Tin tức - Sự kiện
Công tác thi đua, khen thưởng ngành Thống kê Lâm Đồng
(Báo cáo tham luận tại Hội nghị Điển hình tiên tiến ngành Thống kê năm 2015 ngày 10/4/2015 tại thành phố Đà Lạt)

 Công tác thi đua vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong việc triển khai thực hiện các công việc được giao, gắn trách nhiệm với quyền lợi, kiên quyết không chạy theo thành tích mà xem nhẹ chất lượng, hiệu quả công việc.

Trước năm 2004, công tác thi đua của ngành chưa được quan tâm đúng mức nên hầu như không đạt được thành tích cao. Từ năm 2004 đến nay, ngành Thống kê Lâm Đồng đã chú trọng đến công tác thi đua, khen thưởng, đã xây dựng tốt phong trào thi đua nên đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ.

Cục Thống kê Lâm Đồng luôn lấy việc hoàn thành kế hoạch làm nội dung cơ bản của công tác thi đua; lấy kết quả thi đua làm căn cứ đánh giá thành tích và xét khen thưởng. Nội dung này là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính thiết thực của công tác thi đua và đảm bảo cho tính công bằng của công tác xét khen thưởng. Hàng năm đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác hàng năm do Tổng cục Thống kê giao và đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ địa phương.

Kết quả, hàng năm từ 2004 đến 2014 luôn xếp vị thứ nhất Vùng, 6 lần nhận cờ thi đua của Chính phủ, 5 lần nhận cờ thi đua của Bộ. Năm 2013 vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Nhì.

          Để đạt được nhưng thành tích như trên, Cục Thống kê Lâm Đồng đã thực hiện tốt một số nội dung sau:

 

1.     Định hướng thi đua:

Xác định mục tiêu thi đua hàng năm là hoàn thành tốt kế hoạch được Tổng cục Thống kê giao và phục vụ địa phương với mức phấn đấu đứng vị thứ trong nhóm 20 toàn quốc và nhất Vùng. Do đó hàng năm tổ chức việc đăng ký thi đua của từng tập thể nhỏ, cá nhân. Ký kết giao ước thi đua giữa Lãnh đạo Cục với BCH Công đoàn cơ sở, giữa các phòng, các Chi cục.

Xây dựng kế hoạch và định hướng thi đua cho từng cá nhân, từng tập thể theo hướng liên tục giữa các năm để phấn đấu đạt được các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng từ thấp đến bậc cao từ đó giao trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân có kế hoạch xây dựng, phấn đấu, giúp đỡ để mỗi tập thể, cá nhân đạt được những thành tích đã được định hướng..

Hàng năm mỗi Phòng, Chi cục phấn đấu  xây dựng từ 1-2 cá nhân điển hình tiên tiến, toàn ngành Thống kê Lâm Đồng xây dựng 3-5 tập thể nhỏ điển hình tiên tiến làm nòng cốt trong phong trào thi đua.

Để thực hiện mục tiêu thi đua, phải bám sát các quy định và hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của Nhà nước và các mục tiêu thi đua của Ngành để kịp thời đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Phương châm công tác khen thưởng phải kết hợp thật tốt hai mặt tinh thần và vật chất; kết hợp giữa khen thưởng và nhắc nhở phê bình, chú trọng khen thưởng đột xuất.    

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng phải  chính xác, công khai, công bằng, kịp thời.  

- Thường xuyên phát động các đợt thi đua ngắn hạn và sơ kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua; đồng thời rút ra những kinh nghiệm để thúc đẩy phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo;

- Ứng dụng CNTT vào công tác thi đua, khen thưởng của ngành như việc xây dựng dữ liệu về các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của từng tập thể, cá nhân trong toàn Ngành; phần mềm gửi báo cáo và chấm điểm thi đua đối với cấp huyện; Trang thông tin tác nghiệp điều hành...

 

2.     Bám sát kế hoạch công tác:

Ngay từ đầu năm kế hoạch, Cục Thống kê đã căn cứ kế hoạch công tác do Tổng cục Thống kê giao và yêu cầu phục vụ địa phương để giao kế hoạch công tác và điểm thi đua cho các Phòng và Chi cục Thống kê thuộc Cục Thống kê Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, các Phòng tiến hành cụ thể hóa và giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, xây dựng các biện pháp thực hiện;

Thường xuyên rà soát việc thực hiện chế độ theo kế hoạch được TCTK giao;

Ở cơ quan Cục, các Phòng tăng cường công tác theo dõi và chấm điểm đánh giá thực hiện kế hoạch của các Chi cục Thống kê cấp huyện thông qua phần mềm theo dõi thi đua, giao Phòng Thanh tra Thống kê kiểm tra việc chấm điểm thi đua của các Phòng tại cơ quan Cục đối với các Chi cục Thống kê cấp huyện để đảm bảo việc chấm điểm đúng chất lượng, chính xác và công bằng.

Các Chi cục Thống kê cấp huyện căn cứ kết quả điểm thi đua hàng tháng để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch chuyên môn, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tiếp theo.

3.     Cải tiến phương pháp và lề lối làm việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê.

Ngoài việc đảm bảo thực hiện đầy đủ số lượng các công việc, đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng trong công tác thống kê bằng nhiều hình thức như:

- Hàng năm đều có các chuyên đề của Chi bộ, cơ quan về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê;

- Xây dựng và thực hiện tốt các quy trình báo cáo thống kê của từng bộ môn nghiệp vụ, quy trình điều tra thống kê;

- Nghiên cứu cải tiến phương pháp điều tra trên tinh thần bảo đảm đúng phương án điều tra của TW, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao chất lượng thu thập thông tin;

- Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ và công tác thu thập thông tin từ cơ sở; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chấn chỉnh ngay từ đầu công tác thu thập thông tin;

- Tổ chức đăng ký và thực hiện các chuyên đề, sáng kiến hàng năm vừa nâng cao trình độ phân tích thống kê của CBCC vừa làm cơ sở để bình xét chiến sỹ thi đua cơ sở hàng năm;

- Ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn bằng việc xây dựng các phần mềm nhập tin, kiểm tra, gửi, nhận báo cáo, chấm điểm thi đua...

Chấn chỉnh phương pháp và lề lối làm việc, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm các quy định, Nội quy, Quy chế của cơ quan có thể xảy ra.

 

4.     Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC và cộng tác viên:

 

Một trong những nguyên nhân để đưa phong trào thi đua của ngành Thống kê Lâm Đồng được thường xuyên liên tục là công tác tuyển dụng, đào tạo CBCC và xây dựng đội ngũ điều tra viên, cộng tác viên

- Công tác tuyển dụng đảm bảo theo quy trình, công khai trong CBCC, ngoài ra người tuyển dụng phải thông qua sát hạch của lãnh đạo Cục và các thành viên Hội đồng của Cục trước khi hợp đồng, thi tuyển công chức và tuyển dụng.

- Công tác đào tạo được quan tâm để nâng cao trình độ về mọi mặt của CBCC. Hàng năm được sự quan tâm của Tổng cục Thống kê, UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục Thống kê Lâm Đồng đã cử nhiều lượt CBCC đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp Lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, An ninh quốc phòng, tin học. Từ năm 2010 đến nay đã có 159 trường hợp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng (cấp bằng hoặc chứng chỉ) theo chương trình đào tạo của Tổng cục Thống kê và UBND tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có 75 trường hợp được đào tạo, bồi dưỡng các lớp lý luận chính trị, quản lý nhà nước các ngạch, kiến thức quốc phòng và kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng do địa phương tổ chức và cử 13 trường hợp học đại học;

- Việc xây dựng mạng lưới điều tra viên, cộng tác viên: Căn cứ vào các cuộc điều tra thường xuyên đã được giao trong năm tuyển chọn điều tra viên phù hợp với từng cuộc điều tra, việc tuyển chọn phải theo hướng ổn định lâu dài và có thể xây dựng thành lực lượng cộng tác viên của Chi cục; có thể tuyển chọn mỗi điều tra viên tham gia nhiều cuộc điều tra khác nhau, hoặc mỗi điều tra viên tham gia điều tra nhiều địa bàn trong mỗi cuộc điều tra nhưng không vượt quá định mức quy định. Báo cáo danh sách điều tra viên về Cục Thống kê Lâm Đồng theo quy định của từng cuộc điều tra đầy đủ nội dung: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, dự kiến địa bàn điều tra (lưu ý ghi chú những điều tra viên mới). Đồng thời khi có sự thay đổi điều tra viên, Chi cục Thống kê các huyện, thành phố phải tuyển chọn bổ sung và báo cáo về Cục Thống kê để có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi bố trí tham gia điều tra. Ngoài ra Cục cũng xây dựng quy trình phỏng vấn cho các điều tra viên thông qua cấp phát Sổ tay điều tra viên.

Công tác thi đua, khen thưởng ngoài CBCC trong ngành, hàng năm cũng chú trọng đến việc khen thưởng điều tra viên, cộng tác viên; ngoài ra cũng chú trọng đến việc rà soát để khen đề nghị Bộ KH&ĐT tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thống kê Việt Nam cho cán bộ thống kê xã, phường, thị trấn, cán bộ làm công tác thống kê trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.

Tổ chức gặp mặt các điều tra viên, cộng tác viên hàng năm để động viên khích lệ và nắm bắt những khó khăn bất cập, qua đó có hướng khắc phục cải tiến trong công tác quản lý, phối hợp để nâng cao chất lượng khâu thu thập thông tin.

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán Cục Thống kê Lâm Đồng có thiệp chúc tết và thư cám ơn đến các hộ, doanh nghiệp điều tra định kỳ hàng tháng nhằm ghi nhận sự đóng góp, phối hợp của các hộ, doanh nghiệp với ngành Thống kê.

5.     Xây dựng và thực hiện các quy chế: Cục Thống kê Lâm Đồng đã xây dựng và ban hành nhiều quy chế như:

Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan;

Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công;

Quy chế phối hợp giữa thủ trưởng cơ quan với BCH Công đoàn;

Quy chế phối hợp giữa các Phòng, Chi cục;

Quy chế giao kế hoạch và chấm điểm thi đua của Cục.

Quy định về chấm điểm  thi đua, phân loại cán bộ, công chức.

Duy trì thực hiện tốt các quy chế, sinh hoạt chiều thứ 6 hàng tuần; hàng tháng các Phòng, Chi cục tổ chức sinh hoạt để đánh giá thực hiện công việc tháng trước, đề ra nhiệm vụ tháng sau; 6 tháng và kết thúc năm tổ chức bình xét, đánh giá, xếp loại cán bộ công chức theo quy định.

Lãnh đạo Cục, toàn thể cán bộ, công chức toàn ngành đoàn kết, đồng thuận trong mọi mặt, nhất là công tác thi đua khen thưởng; cùng nhau thực hiện tốt các quy chế đã đề ra.

Bám sát các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng nhất là các quy chế Quy chế giao kế hoạch và chấm điểm thi đua của Cục; Quy định về chấm điểm  thi đua, phân loại cán bộ, công chức; Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công; nên công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và công bằng. Hàng năm căn cứ Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công đã tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có các bộ môn xếp vị thứ nhất, nhì toàn quốc, Vùng (đối với cơ quan Cục), các Chi cục có vị thứ nhất tỉnh, Cụm thi đua (đối với Chi cục Thống kê); nâng lương trước thời hạn đối với 31 trường hợp từ 6 tháng đến 1 năm, trong đó có 6 trường hợp nâng lương trước thời hạn lần thứ 2. Đối với tập thể Cục được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2012; có 4 tập thể nhỏ và 5 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Hội đồng thi đua, khen thưởng, Hội đồng Khoa học của Cục được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả.

 

 

 

 

6. Bài học kinh nghiệm:

 - Cấp uỷ, chuyên môn và các đoàn thể cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và thúc đẩy phong trào thi đua một cách sâu rộng, liên tục. Xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy chế đã ban hành, nội bộ đoàn kết tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức.

- Quán triệt vị trí, vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng nhằm hướng cho mỗi CBCC và người lao động trong toàn ngành có nhận thức đầy đủ, nghiêm túc và tự giác trong việc thực hiện phong trào thi đua, phải xác định công tác thi đua vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong việc triển khai thực hiện các công việc được giao, gắn trách nhiệm với quyền lợi, kiên quyết không chạy theo thành tích mà xem nhẹ chất lượng, hiệu quả công việc. Mỗi tập thể và từng cá nhân CBCC đề cao ý thức trách nhiệm và tự giác trong công tác thi đua; phải xác định thi đua chính là quyền lợi và trách nhiệm của người CBCC, người đảng viên và các đoàn thể quần chúng trong đơn vị.

- Bám sát các quy định và hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng của Nhà nước và các mục tiêu thi đua của ngành để kịp thời đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra. Xây dựng dữ liệu về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng để định hướng các tập thể và cá nhân xác định rõ mục tiêu phấn đấu của đơn vị mình. Phương châm công tác khen thưởng phải kết hợp thật tốt hai mặt tinh thần và vật chất; kết hợp giữa khen thưởng và nhắc nhở phê bình, chú trọng khen thưởng đột xuất.    

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng phải  chính xác, công khai, công bằng, kịp thời.  

- Thường xuyên phát động các đợt thi đua ngắn hạn và sơ kết để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua; đồng thời rút ra những kinh nghiệm để thúc đẩy phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo.

 

Một số giải pháp

- Tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị 34, các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng. Chú trọng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua; tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách với các hình thức thi đua phong phú, thiết thực.

- Phát động phong trào thi đua thường xuyên và đột xuất, theo chuyên đề; chủ đề các phong trào thi đua súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời hàng năm thường xuyên tổ chức đăng ký thi đua giữa cơ quan, đoàn thể, các tập thể Phòng, Chi cục và các cá nhân.

- Đổi mới công tác khen thưởng trên tinh thần bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.

- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa khọc, nâng cao chất lượng các chuyên đề, đề tài, sáng kiến.

- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.

 - Sửa đổi, ban hành quy định thi đua, khen thưởng của ngành và một số văn bản khác liên quan.

- Căn cứ kế hoạch công tác và điểm thi đua Cục Thống kê Lâm Đồng đã giao cho các đơn vị hàng năm, các Phòng, Chi cục tổ chức phân công và giao điểm cho từng CBCC ngay từ đầu năm theo nguyên tắc: CBCC thuộc ngạch và mức lương cao hơn phải đảm nhận công việc và điểm thi đua nhiều hơn so CBCC có ngạch và bậc lương thấp hơn.

- Tiếp tục rà soát các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các tập thể, cá nhân trong toàn ngành để định hướng công tác thi đua theo từng năm, từng thời kỳ. Xây dựng những tập thể, cá nhân đã được Bộ Kế hoạch và  Đầu tư công nhận “Tập thể Lao động xuất sắc” và tặng Bằng khen, được công nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua” các năm và tặng giấy khen phải phát huy thành tích đạt được, xứng đáng là gương sáng và vai trò hạt nhân trong các phong trào thi đua của toàn ngành đồng thời hướng tới mục tiêu đạt được danh hiệu thi đua cao hơn.             

- Lãnh đạo phòng, Chi cục và CBCC trong ngành phải trực tiếp theo dõi và làm công tác thi đua, trong đó chú trọng việc triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế họach công tác và mục tiêu thi đua mà Phòng, Chi cục và cá nhân đã đăng ký;

 - Duy trì và nâng cao chất lượng sinh họat Phòng, Chi cục hàng tháng theo quy định để đánh giá kết quả triển khai công việc và những tồn tại, vướng  mắc cần giải quyết để có những giải pháp cụ thể./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt