Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng và hoạt động trở lại; dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và theo quy định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tình hình xã hội từng bước ổn định, các hoạt động công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ tăng khá, sản xuất nông nghiệp được giữ vững.
I. NÔNG - LÂM NGHIỆP
1. Trồng trọt
Thu hoạch vụ Đông xuân: Trong 6 tháng năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Lạt diện tích thu hoạch cây hàng năm các loại đạt 4.348,4 ha, tăng 0,03% so với cùng kỳ. Trong đó, cây lấy củ có chất bột 325,2 ha, tăng 0,07%; rau các loại thu hoạch 2.032,6 ha, tăng 0,11%, năng suất đạt 484,58 tạ/ha, sản lượng đạt 98.493,8 tấn, tăng 0,13%; hoa các loại 1.855,4 ha, giảm 0,19%, sản lượng hoa đạt 615,87 triệu cành và cây gia vị dược liệu hàng năm khác 101,6 ha, giảm 0,89% so với cùng kỳ.
Vụ Hè thu: Tiến độ gieo trồng ước đạt 2.924,5 ha, tăng 0,16% so với cùng kỳ. Trong đó, cây lương thực có hạt 18,2 ha; cây lấy củ có chất bột 135,5 ha, tăng 0,14%; cây rau các loại 1.272,2 ha, tăng 0,19%; đậu các loại 18,7 ha, giảm 0,95%; hoa các loại 1.409,5 ha, tăng 0,16% và cây hàng năm khác 68,1 ha, tăng 0,12% so với cùng kỳ.
Cây lâu năm: Diện tích hiện có 6.262,1 ha, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước do quá trình đô thị hóa nhanh.
Chăn nuôi: Đến 15/6/2022 đàn trâu, bò có 1.332 con; đàn lợn 4.723 con, giảm 4,43%%; đàn gia cầm ước đạt 186,3 nghìn con (trong đó, đàn gà 153,4 nghìn con, giảm 2,27% so với cùng kỳ); giá trứng gà công nghiệp tại các cơ sở chăn nuôi tăng từ 34.000-39.000 đồng/kg so với tháng trước.
Chuyển giao khoa học kỹ thuật: Đến nay đã cấp nhãn hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành được 742 nhãn hiệu (trong đó có 638 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 83 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 11 cơ sở kinh doanh cà phê). Riêng Nhãn hiệu Cà phê Cầu Đất đã cấp được 21 nhãn hiệu và cấp 46 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” và 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.
2. Lâm nghiệp
Lâm sinh: Ngành Lâm nghiệp thường xuyên tuần tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý rừng thực hiện tốt các phương án bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, kiểm tra khai thác lâm sản, khoáng sản và lấn chiếm đất rừng trái phép. Tuyên truyền, vận động 406 hộ nhận khoán và 90 nhà đầu tư thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong công tác bảo vệ rừng.
Số doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng là 90 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để đầu tư dự án với tổng diện tích là 4.458,2 ha. Các đơn vị chủ rừng đã thực hiện việc giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích là 15.675,5 ha cho 403 hộ và 03 đơn vị từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tình hình vi phạm Lâm luật: Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 08 vụ. Bao gồm: Phá rừng trái pháp luật 07 vụ. Số vụ đx xử lý hành chính 05 vụ.
3. Thủy sản
Trong 6 tháng năm 2022, tổng diện tích nuôi thủy sản ước đạt 20,4 ha, tăng 0,25%; sản lượng đạt 28,4 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Tình hình khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, hồ chứa nước chủ yếu phục vụ cho tưới tiêu là chính, tận dụng nuôi cá và một số cơ sở phục vụ dịch vụ câu cá theo giờ. Hiện tại công ty Cá tầm Việt Nam chủ yếu sản xuất cá tầm giống từ 3-5 gram sau đó chuyển sang Đắk Lắk nuôi cá thương phẩm xuất bán, do nhiệt độ và điều kiện ở đó thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển nhanh. Phần lớn diện tích và sản lượng thủy sản tập trung ở xã Tà Nung.
II. CÔNG NGHIỆP - XÂY DỰNG
1. Công nghiệp cá thể ()
Tình hình sản xuất công nghiệp cá thể thành phố Đà Lạt trong 6 tháng năm 2022 tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, sản xuất kinh doanh dần ổn định. Tuy nhiên, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến tại địa phương.
Giá trị sản xuất công nghiệp cá thể theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 257,6 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Theo giá so sánh 2010 ước đạt 152,1 tỷ đồng tăng 14,2% so với cùng kỳ. Trong đó:
- Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong công nghiệp của thành phố, chiếm 98,9% trong tổng cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp cá thể. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 255,6 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 ước đạt 151 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Giá trị một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Ngành chế biến thực phẩm theo giá hiện hành đạt 103,1 tỷ đồng, tăng 25,6%; ngành sản xuất trang phục đạt 29,6 tỷ đồng tăng 16,8%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như sản xuất cửa, tủ sắt và nhôm đạt 29,6 tỷ đồng, tăng 14,3%; ngành sản xuất đồ mộc gia dụng đạt 30,3 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt giá trị sản xuất theo giá hiện hành lũy kế 6 tháng năm 2022 ước đạt 1.200 triệu đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 đạt 1.100 triệu đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
2. Xây dựng cơ bản
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn nhà ngân sách nhà nước địa phương quản lý trên địa bàn trong năm 2022 đến tháng 6/2022 là 590,4 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách tỉnh quản lý phân bổ 305,9 tỷ đồng và ngân sách thành phố 284,6 tỷ đồng, trong đó: Vốn cân đối ngân sách thành phố 48,7 tỷ đồng, nguồn vốn đô thị loại I là 47 tỷ đồng, nguồn vốn XDCB huyện, xã và tăng thu 45,8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 624,6 tỷ đồng. Tiếp tục thực hiện vốn ở các công trình chuyển tiếp năm 2021 và một số công trình khởi công mới năm 2022; trong đó, ngân sách nhà nước cấp tỉnh 359,4 tỷ đồng. Dự tính đến cuối tháng 6/2022, tiến độ thi công một số công trình trọng điểm trong kế hoạch năm 2022 đạt được như sau:
- Cải tạo, nâng cấp Trung tâm hành chính TP Đà Lạt: Tổng mức đầu tư 161,5 tỷ đồng; năm 2022 kế hoạch vốn 35 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đến tháng 6/2022 là 35 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm.
- Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường từ đường Trần Quốc Toản đến đường Yersin (hẻm 26K, 27K Yersin). Tổng mức đầu tư 23,9 tỷ đồng; năm 2022 kế hoạch vốn 14,4 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đến tháng 6 là 6,7 tỷ đồng, đạt 46,53% kế hoạch năm.
- Nâng cấp, mở rộng đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Hà Huy Tập đến vòng xoay Ba tháng Tư). Tổng mức đầu tư 47,3 tỷ đồng; năm 2022 kế hoạch vốn 20 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện đến tháng 6 là 13 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm.
III. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - VẬN TẢI
1. Thương mại - dịch vụ
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 14.964,8 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ 8.263,7 tỷ đồng, tăng 67,86% và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6.701,1 tỷ đồng, tăng 79,12% so với cùng kỳ.
Tình hình khách đăng ký lưu trú: 6 tháng đầu năm 2022 ước có 1.353.979 lượt khách đăng ký lưu trú, tăng 76,47% so với cùng kỳ. Lượt khách quốc tế, tăng 41,2% và lượt khách trong nước, tăng 77,19% so với cùng kỳ.
Giá bán lẻ hàng hóa
Tháng 6/2022, giá xăng dầu tiếp tục tăng so tháng trước do ảnh hưởng chiến tranh thế giới. Hàng thực phẩm thiết yếu cũng tăng theo như thịt heo, trứng gà, rau củ quả (so với tháng trước giá trứng gà công nghiệp tăng 3,85%; giá bắp sú tăng 5%). Hàng chất đốt: So với tháng trước giá Gaz petrolimex giảm 6,52%; xăng A95 tăng 5,33%; xăng A92 tăng 4,44%; dầu Diesel 0,05S giảm 0,99%. Vật liệu xây dựng: So với tháng trước giá Xi măng Hà Tiên 1 tăng 11,5%; cát vàng tăng tăng 26,19%; thép tròn fi 6, fi 8 tăng 3,09%.
Vàng, ngoại tệ: Vàng 99,99 giảm 0,91% so với tháng trước và tăng 16,24% so với cùng kỳ. Đô la Mỹ tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 3,48% so với cùng kỳ.
2. Vận tải
Doanh thu vận tải 6 tháng năm 2022 ước đạt 863,8 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ. Trong đó:
- Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển ước đạt 5.593 ngàn hành khách, tăng 56,4%; khối lượng luân chuyển ước đạt 758,7 triệu hành khách.km, tăng 58,3%; doanh thu ước đạt 559,3 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ.
- Vận tải hàng hóa: Sản lượng vận chuyển ước đạt 408,5 ngàn tấn; luân chuyển ước đạt 147,7 triệu tấn.km; doanh thu ước đạt 201,5 tỷ đồng, tăng 31,48% so với cùng kỳ.
IV. TÀI CHÍNH
Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng năm 2022 đạt 986.023 triệu đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và đạt 60% so kế hoạch năm 2022; trong đó: thuế phí, lệ phí 620.794 triệu đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và đạt 79% so kế hoạch cả năm; các khoản thu về nhà đất 341.653 triệu đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 42% so kế hoạch năm; thu khác 23.576 triệu đồng, tăng 16%% so với cùng kỳ và đạt 61% so kế hoạch năm.
Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách ước 6 tháng năm 2022 đạt 521.518 triệu đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và đạt 56% so kế hoạch năm.
IV. VĂN HÓA, XÃ HỘI
Văn hóa: Thành phố triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, phối hợp kiểm tra đột xuất theo phản ảnh của Đà Lạt trực tuyến, tổ chức giải bóng đá futsal toàn quốc, triển khai các hoạt động văn hóa thể thao trong dịp hè. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường. Tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động Ngày gia đình Việt Nam 28/6, điều chỉnh bảng điểm xét công nhận danh hiệu” Gia đình văn hóa”, “ Thôn văn hóa”, “ Tổ dân phố văn hóa”, “ Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, “ Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.
Y tế: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tai biến trong chuyên môn. Tiếp tục tăng cường các biện pháp bảo vệ cơ quan an toàn, phòng chống thiên tai, cháy nổ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và quản lý các chương trình y tế dự phòng- dân số và phát triển, quản lý hoạt động tại trạm Y tế , cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân. Tăng cường giám sát chặt chẽ, sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất, phương tiện kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnhcovid - 19 và triển khai tiêm vắc xin covid -19 theo kế hoạch của ngành cấp trên. Chủ động phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp không để dịch bệnh xảy ra, tiếp tục củng cố mạng lưới thông tin báo dịch tại phường, xã.
Xã hội: Tiếp tục giải quyết các vấn đề về chính sách người có công như: trợ cấp một lần và mai táng phí cho thân nhân người có công cách mạng từ trần; thực hiện mua và cắt giảm Bảo hiểm y tế, dụng cụ chỉnh hình, sổ ưu đãi giáo dục cho các trường hợp tăng và giảm; tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xác minh hồ sơ xin giao đất, xin thuê nhà chung cư và miễn giảm tiền sử dụng đất theo diện gia đình chính sách trên địa bàn. Tập trung thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đảm bảo người lao động được hưởng chính sách kịp thời theo quy định./.
|