Tin tức - Sự kiện
Tình hình lao động, việc làm tỉnh Lâm Đồng quý I năm 2022

Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong quý I/2022, tỉnh Lâm Đồng nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội và mang lại hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động đã phục hồi trở lại cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh.

            1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên (LLLĐ) của tỉnh Lâm Đồng trong quý I năm 2022 là 786,9 nghìn người, trong đó có 779,2 nghìn người đang làm việc và 7,7 nghìn người thất nghiệp. Trong tổng số LLLĐ của tỉnh, nữ giới chiếm 48,3%, thực tiễn cho thấy trong quý I/2022 cơ hội việc làm của nữ vẫn thấp hơn nam giới.

LLLĐ giảm hơn 2,9 nghìn người so với quý IV/2021 và 4,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Giảm gồm ba lý do chính sau: (1). Quý I/2021 tỉnh Lâm Đồng chưa có ca dương tính với Covid-19 (ngày 02/7/2021 lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát hiện có 2 ca dương tính với dịch bệnh Covid-19 tại huyện Đạ Tẻh); (2). Dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến số người ngoài độ tuổi lao động tham gia làm việc ít hơn, số người bị dương tính với dịch bệnh Covid-19 ở mức cao; (3). Số lao động thất nghiệp trong quý I/2022 đi làm việc ngoài tỉnh tiếp tục gia tăng (bao gồm thất nghiệp tiềm tàng và số người trở về tỉnh Lâm Đồng từ các tỉnh, tp sau đợt dịch Covid-19  quý 3 và quý 4/2021).

Kinh tế vùng nông thôn tiếp tục duy trì phát triển ổn định, các chính sách xã hội tiếp tục được triển khai góp phần tạo công ăn việc làm ổn định. Vùng nông thôn hàng quý bổ sung vào LLLĐ vẫn tiếp tục gia tăng nhiều hơn thành thị. Trong tổng 786,9 nghìn người thuộc LLLĐ thì ở khu vực nông thôn chiếm 63,3%, tương đương 498,1 nghìn người, cao gấp 1,72 lần so với khu vực thành thị với 288,8 nghìn người (chiếm 36,7%). Do đó, khu vực nông thôn vẫn là nơi cần có các chương trình khai thác nguồn lực lao động, tạo việc làm và tiếp tục đào tạo nghề nhiều hơn.

            2. Số người có việc làm

             Thực trạng lao động, việc làm của tỉnh Lâm Đồng trong quý I/2022 so với cả nước và vùng Tây Nguyên có nhiều thuận lợi, mặc dù trong thời gian qua cùng với khó khăn chung của cả nước, đặc biệt là đối với ngành dịch vụ, nhưng nhìn chung đã có bước chuyển biến thuận lợi hơn. Đối với sản xuất nông nghiệp việc làm nhìn chung ổn định, nhất là sản xuất rau, củ, hoa,..giá ổn định tăng, đã tạo cơ hội mở rộng sản xuất và tăng số lượng lao động có việc làm. Đối với tỉnh Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp vẫn là nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động của tỉnh, còn các hoạt động phi nông nghiệp đang hồi phục trở lại.

Số người từ 15 tuổi có việc làm trong quý I năm 2022 vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng đã tăng trở lại so với quý IV/2021. Thị trường lao động đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận.

Quý I năm 2022, số người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ở tỉnh Lâm Đồng là 779,2 nghìn người, tăng gần 1,3 nghìn người so với quý IV/2021, nhưng giảm gần 5,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông thôn chiếm 63,9% trong tổng số lao động đang làm việc, tương đương với 497,9 nghìn người, cao gấp 1,77 lần so với khu vực thành thị với 281,3 nghìn người và chiếm 36,1%.

Lao động đang làm việc ở khu vực Nông, lâm, thuỷ sản (khu vực I) và khu vực Dịch Vụ (khu vực III) có tỷ trọng lao động chiếm chủ yếu trong tổng số lao động của cả nền kinh tế, trong đó khu vực I giải quyết việc làm nhiều nhất, sử dụng gần hai phần ba lao động làm việc của toàn tỉnh, chiếm 67,7%; khu vực Công nghiệp và xây dựng (khu vực II) chiếm 8,2% và khu vực III chiếm 24,1%. Điều đáng chú ý là trong tổng số lao động thuộc khu vực I của tỉnh Lâm Đồng thì số người làm thuê rất lớn, dao động theo mùa vụ trong năm và chiếm từ 10 đến 30% trong tổng số lao động thuộc khu vực I, có nghĩa là cứ 100 lao động thuần nông thì có khoảng 10-30 người làm thuê cho hộ nông nghiệp hoặc là công nhân trồng chăm sóc chè, làm thuê trồng chăm sóc rau, hoa,…cà phê.

Đối với ngành công nghiệp của Lâm Đồng ổn định dần trước khó khăn của dịch bệnh Covid-19 và tiếp tục vẫn duy trì, khu vực kinh tế cá thể vẫn tiếp tục tăng. Các hoạt động xây dựng tiếp tục đầu tư và tạo thêm việc làm, dẫn đến tỷ trọng lao động khu vực II tuy có giảm so với cùng kỳ, nhưng tăng 3,2 nghìn người có việc làm so với quý IV/2021.

Đối với lao động đang làm việc ở khu vực III, chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, dẫn đến tỷ trọng lao động giảm 1,2% so cùng kỳ, tương đương với số lượng lao động giảm là 10,8 nghìn người. Tuy nhiên từ khi triển khai hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, bảo đảm mục tiêu công tác phòng, chống dịch, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” từ đó ngành du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải, …vượt khó khăn, ổn định và đã hồi phục, tạo thêm nhiều việc làm trong quý I/2022. So với quý IV/2021 tỷ trọng lao động khu vực III đã tăng lên 0,7%, tương đương với số lao động có việc làm tăng 5,8 nghìn người.

Quý I/2022 phần lớn lao động có việc làm mới, lao động thất nghiệp được giải quyết trong SXKD của khu vực I và đang có xu hướng chuyển dần sang khu II và khu vực III, trong đó lao động có việc làm phần lớn tập trung vào lao động gia đình, tự làm hoặc đi làm thuê hoặc buôn bán và đi phụ trong ngành xây dựng thuộc nhóm lao động phi chính thức.

            3. Thiếu việc làm và thất nghiệp

Quý I/2022 toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 16,1 nghìn người thiếu việc làm (tỷ lệ thiếu việc làm là 2,05%), trong đó khu vực nông thôn có 4,4 nghìn người (tỷ lệ là 0,89%), còn khu vực thành thị có 11,7 nghìn người thiếu việc làm, tương ứng tỷ lệ thiếu việc làm là 4,05%; qua số lượng người thiếu việc làm cho thấy trước diễn biến dịch bệnh, công việc làm thiếu ổn định dẫn đến nhu cầu muốn làm thêm rất cao, điều này nói lên tiềm ẩn về đời sống của người dân mong muốn làm thêm việc để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống trong thời gian tới còn nhiều diễn biến khó lường, nhất là đối với khu vực thành thị. Tỷ lệ thất nghiệp quý I/2022 là 0,98%, tương đương với 7,7 nghìn người thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 2,14%, tương đương với 6,2 nghìn người; còn khu vực nông thôn có 1,5 nghìn người thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp là 0,31%.

Trong quý I/2022, số người đủ điều kiện đang được hưởng chi trả bảo hiểm thất nghiệp là 2.519 người, còn lại thất nghiệp thuộc lực lượng lao động trẻ và thất nghiệp tiềm tàng có 5.204 người.

Qua kết quả tổng hợp nhanh điều tra lao động - việc làm hàng tháng của ngành Thống kê, kết hợp với số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp và thất nghiệp tiềm tàng do hệ lụy của dịch Covid-19 vẫn bị tác động, cũng như thất nghiệp của lao động trẻ đi tìm việc và chưa có việc làm, cho thấy tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã giảm nhanh so với so với quý IV/2021. Qua số liệu tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp quý I/2022 có thể đánh giá sơ bộ như sau:

- Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm so với cùng kỳ nhìn chung có nhiều biến động tăng, nhưng so với cuối năm 2021 đã giảm khá lớn, qua đó đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, vừa ổn định đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, triển khai các chương trình kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, góp phần giảm thiểu về thiệt hại về kinh tế, an sinh xã hội, việc làm và thu nhập của mọi người dân và trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì tăng trưởng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với nông sản sạch, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao.

 - Trước những khó khăn chung của cả nước và tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trong năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã được sự quan tâm kịp thời của Nhà nước chi hỗ trợ cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do dịch bệnh Covid-19; đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm mới, quan tâm đầu tư lớn đến những vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo và hộ cận nghèo và hỗ trợ nông dân trong vấn đề khuyến nông và tình hình dịch bệnh trên cây trồng ít xẩy ra và cơ bản được khống chế. Qua đó người lao động đã tự vươn lên và tìm kiếm được việc làm mới nhiều hơn.

 Tuy nhiên, đối với lao động thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực thành thị của tỉnh Lâm Đồng còn nhiều tiềm ẩn, khó lường và còn khó khăn đó là ngoài dư thừa lao động trẻ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, còn có thêm thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.   


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt