Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2019

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân và gieo trồng cây hoa màu trên cả nước. Tính đến thời điểm 15/1/2019, cả nước gieo cấy được 1.908,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 101,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 77,5 nghìn ha, bằng 122,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.831,2 nghìn ha, bằng 100,5%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.509,4 nghìn ha, bằng 102,1%. Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc đạt cao hơn cùng kỳ năm trước do điều kiện thuận lợi về thời tiết. Hiện nay, lúa đông xuân đang phát triển ổn định, trong đó gần 70 nghìn ha lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch, bằng 94,6% cùng kỳ năm 2018.

Cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, đến trung tuần tháng Một, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 156,2 nghìn ha ngô, bằng 101,9% cùng kỳ năm trước; 39,7 nghìn ha khoai lang, bằng 96,8%; 7,2 nghìn ha đậu tương, bằng 109,1%; 24,7 nghìn ha lạc, bằng 92,5%; 356,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,8%.

Trong tháng, chăn nuôi trâu, bò không thuận lợi do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại; chăn nuôi lợn và gia cầm nhìn chung phát triển ổn định, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ước tính tháng Một, đàn trâu cả nước giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,8%; đàn lợn tăng 3,1%; đàn gia cầm tăng 6,3%.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng và chuẩn bị cho Tết trồng cây xuân Kỷ Hợi. Trong tháng Một, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 6,3 nghìn ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 720 nghìn cây, giảm 4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 871 nghìn m3, xấp xỉ cùng kỳ năm trước do tại các tỉnh phía Bắc thời tiết mưa phùn, khí hậu ẩm ướt không thuận lợi cho việc khai thác gỗ. Sản lượng củi khai thác trong tháng đạt 1,5 triệu ste, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng Một là 19,1 ha, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó diện tích rừng bị cháy là 0,3 ha, giảm 93%; diện tích rừng bị chặt, phá là 18,8 ha, giảm 20,1%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Một ước tính đạt 498 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 379,4 nghìn tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 43,8 nghìn tấn, tăng 1,4%; thủy sản khác đạt 74,8 nghìn tấn, tăng 3%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 232,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 167,4 nghìn tấn, tăng 4,2%; tôm đạt 34,3 nghìn tấn, tăng 3,6%. Giá cá tra nguyên liệu nửa đầu tháng Một giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, dao động từ 29.000-33.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi từ 5.000-9.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng 1/2019 ước tính đạt 82,1 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường nội địa phục vụ Tết Nguyên Đán tăng làm giá tôm tăng nhẹ so với tháng trước. Sản lượng tôm sú tháng Một ước tính đạt 13,3 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 17,5 nghìn tấn, tăng 8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng Một ước tính đạt 265,8 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 212 nghìn tấn, tăng 5,5%; tôm đạt 9,5 nghìn tấn, giảm 5,9%. Riêng sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Một ước tính đạt 251 nghìn tấn, tăng 5,3%, trong đó cá đạt 202,2 nghìn tấn, tăng 5,8%; tôm đạt 8,4 nghìn tấn, giảm 6,7%.

2. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2019 ước tính giảm 3,2% so với tháng 12/2018. So với cùng kỳ năm 2018, IIP tháng 1/2019 ước tính tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng 22,1% của cùng kỳ năm trước do Tết Nguyên đán năm nay vào đầu tháng Hai nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,8%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,7%, làm giảm 1 điểm phần trăm mức tăng chung.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất tháng Một tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 104,1%; sản xuất kim loại tăng 32,9%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 29,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,4%; sản xuất đồ uống tăng 12,9%; dệt và sản xuất trang phục cùng tăng 12,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 12,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 11,3%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 3,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 0,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,6%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,3%; khai thác quặng kim loại giảm 4,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11% (khai thác dầu thô giảm 17,1% và khai thác khí đốt tự nhiên giảm 5,3%); sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 12,2%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 14,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tháng 1/2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 95,2%; sắt, thép thô tăng 68,6%; bia tăng 47,1%; sơn hóa học tăng 23,6%; sữa tươi tăng 18,9%; thức ăn cho thủy sản tăng 16%; quần áo mặc thường tăng 13,6%; giày, dép da tăng 12,9%; bột ngọt tăng 12%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 1,1%; thép cán tăng 0,7%; phân hỗn hợp NPK giảm 1%; linh kiện điện thoại giảm 2,3%; đường kính giảm 4,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 5,3%; điện thoại di động giảm 5,4%; khí hóa lỏng LPG giảm 6,2%; dầu thô khai thác giảm 17,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2019 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 23,6%; Vĩnh Phúc tăng 18,2%; Hải Dương tăng 11,9%; Bình Dương tăng 10,9%; Quảng Ninh và Đồng Nai cùng tăng 8,5%; Cần Thơ tăng 8,2%; Quảng Nam tăng 6,4%; Hà Nội tăng 6,2%;  Đà Nẵng tăng 6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,1%; Thái Nguyên tăng 2,6%; Bắc Ninh giảm 1,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5,3%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2019 tăng 1,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,2%. Tại thời điểm trên, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 0,9%.

Lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/1/2019 so với cùng thời điểm năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Hải Phòng tăng 12,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,2%[1]; Hải Dương tăng 4,9%; Đồng Nai tăng 2,7%; Quảng Ninh tăng 2,6%; Hà Nội tăng 2,4%; Quảng Nam tăng 1,4%; Cần Thơ tăng 1,2%; Bình Dương tăng 1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,3%; Vĩnh Phúc giảm 1,6%; Thái Nguyên giảm 7,4%; Bắc Ninh giảm 7,6%; Đà Nẵng giảm 16%[2].

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[3]

Trong tháng 1/2019, cả nước có 10.079 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7% về số doanh nghiệp và tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15 tỷ đồng, tăng 64,8%[4]. Nếu tính cả 484 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng Một là 635,1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 8.465 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Một năm nay lên hơn 18,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 107,9 nghìn người, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong tháng Một năm nay phần lớn các lĩnh vực đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Có 3,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 37,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), giảm 0,3%; có 1,3 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 13%), giảm 1%; gần 1,3 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,4%), giảm 9%; 790 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,8%), giảm 1,1%; 611 doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 6,1%), giảm 5%; 499 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), giảm 17,9%.... Trong 5 lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước có 539 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 5,3%), tăng 16,9%; 299 doanh nghiệp thông tin và truyền thông (chiếm 3%), tăng 12,4%; 296 doanh nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm 2,9%), tăng 4,6%; 118 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khác (chiếm 1,2%), tăng 21,6% và 93 doanh nghiệp sản xuất phân phối điện, nước, gas (chiếm 0,9%), tăng 3,3%.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Một năm nay tại hầu hết các vùng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vùng Đông Nam Bộ có 4,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% (vốn đăng ký 87,5 nghìn tỷ đồng, tăng 143,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 1,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,7% (vốn đăng ký 12,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18,7%); Đồng bằng sông Cửu Long 776 doanh nghiệp, giảm 9,8% (vốn đăng ký 7,4 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%); Trung du và miền núi phía Bắc 379 doanh nghiệp, giảm 23,7% (vốn đăng ký 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7%); Tây Nguyên 276 doanh nghiệp, giảm 4,2% (vốn đăng ký 3,7 nghìn tỷ đồng, tăng 153,9%). Riêng vùng Đồng bằng sông Hồng có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước với 3,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 1,6% (vốn đăng ký 34,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng là 10.804 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 4,1 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 38,2%), tăng 24,5%; 1,6 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,7%), tăng 19,8%; 1,4 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 21,4%; 706 doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,5%), tăng 33,5%; 660 doanh nghiệp vận tải kho bãi (chiếm 6,1%), tăng 35,5%; 506 doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 4,7%), tăng 16,9%... Trong tháng Một năm nay còn có 12.278 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 7.342 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 1/2019 là 1.802 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 732 doanh nghiệp (chiếm 40,6%), tăng 20,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 184 doanh nghiệp (chiếm 10,2%), giảm 8,5%; xây dựng có 178 doanh nghiệp (chiếm 9,9%), tăng 8,5%...

4. Đầu tư

Trong tháng 1/2019, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2018, các bộ, ngành và địa phương triển khai giao vốn đầu tư cho các dự án được phê duyệt kế hoạch vốn năm 2019 theo Quyết định số 1897/QĐ-TTg ngày 31/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Một ước tính đạt 18.031 tỷ đồng, bằng 5,56% kế hoạch năm và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 bằng 4,7% và tăng 17%), gồm có:

- Vốn trung ương quản lý đạt 2.496 tỷ đồng, bằng 5,23% kế hoạch năm và giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 538 tỷ đồng, bằng 6,1% và giảm 51,3%; Bộ Y tế 288 tỷ đồng, bằng 5,4% và tăng 41,6%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 162 tỷ đồng, bằng 4,9% và giảm 48,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 68 tỷ đồng, bằng 5,3% và tăng 9,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 66 tỷ đồng, bằng 5% và tăng 3,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 35 tỷ đồng, bằng 4,7% và giảm 22,8%; Bộ Xây dựng 14 tỷ đồng, bằng 5,8% và giảm 7,7%; Bộ Công Thương 13 tỷ đồng, bằng 5,1% và tăng 16,8%; Bộ Khoa học và Công nghệ 11 tỷ đồng, bằng 3,7% và tăng 22,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 7 tỷ đồng, bằng 4,5% và tăng 17,2%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 15.535 tỷ đồng, bằng 5,62% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 10.203 tỷ đồng, bằng 5,1% và tăng 11,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 4.452 tỷ đồng, bằng 6,8% và tăng 24,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 880 tỷ đồng, bằng 7,6% và tăng 22%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 2.965 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch năm và tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; Thanh Hóa 591 tỷ đồng, bằng 7,6% và tăng 25%; Bà Rịa - Vũng Tàu 528 tỷ đồng, bằng 8% và tăng 23%; Hải Phòng 521 tỷ đồng, bằng 8,3% và tăng 9,8%; thành phố Hồ Chí Minh 515 tỷ đồng, bằng 1,4% và giảm 6,7%; Vĩnh Phúc 512 tỷ đồng, bằng 8,2% và tăng 3,3%; Nghệ An 493 tỷ đồng, bằng 9% và tăng 0,7%; Quảng Ninh 431 tỷ đồng, bằng 5,9% và tăng 19,8%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2019 thu hút 226 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 805 triệu USD, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 72 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 340,3 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 1.145,3 triệu USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2019 ước tính đạt 1.550 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ tháng 1/2018. Trong tháng còn có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 72 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 384,91 triệu USD và 417 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 376,97 triệu USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 591 triệu USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,3 triệu USD, chiếm 8,1%[5]; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 59,2 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 89,5 triệu USD, chiếm 11,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2019 đạt 915,7 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn đăng ký; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 72,2 triệu USD, chiếm 6,3%; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,4 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 92 triệu USD, chiếm 8%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 274,6 triệu USD, chiếm 36% tổng giá trị góp vốn; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 169,5 triệu USD, chiếm 22,3%; các ngành còn lại đạt 317,8 triệu USD, chiếm 41,7%.

Cả nước có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong tháng 1/2019, trong đó Hải Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 124,9 triệu USD, chiếm 15,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nam 118,3 triệu USD, chiếm 14,7%; Tây Ninh 90 triệu USD, chiếm 11,2%; Bình Dương 87,7 triệu USD, chiếm 10,9%; Hưng Yên 64,9 triệu USD, chiếm 8,1%; Thừa Thiên - Huế 59,5 triệu USD, chiếm 7,4%; thành phố Hồ Chí Minh 32,7 triệu USD, chiếm 4,1%; Hà Nội 31,5 triệu USD, chiếm 3,9%; Bắc Ninh 30,3 triệu USD, chiếm 3,8%.

Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong tháng Một năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 221,6 triệu USD, chiếm 27,5% tổng vốn đăng ký cấp mới[6]; tiếp đến là Nhật Bản 215,7 triệu USD, chiếm 26,8%; Xa-moa 77 triệu USD, chiếm 9,6%; Hàn Quốc 75,4 triệu USD, chiếm 9,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 70,4 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan 41,4 triệu USD, chiếm 5,1%; Xin-ga-po 28 triệu USD, chiếm 3,5%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2019 có 4 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 1,05 triệu USD; có 1 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 200 nghìn USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong tháng đạt 1,25 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 600 nghìn USD, chiếm 47,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 426,9 nghìn USD, chiếm 34,1%; lĩnh vực thông tin và truyền thông đạt 225 nghìn USD, chiếm 18%. Trong tháng 1/2019 có 5 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Xin-ga-po và Hoa Kỳ là hai nước dẫn đầu đều đạt 300 nghìn USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư[7]; Phần Lan 226,9 nghìn USD, chiếm 18,1%; Nhật Bản 225 nghìn USD, chiếm 18%, Mi-an-ma 200 nghìn USD, chiếm 15,9%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 1/2019 ước tính đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, bằng 2,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 16 nghìn tỷ đồng, bằng 1,4%; thu từ dầu thô 1,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 13,3 nghìn tỷ đồng, bằng 7%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 549 tỷ đồng, bằng 0,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 1.102 tỷ đồng, bằng 0,5%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng 1,2%; thu thuế thu nhập cá nhân 1,7 nghìn tỷ đồng, bằng 1,5%; thu thuế bảo vệ môi trường 105 tỷ đồng, bằng 0,2%; thu tiền sử dụng đất 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 4,4%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng Một ước tính đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, bằng 2,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 31,8 nghìn tỷ đồng, bằng 3,2%; chi đầu tư phát triển 2,8 nghìn tỷ đồng, bằng 0,7%; chi trả nợ lãi 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,7%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2019 diễn ra sôi động do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong tháng giáp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2019 ước tính đạt 402,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,7%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng Một ước tính đạt 305,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 6,3% và tăng 13,1%; may mặc tăng 7,1% và tăng 13,4%; phương tiện đi lại tăng 4,2% và tăng 11,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9% và tăng 10,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,9% và tăng 13,7%. Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 15,1%; Hải Phòng tăng 14,5%; Bắc Ninh tăng 13,9%; Đà Nẵng tăng 13,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,9%; Khánh Hòa tăng 12,4%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2019 ước tính đạt 49,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như thành phố Hồ Chí Minh tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,2%; Lâm Đồng tăng 12,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 12,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 12,2%; Đà Nẵng tăng 11,8%; Hà Nội tăng 10,5%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm 2019.

Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng ước tính đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 17,4%; Nghệ An tăng 16,4%; Hà Nam tăng 15,9%; Đà Nẵng tăng 10,2%; Hà Nội tăng 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,6%.

