Tin tức - Sự kiện
Tình hình sản xuất công nghiệp tỉnh Lâm Đồng quý I năm 2022

Kinh tế – xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và U-crai-na đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Dự báo gần đây về tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đồng thời đạt được mục tiêu của Nghị Quyết Đại hội XIII, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.  Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế – xã hội ba tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số … đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp. Sản xuất công nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong quý I năm nay được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Một số nét khởi sắc về tình hình sản xuất công nghiệp quý I năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng như sau:

Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp: Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp quý I đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 23,17% so với cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 23,86%; ngành chế biến, chế tạo tăng 21,67%;  ngành sản xuất và phân phối điện tăng 26,7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.

Chỉ số sản xuất quý I/2022 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 22,47%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 38,56%; sản xuất kim loại tăng 25,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 26,7% ...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,87%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 52,71%; in và sao chép bản ghi giảm 15,14%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 21,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 60,04%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 31,95%; sản xuất kim loại tăng 69,15%...

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3/2022 giảm 33,91% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 13%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 84,96%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,9%; sản xuất kim loại giảm 78,38%...

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất đồ uống tăng 67,76%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 78,09%...

Một số nguyên nhân tăng, giảm của các chỉ số: ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Nga và Uraine tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá năng lượng, nguyên liệu, khoáng sản, lương thực tăng cao, nguồn cung cấp một số sản phẩm trên thị trường thiếu hụt như phân bón, quặng kim loại… Ngoài ra, do nhu cầu xây dựng, đầu tư vào mùa vụ sản xuất trong nghiệp nên các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đẩy mạnh khai thác, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Riêng ngành sản xuất điện: một số nhà máy tăng cường sản xuất mạnh theo kế hoạch điều động của Trung tâm điều động điện quốc gia, đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn cho hệ thống hồ, đập thủy điện, sản lượng điện sản xuất. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm như ngành sản xuất chế biến thực phẩm, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ do nguồn nguyên liệu đầu vào như chè, hạt điều tăng giá cao hoặc sản lượng thấp; đơn đặt hàng xuất khẩu không nhiều nên gặp khó khăn trong sản xuất; nguồn nguyên liệu gỗ ít và chính sách hạn chế khai thác cũng ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp.

Nhận định xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý I năm 2022 so quý IV năm 2021 không khả quan khi có chỉ số cân bằng (CSCB)([i]) -27,12%; trong đó: doanh nghiệp nhà nước có CSCB -14,29%; doanh nghiệp ngoài nhà nước có CSCB   -27,66%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có CSCB -40%. Chỉ số cân bằng chia theo ngành kinh tế: ngành sản xuất chế biến thực phẩm -45,45%; ngành sản xuất đồ uống -100%; ngành dệt -37,5%; ngành in, sao chép bản ghi các loại -100%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác -40%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế -50%. Riêng ngành ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ +14,29%; sản xuất kim loại và ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu có CSCB +100%.

Trong quý tiếp theo (quý II năm 2022 so với quý trước), hầu hết các doanh nghiệp nhận định môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, cụ thể là chỉ tiêu tình hình sản xuất kinh doanh có chỉ số cân bằng +27,12%. Doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất thực phẩm, dệt, sản xuất giấy, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại có CSCB>0 với nhận định nền kinh tế dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn, đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng tăng giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn, đầu tư hơn và kỳ vọng sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất, mặt khác ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng đã tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh.

 

 

 

 



[i] Chỉ số cân bằng (CSCB): Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh chế biến, chế tạo (tốt lên – khó khăn hơn).

 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt