Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 Huyện Đam Rông
Trích từ báo cáo kinh tế - xã hội năm 2016 của Chi cục Thống kê huyện Đam Rông

                I. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP-LÂM NGHIỆP-THỦY SẢN

1. Trồng trọt

1.1. Cây hàng năm

Giá trị sản xuất ngành trồng trọt theo giá so sánh đạt 700,4 tỷ đồng, bằng 99,79% KH và tăng 7% so với cùng kỳ; tổng diện tích gieo trồng đạt 15.894,4 ha, bằng 102% KH, tăng 1,59% so với cùng kỳ, trong đó:

Cây hàng năm 5.595,7 ha, bằng 101,1% KH, và 99,8% so với cùng kỳ, cụ thể: cây lương thực 4.361 ha, bằng 103,8 % KH, 99,5% so với cùng kỳ (lúa 2.071 ha, ngô 2.099,7 ha, bo bo 125 ha); cây tinh bột lấy củ 585 ha; cây thực phẩm 470 ha; cây hàng năm khác 179,7 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 19.692 tấn, bằng 99,66% KH, tăng 1,4% so cùng kỳ. Tính đến ngày 10/12/2016, Lúa mùa thu hoạch 95,2% so với cùng kỳ và 98,7% so với kế hoạch. Trong đó:

+ Rau các loại: Gieo trồng 300,2 ha, tăng 0,1% kế hoạch và tăng 1,6% (+4,6 ha) so với cùng kỳ. Năng suất bình quân ước đạt 136,8 tạ/ha, tăng 1,6% so với cùng kỳ; sản lượng 4.106 tấn, tăng 3,2% do diện tích và năng suất đều tăng.

+ Đậu các loại: Diện tích 170 ha, bằng 97,1% so với kế hoạch, giảm 3,6% (-6,4 ha) so với cả năm 2015. Năng suất ước đạt 14,8 tạ/ha, sản lượng đạt 251,9 tấn, bằng 93,1% kế hoạch và 98,7% so với cùng kỳ.

+ Cây có hạt chứa dầu: Thực hiện 155,5 ha, bằng 65,3% so với kế hoạch tăng 17,4 so với năm 2015. Năng suất bình quân ước đạt 12,97 tạ/ha, sản lượng 201,7 tấn bằng 65,2% kế hoạch, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Diện tích loại cây trồng này tăng do bà con chủ động chuyển đổi giống cây trồng, canh tác các loại cây có giá bán cao, ổn định, ít sâu bệnh.

+ Mía: Giữ nguyên diện tích 4 ha ở xã Đạ Rsal và Rô Men do giá mía không ổn định, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên các địa phương trong huyện không mở rộng diện tích. Năng suất 480 tạ/ha, sản lượng đạt 192 tấn, bằng 100% so năm 2015.

+ Cây hàng năm khác: Ước thực hiện 20 ha cỏ, bằng 100% kế hoạch, tăng 66,7% so với cùng kỳ; chủ yếu là giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi theo chủ trương phát triển đàn bò thịt của huyện.

Do có năng suất vượt trội so với bắp, lúa, siêu cao lương Bobo có diện tích tăng đột biến 125 ha được trồng xen với rừng trồng 30a và cà phê trồng mới, tập trung ở xã Rô Men và tại các Tiểu khu 176, 181, Tây Sơn... xã Liêng Srônh.

1.2. Cây lâu năm

Tổng diện tích là 10.298,7 ha, bằng 102,6% KH, tăng 2,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là diện tích cây cà phê 8.500 ha, bằng 102,4% KH, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong năm đã , trồng mới 200 ha, tái canh 20 ha cà phê, trồng mới 74,5 ha cây ăn trái và 30 ha cây trồng khác. Cụ thể:

+ Cây ăn quả: Diện tích hiện có 644,7 ha, tăng 4% so với kế hoạch năm, tăng 13,1% so với cả năm 2015 (+74,5 ha). Diện tích tăng chủ yếu ở các loại xoài, chanh dây, chôm chôm ... được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và vốn tự có của nhân dân. Các loại cây khác hiện diện tích ổn định, tăng nhẹ so với năm 2015 như: sầu riêng, bơ, mít...  Ước tính cả năm thu hoạch 368 ha diện tích cho sản phẩm, năng suất 118,6 tạ/ha, sản lượng 4.365,3 tấn tăng 3,2% so với kế hoạch và 86,4% (+2.203,3 tấn)  so với cùng kỳ do diện tích cho sản phẩm tăng.

+ Cây cà phê: Diện tích 8.500 ha, tăng 2,4% kế hoạch so với cùng kỳ (+200 ha trồng mới), ghép cải tạo 20 ha. Hiện đang tiến hành thu hoạch cà phê đại trà, nhìn chung năng suất, sản lượng tăng so với năm trước. Tổng diện tích cho sản phẩm  7.405,7 ha, tăng 3,5% (+252,4 ha) so cùng kỳ. Ước  năng suất cà phê bình quân toàn huyện năm 2016 đạt 26,5 tạ/ha, tăng 1,7% so với năm 2015; sản lượng 19.619,6 tấn, tăng 5,2 % (+978,1 tấn) so niên vụ trước do năng suất và diện tích cho sản phẩm tăng.

+ Cây điều: Hiện nay cây điều được khuyến khích chuyển đổi sang các loại cây khác có giá trị cao hơn. Trong năm, đã chuyển đổi 96,6 ha sang trồng cà phê, trồng mới 20 ha điều ghép từ giống điều chùm năng suất cao; diện tích hiện có 300 ha. Đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt 7 tạ ha, sản lượng 196 tấn; chủ yếu tại 3 xã khu vực Đầm Ròn.

+ Cây hồ tiêu 51,2 ha, tăng mạnh 216% (+35 ha) so với cùng kỳ do giá tiêu hiện ở mức cao 135 ngàn đồng/kg hạt khô nên diện tích được mở rộng tại các xã Đạ Rsal, Rô Men.

+ Cây gia vị: Diện tích cà ri 3 ha giữ nguyên ổn định bằng năm trước, chủ yếu được trồng xung quanh vườn cây lâu năm để làm hàng ranh, đồng thời tăng thu nhập từ kinh tế vườn hộ. Diện tích gừng ước tăng 16,7% so với kế hoạch và 40% (+5 ha) so với cùng kỳ và cả năm 2015.

+ Cây lâu năm khác: Các loại cây lâu năm khác diện tích tăng nhẹ so với năm 2015. Cây dâu tằm tăng 10ha (+5,42%); cây mác ca tăng 21,9% so với cùng kỳ... Nhìn chung, cây trồng loại này ổn định và sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích canh tác tập trung ở các xã: Đạ Rsal, Phi Liêng, Đạ K’Nàng.

Cà phê, thu hoạch 90,5% diện tích cho sản phẩm năng suất bình quân ước đạt 26,5 tạ/ha.

2. Chăn nuôi

 Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 75.983 triệu đồng đồng, bằng 113,4% KH, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục ổn định và phát triển, các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: tiêm văc xin, tiêu độc, khử trùng định kỳ... được thực hiện đúng kế hoạch và đạt kết quả tốt, không để xảy ra các loại dịch bệnh. Tổng đàn gia súc toàn huyện là 19.822 con, (đàn bò 5.199 con, bằng 104% KH, tăng 8,43% so với cùng kỳ; heo 14.339 con, bằng 100,17% KH, tăng 0,2% so với cùng kỳ; trâu 236 con, bằng 64,48% KH, bằng 69,82% so với cùng kỳ; dê 500 con); tổng đàn gia cầm 106.541 con, bằng 138,18% KH, tăng 20,53% so với cùng kỳ; tổng sản lượng kén tằm 355 tấn, bằng 159,52% KH, tăng 67,5% so với cùng kỳ.  

3.Lâm nghiệp

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 87.888 triệu đồng, bằng 70,54% KH, tăng 7% so với cùng kỳ.

- Trồng rừng, trồng cây phân tán: Đến nayđã trồng 15.762 cây phân tán bằng 100% kế hoạch. Ước năm 2016, trồng 350 ha/1.000 ha rừng sản xuất từ các nguồn vốn khác nhau.

- Công tác chăm sóc, giao khoán quản lý bảo vệ rừng: Đến nay đã giao khoán QLBV 38.246,36 ha cho 2.640 hộ và 03 tập thể. Ước cả năm chăm sóc 3.500 ha rừng trồng các năm 1, 2, 3., trên địa bàn huyện có 13 cơ sở gây nuôi với tổng số 65 cá thể Nhím, Dúi, Hươu Sao, Nai...

- Mùa khô năm 2015-2016 trên địa bàn đã xảy ra 04 vụ cháy gây thiệt hại 4,085 ha rừng trồng.

- Năm 2016, đã phát hiện và xử lý 128 vụ vi phạm lâm luật, tăng 17 vụ so với cùng kỳ, xử lý hành chính 100 vụ, xử lý hình sự 21 vụ, lâm sản tịch 449,09m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 446,39 triệu đồng.

4. Thủy sản

Năm 2016, diện tích nuôi thả đạt 100 ha tăng 2,5% so với cùng kỳ; sản lượng 246 tấn cá các loại, bằng 61,5% kế hoạch, tăng 9,4%  so với cùng kỳ. Diện tích nuôi thả chủ yếu là diện tích chứa nước để tưới cây lâu năm tận dụng thả cá để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Trong năm, lượng mưa khá lớn trải đều khắp huyện nên diện tích ao - hồ có đủ nước, cùng với việc tận dụng các hồ thủy lợi trên địa bàn làm tăng diện tích nuôi thả của huyện.

II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP- XÂY DỰNG CƠ BẢN

Tổng vốn đầu phát triển từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2016 181.297 triệu đồng. Trong đó, huyện được phân cấp 167.797 triệu đồng, đầu tư xây dựng 106 công trình, dự án, trong đó 28 công trình chuyển tiếp và 70 công trình xây mới, 08 công trình duy tu, nâng cấp. Ước khối lượng thực hiện, giá trị giải ngân đạt 163.017 triệu đồng, bằng 97,15% KH. Cơ bản các công trình trọng điểm, công trình phục vụ sản xuất, dân sinh đều hoàn thành đúng tiến độ. Vốn hỗ trợ 13.500 triệu đồng, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa - giáo dục trên địa bàn.

 Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt 98.744 triệu đồng (giá so sánh), bằng 58,06% so với kế hoạch và tăng 11,1% so với cùng kỳ (riêng công nghiệp cá thể 63.882,5 triệu đồng, tăng 166,2% so với kế hoạch tỉnh giao và tăng 5,4% so với cùng kỳ); theo giá thực tế đạt 140.585 triệu đồng, bằng 47,17% so với kế hoạch và tăng 14,9% so với cùng kỳ, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là cát, sỏi xây dựng, cửa sắt, may mặc, đan, dệt thổ cẩm...Hiện trên địa bàn huyện có 03 công trình Thủy điện đã và đang triển khai, trong đó: công trình Thủy điện Đắk Mê và Thủy điện K'rông Nô 2,3 hoàn thành và hòa lưới điện 35 KV; Thủy điện Đạ M'rông đang trong giai đoạn khảo sát, lập dự án đầu tư.

III. THƯƠNG MẠI- GIÁ CẢ- VẬN TẢI

 Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2016 ước thực hiện được 42.892 triệu đồng, bằng 102% KHPL, bằng 99,23 KHPĐ, trong đó: thuế quản lý 22.255 triệu đồng, bằng 97% KH (thuế phí 15.095  triệu đồng, bằng 86% KH; cấp quyền thuê đất 7.160  triệu đồng, bằng 130% KH); thu biện pháp tài chính 20.637 triệu đồng, bằng 109% KH.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 378.914 triệu đồng bằng 122,4% so với dự toán. UBND huyện chỉ đạo thực hiện chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Cho vay vốn tín dụng chính sách là 64.000 triệu đồng/2.133 lượt vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách là 175.155,8 triệu đồng/6.286 hộ. Ngoài ra, Ngân hàng NN&PTNT đã giải ngân 223.000 triệu đồng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Trong tháng, giá một số mặt hàng chủ yếu như sau: Nhóm hàng nông sản; giá cà phê hiện còn 41.000 đ/kg, tiêu hạt 135.000 đ/kg, ngô hạt 5.500 đ/kg, thóc tẻ thường 6.000, lá dâu 4.200 đ/kg, kén tằm 110.000 đ/kg, gạo tẻ thường 13.000 đ/kg, rau cải ngọt 10.000 đ/kg, đậu phụng 40.000 đ/kg, cá các loại bình quân 55.000 đ/kg; nhóm hàng thực phẩm, thịt heo hơi bình quân 44.000 đ/kg, gà ta 110.000 đ/kg; xăng RON 92 giá 17.200 đ/lít; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông ổn định so với tháng trước.

Tổng doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa đạt 104.675,6 triệu đồng, bằng 82,7% KH, tăng 7,44% so với cùng kỳ, trong đó: vận chuyển hàng hóa đạt 69.391 triệu đồng, tương đương 563,6 nghìn tấn; vận chuyển hành khách đạt 35.285 triệu đồng, tương đương 376,6 nghìn lượt người; nhìn chung giao thông vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

IV. VĂN HÓA XÃ HỘI

 Trong năm, ngành văn hóa đã đưa 292 tin, bài lên wessite của huyện; xây dựng 1.970 tin, bài, phóng sự, ghi nhanh phát trên hệ thống truyền thanh, truyền hình; tổ chức 8 giải thể thao, 9 hội thi, hội diễn, 20 đêm văn nghệ phục vụ nhân dân... Tổ chức 02 đợt kiểm tra đối với 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, qua kiểm tra đã phát hiện và nhắc nhở 10 cơ sở vi phạm. Đến nay, toàn huyện có 48/56 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa chiếm tỷ lệ 85,7%; 85/102 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 83,3 và 8.855/ 11.540 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 76,73%;

Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đổi mới căn bản toàn diện theo Chương trình hành động số 71-CTr/HU của Ban thường vụ Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy về nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương đến năm 2015 và những năm tiếp theo; chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh vùng khó khăn; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu giảng dạy. Năm học 2015-2016, tỷ lệ duy trì sĩ số ở các cấp học khá cao; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 89,65% (có 381 HS tốt nghiệp/425 HS dự thi).

Năm học mới 2016-2017 được triển khai theo đúng kế hoạch, hiện các trường đã ổn định nề nếp, sắp xếp, bố trí đội ngũ, phân công chuyên môn và tổ chức giảng dạy theo chương trình.

Hiện nay, toàn huyện có 37 trường/503 lớp học; có 7 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (02 trường Mầm non, 04 trường Tiểu học và 01 trường THCS); tổng số học sinh trong toàn huyện là 14.569 học sinh, trong đó: mầm non 3.091 HS, tiểu học 6.163 HS, THCS 3.488 HS, THPT 1.827 HS.

 Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tiếp tục được duy trì, nhất là khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng BHYT và trẻ em dưới 6 tuổi... Triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt các loại dịch bệnh như vi rút Zika, sốt rét, sốt xuất huyết và các loại dịch bệnh phát sinh theo mùa; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Trong năm, đã tổ chức khám bệnh cho 82.608 lượt người, điều trị 7.047 bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú 4.516 bệnh nhân, điều trị ngoại trú 2.531 bệnh nhân;  tổ chức 05 đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với 210 lượt cơ sở, qua kiểm tra phát hiện 79 cơ sở vi phạm, đã tiến hành xử lý 23 cơ sở, nhắc nhở 56 cơ sở. Trung tâm y tế huyện đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật về phẫu thuật, đến nay đã thực hiện thành công 50 ca mổ. Toàn huyện có 5/8 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8/8 trạm có bác sỹ.

 Công tác dân số KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được quan tâm chỉ đạo, trong đó đã tập trung tuyên truyền, tư vấn tại cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa của chính sách dân số, đồng thời đảm bảo hậu cần và cung cấp đủ các dịch vụ DS-KHHGĐ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,62% (KH là 1,63%).

Tổ chức thăm hỏi tặng quà kịp thời nhân dịp Tết nguyên đán, ngày thương binh liệt sỹ; chủ động liên hệ với các tổ chức chính trị xã hội,tiếp nhận và hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, cụ thể: 

Tặng quà dịp Tết Nguyên đán Bính Thân: 1.459,15 triệu đồng/ đối tượng; tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 464 lượt đối tượng nhân ngày Thương binh liệt sỹ  với tổng kinh phí 96,9 triệu đồng; hỗ trợ 17 hộ nghèo về nhà ở theo đề án của UBND tỉnh giai đoạn 2016-2020;

Hỗ trợ 03 căn nhà tình nghĩa, tổng trị giá 180 triệu đồng; hỗ trợ 12 tivi , 109 con bò cái sinh sản, 359 điện thoại, sim cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và 140 suất học bổng cho trẻ em học giỏi có hoàn cảnh khó khăn từ Tập đoàn Viễn thông quân đội - chi nhánh Viettel Lâm Đồng.

 Chi trả trợ cấp cho 1.301 đối tượng BTXH với số tiền 5.093,4 triệu đồng, 230 người có công với số tiền 4.525 triệu đồng. Tổ chức cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 48.740 người, nâng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,7%.

 Công tác phòng, chống hạn hán: Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino và nắng hạn kéo dài, từ đầu mùa khô đến cuối tháng 4/2016 trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng khô hạn gay gắt nên có 400 ha cà phê, 140 ha lúa và một số cây trồng khác bị giảm năng suất do thiếu nước tưới. UBND huyện đã chỉ đạo tập trung chống hạn như: kiểm tra, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi; triển khai đề án đào ao, hồ nhỏ (đã vận động nhân dân đào được 758 ao hồ nhỏ); khuyến cáo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Tình hình thiệt hại do thiên tai: năm 2016, trên địa bàn huyện xảy ra 05 trận lốc xoáy kèm mưa lớn, lũ quét ở các xã: Liêng S'rônh, Rô Men, Đạ Tông, Đạ M’rông gây thiệt hại ước khoảng 3.380 triệu đồng và làm chết 01 người; ngay sau khi các đợt lốc xoáy, lũ quét xảy ra, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo ngành chức năng, phối hợp với UBND các xã kiểm tra, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, kịp thời giúp người dân ổn định cuộc sống.

 Tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình nông thôn mới năm 2016 là 11.852 triệu đồng, đầu tư 20 công trình, dự án, khối lượng thực hiện, giá trị giải ngân là 14.008 triệu đồng, đạt 100% KH. Trong năm, toàn huyện đã huy động nhân dân đóng góp ngày công, tiền mặt, hiến đất, hiến cây trồng để xây dựng các công trình nông thôn mới tương đương với số tiền 8.845 triệu đồng.

 Toàn huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, có một xã đạt 17/19 tiêu chí, hai xã đạt 14/19 tiêu chí, một xã đạt 8 tiêu chí, một xã đạt 10 tiêu chí, hai xã đạt 11 tiêu chí, một xã đạt 12 tiêu chí. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn  huyện đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết, 2 người bị thương (so với cùng kỳ giảm 04 vụ, 1 người chết và 04 người bị thương); qua tuần tra đã lập biên bản và xử lý hành chính 1.711 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 793,21 triệu đồng, nhìn chung tình hình an toàn giao thông cơ bản được kiểm soát, ổn định, không có các điểm đen về  tai nạn giao thông.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt