Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội ước tháng 4 năm 2016

         I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1.  Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Sản xuất nông nghiệp

a. Thu hoạch vụ đông xuân

Tính đến ngày 10/4/2016 toàn tỉnh thu hoạch được 23.435,6 ha cây hàng năm các loại, đạt 69,2% diện tích gieo trồng, bằng 99,77% (-53,9 ha) so với cùng kỳ, trong đó:

- Lúa thu hoạch 4.210,8 ha, giảm 1,74% (-74,7 ha) so với cùng kỳ, trong đó Cát Tiên 3.750 ha, chiếm 89,06%, giảm 2,6%; huyện Đạ Tẻh 380 ha, chiếm 9,1%, tăng 8,42%; Đạ Huoai 52,3 ha, chiếm 1,24%, giảm 3,15%; các huyện khác đang tiến hành thu hoạch trên số diện tích lúa đã chín nhưng chưa nhiều do thời gian gieo cấy ở mỗi vùng khác nhau. Ước năng suất bình quân chung trên diện tích đã thu hoạch của tỉnh đạt trên 50,5 tạ/ha, giảm 1,94% so với cùng kỳ do thời tiết năm nay hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến năng suất lúa, đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4 mới có mưa nhưng không đáng kể, một số vùng lượng nước ở mức thấp làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây lúa.

- Ngô thu hoạch 1.235,9 ha, chiếm 56,5% diện tích gieo trồng, giảm 2,08%, năng suất ước đạt 59,8 tạ/ha, giảm 1,48% so với cùng kỳ; khoai lang 127,4 ha, đạt 51,5% diện tích gieo trồng, tăng 1,11% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 130,5 tạ/ha.

- Rau các loại thu hoạch 13.641,5 ha, đạt 81,9% diện tích gieo trồng, bằng 99,93% so với cùng kỳ.

- Đậu các loại thu hoạch 243,9 ha, tăng 2,31% so với cùng kỳ.

- Hoa các loại thu hoạch 2.287 ha, bằng 99,72% so với cùng kỳ. 

- Cây gia vị, dược liệu hàng năm thu hoạch 85,5 ha, tăng 6,39% so với cùng kỳ.

- Cây hàng năm khác thu hoạch 1.596,5 ha, tăng 3,51% so với cùng kỳ chủ yếu là cỏ chăn nuôi và cây dâu tây.

b. Sản xuất vụ hè thu

Tuy thời tiết những ngày gần đây có mưa ở một số vùng trong tỉnh thuộc thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Bảo Lâm đã làm dịu đi phần nào tình hình nắng nóng và khô hạn, nhưng mưa vẫn chưa phủ đều trên địa bàn toàn tỉnh, diễn biến thời tiết nắng nóng vẫn còn kéo dài chưa thể xuống giống đại trà được nhưng diện tích đất gieo trồng vụ hè thu hiện nay đã và đang được người dân tập trung làm đất để khi có điều kiện về nguồn nước thì xuống giống cho kịp thời vụ.

Công tác chuẩn bị đất gieo trồng vụ hè thu trên địa bàn toàn tỉnh đến nay đã cày bừa được 11.893 ha, giảm 6,98% (-892 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: diện tích cày bừa bằng máy 9.674,1 ha, giảm 11,54%, chiếm 81,34% diện tích cày bừa. Hiện toàn tỉnh đã thực hiện gieo trồng, xuống giống được 6.606,7 ha cây hàng năm các loại, giảm 3,71% so với cùng kỳ, trong đó:

- Diện tích lúa gieo cấy là 29,5 ha, đạt 0,46% kế hoạch, bằng 7,52% so với cùng kỳ, trong đó Đạ Huoai 18 ha; Đạ Tẻh 7 ha; riêng huyện Cát Tiên là địa bàn gieo cấy lúa lớn nhất tỉnh từ trước tới nay nhưng do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, hạn hán, chân ruộng cao nên không đủ nước để gieo cấy.

- Diện tích ngô gieo trồng 293,2 ha, đạt 3,24% kế hoạch, bằng 56,69% so với cùng kỳ, cây ngô được xác định là cây trồng chính trong vụ, do thời tiết vẫn còn nắng nóng cũng làm ảnh hưởng tới tiến độ gieo trồng, tận dụng diện tích thu hoạch vụ đông xuân có nước tưới nhiều hộ tranh thủ gieo trồng tập trung ở Lạc Dương 130 ha, Bảo Lâm 86,3 ha, Lâm Hà 30 ha, Di Linh 25 ha.

- Diện tích khoai lang gieo trồng 57,3 ha, bằng 67,19% so với cùng kỳ, trong đó thành phố Đà Lạt 15,9 ha, Lạc Dương 13 ha, Bảo Lâm 24,4 ha và huyện Lâm Hà 4 ha.

- Diện tích rau các loại gieo trồng 3.040,3 ha, đạt 14,79% kế hoạch, bằng 76,2%  so với cùng kỳ, tập trung ở Đơn Dương 1.652 ha, chiếm 54,34%; Đà Lạt 652,6 ha, chiếm 21,46%; Lạc Dương 426 ha, chiếm 14,01%; Bảo Lâm 120 ha, chiếm 3,95%; Đức Trọng 50 ha, chiếm 1,64%.

-  Diện tích đậu các loại gieo trồng 66,5 ha, bằng 85,92% so với cùng kỳ.