Doanh thu dịch vụ khác tháng Một ước tính đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Phú Yên tăng 11,4%; Thanh Hóa tăng 9,2%; Quảng Ngãi tăng 8,1%; Hà Giang tăng 7,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,7%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 12/2018 đạt 19.635 triệu USD, thấp hơn 1.365 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện thấp hơn 924 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 141 triệu USD; dầu thô thấp hơn 79 triệu USD; giày dép thấp hơn 70 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, thấp hơn 1.240 triệu USD so với ước tính, tăng 13,2% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 16,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 173,7 tỷ USD, tăng 11,8%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,0 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,42 tỷ USD, giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, tăng 3,2%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước như: Hóa chất tăng 33,4%; rau quả tăng 30,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 21,8%; dầu thô tăng 19,3%; sắt thép tăng 19,2%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị giảm như: Điện thoại và linh kiện giảm 0,9%; hàng dệt may giảm 4,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 4,6%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2019 giảm 1,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,1%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm: Điện thoại và linh kiện đạt 2,9 tỷ USD, giảm 27,5%, đây là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tháng Một giảm so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, giảm 5%; máy ảnh, máy quay phim đạt 450 triệu USD, giảm 9,1%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng có kim ngạch giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 305 triệu USD, giảm 27,2%; hạt điều đạt 286 triệu USD, giảm 8,7% (lượng tăng 14,7%); gạo đạt 180 triệu USD, giảm 24,8%; hạt tiêu đạt 46 triệu USD, giảm 32,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng: Hàng dệt may đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 15,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 14,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 800 triệu USD, tăng 4,9%; thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng 5,2%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2019 với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 44,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 40,4%; giày dép tăng 13,5%. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,2%, trong đó hàng dệt may tăng 23,9%; giày dép tăng 13,6%; thủy sản tăng 10,7%. Thị trường EU đạt 3,2 tỷ USD, giảm 7,3%, trong đó điện thoại và linh kiện giảm 20,4%; sắt thép giảm 60,3%. ASEAN đạt 2 tỷ USD, giảm 5,1%, trong đó thủy sản giảm 22,5%; điện thoại và linh kiện giảm 36,3%. Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,8%, trong đó hàng dệt may tăng 7,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 5,9%. Hàn Quốc đạt 1,5 tỷ USD, giảm 2,3%, trong đó điện tử, máy vi tính và linh kiện giảm 11,4%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 12/2018 đạt 20.446 triệu USD, thấp hơn 754 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 296 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 145 triệu USD; vải thấp hơn 145 triệu USD; kim loại thường thấp hơn 67 triệu USD; phương tiện vận tải thấp hơn 43 triệu USD; chất dẻo thấp hơn 31 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện năm 2018 đạt 236,7 tỷ USD, thấp hơn 824 triệu USD so với số ước tính, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 216,3 tỷ USD, tăng 11,6%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,4%.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính đạt 20,80 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,05 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7%. Kim ngạch một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Bông tăng 24,4%; than đá tăng 24,2%; thủy sản tăng 16,3%; kim loại thường tăng 8,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 5,8%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 5,3%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 ước tính tăng 3,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,3%. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn trong tháng Một: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 3,8%; điện thoại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12%; vải đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,8%; sắt thép đạt 788 triệu USD, giảm 3,2%; chất dẻo đạt 780 triệu USD, tăng 0,3%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong tháng Một, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,2%; vải tăng 4,1%. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, giảm 5,8%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 5,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 12,6%. ASEAN đạt 2,8 tỷ USD, tăng 3,7%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 17,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 16,3%. Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5%, trong đó vải tăng 56,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 2,4%. EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,5%, trong đó sắt thép tăng 26,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 13,9%. Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20,8%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng và điện tử, máy tính, linh kiện cùng tăng 19%.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2018 xuất siêu 6,8 tỷ USD[8], tương đương 2,8% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư ngước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32 tỷ USD. Tháng 1/2019 ước tính nhập siêu 800 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,10% so với tháng 12/2018, trong đó 3 nhóm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,69%[9]; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66% (lương thực tăng 0,52%[10]; thực phẩm tăng 0,85%[11]); may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,39% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%[12]; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; giáo dục tăng 0,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%. Hai nhóm có CPI giảm là: Giao thông giảm 3,04%[13]; bưu chính viễn thông giảm 0,09%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2019 tăng 2,56%.

Chỉ số giá vàng tháng 1/2019 tăng 2,25% so với tháng 12/2018 và tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2019 giảm 0,4% so với tháng 12/2018 và tăng 2,32% so với cùng kỳ năm 2018.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2019 tăng 0,3% so với tháng 12/2018 và tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách tháng Một ước tính đạt 408,7 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018 và 18,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,3%, trong đó vận tải trong nước đạt 407,2 triệu lượt khách, tăng 10,1% và 13,8 tỷ lượt khách.km, tăng 11,2%; vận tải ngoài nước đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 4,5% và 4,2 tỷ lượt khách.km, tăng 7,4%; chủ yếu do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp đầu năm dương lịch được nghỉ khá dài ngày. Vận tải hành khách đường bộ đạt 386 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước12,9 tỷ lượt khách.km, tăng 10%; đường thủy nội địa đạt 17,4 triệu lượt khách, tăng 5,3% và 332,2 triệu lượt khách.km, tăng 7,6%; đường biển đạt 669,4 nghìn lượt khách, tăng 9,7% và 39,9 triệu lượt khách.km, tăng 7%. Vận tải bằng đường hàng không đạt khá với 4,1 triệu lượt khách, tăng 12,9% và 4,6 tỷ lượt khách.km, tăng 11,9%. Vận tải đường sắt đạt 0,5 triệu lượt khách, giảm 7,5% và 0,2 tỷ lượt khách.km, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Vận tải hàng hóa tháng Một ước tính đạt 144,4 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và 27,4 tỷ tấn.km, tăng 7%, trong đó vận tải trong nước đạt 141,6 triệu tấn, tăng 9,2% và 16,1 tỷ tấn.km, tăng 10,7%; vận tải ngoài nước đạt 2,8 triệu tấn, tăng 2,8% và 11,3 tỷ tấn.km, tăng 2,3%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 111,8 triệu tấn, tăng 10,2% và 7,4 tỷ tấn.km, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; đường thủy nội địa đạt 25,2 triệu tấn, tăng 5,2% và 5,4 tỷ tấn.km, tăng 7,4%; đường biển đạt 6,9 triệu tấn, tăng 7,7% và 14,1 tỷ tấn.km, tăng 5,9%; đường hàng không đạt 41 nghìn tấn, tăng 8,1% và 102,9 triệu tấn.km, tăng 10,2%; riêng đường sắt đạt 0,5 triệu tấn, giảm 6% và 0,4 tỷ tấn.km, giảm 7,7%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 1/2019 ước tính đạt 1.501,8 nghìn lượt người, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến bằng đường hàng không đạt 1.167,2 nghìn lượt người, tăng 1,4%; bằng đường bộ đạt 310,4 nghìn lượt người, tăng 26,9%; bằng đường biển đạt 24,2 nghìn lượt người, giảm 30,5%. So với tháng trước, khách quốc tế đến nước ta tăng 9,3%, trong đó khách đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc tăng mạnh[14] do bà con Việt Kiều về quê ăn Tết, đồng thời ở các nước châu Âu, châu Mỹ đang là kỳ nghỉ đông nên nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân khá lớn.

Trong tháng Một, khách đến nước ta từ châu Á ước tính đạt 1.103,7 nghìn lượt người, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 389 nghìn lượt người, tăng 23%, vượt qua Trung Quốc trở thành nước có lượng khách quốc tế tới Việt Nam nhiều nhất; khách đến từ Trung Quốc đạt 373,5 nghìn lượt người, giảm 10,7%; Nhật Bản 80 nghìn lượt người, tăng 11,3%; Đài Loan 63,8 nghìn lượt người, tăng 31,4%; Ma-lai-xi-a 48,1 nghìn lượt người, tăng 9,4%; Thái Lan 45,1 nghìn lượt người, tăng 39,7%; Xin-ga-po 25,2 nghìn lượt người, giảm 2,5%; Phi-li-pin 15,8 nghìn lượt người, tăng 20%; In-đô-nê-xi-a 9,8 nghìn lượt người, tăng 18,7%; Cam-pu-chia 9,5 nghìn lượt người, giảm 61,3%; Lào 6,8 nghìn lượt người, giảm 27%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 232,5 nghìn lượt người, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga đạt 76 nghìn lượt người, tăng 2,2%; Vương quốc Anh 29,5 nghìn lượt người, tăng 3,9%; Pháp 27 nghìn lượt người, tăng 1,3%; Đức 21,9 nghìn lượt người, tăng 3,9%; Thụy Điển 11,2 nghìn lượt người, tăng 6%; I-ta-li-a 8,7 nghìn lượt người, tăng 3,9%.

Khách đến từ châu Mỹ đạt 105,3 nghìn lượt người, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 80,7 nghìn lượt người, tăng 11%. Khách đến từ châu Úc đạt 55,4 nghìn lượt người, tăng 0,2%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 50,3 nghìn lượt người, tăng 0,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 4,9 nghìn lượt người, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2018.

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Trong tháng Một (tính đến ngày 18/1/2019), cả nước có gần 5,7 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 19,6 nghìn nhân khẩu thiếu đói, trong đó Lạng Sơn hơn 1 nghìn hộ với hơn 3 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Sơn La hơn 800 hộ với 3 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Yên Bái 726 hộ với 2,5 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Theo báo cáo sơ bộ, để khắc phục tình trạng thiếu đói, các cấp, các ngành và địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói khoảng 167 tấn gạo.

Với phương châm không để người dân nào bị đói và không có Tết, Chính phủ đã xuất cấp 3,7 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Quyết định số 106/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng 1/2019, cả nước có 4,3 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; gần 1,6 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 14 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút và 15 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 2 người tử vong.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/1/2019 là 208,9 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 95,37 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,2 nghìn người.

c) Tai nạn giao thông

Từ 16/12/2018 đến 15/1/2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.527 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 826 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 701 vụ va chạm giao thông, làm 731 người chết; 422 người bị thương và 715 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 13,3% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 7,2%; số vụ va chạm giao thông giảm 19,6%); số người chết giảm 6,3%; số người bị thương giảm 0,9% và số người bị thương nhẹ giảm 22,5%. Bình quân một ngày trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 27 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 22 vụ va chạm giao thông, làm 24 người chết, 14 người bị thương và 23 người bị thương nhẹ. Đáng lưu ý, trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vụ tai nạn giữa xe container và một loạt xe máy xảy ra ngày 2/1 tại Long An làm 4 người chết và 18 người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 6/1 tại Sa Pa, Lào Cai làm 1 người chết và nhiều người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 9/1 trên quốc lộ 1A, đoạn qua Bình Định làm 1 người chết và 5 người bị thương; vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 21/1 tại Hải Dương làm 8 người chết và 8 người bị thương. Trước tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra do lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích và còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo lái xe, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã có những chỉ đạo kịp thời để ngăn ngừa tai nạn xảy ra trong thời gian tới.

d) Thiệt hại thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Thiên tai xảy ra trong tháng chủ yếu là rét đậm, rét hại, mưa lớn và sạt lở đất tại một số địa phương làm 4,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng, gần 300 ngôi nhà bị sập đổ, sạt lở và tốc mái, thiệt hại khoảng 17,4 tỷ đồng.

Trong tháng 1/2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện 731 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 613 vụ với tổng số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng. Trong tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 295 vụ cháy, nổ, làm 12 người chết và 15 người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính 78 tỷ đồng./.

 



[1] Chủ yếu do một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ uống, in ấn, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có lao động tăng cao so với cùng thời điểm năm trước.

[2] Chủ yếu do một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và sản xuất đồ chơi trẻ em gặp khó khăn về hợp đồng sản xuất nên giảm mạnh lao động so với cùng thời điểm năm trước.

[3] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[4] Trong tháng 1/2018 có 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 98,3 nghìn tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,1 tỷ đồng.

[5] Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 18/01/2019 với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD do Nhật Bản đầu tư với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam.

[6] Trong đó: Dự án nhà máy sản xuất hoá chất dệt nhuộm Huanyu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 02/01/2019 với tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất chất dệt nhuộm; Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 11/01/2019 với tổng số vốn 59,054 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư với mục tiêu xử lý, tiêu thủy rác thải tại Thừa Thiên - Huế.

[7] Công ty TNHH Thương mại dịch vụ may mặc Escape Velocity mua một phần vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư vào ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với giá trị đầu tư 300 nghìn USD tại Xin-ga-po; Công ty TNHH ZADEZ Việt Nam thành lập tổ chức kinh tế mới trong ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với giá trị đầu tư 300 nghìn USD tại Hoa Kỳ.

[8] Ước tính năm 2018 xuất siêu 7,2 tỷ USD.

[9] Chủ yếu do mặt hàng rượu mạnh tăng 0,88%; bia chai, bia lon tăng 0,49%; thuốc lá tăng 0,83%.

[10] Chủ yếu do giá gạo tăng 0,53%; giá miến tăng 0,49%; giá bún khô, mỳ ăn liền, phở ăn liền tăng 0,34%.

[11] Giá thịt lợn tăng 0,42%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 1,01%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,1%; trứng gia cầm tăng 0,23%; quả tươi tăng 1,77% và rau tươi tăng 2,51%.

[12] Do giá gas trong tháng tăng 1,36%, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,3% và giá bảo dưỡng phương tiện tăng 0,61%.

[13] Đây là nhóm có CPI giảm nhiều nhất do ảnh hưởng của đợt giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/1/2019 cùng với việc sử dụng quỹ bình ổn xăng, dầu tại kỳ điều hành ngày 16/1/2019 làm CPI xăng, dầu giảm 6,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,29%).

[14] Khách đến từ châu Âu tăng 36,2% so với tháng trước; từ châu Mỹ tăng 44%; từ châu Úc tăng 62,2%.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt