Hôm nay30
Tháng này2707
Năm này27284
TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
HUYỆN LẠC DƯƠNG
(Trích từ báo cáo Kinh tế - Xã hội năm 2024
của Chi cục Thống kê khu vực Đà Lạt – Lạc Dương)
Trong năm 2024 tình hình kinh tế - xã hội huyện Lạc Dương tiếp tục duy trì sự ổn định, kinh tế tăng trưởng khá. Sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng so với cùng kỳ cả về diện tích, năng suất và sản lượng nông sản thu được, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ ổn định.
1. Tài chính
Trong năm 2024 UBND huyện chỉ đạo các đơn vị rà soát lại nguồn thu, được đảm bảo thu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tập trung có trọng tâm trọng điểm, gắn với thực hiện đầy đủ, quy định về thuế; đồng thời tập trung điều hành thu - chi ngân sách cân đối, kiểm soát chặt chẽ các nguồn chi, tiếp tục thanh toán các khoản chi theo quy định trong thời gian chỉnh lý ngân sách. Năm 2024, tổng thu ngân sách dự toán giao là 228,7 tỷ đồng; trong đó phần huyện thu 168,7 tỷ đồng (thuế phí 70 tỷ đồng; nhà đất thu 87,7 tỷ đồng; thu khác gần 11 tỷ đồng).
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện thực hiện đạt 234,5 tỷ đồng, đạt 102,56% dự toán; trong đó huyện thu 174,3 tỷ đồng, đạt 103,37% dự toán.
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện năm 2024 đạt 373,4 tỷ đồng đạt 99,46% dự toán, trong đó chi thường xuyên là 300,2 tỷ đồng đạt 99,85% dự toán.
2. Đầu tư, xây dựng
Tổng nguồn vốn các công trình đầu tư trên địa bàn huyện Lạc Dương do huyện và tỉnh điều chỉnh bố trí vốn đến đầu tháng 12 năm 2024 là 105,6 tỷ đồng bố trí cho 32 hạng mục công trình. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc lập thiết kế, thi công đối với các công trình trường học, giao thông, đặc biệt là các hạng mục cầu, cống thoát nước, nhà vệ sinh... nhằm phát huy tối đa công năng, hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện thực hiện trong năm 2024 ước đạt 97,6 tỷ đồng, đạt 92,42% kế hoạch vốn, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
- Các công trình do các cơ quan huyện làm chủ đầu tư và do tỉnh bố trí vốn: Nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 41,5 tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện các công trình là 39 tỷ đồng, đạt 94,03% kế hoạch vốn.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
3. Nông nghiệp
Trồng trọt: Trong năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được duy trì ổn định, mùa vụ gieo trồng, thu hoạch luôn được bám sát do đó có sự tăng trưởng nhất định về diện tích gieo trồng, cây trồng thế mạnh của huyện Lạc Dương là rau, hoa các loại được bà con nông dân và một số doanh nghiệp ngày càng mở rộng diện tích gieo trồng, tích cực đầu tư mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên diện tích gieo trồng và sản lượng hoa trong năm 2024 tăng so với cùng kỳ.
Cây hàng năm: Tổng diện tích cây hàng năm gieo trồng và thu hoạch trong năm 2024 ước đạt 8.491 ha, tăng 2,99% so với cùng kỳ (vụ Đông xuân: 2.781,8 ha, vụ Hè thu: 2.908,7 ha, vụ Mùa: 2.800,5 ha). Trong đó: cây lúa gieo trồng 158 ha, tăng 3,95% so với cùng kỳ do gieo trồng thử nghiệm giống lúa mới có năng suất và giá thành cao hơn, tập trung ở xã Lát và Đưng KNớ; năng suất bình quân đạt 32,73 tạ/ha; sản lượng đạt 517,2 tấn, tăng 5,53% so với cùng kỳ. Cây ngô gieo trồng 361 ha, giảm 5% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở xã Đạ Chais; sản lượng thu được là 1.601,4 tấn, giảm 3,47% so với cùng kỳ. Cây rau các loại diện tích gieo trồng 5.824,8 ha, tăng 1,39% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 244.553,61 tấn, tăng 2,64% so với cùng kỳ. Cây hoa các loại diện tích gieo trồng 1.673,7 ha, tăng 8,82%; tổng sản lượng đạt 717,8 triệu cành, tăng 21,16% so với cùng kỳ.
Cây lâu năm: Trong năm 2024, chủ yếu chăm sóc, thu hoạch trên một số loại cây lâu năm trên địa bàn huyện như cây cà phê, cây ăn quả... Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 5.845,3 ha, tăng 3,51% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cây lâu năm chủ yếu là thu hoạch cà phê sản lượng ước đạt 12.877,7 tấn, giảm 3,3%; sản lượng chuối đạt 2.012,5 tấn, tăng 7,62%; hồng đạt 2.760 tấn, giảm 2,04%; cam đạt 200,2 tấn, tăng 9,04%; bơ đạt 272,8 tấn, tăng 23,22%; dâu tây 1.495 tấn, tăng 15,05% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi: Công tác duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại luôn được chú trọng, công tác tiêm phòng định kỳ trên gia súc, gia cầm được thực hiện theo đúng quy trình và kế hoạch đề ra.
Số lượng chăn nuôi: Trong năm 2024, đàn trâu hiện có là 2.192 con, tăng 0,83%; đàn bò có 5.021 con, tăng 0,02%; đàn lợn 4.058 con, giảm 3,43%; đàn gia cầm số con hiện có là 37.370 con, tăng 6,62% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi trong năm 2024: Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 178,1 tấn, tăng 1,39%; thịt bò hơi xuất chuồng 444 tấn, giảm 3,54%; thịt lợn hơi xuất chuồng 286,2 tấn, tăng 3,07%; sản lượng gia cầm xuất chuồng là 140,7 tấn, tăng 4,16% so cùng kỳ, trong đó gà xuất chuồng là 127,9 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ.
Sản lượng, sản phẩm không qua giết mổ: Năm 2024 sản lượng trứng gia cầm thu được là 621,1 ngàn quả, tăng 1,9%; trong đó, sản lượng trứng gà thu được là 584 ngàn quả, tăng 1,21% so với cùng kỳ.
3.2. Lâm nghiệp
Trong năm 2024, các ngành chức năng của huyện Lạc Dương đã tổ chức 20 đợt tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các xã và thị trấn Lạc Dương với số lượng 966 lượt người tham gia và ký 57 cam kết bảo vệ rừng với người dân xã Đưng K’Nớ.
Giao khoán quản lý, bảo vệ rừng: Tổng diện tích giao khoán trên toàn địa bàn huyện Lạc Dương năm 2024 là 107.555 ha, cho 3.127 hộ và 14 tổ chức nhận khoán.
Công tác trồng cây xanh: Thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 15/3/2024, về việc trồng cây xanh năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Dương, số lượng cây trồng thực hiện năm 2024 là 896.785 cây xanh. Tính đến ngày 10/12/2024 trên địa bàn huyện Lạc Dương đã trồng được 721.818 cây xanh các loại, đạt 80,49% kế hoạch địa phương đã xây dựng.
Khai thác lâm sản: Trong năm 2024 sản lượng gỗ khai thác ước đạt 350 m3; sản lượng củi khai thác đạt 17.540 Ster, giảm 2,23% so với cùng kỳ.
Vi phạm lâm luật: Năm 2024 đã phát hiện 21 vụ xác định được đối tượng vi phạm phạm, giảm 15 vụ (41,67%), với diện tích vi phạm 0,69 ha, giảm 58,18%; lâm sản thiệt hại 96,21 m3, giảm 47,8 m3 (-88,1%) so với cùng kỳ.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Trong mùa khô năm 2024 địa bàn huyện không để xảy ra vụ cháy rừng lớn, thiệt hại đến rừng; qua thông tin cảnh báo cháy rừng từ vệ tinh trong năm xảy ra 315 điểm cháy rừng nhỏ không thiệt hại đến tài nguyên rừng; đã được Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị chủ rừng và các tổ đội nhận khoán bảo vệ rừng phát hiện và dập tắt kịp thời.
3. Thủy sản
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay là 28,5 ha, giảm 1,72% so với cùng kỳ, trong đó, trên 17 ha là diện tích nuôi cá nước lạnh (cá tầm) trong bể, bồn của các doanh nghiệp, được nuôi với hình thức thâm canh và có giá trị kinh tế cao; còn lại chủ yếu là hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến của các hộ dân.
Sản lượng thủy sản trong năm 2024 đạt 1.057,4 tấn, tăng 1,47% (trong đó, sản lượng cá tầm của các doanh nghiệp và hộ dân đạt 1.021,8 tấn, chiếm 96,63% trong tổng sản lượng thủy sản và tăng 1,49% so với cùng kỳ).
Sản xuất giống thủy sản trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp đang thử nghiệm ươm giống thủy sản với thể tích khoảng với thể tích trên 825 m3, bằng so với cùng kỳ, số lượng cá ươm giống được trong năm 2024 là 0,15 triệu con, tăng 2,74% so với cùng kỳ.
4. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện ổn định, trong năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp cá thể theo giá hiện hành đạt 18.291 triệu đồng, tăng 0,65%. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đạt 9.854,9 triệu đồng, tăng 2,03%; sản xuất đồ uống ước đạt 4.686 tỷ đồng, giảm 2,47% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp cá thể theo giá theo giá so sánh 2010 đạt 10.878,8 triệu đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ.
5. Thương mại, dịch vụ
Trong năm 2024 công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ trên địa bàn huyện được đảm bảo, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch cơ bản đáp ứng tốt quy định của pháp luật; tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá cả, chất lượng hàng hóa, ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Các ngành dịch vụ, thương mại tăng trưởng do lượng khách tham quan, du lịch đến với địa bàn huyện Lạc Dương có bước khởi sắc hơn.
Bưu chính viễn thông: Tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân và phục vụ công tác điều hành, quản lý Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, nhắc nhở các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về cung cấp dịch vụ cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết trong hoạt động dịch vụ.
6. Các vấn đề xã hội
Văn hóa thông tin: Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thông suốt từ huyện đến xã, tập trung các nội dung, sự kiện lớn của đất nước, của địa phương đảm bảo theo định hướng chung phù hợp với tình hình, kịp thời thông tin, phản ánh về kết quả và tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Giáo dục: Chỉ đạo các trường học thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp (tỷ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 103% kế hoạch, cấp tiểu học đạt 99,9%; cấp THCS đạt 99,24%; cấp THPT đạt 99,39%). Phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Kết quả tổ chức thi tốt nghiệp THPT toàn huyện có tổng số 226/226 học sinh đậu tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100% (226/226 học sinh). Đến nay toàn huyện có 17/17 (100%) trường trực thuộc đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 04 trường đạt chuẩn mức độ 2. Cơ sở vật chất ngành giáo dục tiếp tục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp; đã ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
Công tác y tế: Công tác y tế vẫn tập trung tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp tốt với các ban, ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp cứu, khám chữa bệnh. Công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, HIV/AIDS… được chú trọng. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai tốt, năng lực khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tiếp tục được cải thiện, cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ của nhân dân. Đảm bảo công tác trực cấp cứu 24/24 giờ để kịp thời khám, chữa bệnh cho nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sỹ được được cải thiện, từng bước nâng cao uy tín.
Giải quyết việc làm: Trong năm 2024 trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 872 lao động đạt 102% kế hoạch giao; trong đó giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh 500 lao động, tự giải quyết việc làm là 391 lao động.
Chính sách an sinh, xã hội: Tiếp tục thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Thực hiện chi trả trợ cấp cho 70 đối tượng người có công với số tiền 2.484,6 tỷ đồng; chi điều dưỡng tại nhà cho 20 đối tượng với số tiền 36,99 triệu đồng; chi ưu đãi giáo dục cho 03 người với số tiền 18,56 triệu đồng; gia đình liệt sỹ 23 hộ với số tiền 32,2 triệu đồng…Triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Đã thực hiện trợ cấp tết cho 200 hộ nghèo và 341 hộ cận nghèo với tổng số tiền 364,6 triệu đồng. Ngoài ra, từ các nguồn hỗ trợ khác đã hỗ trợ cho 2.424 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện với tổng số tiền 1.449 triệu đồng.