I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản.
1. Sản xuất nông nghiệp:
Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cát Tiên trong 6 tháng đầu năm 2022: Đã triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa an toàn theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và tạo nguồn nguyên liệu phát triển nhãn hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên.
Tổng diện tích gieo trồng 17.882 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ và đạt 91,7% kế hoạch năm. Trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 3.963,1 ha, chiếm 22,2% diện tích sản xuất nông nghiệp. Diện tích cây lúa gieo trồng đạt 7.566, đạt 85% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ, diện tích thu hoạch đạt 3.863,2 ha, năng suất bình quân đạt 66,3 tạ/ha; sản lượng đạt 25.631,4 tấn, đạt 46,9% kế hoạch và giảm 3,6% so với cùng kỳ. Diện tích cây ngô gieo trồng đạt 772 ha, đạt 85,1% kế hoạch, giảm 4,6% so với cùng kỳ; diện tích ước thu hoạch đạt 405 ha; năng suất bình quân 71,1 tạ/ha; sản lượng 2.880 tấn.
Tổng diện tích cây lâu năm đạt 8.265 ha; chủ yếu là cây điều với diện tích đạt 6.174 ha, chiếm 74,7%; cây ăn quả đạt 1.047 ha; tiếp tục tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị cao được chuyển đổi từ diện tích vườn tạp, đất trồng kém hiệu quả.
1.3. Chăn nuôi:
Triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 (QĐ số 529 ngày 19/5/2022 của UBND huyện Cát Tiên); chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh không để tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phát sinh các ổ bệnh dịch trên địa bàn huyện; chỉ đạo ngành chuyên môn cùng với các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Do đó, tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2022 ổn định, tổng đàn phát triển tốt, không xảy ra ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổng đàn trâu 648 con, tăng 2,05%; đàn bò 10.289 con, tăng 5,3% so với cùng kỳ, trong đó bò lai chiếm 97,04%; đàn lợn đạt 31.824 con, tăng gấp 2,29 lần so với cùng kỳ.
2. Sản xuất lâm nghiệp:
Trong 6 tháng đầu năm 2022, qua kiểm tra lực lượng kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản 03 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (Hạt Kiểm lâm huyện lập biên bản 01 vụ tàng trữ, mua bán lâm sản trái pháp luật; Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên lập biên bản 02 vụ vi phạm quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng thuộc diện tích rùmg đặc dụng do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý) và không có vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 8.400 m3, tăng 1,95% so với cùng kỳ; sản lượng củi khai thác ước đạt 18.069 ster, tăng 5% so với cùng kỳ.
3. Sản xuất thủy sản:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc khai thác diện tích mặt nước để kết hợp phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển mở rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cá lồng bè, nuôi lươn không bùn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 202,9 ha, đạt 106% kế hoạch năm, sản lượng 544,24 tấn tăng 1,56% so với cùng kỳ.
II. Sản xuất công nghiệp - Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ:
1. Sản xuất công nghiệp:
Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp cá thể ước 6 tháng đầu năm 2022 theo giá so sánh 2010 đạt 91.920,13 triệu đồng, tăng 11,96% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tăng 6,32%; ngành sản xuất đồ uống tăng 9,54%; sản xuất trang phục tăng 7,14%; sản xuất da tăng 10,61% so với cùng kỳ, nguyên nhân là do lượng hàng sản xuất ra của các cơ sở phong phú, đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, một phần người dân cũng đã chú trọng thời trang, nhất là trong những dịp đám tiệc, hội họp… và nhu cầu may đồng phục để phục vụ Lễ, hội họp…của các cơ quan, đơn vị tăng.
Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,71%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 8,49%. Nguyên nhân chính là do thị trường tiêu thụ tăng, đồng thời do một số cơ sở đã phát triển, đổi mới công nghệ - mô hình sản xuất.
Ngành sản xuất các sản phẩm gỗ tre nứa tăng 10,43%; sản xuất tủ bàn ghế tăng 6,66%, nguyên nhân chính là do lượng cầu trên thị trường tăng, khối lượng đơn hàng của các cơ sở nhận được nhiều hơn, nhu cầu của người dân ngày càng chuộng các sản phẩm từ gỗ - mây tre đan nên mẫu mã đa dạng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Ngành sản xuất và phân phối điện, hơi nước tăng gấp 7,34 lần so cùng kỳ. Nguyên nhân là do địa phương tăng nhiều cơ sở sản xuất điện năng lượng mặt trời.
Nhìn chung ngành sản xuất CN cá thể trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện, đa số các ngành đều tăng so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do quan hệ cung - cầu có lợi cho người sản xuất. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít cơ sở hoạt động mang tính chất cầm chừng, nguyên nhân là do quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa có sự liên kết, hợp tác phát triển, công nghệ còn lạc hậu, thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu... nên ảnh hưởng tới việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trên địa bàn.
2. Xây dựng, đầu tư:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 134.865 triệu đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh ước thực hiện 55.950 triệu đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là công trình kiên cố hóa trường học, trung tâm văn hóa huyện, Đường ĐH93, nâng cấp đường giao thông liên xã. Nguồn ngân sách huyện thực hiện 57.915 triệu đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ; vốn đầu tư chủ yếu là làm đường giao thông nông thôn và trường học theo chương trình mục tiêu quốc gia.
Những tồn tại khó khăn hiện nay là một số công trình khác tiến độ thi công chậm so với kế hoạch do giá nhân công, giá vật liệu xây dựng tăng, nên tiến độ thi công bị chậm lại. Một số công trình lớn chủ đầu tư triển khai chậm, nghiệm thu và giải ngân chậm. Công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc như án đường vành đai sông Đồng Nai; Đường bê tông quanh hồ Đạ Sỵ; đường lô 2; Nâng cấp đường Phù Mỹ- Mỹ Lâm. Khâu giải ngân đầu tư công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ đạt 82% kế hoạch, các nhà thầu và chủ đầu tư tiếp tục đề ra các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng cường kiểm tra giám sát về khối lượng, chất lượng công trình, thực hiện các thủ tục liên quan về giải ngân đảm bảo kế hoạch.
3. Thương mại, dịch vụ:
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 14/9/2021 về thực hiện chương trình phát triển dịch vụ, thương mại gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025. Thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh, chống hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Giá các mặt hàng gas, xăng dầu biến động tăng, còn lại giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Các dịch vụ bưu chính viên thông, vận tải, tín dụng ngân hàng, dịch vụ khám chữa bệnh ... hoạt động ổn định tạo thuận lợi nhân dân trao đổi thông tin, giao dịch, mua bán hàng hóa, sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
UBND huyện Cát tiên đã ban hành Đề án Phát triển dịch vụ - du lịch huyện Cát Tiên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (QĐ số 80/ĐA-UBND ngày 09/5/2022); đăng ký các hoạt động hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt; kế hoạch tham gia Không gian “Hội tụ và Lan tỏa” trong Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2022. Thực hiện quản lý và từng bước khai thác hiệu quả Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI - Cát Tiên; triển khai các nội dung theo biên bản ghi nhớ về việc phối hợp, liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch giữa huyện Cát Tiên với Vườn quốc gia Cát Tiên, Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức giới thiệu, đón tiếp khách tham quan du lịch tại huyện; tuyên truyền, quảng bá du lịch trên địa bàn huyện. Kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện Cát Tiên.
III. Thu, chi ngân sách
Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Ban hành Đề án thu ngân sách năm 2022 làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện; phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị trong việc thực hiện dự toán năm 2022, đôn đốc quyết liệt thực hiện thu ngân sách đảm bảo kế hoạch phân kỳ đã đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến 30/6/2022 đạt 35.036 triệu đồng, đạt 80,64% so kế hoạch, tăng 57% so với cùng kỳ; trong đó thu thuế, phí đến 30/6/2022 đạt 24.402 triệu đồng, đạt 83,28% so kế hoạch, tăng 58,83% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách địa phương đến 30/6/2022 đạt 242.846 triệu đồng, đạt 63,98% so kế hoạch, tăng 12,27% so cùng kỳ.
Chi ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách và dự toán được giao, đảm bảo chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, đáp ứng kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổng chi ngân sách địa phương đến 30/6/2022 là 199.145 triệu đồng, đạt 52,46% kế hoạch, bằng 91,56% so với cùng kỳ.
IV. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
1. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, kịp thời chi trả đầy đủ chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng theo quy định, thăm tặng quà các đối tượng người có công, hộ gia đình chính sách, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác chăm sóc - bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ được quan tâm thực hiện đảm bảo theo quy định.
2. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn, đảm bảo thường trực 24/24 tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn huyện cơ bản được khống chế. Triển khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 theo phân bổ; các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo thường trực cấp cứu, bảo đảm đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. UBND huyện đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện năm 2022 để chi công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện với số tiền là 1.083,86 triệu đồng. Trong đó: Kinh phí mua test kháng nguyên SARS-COV-2 phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19: 280 triệu đồng. Kinh phí mua sắm bổ sung các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết khi dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng, kích hoạt tất cả các Trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện 803,86 triệu đồng.
3. Giáo dục và đào tạo
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung còng tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục các tiểu học, trung học cơ sở; bồi dường học sinh giỏi, tổ chức thành công các hội thi, cuộc thi cấp huyện và tham gia các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh năm học 2021-2022. Tổ chức ôn tập kiểm tra cuối học kỳ II và tổng kết năm học 2021-2022 theo hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo các trường xét hoàn thành chương trình Tiểu học cho học sinh lớp 5, tốt nghiệp THCS cho học sinh lớp 9; hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT. Hướng dẫn các trường lựa chọn danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn huyện theo quy định. Hoàn thành rà soát báo cáo số liệu quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2030. Đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường theo hướng trường chuẩn mức độ 1 và mức độ 2. Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên huyện Cát Tiên năm 2022 tại Quyết định sổ 348/QĐ-UBND ngày 05/4/2022 của UBND huyện.
4. Văn hóa, thông tin, thể thao
Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyên truyền chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục được chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiểm tra, phúc tra các cơ quan, đơn vị đề nghị công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa 5 năm 2017-2021. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cơ sở, nhà văn hóa xã và nhà văn hóa thôn, buôn, tổ dân phố. Chỉ đạo xây dựng thị trấn Phước Cát đạt chuẩn văn minh đô thị năm 2022.
5. An ninh, quốc phòng
Tình hình quốc phòng - an ninh trong 6 tháng đầu năm 2022 được giữ vững, ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chăc. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phối hợp các lực lượng bảo vệ an toàn trong thời gian diễn ra các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, tết; làm tốt công tác nắm bắt tình hình kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Tổ chức diễn tập chiến đấu khu vực phòng thủ năm 2022 cho 02 xã Tiên Hoàng và Đồng Nai Thượng theo kế hoạch. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và chuẩn bị tốt mọi mặt phục vụ công tác huấn luyện cho các đối tượng năm 2022. Hoàn thành tốt chỉ tiêu giao nhận quân năm 2022, đạt 100% chỉ tiêu.
Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương toàn diện, vững mạnh về mọi mặt, đến nay 100% xã, thị trấn có công an chính quy về làm việc. Tích cực đấu tranh phòng chống và trấn áp các loại tội phạm; thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự hòa giải”. Triển khai thực hiện việc cấp căn cước công dân gắn với chuyển đổi phương thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu sang quản lý bằng điện tử, triển khai nhân rộng mô hình Camera an ninh trên địa bàn huyện.
|