- Diện tích hoa các loại gieo trồng 835,7 ha, đạt 34,24% so kế hoạch và tăng 8,55% (+65,8 ha) so với cùng kỳ.

  * Một số tình hình liên quan đến sản xuất

Tình hình khô hạn, hạn hán đã xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa vụ đông xuân như huyện Đam Rông 54 ha lúa bị khô hạn; Đức Trọng 98 ha, trong đó có 51 ha bị mất trắng; Di Linh 82 ha lúa bị vàng, cháy khô đầu lá do thiếu nước có nguy cơ mất trắng; Cát Tiên 242 ha bị hạn, trong đó diện tích mất trắng 35 ha, diện tích bị ảnh hưởng giảm năng suất 207 ha; thành phố Bảo Lộc (thuộc địa phận thôn 3, thôn 6 xã Đại Lào) tình hình hạn hán làm ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân. Toàn tỉnh hiện có 1.086 hộ thiếu nước sinh hoạt, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài dự kiến có khoảng 4.000 hộ dân sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; chăm sóc vườn ươm cây con, do mưa chưa đều trên diện rộng nên người dân chưa tiến hành trồng mới cây lâu năm như cà phê, chè, dâu tằm và một số cây ăn quả khác.

Chiều ngày 12/4/2016, một trận mưa lớn kèm mưa đá, lốc xoáy xảy ra ở thành phố Đà Lạt gây thiệt hại tại phường 11 làm nhiều diện tích nhà kính trồng rau, hoa của người dân bị tốc, rách mái, đổ sụp. Theo thống kê ban đầu của UBND phường 11, trận lốc xoáy đã làm khoảng 20 ha nhà kính của nông dân trồng rau, hoa công nghệ cao như cúc, cát tường, cẩm chướng, rau… bị tốc mái, đổ sập, trong đó có 2 ha bị thiệt hại phải làm lại toàn bộ. Ước tính thiệt hại 5 tỷ đồng.

* Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng

(Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2016)

- Trên cây lúa vụ đông xuân: Rầy nâu gây hại 272 ha tại Đạ Tẻh; bệnh đạo ôn lá nhiễm 155,4 ha tại Đức Trọng, Đạ Tẻh, Di Linh; bệnh đạo ôn cổ bông 70,3 ha tại Đạ Tẻh, Đức Trọng.

- Trên cây cà chua sâu xanh gây hại 219,2 ha tại Đơn Dương, Đức Trọng.

- Trên cây rau họ thập tự bệnh sưng rễ nhiễm 35,5 ha tại Lạc Dương, Đơn Dương, Đà Lạt, Đức Trọng (13 ha nhiễm nặng tại Lạc Dương), tăng 4 ha.

- Trên cây cà phê sâu đục thân gây hại 810 ha; bọ xít muỗi gây hại 70 ha tại Đà Lạt.

- Trên cây chè bọ xít muỗi gây hại 5.390,7 ha tại Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc; bọ cánh tơ gây hại 906,6 ha tại Bảo Lộc, Bảo Lâm; nhện đỏ gây hại 1.657,4 ha tại Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm.

- Trên cây điều bọ xít muỗi gây hại 2.375,4 ha tại Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đam Rông; bệnh thán thư nhiễm 764 ha tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên

- Trên cây ca cao bọ xít muỗi gây hại 128,4 ha tại Đạ Huoai.

- Trên cây cao su bệnh phấn trắng nhiễm 583,5 ha tại Đạ Tẻh.

1.2. Tình hình chăn nuôi

        Hiện nay, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các ổ dịch cũ là rất cao. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh cúm gia cầm nói riêng, ngành chức năng đề ra các biện pháp quyết liệt để phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm trái phép.  

        Đã kiểm dịch xuất tỉnh 670 con trâu, bò; 32.889 heo; 1.198 ngàn con gia cầm, 17.840 đàn ong; 6,6 triệu trứng gia cầm; 36,3 triệu trứng cút; 6.354 tấn sữa tươi. Kiểm dịch nhập tỉnh 506 con trâu bò; 39.150 con heo; 288,2 ngàn gia cầm; 0,5 triệu quả trứng gia cầm; 1.116 xe phân gia súc gia cầm. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, vận động, nâng cao ý thức của người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại.

1.3. Lâm nghiệp

        Lâm sinh: Các đơn vị trên địa bàn tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất lâm sinh ở các hạng mục: về chăm sóc cây giống, xử lý thực bì, chuẩn đất cho công tác trồng rừng 2016; chăm sóc rừng trồng các năm; tiếp tục triển khai thực hiện công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích năm 2015 chuyển sang 418.873,5 ha bằng các nguồn vốn khác nhau cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các tổ chức, cá nhân thuộc diện nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn. Tính đến hết tháng 04 công tác rà soát, kiểm tra ký kết chuyển giao hợp đồng giao khoán ước thực hiện được 389.065 ha, đạt 92,9% kế hoạch, tăng 4,36% so với cùng kỳ.

Khai thác lâm sản: Ước tính trong tháng 4/2016 sản lượng gỗ tròn các loại khai thác ở các loại hình kinh tế trong tỉnh đạt 9.060 m3, giảm 10,91%; củi thước 19.450 ster, giảm 6,89% so với cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm đến nay sản lượng gỗ khai thác ở các loại hình kinh tế đạt 34.782 m3, giảm 14,44%; củi thước 77.450 ster giảm 5,82% (-4.790 ster); lồ ô 1.035 nghìn cây, giảm 8,16%; song mây 32 nghìn sợi, giảm 21,95% so với cùng kỳ. Trong đó, các đơn vị lâm nghiệp thuộc loại hình kinh tế nhà nước khai thác gỗ 16.978,4 m3, chiếm 48,81% sản lượng khai thác toàn tỉnh, giảm 16,78% (-3.422,6 m3) so với cùng kỳ.  

Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng: Lâm Đồng là tỉnh cảnh báo cháy rừng cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết trên địa bàn đang hiện hữu khô hanh, nắng ráo. Tuy có mưa cục bộ ở một số vùng trong tỉnh thuộc huyện Lạc Dương, Đam Rông, thành phố Đà Lạt nhưng lượng mưa chưa nhiều, nguy cơ cháy rừng vẫn dễ xảy ra, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống chữa cháy rừng xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp, ban ngành chức năng quan tâm chỉ đạo. Tuy công tác phòng chống chữa cháy rừng được tăng cường, nhưng tình hình cháy rừng vẫn diễn ra.

Theo số liệu báo cáo của các Hạt Kiểm lâm, tính đến ngày 20/4/2016 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy/101,12 ha, trong đó: cháy rừng 18 vụ/88,24 ha; cháy thảm cỏ bụi dưới tán rừng 8 vụ/12,88 ha.

Cháy rừng ở Đạ Tẻh 1 vụ/52 ha; Đạ Huoai 4 vụ/13,55 ha; Lâm Hà 2 vụ/1,45 ha; Đam Rông 3 vụ/3,15 ha; Đà Lạt 1 vụ/0,2; Bảo Lâm 2 vụ/6,39 ha; Bảo Lộc 2 vụ/10 ha; Đơn Dương 1 vụ/0,5 ha. Khi phát hiện cháy lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức lực lượng ứng cứu kịp thời. Sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại 99%/52 ha rừng trồng thuộc huyện Đạ Tẻh; thiệt hại 75%/1,55 ha ở huyện Đạ Huoai và Lâm Hà; thiệt hại 50%/10,39 ha ở Bảo Lộc, Bảo Lâm; thiệt hại 100%/1,14 ha thuộc huyện Đam Rông, Lâm Hà. Diện tích còn lại không bị ảnh hưởng nặng. Nguyên nhân xảy ra cháy rừng là do đốt rẫy cháy lan, đốt ong lấy mật và đốt phá rừng trái phép. Tổng số công được huy động chữa cháy là 617 công.

Tình hình vi phạm lâm luật: công tác bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường. Lực lượng Kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với chủ rừng, Ban Lâm nghiệp các xã thực hiện việc tuyên truyền bảo vệ rừng, vận động xây dựng quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư; phối hợp tuần tra; kiểm tra và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Trong tháng (tính từ 20/3/2016 đến 20/4/2016) lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 134 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 32 vụ; vi phạm về phát triển rừng, bảo vệ rừng 49 vụ; vi phạm về quản lý lâm sản 53 vụ. Lũy kế đến 20/4/2016 tổng số vụ vi phạm lâm luật 457 vụ, giảm 24,2% (-146 vụ) so với cùng kỳ, chủ yếu ở hành vi phá rừng trái phép 116 vụ, giảm 27,5% (-44 vụ), diện tích rừng bị phá 42,8 ha, tăng 7,8%; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 188 vụ, giảm 30,37% (-82 vụ) so với cùng kỳ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 395 vụ, trong đó xử lý hành chính 377 vụ, chuyển xử lý hình sự 18 vụ. Lâm sản, phương tiện tịch thu qua xử lý vi phạm: 171 chiếc phương tiện, dụng cụ các loại; 676,5 m3 gỗ các loại. Thu nộp ngân sách 4,3 tỷ đồng.

          2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2016 tăng 6,89% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 11,59%. Trong đó, sản phẩm đá xây dựng  đạt 103 ngàn m3, tăng 2,46% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,03% so với cùng kỳ, tăng mạnh ở ngành sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 304,09%; sản phẩm thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng gấp 8 lần. Sản phẩm áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo da cho người lớn đạt 245,5 ngàn cái, tăng 58,82%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần sooc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 833 ngàn cái, tăng 28,14%; chè nguyên chất đạt 2.866 tấn, tăng 1,29%; alumin đạt 43,7 ngàn tấn, giảm 7,09%; gạch xây dựng đạt 20,9 triệu viên, tăng 10,58%; phân bón NPK đạt 4.124 tấn, giảm 64,09% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí giảm 11,3%. Trong đó, điện sản xuất đạt 351,7 triệu kwh, giảm 13,89%; sản lượng điện thương phẩm đạt 85 triệu kwh, tăng 2,42% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,16%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,98% và hoạt động thu gom rác thải tăng 10,93%. Sản lượng nước ghi thu đạt 1.544 ngàn m 3, tăng 4,98%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế 6.914 tấn, tăng 10,93% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh 4 tháng năm 2016 tăng 7,72% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 7,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,34%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,89% so với cùng kỳ.

*Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 năm 2016 tăng 81,7% so với cùng kỳ; chủ yếu ở ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu gấp 14 lần; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 66,36%; sản xuất trang phục tăng 51,55%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,47%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 2,48%; ngành dệt giảm 31,51%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 22,44%.

*Chỉ số tồn kho tháng 3/2016 giảm 1,19% so với tháng trước và tăng 132,97% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 293,87%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 41,7%; ngành dệt tăng 27,82%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 6,83%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 64,94%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 61,06%, sản xuất trang phục giảm 14,63%.

* Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 4 năm 2016 giảm 1,62% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế: ngành khai khoáng tăng 4,32%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,6%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt ổn định; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,18% so với cùng kỳ. Chia theo khu vực: doanh nghiệp nhà nước giảm 0,08%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4,49%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,87% so với cùng kỳ.

            3. Tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp

Từ đầu năm đến thời điểm 20/04/2016 trên địa bàn tỉnh có 224 doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới được cấp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 5.346 tỷ đồng; gồm 33 doanh nghiệp tư nhân với tổng số vốn đăng ký 82 tỷ đồng, 38 công ty cổ phần với tổng số vốn đăng ký 2.439 tỷ đồng, 153 công ty trách nhiệm hữu hạn với tổng số vốn đăng ký 2.825 tỷ đồng.

         4. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 04/2016 ước đạt 3.122,8 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 201,6 tỷ đồng, giảm 17%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.884,6 tỷ đồng, tăng 11,7% (kinh tế tư nhân đạt 963,6 tỷ đồng, tăng 20,7%; kinh tế cá thể đạt 1.920,7 tỷ đồng, tăng 7,7%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 04 tháng năm 2016 đạt 12.676,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 884,9 tỷ đồng, giảm 16,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 11.615,6 tỷ đồng, tăng 10,1% (kinh tế tư nhân đạt 3.653,9 tỷ đồng, tăng 6,9%; kinh tế cá thể đạt 7.960,2 tỷ đồng, tăng 11,6%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 176,2 tỷ đồng, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2016 ước đạt 2.377,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,8%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 86 tỷ đồng, giảm 28,9%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.263,5 tỷ đồng, tăng 14,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,3 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu như nhóm lương thực, thực phẩm đạt 993,5 tỷ đồng, tăng 9%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 299,8 tỷ đồng, tăng 71,9%; nhóm phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) đạt 274,1 tỷ đồng, giảm 22,2%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 04 tháng năm 2016 đạt 9.663,2 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 352,3 tỷ đồng, giảm 29,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 9.173,7 tỷ đồng, tăng 10,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 137,2 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu như nhóm lương thực, thực phẩm đạt 3.990,6 tỷ đồng, tăng 9,4%; nhóm hàng may mặc đạt 552,5 tỷ đồng, tăng 2,4%; nhóm phương tiện đi lại (kể cả phụ tùng) đạt 1.185,3 tỷ đồng, giảm 28,1%.

- Doanh thu dịch vụ khác (trừ ăn uống, lưu trú và lữ hành) tháng 4/2016 ước đạt 266,4 tỷ đồng, tăng 4,1%; trong đó, doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 6,7 tỷ đồng, tăng 28%; doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 19,1 tỷ đồng, tăng 95,1%; doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 54,8 tỷ đồng, tăng 108,1% so với cùng kỳ. Ước doanh thu dịch vụ khác (trừ ăn uống, lưu trú và lữ hành) 04 tháng năm 2016 đạt 1.167 tỷ đồng, tăng 7,1%; trong đó, doanh thu dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 22 tỷ đồng, tăng 6,5%; doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ đạt 74,9 tỷ đồng, tăng 102,1%; doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 242,4 tỷ đồng, tăng 123,9% so với cùng kỳ.

          - Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4/2016 ước đạt 476,6 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 61,7 tỷ đồng, tăng 1,1%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 414,9 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách phục vụ đạt 276,5 nghìn lượt khách, tăng 7,6% so với cùng kỳ; trong đó, khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú đạt 274,9 nghìn lượt khách, tăng 7,4% (khách trong nước đạt 247,6 nghìn lượt khách, tăng 2,9%; khách quốc tế đạt 27,3 nghìn lượt khách, tăng 78,2% so với cùng kỳ). Ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 04 tháng năm 2016 đạt 1.839,3 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 237,7 tỷ đồng, tăng 11,3%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.601,6 tỷ đồng, tăng 2,4%. Tổng lượt khách phục vụ đạt 1.037,7 nghìn lượt khách, tăng 17,3%; trong đó, khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú đạt 1.027,4 nghìn lượt khách, tăng 17,1% (khách trong nước đạt 920,9 nghìn lượt khách, tăng 13,3%; khách quốc tế đạt 106,5 nghìn lượt khách, tăng 65,2% so với cùng kỳ).

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 4/2016 ước đạt 2 tỷ đồng, tăng 131,9% so với cùng kỳ; tổng số khách do các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 972 lượt khách, tăng 34,3%. Ước doanh thu du lịch lữ hành 04 tháng năm 2016 đạt 7,2 tỷ đồng, tăng 81%; tổng số khách do các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 4.180 lượt khách, tăng 102,3% so với cùng kỳ.

                   5. Vận tải, bưu chính viễn thông

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 4/2016 đạt 383,9 tỷ đồng, tăng 33,7%; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 258,2 tỷ đồng, tăng 16,9%; doanh thu vận tải hàng không đạt 125,7 tỷ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ. Ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 04 tháng năm 2016 đạt 1.493,2 tỷ đồng, tăng 35%; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 1.039,8 tỷ đồng, tăng 18,7%; doanh thu vận tải hàng không đạt 453,3 tỷ đồng, tăng 97,3% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách tháng 4/2016 ước đạt 2.440,7 nghìn hành khách, tăng 10,6% và luân chuyển đạt 302,8 triệu hành khách.km, tăng 19,5% so với cùng kỳ; trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 2.379 nghìn hành khách, tăng 9,7% và luân chuyển đạt 271,1 triệu hành khách.km, tăng 16,6%; vận tải hành khách hàng không đạt 55,8 nghìn hành khách, tăng 76% và luân chuyển đạt 31,7 triệu hành khách.km, tăng 51,9%. Ước vận tải hành khách 04 tháng năm 2016 đạt 11.421,7 nghìn hành khách, tăng 9,6% và luân chuyển đạt 1.372,2 triệu hành khách.km, tăng 20,4% so với cùng kỳ; trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước đạt 11.196,3 nghìn hành khách, tăng 8,8% và luân chuyển đạt 1.257,9 triệu hành khách.km, tăng 17,5%; vận tải hành khách hàng không đạt 202,2 nghìn hành khách, tăng 84,6% và luân chuyển đạt 114,3 triệu hành khách.km, tăng 65,3% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển đường bộ tháng 4/2016 ước đạt 685,6 nghìn tấn, tăng 17% và luân chuyển đạt 88,2 triệu tấn.km, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Ước khối lượng hàng hoá vận chuyển đường bộ 04 tháng năm 2016 đạt 2.894,7 nghìn tấn, tăng 17,5% và luân chuyển đạt 401,3 triệu tấn.km, tăng 23,6% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông tháng 4/2016 ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 14.315 thuê bao; trong đó, thuê bao di động đạt 14.150 thuê bao, thuê bao cố định đạt 165 thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 3.400 thuê bao, tăng 65,8% so với cùng kỳ. Ước doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông 04 tháng năm 2016 đạt 457 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 94.312 thuê bao, trong đó; thuê bao di động đạt 93.446 thuê bao, thuê bao cố định đạt 866 thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 15.878 thuê bao, tăng 81,3% so với cùng kỳ.

         II. KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ

         1. Giá cả thị trường

         1.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Trong tháng 4/2016, giá nguyên, nhiên, vật liệu trong nước tăng theo xu hướng tăng của giá thế giới; nhu cầu một số hàng hoá, dịch vụ tăng do kỳ nghỉ lễ dịp Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 Âm lịch và 30/4-1/5 kéo dài. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần kiềm chế bớt tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng. CPI tháng 4/2016 tăng 0,19% so với tháng 3/2016 và tăng 0,61% so với cùng kỳ. Cụ thể: Nhóm giao thông tăng 1,83%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 0,44%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,3%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04% so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,09%, trong đó nhóm lương thực tăng 3,32%, nhóm thực phẩm giảm 1,14%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,66%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục ổn định so với tháng trước. Bình quân 4 tháng năm 2016, CPI tăng 0,53% so với bình quân cùng kỳ. 

1.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng 99,99 trên địa bàn tỉnh ngày 20/4/2016 được bán ra bình quân 3,2 triệu đồng/chỉ, tăng 0,63% so với tháng trước tăng 1,24% so với cùng kỳ. Giá vàng thế giới tăng mạnh, nhưng giá vàng trong nước chỉ tăng nhẹ nguyên nhân do nhiều nhà đầu tư vàng thận trọng ngóng chờ chiều hướng tăng, giảm của giá vàng thế giới để ra quyết định lựa chọn giao dịch vàng, mặt khác giá vàng biến động chưa đủ lớn để tạo sức hấp dẫn cho hoạt động mua, bán vàng trên thị trường. Giá USD bán ra bình quân tháng 4/2016 dao động ở mức 22.366 đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2016 tăng 0,38% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ.

2. Đầu tư

         Trong tháng 4 năm 2016, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 212,4 tỷ đồng, tăng 10,57% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung thực hiện các công trình chuyển tiếp trong năm 2015.

                   Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 168,7 tỷ đồng, chiếm 79,44% trong tổng vốn, tăng 12,37% so với cùng kỳ; trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 76,2 tỷ đồng, tăng 47,03%; vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu đạt 44 tỷ đồng, tăng 5,41%; vốn nước ngoài (ODA) 4,9 tỷ đồng, tăng 8,89%; nguồn vốn từ xổ số kiến thiết đạt 43,6 tỷ đồng, bằng 84,1% so với cùng kỳ.

         Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 41 tỷ đồng, chiếm 19,29% trong tổng vốn, tăng 2,83% so với cùng kỳ.

         Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt trên 2,7 tỷ đồng, chiếm 1,27% trong tổng vốn, tăng 28,61% so với cùng kỳ.

            3. Hoạt động tài chính, tín dụng

3.1. Hoạt động tài chính

Trong tháng 4/2016 Kho bạc Nhà nước tỉnh tiếp tục tổ chức điều hành ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và thực tế phát sinh; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá trong lĩnh vực thuế, hải quan; tổ chức điều hành ngân quỹ đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Ngân sách Nhà nước; phát hành trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ đầu năm đến 15/4/2016 đạt 1.321 tỷ đồng, bằng 19,43% so dự toán, tăng 19,35% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 1.090,3 tỷ đồng, bằng 22,72% so dự toán, tăng 6,05% so với cùng kỳ. Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp Trung ương đạt 130,7 tỷ đồng, bằng 13,01% so dự toán, giảm 33,02%; thu từ doanh nghiệp địa phương đạt 19,5 tỷ đồng, bằng 25,17% so dự toán, giảm 38,52%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 26,7 tỷ đồng, bằng 26,74% so dự toán, tăng 35,91%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 310,3 t đồng, bằng 21,75% so dự toán, tăng 12,27%; thuế trước bạ đạt 65,5 tỷ đồng, bằng 25,55% so dự toán, tăng 10,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 100,9 tỷ đồng, bằng 24,86% so dự toán, tăng 6,48%; thu phí, lệ phí đạt 59,1 tỷ đồng, bằng 28,07% so dự toán, tăng 15,89% so với cùng kỳ. Thu thuế từ đất, nhà đạt 150,2 tỷ đồng, bằng 22,09% so dự toán, tăng 8,53% so với cùng kỳ. Thu khác ngân sách đạt 43,1 tỷ đồng, bằng 10,77% so dự toán, giảm 0,08% so với cùng kỳ. Thu thuế qua hải quan đạt 59 tỷ đồng, bằng 59,03% so dự toán, tăng 102,37% so với cùng kỳ. Thu xổ số kiến thiết đạt 116 tỷ đồng, bằng 26,98% dự toán, tăng 21,37% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách địa phương từ đầu năm đến ngày 15/4/2016 đạt 3.521,4 tỷ đồng, bằng 34,04% so dự toán, tăng 0,64% so với cùng kỳ. Trong đó, thu điều tiết đạt  1.271,2 tỷ đồng, tăng 11,25%; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương đạt 1.213,6 tỷ đồng, giảm 4,89% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương từ đầu năm đến 15/4/2016 đạt 4.790,2 tỷ đồng, bằng 46,31% so dự toán, tăng 0,37% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 813,2 tỷ đồng, bằng 66,74% so dự toán, tăng 5,16%; chi thường xuyên đạt 1.709,1 tỷ đồng, bằng 27,82% so dự toán, tăng 1,49%. Trong tổng chi thường xuyên, chi sự nghiệp kinh tế đạt 178,1 tỷ đồng, bằng 26,28% so dự toán, tăng 29,52%; chi giáo dục, đào tạo đạt 753,6 tỷ đồng, bằng 27,38% so dự toán, giảm 6,09%; chi y tế đạt 161,4 tỷ đồng, bằng 20,64% so dự toán, giảm 4,74%; chi quản lý hành chính đạt 363,4 tỷ đồng, bằng 29,6% so dự toán, tăng 3,14% so với cùng kỳ.

3.2. Hoạt động tín dụng

Trong tháng 4/2016 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngăn chặn và xử lý nợ xấu, trong đó thực hiện đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ; đẩy mạnh huy động vốn để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ước đến 31/3/2016 vốn huy động đạt 32.594 tỷ đồng, tăng 20,16% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt 27.181 tỷ đồng, chiếm 83,39% tổng vốn huy động, tăng 22,05%; tiền gửi thanh toán, tiền gửi khác đạt 5.413 tỷ đồng, chiếm 16,61% tổng vốn huy động, tăng 11,49% so với cùng kỳ.

Ước đến 31/3/2016 tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 43.482 tỷ đồng, tăng 28,82% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung dài hạn 16.201 tỷ đồng, chiếm 37,26% tổng dư nợ, tăng 23,01%; dư nợ ngắn hạn 27.281 tỷ đồng, chiếm 62,74% tổng dư nợ, tăng 32,54% so với cùng kỳ.

         Ước đến 31/3/2016 tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng 348 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ, giảm 21,44% cùng kỳ.

         4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

         4.1. Xuất khẩu hàng hóa

         Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2016 đạt 28,7 triệu USD, giảm 27,36% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 9,8 triệu USD, giảm 41,61%; kinh tế tư nhân đạt 7,8 triệu USD, tăng 10,48%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11 triệu USD, giảm 29,23% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như: Alumin đạt 40 nghìn tấn, trị giá 9,2 triệu USD, giảm 9,55% về lượng và giảm 34,56% về giá trị, xuất sang thị trường Singapo đạt 9,2 triệu USD; hàng rau quả đạt 708,5 tấn, trị giá 1,3 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 31,94% về giá trị; hạt điều đạt 122,2 tấn, trị giá 896 nghìn USD, tăng 0,25% về lượng và giảm 0,31% về giá trị; cà phê đạt 5.112,7 tấn, trị giá 7,3 triệu USD, giảm 27,96% về lượng và giảm 44,98% về giá trị, trong đó: cà phê xuất sang Singapo đạt 1,6 triệu USD, I-ta-li-a đạt 1,1 triệu USD, Nhật Bản đạt 962 nghìn USD; chè chế biến đạt 1.018,1 tấn, trị giá 2,1 triệu USD, tăng 89,38% về lượng và tăng 52,58% về giá trị, chủ yếu là mặt hàng chè xanh, chè đen và chè chế biến xuất sang Pa-ki-xtan đạt 675,6 nghìn USD, Indonexia đạt 104,6 nghìn USD, Ap-ga-ni-xtan đạt 94,8 nghìn USD; sản phẩm bằng plastic đạt 350 nghìn USD, tăng 24,11%; hàng dệt may đạt 1.127,7 nghìn USD, tăng 101,27%; hàng hóa khác đạt 5,4 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ.

         Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2016 đạt 122,9 triệu USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt gần 39 triệu USD, chiếm 31,69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 38,93%; kinh tế tư nhân đạt 34,7 triệu USD, chiếm 28,26% và tăng 24,85%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,2 triệu USD, chiếm 40,05% và giảm 17,27% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như: Alumin đạt 166 nghìn tấn, trị giá 36,5 triệu USD, giảm 3,67% về lượng và giảm 35,68% về giá trị; hàng rau quả đạt 2.578,2 tấn, trị giá 5,7 triệu USD, giảm 31,6% về lượng và giảm 23,12% về giá trị; hạt điều đạt 449 tấn, trị giá 3,4 triệu USD, tăng 5,74% về lượng và tăng 7,8% về giá trị; cà phê đạt 22.553,6 tấn, trị giá 37,6 triệu USD, giảm 6,38% về lượng và giảm 22,25% về giá trị; chè chế biến đạt 3.700,9 tấn, trị giá 7,9 triệu USD, tăng 22,71% về lượng và tăng 23,57% về giá trị; sản phẩm bằng plastic đạt 1.326,6 nghìn USD, tăng 38,09%; hàng dệt may đạt 5,1 triệu USD, tăng 99,41%; hàng hóa khác đạt 21,3 triệu USD, tăng 6,13% so với cùng kỳ.

         4.2. Nhập khẩu hàng hóa     

         Kim ngạch nhập khẩu tháng 4/2016 đạt 4,2 triệu USD, giảm 2,18% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế tư nhân đạt 2,1 triệu USD, giảm 9,35%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,1 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Các sản phẩm nhập khẩu như: phân bón đạt 9 tấn, trị giá 32,9 nghìn USD, giảm 32,33% về lượng và giảm 72,4% về giá trị; tơ, sơ, sợi dệt đạt 15,3 tấn, trị giá 581,6 nghìn USD, giảm 68,32% về lượng và giảm 16,97% về giá trị; hàng hóa khác 2,4 triệu USD, tăng 21,33% so với cùng kỳ.

         Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng năm 2016 đạt 15,8 triệu USD, giảm 10,66% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế tư nhân đạt 6,3 triệu USD, chiếm 39,98% trong tổng kim ngạch nhập khẩu và giảm 11,57%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,2 triệu USD, chiếm 58,56% và giảm 12,22% so với cùng kỳ. Các sản phẩm nhập khẩu như: phân bón đạt 840,8 tấn, trị giá 348,2 nghìn USD,  tăng 75,61% về lượng và tăng 22,18% về giá trị; sản phẩm tơ sợi dệt đạt 66,6 tấn, trị giá 1.288,3 nghìn USD, giảm 52,77% về lượng và giảm 33,36% về giá trị; vải may mặc đạt 1,3 triệu USD, tăng 248,49%;  phụ liệu hàng may mặc đạt 116,3 nghìn USD, tăng 378,68%; hàng hóa khác đạt 9,5 triệu USD, tăng 10,54% so với cùng kỳ.

         IV. ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC KHÁC

1. Hoạt động văn hóa - tuyên truyền    

Trong tháng 4/2016, hoạt động văn hóa, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tập trung kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước: 41 năm ngày giải phóng Đà Lạt (03/4/1975 - 03/4/2016) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016). Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ ( 07/5/1954 - 07/5/2016). Ngày Quốc tế lao động 1/5. Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2016). Tổ chức ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch; tiếp tục tuyên truyền thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Công tác chuẩn bị cho bầu cử vào ngày 22/5/2016: Tính đến thời điểm này, tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.307 đơn vị; trong đó, đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội là 3 đơn vị, đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh là 18 đơn vị, cấp huyện 140 đơn vị, cấp xã 1.146 đơn vị. Đến nay, các địa phương đang triển khai việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử. Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho bầu cử đến thời điểm này về cơ bản tỉnh Lâm Đồng đã bám sát và thực hiện các bước bầu cử theo đúng quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia, việc lựa chọn giới thiệu nhân sự đều đảm bảo đúng tiêu chuẩn, công tác an ninh chính trị cơ bản được đảm bảo và giữ ổn định.

Để chào mừng những ngày lễ trong tháng và tuyên truyền công tác bầu cử trên toàn tỉnh đã thực hiện cắt dán, kẻ vẽ 70m2 panô, treo dựng 450 cờ- băng rôn. Đội chiếu bóng lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 45 buổi.

Bảo tàng tỉnh mở cửa thường xuyên phục vụ khách đến thăm quan, nghiên cứu đón 1.000 lượt khách, chuẩn bị triển lãm chuyên đề kỷ niệm chiến thắng 30/4 với chủ đề “ Khát vọng hòa bình”. Thư viện tỉnh cấp mới 102 thẻ, phục vụ trên 500 lượt bạn đọc, luân chuyển trên 500 lượt tài liệu.

 2. Hoạt động thể dục - thể thao

Hoạt động thể dục - thể thao trong tháng 4/2016 tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phương châm đưa thể dục thể thao về cơ sở nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng rộng khắp, thu hút nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia.

Thể thao thành tích cao: Cử đoàn tham dự 5 giải thể thao khu vực quốc gia và quốc tế. Phối hợp tổ chức giải bóng đá hạng nhì quốc gia; phối hợp với Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc đua xe đạp tranh Cúp truyền hình TP. Hồ Chí Minh lần thứ 28-2016 vào cuối tháng 4/2016.

Thể dục thể thao quần chúng: Chuẩn bị tổ chức 02 giải Vovinam các Câu lạc bộ; Hội thao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao. Tiếp tục duy trì đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể dục - thể thao, thu hút đông đảo số người tham gia tập luyện thường xuyên như gia đình thể thao, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và cán bộ công chức trong các cơ quan đoàn thể; duy trì tập luyện thể chất trong các trường học.

3. Giáo dục - đào tạo

Trong tháng 4/2016, ngành giáo dục Hướng dẫn tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2016-2017. Tổ chức các cuộc thi: cuộc thi tiếng Anh qua mạng IOE; cuộc thi giải Toán qua mạng Violympic vòng toàn quốc; cuộc thi “Giáo viên làm tổng phụ trách đội giỏi”: toàn tỉnh có 69 giáo viên là tổng phụ trách đội được tuyển chọn từ các hội thi cấp huyện tham gia dự thi, kết quả có 6 giáo viên đạt thành tích xuất sắc và 35 giáo viên đạt loại giỏi.

Chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016. Toàn tỉnh có 2 cụm thi: cụm thi do Trường Đại học Đà Lạt chủ trì dành cho các thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng và cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp trung học phổ thông; có 12.249 thí sinh đăng ký dự kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2016 (chưa tính thí sinh tự do). Trong đó, có khoảng trên 2.000 thí sinh dự thi có nguyện vọng xét tốt nghiệp, hầu hết những thí sinh này rải rác ở các địa phương trong tỉnh, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc nên Sở Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, thống kê cụ thể để có phương án tổ chức các điểm thi với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh trong việc di chuyển đến điểm thi với cự ly gần nhất. 

          4. Hoạt động y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm 

Trong tháng 4/2016, ngoài hoạt động thường xuyên, ngành y tế Lâm Đồng tiếp tục giám sát dịch cúm A (H1N1), (H5N1), (H5N6), ( H5N8), (H7N9), và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt rét, sốt xuất huyết không có dịch xảy ra; có 10 trường hợp mắc sốt rét, không có trường hợp tử vong; có 05 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 02 trường hợp so với cùng kỳ, không có tử vong; không phát hiện thêm bệnh nhân phong mới, toàn tỉnh quản lý 198 bệnh nhân phong, theo dõi đa hóa trị liệu cho 03 bệnh nhân, chăm sóc tàn phế cho 172 bệnh nhân. Từ đầu tháng đến nay khám phát hiện 20 trường hợp bị lao mới, không có trường hợp bệnh nhân lao bị tử vong, toàn tỉnh đang quản lý điều trị cho 346 bệnh nhân lao. Không có trường hợp nhiễm HIV mới (tích luỹ: 1.095 trường hợp), không có trường hợp mắc AIDS mới (tích lũy: 257 trường hợp) và không có trường hợp tử vong do AIDS (tích luỹ: 491 trường hợp).

Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình tiếp tục được duy trì, từ đầu tháng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã triển khai chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến vùng có mức sinh cao. Tính từ đầu năm đến nay đã thực hiện tiêm chủng đầy đủ 6 loại vắc xin cho trên 3.500 trẻ dưới 1 tuổi, tiêm UV 2+ cho trên 3.200 phụ nữ có thai và cho 900 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tiêm bạch hầu- ho gà- uốn ván mũi 4 cho trên 1.800 trẻ 18 tháng tuổi.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: Từ đầu tháng đến nay không có vụ ngộ độc xảy ra. Sáng ngày 14/4/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lễ phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (thời gian từ 15/4/2016 -15/5/2016) tham dự có lãnh đạo UBND, các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh và thành phố Đà Lạt, các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm cùng các em học sinh. Chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, mục tiêu giải quyết căn bản bức xúc, nổi cộm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, gà, thủy sản nuôi để tạo niềm tin cho người tiêu dùng đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Là một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, có nhiều loại nông lâm thủy sản đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng an toàn các sản phẩm rau, thịt, đòi hỏi phải quản lý tốt hàng trăm ngàn tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 

5. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Vào khoảng 2h sáng ngày 14/4/2016, tại số nhà 743 đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đã xảy ra vụ cháy nhà làm 1 người chết. Sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 3 có mặt tại hiện trường khống chế đám cháy. Ước thiệt hại 100 triệu đồng. Nguyên nhân cháy do chập điện.

         6. Tai nạn giao thông

  Trong tháng, Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, tổng hợp các trường hợp xe ô tô hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm trên địa bàn tỉnh gửi Sở Thông tin Truyền thông, Đài Phát thanh truyền hình, các lực lượng thực thi công vụ, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố để tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, ban hành Văn bản số 58/BATGT ngày 11/4/2016 về tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, nhân dân không rải vàng mã trên đường đưa tang để bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Kế hoạch số 62/KH-BATGT ngày 15/4/2016 về kiểm tra tình trạng sử dụng lòng, lề đường, hè phố không đúng mục đích giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Phân công trực bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian nghỉ lễ để kịp thời tiếp nhận các thông tin về bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục khi có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và ùn tắc giao thông xảy ra. Tính từ ngày 16/3/2016 đến ngày 15/4/2016, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông, tăng 01 vụ; làm chết 08 người; bị thương 08 người. Tính đến ngày 15/4/2016, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông; làm chết 43 người; bị thương 42 người. Trong tháng lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 5.199 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt 3,3 tỷ đồng, tước 313 giấy phép lái xe, tạm giữ 10 ô tô, 681 mô tô. Phương tiện cơ giới đường bộ đăng ký mới: 317 ô tô và 4.580 mô tô. Tổng phương tiện đang quản lý là 37.718 ô tô và 795.592 mô tô.

Trong 4 tháng đầu năm 2016, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được giữ vững; đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định và được cải thiện./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt