%, chiếm 8,8%, do các cơ sở sản xuất gạch đầu tư vốn đổi mới máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh từ đó sản phẩm được người dân sử dụng nhiều; ngành sản xuất trang phục (may mặc) ước đạt 42.476 triệu đồng, chiếm 11,32%, tăng 13,64% do nhu cầu may mặc áo, quần của người dân tăng và tăng cơ sở may mặc; ngành dệt, ươm tơ ước đạt 55.397 triệu đồng, tăng 12,88%, chiếm 14,76% do số lượng hộ trồng dâu, nuôi tằm tăng, sản lượng kén tằm và các cơ sở ươm tơ tăng theo; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn ước đạt 37.936 triệu đồng, tăng 7,75%, chiếm 10,11% giá trị sản xuất công nghiệp.

3. Đầu tư phát triển

Ước năm 2016, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện 98.327 triệu đồng, vượt 8,3% kế hoạch, giảm 19,4% so với cùng kỳ .

Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước năm 2016 thực hiện 51.820 triệu đồng, bằng 98,9% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 34.639 triệu đồng, vượt 35,2% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 6.100 triệu đồng, vượt 0,4% kế hoạch.

4. Giao thông vận tải.

Ước doanh thu vận tải năm 2016 đạt 254.791,2 triệu đồng, tăng 8,6 % so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hành khách đạt 126.528,1 triệu đồng, tăng 7,7%. Doanh thu vận tải hành khách của kinh tế tư nhân đạt 78.511,3 triệu đồng tăng 7,5%; kinh tế cá thể đạt 48.016,7 triệu đồng, tăng 8%. Vận chuyển hành khách ước đạt 612,2 nghìn hành khách, tăng 8% và luân chuyển đạt 207.360,3 nghìn hành khách.km, tăng 9,7%. Năm 2016, các tuyến vận tải hành khách đều tăng số lượng đầu xe vận tải.

Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 127.258,5 triệu đồng, tăng 4,8%. Doanh thu vận tải hàng hóa của kinh tế tư nhân ước đạt 35.759,7 triệu đồng, tăng 7,4%; kinh tế cá thể đạt 91.498,8 triệu đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa ước đạt 852,8 nghìn tấn, tăng 10,1% và luân chuyển đạt 28.273,1 nghìn tấn.km, tăng 19,9% chủ yếu là do tăng khối lượng vận chuyển.

5. Thương mại - dịch vụ 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2016 ước đạt 3.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ là do đời sống nhân dân nâng lên, sản xuất nông nghiệp phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau, hoa, kén tằm, chăn nuôi phát triển mạnh làm cho thu nhập hàng tháng của người nông dân ổn định nên sức mua của người tiêu dùng tăng. Hàng hóa năm 2016 luôn đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng. Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra không để xảy ra tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng quá hạn sử dụng.

6. Tài chính

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2016 đạt 155.767 triệu đồng, vượt 0,6% kế hoạch năm. Trong đó các khoản thu cân đối ngân sách 83.512 triệu đồng, vượt 13,2% kế hoạch. Thu ngân sách khó khăn, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng kết quả thu thuế, phí không đạt dự toán huyện giao, ảnh hưởng đến cân đối chi thường xuyên và đầu tư phát triển; nợ đọng thuế còn cao và chưa xử lý triệt để.

Tổng chi NSĐP ước cả năm 654.194 triệu đồng, vượt 12,3% dự toán năm. Trong đó, chi cho sự nghiệp kinh tế 57.412 triệu đồng; chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo 297.877 triệu đồng; chi quản lý hành chính 41.593 triệu đồng.

7. Văn hóa, xã hội:

a. Văn hoá - Thông tin:

Năm 2016 đã kẻ, cắt dán và treo hơn 1.500 lá cờ, 1.870m băng rôn, trên 2.500 cờ các loại, 250 áp phích tuyên truyền trong các ngày Lễ kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 40 năm xây dựng và phát triển vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng; chào mừng bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

b. Xã hội:

Lao động việc làm: Thông qua các hình thức giải quyết việc làm, đã giải quyết và duy trì việc làm ổn định cho 5.528 lao động /Kh 3.300 lao động, đạt 168%, trong đó: duy trì và tuyển mới lao động của công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện là 2.879 lao động; vốn vay người nghèo, cận nghèo, hỗ trợ sản xuất và tạo việc làm tại chỗ cho 2.338 lao động; xuất khẩu lao động là 70 lao động; đào tạo nghề ngắn hạn là 255 lao động.

Chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội: Tổ chức chi trả kịp thời các chế độ ưu đãi người có công cho 1.180 đối tượng tại tất cả các xã, thị trấn với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Chuyển kinh phí trợ cấp bảo trợ xã hội năm 2016 cho 3.594 đối tượng với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng; trợ cấp tết với kinh phí 1.122 triệu đồng.

Thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2016 số hộ nghèo còn 1.871 hộ, chiếm tỷ lệ 5,11%; hộ nghèo dân tộc thiểu số 907 hộ, chiếm 13,52%.

c. Giáo dục: 

Mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập. Từ đầu năm tới nay đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 40 phòng học kiên cố tại 6 trường và điểm trường. Đến hết năm 2016 số phòng học kiên cố của huyện tăng lên khoảng 85%, tăng 3,9% so với cùng kỳ .

Số lượng học sinh năm học 2016-2017 từng cấp học so sánh năm học trước như sau: 

Bậc học mầm non: Tổng số cháu là 7.469 cháu, tăng 5,8%.

Bậc tiểu học: Tổng số 14.321 học sinh, giảm 0,2%.

Bậc THCS: Tổng số học sinh: 9.053 học sinh, giảm 2,1%.

Bậc THPT: Tổng số học sinh 4.784 học sinh, tăng 1,5%.

d. Y tế

Công tác giám sát, phòng chống dịch trên địa bàn được ngành y tế, các xã, thị trấn quan tâm. Trong năm 2016, trên địa bàn huyện chủ yếu đối phó với 02 loại dịch bệnh là tay chân miệng và sốt xuất huyết, xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn và tập trung vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi. Tính đến ngày 17/11/2016 toàn huyện tiếp nhận điều trị 213 cas mắc tay, chân, miệng (giảm 38 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015); sốt xuất huyết là 321 cas. Tất cả các trường hợp mắc tay, chân, miệng và sốt xuất huyết đều được giám sát, chăm sóc và điều trị khỏi, xử lý triệt để các ổ dịch, không có trường hợp tử vong do dịch bệnh.

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm: Tổng số đoàn thanh, kiểm tra liên ngành là 19 đoàn. Kiểm tra 1.556 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Số cơ sở vi phạm là 298/1556 cơ sở, chiếm 19,1%, 01 cơ sở bị xử phạt 4 triệu đồng, 04 cơ sở cảnh cáo buộc tiêu hủy sản phẩm, số còn lại chỉ bị nhắc nhở.

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà tiếp tục giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt