I. SẢN XUẤT NÔNG LÂM THỦY SẢN
1. Sản xuất nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
* Cây hàng năm: Ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng diện tích cây hàng năm các loại trên địa bàn huyện Lâm Hà gieo trồng được 3.300 ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết năm nay mưa nhiều và mưa sớm hơn cùng kỳ nên thuận lợi cho công tác gieo trồng. Một số cây trồng chủ yếu như:
- Cây lúa Đông Xuân gieo trồng được 529,5 ha, giảm 9,3% so cùng kỳ. Ước 6 tháng thu hoạch 529,5 ha, năng suất ước đạt 41,8 tạ/ha, giảm 1,8% so vụ Đông Xuân năm trước. Năng suất thu hoạch giảm do nhiều diện tích lúa thiếu nước nên năng suất thấp. Hiệu quả canh tác giảm nên diện tích lúa tiếp tục giảm so với năm trước.
- Cây ngô 6 tháng đầu năm gieo trồng được 471,5 ha, tăng 2,5% so cùng kỳ; ước cả năm 812 ha, giảm 3% so với năm trước. Dự ước diện tích thu hoạch 6 tháng đầu năm 38,5 ha, năng suất đạt 46 tạ/ha, tăng 2,2% so cùng kỳ năm trước.
- Cây rau các loại ước 6 tháng gieo trồng 1.351,1 ha, tăng 9,8% và cây hoa các loại gieo trồng 218,9 ha, tăng 8,9% so cùng kỳ. Ước tính cả năm, cây rau gieo trồng 2.364 ha, tăng 10,5% và cây hoa gieo trồng 340 ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Rau các loại 6 tháng đầu năm thu hoạch được 1.203,8 ha, tăng 10,2% so năm trước, năng suất ước đạt 192,4 tạ/ha, tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước
* Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm toàn huyện hiện có 49.315,2 ha, tăng 2,9% so cùng kỳ. Một số nhóm cây trồng chính:
- Cây ăn quả: Các loại cây ăn quả chủ yếu được trồng trên địa bàn huyện gồm chuối, mít, bơ, sầu riêng, cam, thanh long và cây mác ca. Diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có 5.425 ha, tăng 45,1% so cùng kỳ. Diện tích cây ăn quả trồng mới ước 1.155 ha, riêng cây mác ca ước trồng mới 609 ha.
- Cây công nghiệp lâu năm:
Cây hồ tiêu: Tổng diện tích cây hồ tiêu có 365,6 ha, tăng 0,6% so cùng kỳ. Giá tiêu hiện nay cao hơn so cùng kỳ, năng suất tăng do vậy người nông dân vẫn đang duy trì sản xuất. Sản lượng thu hoạch năm nay ước đạt 1.381,7 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cây cà phê: Diện tích cây cà phê toàn huyện đạt 39.494,4 ha, giảm 0,6% so cùng kỳ. Diện tích cây cà phê tái canh ước thực hiện 215 ha, giảm 14%, ghép chồi 335 ha, tăng 23,4% so cùng kỳ. Tình hình bệnh khô cành, vàng lá sâu bệnh… gây hại ở mức độ nhẹ.
Cây chè: Diện tích chè trên địa bàn huyện hiện còn 160,6 ha, giảm 10ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích chè của huyện phần lớn là chè của các công ty còn duy trì khi có đầu ra ổn định, ngược lại diện tích chè các hộ cá thể giảm dần. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 705 tấn, so cùng kỳ năm trước tăng 0,7%.
Cây dâu tằm: Diện tích hiện có 3.800,4 ha, tăng 9,5% so cùng kỳ. Diện tích trồng mới ước thực hiện 150,5 ha, giảm 16,9% so cùng kỳ. Giá kén tằm ở mức cao nên diện tích dâu tiếp tục được mở rộng. Sản lượng thu hoạch lá dâu ước tính 6 tháng đầu năm đạt 51.000 tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn giảm do hiệu quả kinh tế không cao, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa giảm mạnh (hiện bò sữa toàn huyện chỉ còn 468 con, giảm 25,1% so với cùng kỳ). Đàn trâu trên địa bàn huyện tại thời điểm tháng 6 có 380 con, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Đàn bò ước 7.412 con, giảm 2,9% so với cùng kỳ. Đàn heo 92.942 con, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi heo, gia cầm phát triển mạnh. Đặc biệt là chăn nuôi gà, vịt do giá bán tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn gia cầm toàn huyện đến nay ước đạt 1.177,2 nghìn con, tăng 6% so với cùng kỳ.
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
2. Lâm nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng được chăm sóc là 2.159,2 ha, tăng 18,1% so năm trước. Đến nay, toàn huyện đã vận động, tổ chức trồng được 300 nghìn cây xanh (cây lâm nghiệp, cây cảnh quan) trên các tuyến đường giao thông, khuôn viên các cơ quan, đơn vị, tăng 15,4% so cùng kỳ.
Tổng số vụ vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng đã phát hiện 6 tháng đầu năm là 7 vụ, giảm 21 vụ so với cùng kỳ (giảm 75%). Đã xử lý hành chính 4 vụ với số tiền phạt 354,3 triệu đồng. Tịch thu lâm sản, bán tang vật là 255 triệu đồng.
3. Thủy sản
Diện tích nuôi thủy sản ước 6 tháng đầu năm là 900 ha, giảm 3,5% so cùng kỳ. Diện tích nuôi thủy sản có xu hướng tiếp tục giảm. Hiện nay, nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Lâm Hà chủ yếu là nuôi quảng canh, mang tính chất cải thiện, ít được đầu tư chăm sóc. Mặt khác, một phần ao hồ bị san lấp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như dâu tằm, rau, hoa, cây ăn trái.
Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.000,3 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ; trong đó, thủy sản khai thác 1,2 tấn, tăng 4,3%, thủy sản nuôi trồng đạt 999,1 tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, VỐN ĐẦU TƯ
Giá trị sản xuất CN – TTCN (theo giá so sánh 2010) ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 749.900,4 triệu đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Giá trị của ngành sản xuất và chế biến thực phẩm ước 6 tháng đầu năm đạt 93.783,5 triệu đồng, tăng 10,8% so cùng kỳ do hoạt động dịch vụ ăn uống đã hồi phục sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá trị của ngành dệt ươm tơ đạt 289.491,9 triệu đồng, tăng 19,8% cùng kỳ; sản phẩm tơ tăng 8,1% so cùng kỳ, giá tơ tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, hoạt động xuất khẩu tơ tằm gặp nhiều thuận lợi.
Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất ước đạt 1.194.433,7 triệu đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ. Tình hình sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
III. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
1. Vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 157.911,9 triệu đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa 6 tháng đạt 100.624,9 triệu đồng, tăng 17,3% và doanh thu vận tải hành khách đạt 56.288,9 triệu đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải trên địa bàn huyện đã đi vào ổn định và có sự phát triển mạnh so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh Covid – 19 được kiểm soát nên các hoạt động vận tải hàng hóa trở lại bình thường, lượng hành khách đi lại tăng; giá xăng dầu tăng cao làm cho giá cước vận tải tăng. Đây là những nguyên nhân làm cho doanh thu ngành vận tải tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận chuyển 6 tháng đầu năm đạt 411 nghìn tấn, tăng 9,8% và khối lượng hành khách vận chuyển đạt 298,3 nghìn người, tăng 22,3% so với cùng kỳ.
2. Thương mại, dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ do giá bán nông sản cà phê, kén tằm, hồ tiêu đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước; hoạt động bán lẻ cũng trở lại bình thường sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
IV. THU CHI NGÂN SÁCH
UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Chi cục thuế, các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt công tác thu Ngân sách Nhà nước và tập trung xử lý nợ tồn đọng thuế ngoài quốc doanh. Ước 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 286.164 triệu đồng, tăng 64,6% so cùng kỳ, đạt 71,5% kế hoạch năm 2022; trong đó thu phí, lệ phí ước đạt 236.979 triệu đồng, tăng 92,6% so với cùng kỳ; thu nhà đất ước đạt 33.817 triệu đồng, giảm 10,7%. Thu thuế, phí, lệ phí tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do thu thuế thu thập cá nhân tăng 2,6 lần, đạt 113.630 triệu đồng (chiếm 48% tổng thu thuế, phí, lệ phí)
Tổng chi ngân sách địa phương ước 6 tháng đầu năm là 384.578 triệu đồng, đạt 47,3% kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ. Trong đó chi xây dựng cơ bản 68.941 triệu đồng, tăng 35,9%; chi thường xuyên 315.637 triệu đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
V. VĂN HÓA, XÃ HỘI
1. Y tế
Ước tính 6 tháng đầu năm, tổng số lượt người khám bệnh đạt là 77.210 lượt người, giảm 19,5% so cùng kỳ; tổng số lượt người điều trị là 3.465 người, giảm 8,3% so cùng kỳ; trong đó số lượt người điều trị nội trú là 2.923 người, giảm 6,1%. Số trẻ em tiêm đủ vắcxin 829 trẻ, giảm 17,2% so cùng kỳ. Số liệu khám chữa bệnh so cùng kỳ năm 2021 đều giảm; nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã hạn chế số người đi khám do lo ngại lây lan dịch bệnh. Ngược lại, với những bệnh thông thường hoặc mức độ nhẹ thì người dân vẫn tin tưởng các cơ sở y tế tư nhân để đỡ phải chờ đợi và được phục vụ chu đáo hơn.
2. Giáo dục
Giáo dục các cấp học đã hoàn thành kiểm tra hết học kỳ II và tiến hành tổng kết năm học 2021-2022 đảm bảo đúng kế hoạch năm học. Kết thúc năm học, tổng hợp sơ bộ số học sinh từng bậc học như sau:
+ Mầm non: 7.923 học sinh, tăng 45 trẻ so cùng kỳ.
+ Tiểu học: 14.397 học sinh, tăng 572 học sinh.
+ THCS: 10.721 học sinh, tăng 84 học sinh.
+ THPT: 4.526 học sinh, tăng 58 học sinh so cùng kỳ.
3. Văn hoá, Thông tin
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên các hoạt động phong trào từ huyện đến cơ sở đều bị hạn chế; Đặc biệt công tác tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở và cấp huyện gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động thường niên cũng hạn chế tổ chức do thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, ngành hạn chế tụ tập đông người nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Chính vì thế, trong 6 tháng qua, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sự kiện trên sóng Phát thanh – Truyền hình, trên cổng thông tin điện tử của huyện cũng như trên hệ thống cáp truyền hình Phú Thế Hưng; đồng thời treo pa nô, băng rôn trên toàn địa bàn huyện.
4. Xã hội
Trong 06 tháng đầu năm 2022, thông qua các hình thức giải quyết việc làm đã giải quyết và duy trì việc làm ổn định cho 1.887 lao động/KH 3.500 lao động, đạt 54% KH giao, đưa 10 lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Đã tổ chức khai giảng 02 lớp nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 48 học viên tại xã Đạ Đờn và Liên Hà.
Công tác giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo ước năm 2022 toàn huyện là 3,23%, giảm 1,5% so năm 2021; đã chi trợ cấp Tết cho 1.821 hộ nghèo với kinh phí 1.092,6 triệu đồng; 2.564 hộ cận nghèo với kinh phí 1.025,6 triệu đồng;
Chính sách người có công: Từ đầu năm đến nay, đã thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội đúng đối tượng và kịp thời.
|