Tin tức - Sự kiện
Lâm Đồng: Khắc phục khó khăn hoàn thành tốt Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016
Bài phỏng vấn của phóng viên Tạp Chí Con số và Sự kiến với Ông Nguyễn Văn Yên, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 tỉnh Lâm Đồng

 

 

       PV: Ông có thể cho biết những thông tin thu thập được từ cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 giữ vai trò thế nào đối với công tác hoạch định chiến lược, giám sát thực hiện vần đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại địa phương, thưa Ông?

       Ông Nguyễn Văn Yên: Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những thông tin thu thập được từ cuộc Tổng điều tra có vai trò quan trọng, phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết quả của Tổng điều tra giúp địa phương, cụ thể:

(i) Đánh giá thực trạng, kết quả thực hiện đường lối, chính sách, chương trình mục tiêu của Đảng và Nhà nước về khu vực nông nghiệp và nông thôn; đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương; trong đó sẽ tập trung đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung trong các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

(ii) Kết quả Tổng điều tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về nông nghiệp và nông thôn; biết được vị thế của Lâm Đồng so với các tỉnh/thành trong cả nước và các tỉnh trong khu vực trên từng chỉ tiêu cụ thể khu vực nông nghiệp và nông thôn; là cơ sở để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trong giai đoạn tới;

(iii) Là cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu, làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ của các năm tiếp theo.

PV: Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là cuộc Tổng điều tra lần thứ 5 do ngành Thống kê chủ trì triển khai. So với những cuộc Tổng điều tra trước, Tổng điều tra lần này diễn ra ở địa phương có gặp khó khăn, trở ngại gì và nếu có, biện pháp khắc phục ra sao, thưa Ông?

        Ông Nguyễn Văn Yên: So với những cuộc Tổng điều tra trước, cuộc Tổng điều tra lần này phạm vi rộng hơn,  kết hợp thu thập thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và điều tra thông tin thứ cấp như lao động trong khu tập thể ở nông thôn, kết quả xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn, sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP…. Trong quá trình triển khai cuộc Tổng điều tra tại địa phương sẽ gặp một số khó khăn: Lâm Đồng là tỉnh miền núi, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khá đông (chiếm 24%), địa bàn trải rộng, đi lại khó khăn. Đặc biệt, thời điểm điều tra ở Tây Nguyên vào giữa mùa mưa sẽ ảnh hưởng đến tiến độ điều tra. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh phải huy động gần 4 nghìn điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên để triển khai điều tra 188.633 hộ nông thôn và 45.371 hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản ở thành thị để thu thập thông tin cơ bản về hộ, trong đó có 1.308 hộ điều tra mẫu ở nông thôn; 841 trang trại; 146  xã/phường/thị trấn. Do phải huy động lực lượng điều tra viên, giám sát viên rất lớn nên chất lượng ĐTV sẽ khó đồng đều; trong khi đó đối tượng điều tra, nhất là vùng đồng bào dân tộc trình độ văn hóa còn hạn chế nên việc thu thập thông tin chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

Để khắc phục khó khăn đã nêu, đảm bảo thu thập thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo yêu cầu của Phương án Tổng điều tra; Ban Chỉ đạo tỉnh đã và đang triển khai một số giải pháp:

Một là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức trên mọi phương tiện thông tin đại chúng (loa, đài, áp phích) kết hợp với tổ chức họp dân nhằm nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra...

Ba là, chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp xã/phường làm tốt khâu tuyển chọn lực lượng điều tra viên và tổ trưởng là những người am hiểu địa bàn, nhiệt tình, có trình độ tham gia điều tra; phân công cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, xã trong khâu tập huấn nghiệp vụ, giám sát kiểm tra địa bàn trong suốt quá trình điều tra.

       PV: Với tính chất của cuộc Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 là cuộc điều tra toàn bộ xen lẫn chọn mẫu và diễn ra trên phạm vi cả nước thì số liệu thu được từ Tổng điều tra là rất lớn, vậy địa phương đã có kế hoạch sử dụng bộ số liệu giá trị này ra sao, thưa Ông?

       Ông Nguyễn Văn Yên:Theo kế hoạch, số liệu Tổng điều tra sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 12/2016, kết quả chính thức công bố vào quý III/2017. Với kho dữ liệu lớn về nông nghiệp, nông thôn như vậy, Ban Chỉ đạo tỉnh giao cho Cục Thống kê tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành phân tích, đề xuất trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:  Đối với kết qủa tổng hợp nhanh tập trung phân tích sơ bộ về thực trạng cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đây là cơ sở để định hướng đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong những năm tiếp theo. Đối với kết quả chính thức: tập trung phân tích theo các nội dung sau:   Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng nông nghiệp, nông thôn và nông dân; phân tích xu hướng biến đổi, đánh giá kết qủa tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi của tỉnh và các địa phương.  Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn. Qua đó, đề xuất TW điều chỉnh chương trình mục tiêu Quốc gia cho phù hợp giai đoạn hiện nay. Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác./-

          PV: Trân trọng cảm ơn Ông!

Nguồn Tạp chí Con số và Sự kiện tháng 6/2016

  

 

Một số kết quả nổi bật về nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Lâm Đồng:

- Về nông nghiệp: Lâm Đồng hiện có 43.084 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác; trong đó diện tích rau, hoa, cây đặc sản có 15.184,2 ha (cây rau 12.655,2 ha, cây hoa 2.424 ha và cây đặc sản 105 ha), sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao 5.854 ha. Tổng đàn bò sữa 17.093 con, trong đó chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp chiếm 20%, còn lại tại các nông hộ, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sữa. Toàn tỉnh có trên 50 cơ sở sản xuất giống rau hoa áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, diện tích nhà kính nhà lưới trên 4 nghìn ha, ứng dụng hệ thống tưới tự động trên 18.283 ha; 83 cơ sở, hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng (GlobalGAP, VietGAP, Oganic, UTZ, 4C …). Cơ cấu kinh tế  ngành nông nghiệp chiếm 47,5% trong tổng giá trị tăng thêm (VA) của tỉnh. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên  một ha đất trồng trọt bình quân năm 2015 đạt 145 triệu đồng/ha.

          -Về nông thôn: Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã được công nhận đạt chuẩn NTM;  23 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 35 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và 15 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã; huyện Đơn Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm. 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt