Lịch sử hình thành

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
NGÀNH THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG

 

Ngành Thống kê Việt Nam ra đời từ rất sớm, chỉ sau 8 tháng kể từ ngày tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL quy định tổ chức, bộ máy của Bộ Quốc dân kinh tế, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Sau này là Tổng cục Thống kê trực thuộc Chính phủ, từ năm 2007 đến nay trực thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư có chức năng, nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo công tác thống kê thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngay từ những ngày đầu sau giải phóng,Trung ương Cục đã tăng cường cho Khu VI (*) đoàn cán bộ thống kê gồm 14 người do Ông Đoàn Văn An (tức Đoàn Hồng), nguyên Vụ trưởng Vụ GTVT-BĐ-Tổng cục Thống kê phụ trách, chi viện từ miền Bắc vào để tiến hành điều tra tình hình cơ bản các tỉnh thuộc Khu VI và đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê, kế toán đầu tiên cho Ngành Thống kê và các Ty, ban, ngành, các đơn vị cơ sở của tỉnh.


Sau thời gian chuẩn bị (từ ngày 8/10/1975), ngày 15 tháng 12 năm 1975 Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng được thành lập. Ông Phạm Ngọc Diệp, phụ trách bộ phận Thống kê thuộc Ban Kinh tế - Kế hoạch Khu VI được Thường vụ Khu ủy Khu VI thông báo giữ chức Chi cục trưởng, ông Bùi Phụng giữ chức Chi cục phó. Tổng số cán bộ Văn phòng Chi cục Thống kê có 28 người. Địa điểm làm việc tạm thời trong Khu liên cơ tại số 04- đường Trần Hưng Đạo- Phường 3- thành phố Đà Lạt; tháng 11/1978, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định giao cho Chi cục Thống kê các nhà số 4,6,8,10 và 10 bis đường 3 tháng 4- Phường 3-thành phố Đà Lạt. Về tài sản có 01 ô tô LaDaLat, 01 xe mô tô, 01 máy in, 07 chiếc máy đánh chữ, 15 tủ đựng tài liệu các loại, 28 bộ bàn ghế làm việc…

Đối với cấp huyện, bộ phận Thống kê trực thuộc Ban Kinh tế- Kế hoạch các huyện. Đến ngày 04/12/1976, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 125 QĐ/TC về việc thành lập Phòng Thống kê cấp huyện đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của UBND huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Chi cục Thống kê tỉnh về chuyên môn nghiệp vụ.

Đối với cấp xã công tác thống kê do ủy viên Uỷ ban xã phụ trách, có cán bộ thống kê đảm nhận

Như vậy đến cuối năm 1976, hệ thống tổ chức thống kê được hình thành từ cấp tỉnh, huyện, xã và các ngành, đơn vị kinh tế quốc doanh.

Về tên gọi từ khi thành lập đến 1983 là Chi cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, đến năm 1984 đổi thành Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng; các phòng ở văn phòng Cục có 7 phòng : Phòng Tổng hợp, Phòng Cân đối, Phòng Công nghiệp, PhòngThương nghiệp, Phòng Nông nghiệp, Phòng TC-HC và Phòng Máy tính. Công tác tổ chức cán bộ thời gian này liên tục bổ sung cả số lượng và chất lượng, thời điểm 30/12/1976 tổng biên chế toàn ngành có 37 người, đến thời điểm 30/3/1984 tăng lên 94 người và đến 15/5/1986 là 100 người, trong đó Văn phòng Cục có 50 người, Thống kê cấp huyện 50 người (phòng có biên chế nhiều nhất Đà Lạt 9 người, thấp nhất 6 người).

Năm 1988, thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế theo Thông báo 46/TB-TW của Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Tại địa phương Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng có Thông báo số 44-TB/TU ngày 25/3/1988 về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và Quyết định số 341-QĐ/UB-TC ngày 21/6/1988 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hợp nhất Ủy ban Kế hoạch và Cục Thống kê thành Ủy ban Kế hoạch – Thống kê. Tổng số biên chế toàn ngành trước khi sát nhập và giao về địa phương quản lý có 92 người : Văn phòng Cục 43 người, Phòng Thống kê cấp huyện 49 người. Sau 2 năm sát nhập và thực hiện tinh giản biên chế nhiều cán bộ đã thôi việc và thuyên chuyển, tổng số CBCNV toàn ngành chỉ còn 52 người, giảm 43% : Văn phòng cục còn 24 người, Thống kê cấp huyện còn 28 người.

Đối với Thống kê cấp huyện trước khi sát nhập và bàn giao về địa phương quản lý mô hình tổ chức là Phòng Thống kê, sau khi sát nhập mô hình tổ chức phổ biến là Phòng Kế hoạch- Thống kê và sau đó là Phòng Tài chính- Kế hoạch; riêng thành phố Đà Lạt vẫn giữ phòng Kế hoạch- Thống kê đến khi bàn giao trở lại ngành dọc.

Sau 2 năm thực hiện sắp xếp lại tổ chức và sát nhập với Ủy ban Kế hoạch, do hiệu quả công tác và việc đảm bảo thông tin bị giảm sút nên năm 1990 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 320/QĐ-UB tách Ủy ban Kế hoạch – Thống kê thành Ủy ban Kế hoạch và Cục Thống kê trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng. Riêng thống kê cấp huyện vẫn giữ như mô hình cũ.

Sau khi tái lập, Cục Thống kê trực thuộc UBND tỉnh biên chế của Văn phòng Cục có 25 người tổ chức thành 3 bộ phận nghiệp vụ (Khối Sản xuất, Khối Lưu thông - phân phối, Khối Tổng hợp và bộ phận TC-HC).Giai đoạn này ở Văn phòng Cục bỏ chế độ phòng mà thực hiện theo chế độ chuyên viên. Trong tổng số 25 biên chế có 9 người trình độ đại học, trung cấp 9 người, sơ cấp 2 người. Đối với cấp huyện, thành phố vẫn là Phòng (Ban) Kế hoạch – Thống kê với số biên chế 30 người. Phòng có số biên chế nhiều nhất là 6 người ( Đà Lạt), có 5 phòng chỉ có 2 người.


Năm 1994, thi hành Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ và Thông tư Liên bộ số 245/TT-LB ngày 15 tháng 6 năm 1994 của Ban Tổ chức cán bộ và Chính phủ ( nay là Bộ Nội vụ) và Tổng cục Thống kê, ngành Thống kê quản lý theo ngành dọc từ TW đến cấp huyện. Ngay trong năm 1994, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho ngành, Cục Thống kê đã tiếp nhận mới 17 cán bộ, trong đó Văn phòng Cục 6 người, thống kế cấp huyện 11 người đưa tổng số CBCC toàn Ngành từ 50 người lên 67 người; trong đó số có trình độ đại học chiếm trên 50 %.

Năm 2004, căn cứ Quyết định số 98/QĐ-TCTK ngày 20 tháng 01 năm 2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, tổ chức bộ máy của Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng gồm có 5 phòng là Phòng Tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công thương, Phòng Thống kê Dân số- Văn xã và Phòng TC-HC. Đối với cấp huyện mỗi huyện, thành phố có một Phòng Thống kê đặt tại huyện, thành phố, là đơn vị dự toán phụ thuộc, có con dấu để giao dịch. Từ tháng 11/2010, căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thống kê cấp huyện chính thức đổi tên thành Chi cục Thống kê huyện, thành phố trực thuộc Cục Thống kê.

Năm 2011, thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TCTK ngày 14/1/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã kiện toàn lại bộ máy tổ chức gồm 6 phòng ở cơ quan Cục : Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng, Phòng Thống kê Thương mại, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Dân số- Văn xã, Phòng Tổ chức - Hành chính,Thanh tra Cục (gồm công tác Thanh tra, Phương pháp chế độ, Thi đua- khen thưởng, Công nghệ thông tin) và 12 Chi cục Thống kê các huyện, thành phố.

Năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Cục Thống kê kiện toàn toàn lại bộ máy tổ chức gồm 5 phòng thuộc Cơ quan Cục và 6 Chi cục Thống kê cấp huyện (trong đó có 05 Chi cục Thống kê khu vực), gồm: Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Kinh tế, Phòng Thống kê Xã hội, Phòng Thu thập Thông tin thống kê, Phòng Tổ chức - Hành chính; Chi cục Thống kê khu vực: Đà Lạt – Lạc Dương; Lâm Hà – Đam Rông; Đức Trọng - Đơn Dương; Bảo Lộc – Bảo Lâm và Chi cục Thống kê huyện Di Linh.

Lãnh đạo Cục Thống kê ( trước 1984 là Chi cục Thống kê) qua từng giai đoạn như sau: Từ tháng 12/1975 Ban lãnh đạo gôm 2 người là ông Phạm Ngọc Diệp - Chi cục trưởng, ông Bùi Phụng - Chi cục Phó. Từ năm 1979, Ban lãnh đạo gồm 3 người là ông Phạm Ngọc Diệp - Chi cục trưởng, ông Bùi Phụng và ông Lê Quang Bích- Chi cục phó; tháng 11/1979 ông Phạm Ngọc Diệp được TCTK điều động ra công tác tại Tổng cục; tháng 1/1980 ông Lê Quang Bích được bổ nhiệm giữ chức Chi cục trưởng và ông Trần Sỹ Thứ được bổ nhiệm giữ chức Chi cục phó; năm 1982 ông Bùi Phụng được điều động giữ chức Chi cục phó Chi cục Thống kê tỉnh ĐăkLăk; năm 1987 ông Lê Quang Bích, Cục trưởng nghỉ hưu; ông Trần Sỹ Thứ được bổ nhiệm Cục trưởng, bà Vũ Thị Minh Truyền được bổ nhiệm Phó Cục trưởng; năm 1999 ông Nguyễn Tấn Châu được bổ nhiệm Phó Cục trưởng; năm 2002 ông Trần Sỹ Thứ nghỉ hưu, ông Nguyễn Tấn Châu được bổ nhiệm Cục trưởng, ông Nguyễn Công Thạnh được bổ nhiệm Phó Cục trưởng; năm 2004 bà Vũ Thị Minh Truyền nghỉ hưu; năm 2005 ông Hồ Trung Hiếu được bổ nhiệm Phó Cục trưởng; năm 2019 ông Hồ Trung Hiếu nghỉ hưu, ông Nguyễn Khắc Hoàng được bổ nhiệm Phó Cục trưởng; năm 2020 ông Nguyễn Tấn Châu nghỉ hưu, ông Nguyễn Công Thạnh được giao quyền Cục trưởng; năm 2021 ông Tạ Hoàng Vũ được bổ nhiệm Phó Cục trưởng.

Hơn 45 năm hình thành và phát triển, Ngành Thống kê Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến và đóng góp quan trọng trong việc cung cấp thông tin thống kê kinh tế- xã hội phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, các ngành qua từng thời kỳ khác nhau. Có thể khái quát như sau:

*Thời kỳ 1975-1986 :

Đặc điểm của công tác quản lý kinh tế- xã hội nước ta thời kỳ này là kế hoạch hóa tập trung cao độ và áp dụng phương pháp thống kê của các nước XHCN. Công tác thống kê phải tổ chức và chỉ đạo thống nhất phương pháp hạch toán và thống kê ở địa phương; báo cáo Tổng cục Thống kê và UBND các cấp bảng số liệu và phân tích về mức độ hoàn thành kế hoạch nhà nước và tình hình phát triển kinh tế- văn hóa từng thời kỳ ở địa phương, lập các báo cáo thực hiện về cân đối kinh tế, cung cấp số liệu để nghiên cứu xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn.Kiểm tra tính chính xác của số liệu và về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở.

Trong thời gian đầu thành lập, Ngành Thống kê Lâm Đồng vừa ổn định tổ chức, vừa khẩn trương tiến hành ngay việc thu thập thông tin, hệ thống hóa số liệu phục vụ sự quản lý của địa phương và TW. Trọng tâm công tác lúc bấy giờ là thực hiện nhanh cuộc Tổng điều tra Dân số phục vụ bầu cử chính quyền các cấp và công tác quản lý nhân hộ khẩu, lao động tại địa bàn; tham gia kiểm kê tài sản, tiếp quản, đăng ký kinh doanh phục vụ cải tạo tư bản tư doanh; tiến hành điều tra thiệt hại chiến tranh vào năm 1976, điều tra nhà ở năm 1977; Tổng điều tra đất nông nghiệp năm 1978 và Tổng điều tra dân số năm 1979.

Việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê giai đoạn này (báo cáo nhanh, báo cáo chính thức và đìều tra) với các nội dung chủ yếu là tập trung phân tích việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước của từng ngành và toàn bộ nền kinh tế.

Kết thúc 5 năm, 10 năm Ngành Thống kê Lâm Đồng đã huy động lực lượng để kiểm tra, rà soát lại hệ thống số liệu của từng địa phương. Trên cơ sở đó, phân tích kết quả thực hiện từng mục tiêu kinh tế- xã hội đã được Đại hội Đảng các cấp đề ra.

* Thời kỳ 1986-1993 :

Đại hội VI của Đảng ( 2/1986) đã mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước với nội dung cơ bản là: đổi mới cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp quy luật khách quan và trình độ phát triển kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho Ngành Thống kê thời kỳ này là: tiếp tục thu thập, tổng hợp và hệ thống hóa, phân tích số liệu về tình hình kinh tế- xã hội tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp và báo cáo TCTK; thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất phục vụ Đại hội Đảng các cấp và các kỳ họp HĐND về tình hình kinh tế, xã hội. Công bố và cung cấp số liệu đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu và tuyên truyền công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bước đầu thực hiện công khai hóa các số liệu thống kê. Biên soạn Niên giám thống kê hàng năm, xuất bản và cung cấp kịp thời phục vụ yêu cầu của các cấp, các ngành. Áp dụng các phương pháp thu thập thông tin thống kê theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê đảm bảo phù hợp với cơ chế mới và chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần với xu hướng chuyển mạnh từ báo cáo định kỳ sang điều tra chuyên môn. Ngoài các cuộc Tổng điều tra định kỳ 5 năm, 10 năm, phần lớn các cuộc điều tra hàng năm được chuyển từ điều tra toàn bộ sang điều tra chọn mẫu.

Về công tác cơ giới hóa tính toán thời kỳ này được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và tranh thủ giúp đỡ quan các dự án của Tổng cục Thống kê. Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu tại địa phương xây dựng được Phòng Máy tính. Trước năm 1990, công cụ phục vụ công tác tính toán phổ biến là máy tính quay tay và sau đó là máy tính điện cơ ASCOTA-314, đến năm 1991 Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã có 04 máy vi tính, trong đó 02 máy Olliveti M240, 01 máy Oliveti M290 do Italia sản xuất và 01 máy 286. Tất cả các cuộc điều tra thống kê định kỳ và đột xuất từ năm 1991 trở đi đều được xử lý bằng máy vi tính; chương trình nhập tin, kiểm tra, tổng hợp đều do cán bộ của Cục Thống kê trực tiếp đảm nhận. Giai đoạn này, Cục Thống kê còn tổ chức mở các lớp đào tạo và cấp chứng chỉ A tin học cho cán bộ các Sở, ban ,Ngành, UBND các huyện và các đơn vị cơ sở trong tỉnh theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước năm 1992, Ngành Thống kê sử dụng bảng cân đối kinh tế (MPS) để tính toán một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp. Ngày 25/12/1992 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 183/TTg của về áp dụng Hệ thống Tài khoản Quốc gia (SNA) để tính các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp thay cho hệ thống bảng cân đối kinh tế (MPS), nhằm để đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành và so sánh quốc tế trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ năm 1993,Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã triển khai một số cuộc điều tra chuyên đề thu thập thông tin và tính toán các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp chủ yếu của địa phương, nhất là chỉ tiêu GDP. Qua đó đã đánh giá tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, GDP bình quân đầu người theo USD của tỉnh và huyện.Các chỉ tiêu này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được sử dụng thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Các văn kiện Đại hội Đảng bộ của huyện và tỉnh thời kỳ này đã sử dụng các chỉ tiêu của hệ thống SNA trong đánh giá tình hình và xây dựng các mục tiêu phấn đấu của từng thời kỳ kế hoạch.

* Thời kỳ 1994 đến 2005 và đến nay :

Đây là thời kỳ đánh dấu sự phát triển tăng tốc về kinh tế, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghện thông tin đã có tác động lớn đến sự đổi mới và phát triển của Ngành Thống kê cả nước nói chung và Thống kê Lâm Đồng nói riêng. Đây là thời kỳ Luật Thống kê số 04/2003/QH11 ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2004; đến năm 2015 Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ra đời có hiệu lực từ 01/7/2016 thay thế Luật Thống kê số 04/2003/QH11. Hoạt động của Ngành Thống kê trong thời kỳ này đã được đổi mới cả về nội dung, phương pháp, hình thức theo hướng đa dạng hóa về chủng loại trên cơ sở đảm bảo 5 nguyên tắc: Trung thực, khách quan, đầy đủ, chính xác và kịp thời; kết hợp chặt chẽ giữa công tác số liệu, phân tích và dự báo thống kê…

Trong thời kỳ này, ngoài việc triển khai thực hiện các chế độ báo cáo và tổ chức các cuộc điều tra thống kê định kỳ và đột xuất theo quy định của Tổng cục Thống kê. Cục Thống kê đã phối hợp các ngành, các địa phương tiến hành thành công 3 cuộc Tổng Điều tra Dân số và nhà ở ( năm 1999 , 2009, 2019); 5 cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (1994, 2001, 2006, 2011 và 2016) và 5 cuộc Tổng điều tra các Cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (1997,2002,2007, 2012 và 2017). Tiến hành nghiên cứu xây dựng và ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp huyện cho từng thời kỳ 5 năm ( 1996-2000; 2001-2005 ; 2006 – 2010; 2010-2015; 2015-2020); hàng năm biên soạn và phát hành Niên giám thống kê bằng song ngữ (Việt-Anh) dưới dạng sách và đĩa CD-ROM với biểu đồ và hình ảnh minh họa đẹp và phong phú về nội dung. Đối với cấp huyện, hàng năm các Chi cục Thống kê cũng biên soạn và phát hành Niên giám thống kê của địa phương với nội dung ngày càng phong phú. Đồng thời với việc phát hành Niên giám thống kê, hàng năm Cục Thống kê còn biện soạn và phát hành nhiều ấn phẩm khác từ kết quả các cuộc Tổng điều tra, điều tra định kỳ, chuyên đề…Đặc biệt để phục vụ Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ các kỳ Đại hội Đảng và Đại hội Đảng các cấp, Ngành Thống kê đã phối hợp các cơ quan liên quan biên tập số liệu, phân tích đánh giá và kinh tế, xã hội qua từng thời kỳ và dự báo thời kỳ tiếp theo. Tham gia tích cực trong việc sưu tầm và biên soạn các ấn phẩm lớn của tỉnh như Địa chí Lâm Đồng, Chỉ số phát triển con người ( HDI), Dân tộc dân cư Lâm Đồng… được độc giả trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Lĩnh vực CNTT thời kỳ này được tiếp tục ứng dụng và phát huy tác dụng tích cực trong việc khai thác, trao đổi thông tin giữa Tổng cục Thống kê, các Cục Thống kê tỉnh bạn, giữa thống kê tỉnh và huyện một cách thuận lợi, nhanh chóng. Hiện nay hầu hết CBCC Cục Thống kê có trình độ tin học căn bản, sử dụng thành thạo các phần mềm, các chương trình xử lý điều tra, báo cáo do Tổng cục Thống kê cung cấp; số lượng máy vi tính đã đảm bảo 1 máy/ người.

Công tác Thanh tra thống kê tuy mới hơn 28 năm hoạt động nhưng đã có nhiều cố gắng trong công tác thanh tra nghiệp vụ, kiểm tra giám sát các cuộc điều tra, thanh tra chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị, doanh nghiệp…Có thể khẳng định hoạt động thanh tra thống kê đã thực sự là một công cụ phục vụ quản lý nghiệp vụ và thực hiện các quy định của Luật Thống kê và chế độ quy định của Ngành Thống kê trên địa bàn.

Trải qua hơn 45 năm xây dựng và phát triển ngành Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tích đáng trân trọng và tự hào: Cục Thống kê 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng ba (năm 1979 và 2007), 6 năm liền (2005-2010) được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua; mười năm liền (2011-2020) được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư tặng Cờ thi đua. Năm 2012 được Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng nhì, năm 2017 được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Lao động” hạng nhất. 15 năm liền (2005-2020) được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng nhiều Cờ và Bằng khen. Ngoài ra, còn có 5 tập thể là đơn vị trực thuộc Cục và 4 cá nhân được Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động” hạng ba, 1 tập thể và 1 cá nhân được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhì, 1 cá nhân được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhất và một số tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê (nay thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và UBND tỉnh; Hưởng ứng cuộc Vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Chi bộ Cục Thống kê và 1 cá nhân được Đảng ủy Khối các cơ quan và UBND tỉnh tặng Bằng khen.

 

Bối cảnh lịch sử
Quá trình xây dựng và phát triển: Giai đoạn 1975-1986
Quá trình xây dựng và phát triển: Giai đoạn 1987-1995
Quá trình xây dựng và phát triển: Giai đoạn 1996-2005
Quá trình xây dựng và phát triển: Giai đoạn 2006-2015
Bài học kinh nghiệm
Thành tích

 

(*) Địa bàn khu VI cũ gồm các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng (Lâm Đồng và Tuyên Đức) và Bình Phước (Bình Long và Phước Long) hiện nay.

 

© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt