Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Lâm Đồng tháng 12 năm 2019

            Kinh tế - xã hội năm 2019 diễn ra trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Bối cảnh kinh tế thế giới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới giảm. Trong nước, Chính phủ xác định là năm “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Nền kinh tế năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm  soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng; nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản không thuận lợi về thị trường và giá xuất khẩu; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

            Năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ; thu nhập và đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; ngành công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển theo mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh; lượng khách du lịch qua lưu trú tăng khá so với cùng kỳ; thu ngân sách vượt dự toán được giao; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động giảm; các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục duy trì ổn định; công tác bảo trợ xã hội, chính sách cho người có công được quan tâm thực hiện; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, không để dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; giữ vững quốc phòng an ninh; thực hiện tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ cả về số lượng và chất lượng. Công tác tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định. Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc và Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh được chuẩn bị chu đáo và thành công tốt đẹp đã mang thêm luồng sinh khí mới trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

            Bên cạnh những kết quảđạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: giá một số nông sản không ổn định; công tác dự báo và tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi gây nhiều thiệt hại cho các hộ chăn nuôi; thiên tai (mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy,…) gây thiệt hại về người và thiệt hại lớn về tài sản; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn biến phức tạp. Thu hút khách du lịch tuy tăng nhưng khách quốc tế giảm và chiếm tỷ trọng thấp, giá trị gia tăng các dịch vụ chưa cao, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; các dự án, công trình trọng điểm tuy có nhiều nỗ lực triển khai nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị còn hạn chế, nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý dứt điểm. Tội phạm các loại về trật tự xã hội, kinh tế, môi trường, ma túy ngày càng diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

            I. LĨNH VỰC KINH TẾ

            1. Tăng trưởng GRDP năm 2019

            Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2019 theo giá so sánh 2010 đạt 47.957,4 tỷ đồng, tăng 8,47% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) [1]

 

 

Tốc độ tăng so với năm trước (%)

 

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

 

Cục Thống kê báo cáo địa phương

Tổng cục công bố

Tổng số

107,93

108,16

108,59

108,47

106,94

- Khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

105,19

104,32

105,20

105,30

105,07

- Khu vực công nghiệp - xây dựng

107,06

108,65

108,39

112,26

107,35

      + Trong đó: Công nghiệp

105,47

108,62

108,32

113,33

104,90

- Khu vực dịch vụ

111,12

111,92

112,25

109,79

108,40

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp SP

113,17

111,87

109,11

109,99

107,31

- Khu vực I đạt 20.656 tỷ đồng, tăng 5,3%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP; Lâm Đồng trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, khẳng định thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao, phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Với mục tiêu hướng đến xây dựng thương hiệu số một Việt Nam; cụm sản xuất rau hoa số một Đông Nam Á; điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam; hình thành trung tâm đào tạo nhân lực và nghiên cứu nông nghiệp chủ lực tại Tây Nguyên; hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển làng hoa, làng nghề truyền thống, xây dựng làng đô thị xanh và phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh rau, hoa ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, sản xuất nấm thực phẩm cao cấp và nấm dược liệu. Vùng trồng lúa ở Cát Tiên, Đạ Tẻh; vùng chuyên canh chè ở Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di linh; vùng chuyên canh cà phê: cà phê vối tại Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc; cà phê chè tại Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đà Lạt … Nhiều doanh nghiệp, nhà vườn áp dụng công nghệ vào sản xuất nên trung bình đạt giá trị 400 triệu đồng/ha, đặc biệt có mô hình trồng rau thủy canh đạt đến 9 tỷ đồng/ha. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng công nghệ cao như camera theo dõi sự sinh trưởng của cây, các loại thiết bị cảm biến hoặc nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh, tự động hóa vào sản xuất không chỉ tăng năng suất lao động mà còn tăng giá trị cho sản phẩm … các vấn đề như dự báo thời tiết, kiểm soát dịch bệnh hoặc dự báo thị trường được giải quyết giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, giảm chi phí nhân công trên 30%, đồng thời hỗ trợ kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…Ngoài ra, nhiều công nghệ mới đã ứng dụng và sản xuất với trình độ tương đương các nước có nền nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đưa công nghệ sinh học vào canh tác; một số doanh nghiệp đã sản xuất, nhập khẩu sử dụng thiên địch nhện bắt mồi, nhiều loại phân bón thế hệ mới, công nghệ Nano, sinh học, vi sinh,… cũng được ứng dụng trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, canh tác không dùng đất được ứng dụng vào gieo ươm trên cây giống thương phẩm rau hoa và cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; áp dụng công nghệ cảm biến, tự động, công nghệ thông minh trong thu hoạch, quản lý và điều khiển… Nhiều doanh nghiệp đã trở thành những đơn vị đầu tàu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn; mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và tổ chức lại bộ máy sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao … như Công ty CP CNSH rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat HasFarm, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường Hoàng; Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty TNHH trang trại Langbiang, Công ty TNHH SX-TM-NS Phong Thúy và Công ty TNHH Trà Long Đỉnh.

- Khu vực II đạt 9.897 tỷ đồng, tăng 12,26%, đóng góp 2,16 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP; trong đó ngành công nghiệp đạt 6.587 tỷ đồng, tăng 13,33%, với mức đóng góp 1,55%. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo địa phương, các ngành, các cấp; các đơn vị cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã chủ động đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ đủ, đa dạng tiêu dùng và xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào dồi dào như: rau, chè, cà phê …đảm bảo cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến; thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020; tái cơ cấu ngành công thương phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới dây chuyền thiết bị, nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp của tỉnh, phát triển các sản phẩm công nghiệp mới. Định hướng trong thời gian tới, tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế, gắn quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh với khu vực Tây Nguyên và các vùng lân cận; xác định lợi thế của địa phương, tiếp tục quy hoạch và phát triển công nghiệp chế biến nông sản chất lượng cao, quy hoạch để kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy luyện nhôm, công nghiệp sau nhôm … Để sản xuất công nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng trong năm 2020 tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp chú trọng một số vấn đề: khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm nông nghiệp hiện có ở địa phương thay vì xuất khẩu thô.... ; đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý giám sát, phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nhiệp nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh; tiếp tục thu hút đầu tư các ngành công nghiệp trọng điểm phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và các nhà đầu tư để mở rộng đầu tư và thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không khuyến khích, tăng cường xúc tiến thương mại, bảo đảm chất lượng hàng hóa, khuyến khích tiêu thụ nhất là tiêu dùng nội địa “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, có biện pháp kích cầu làm giảm lượng hàng tồn kho.

- Khu vực III đạt 21.555 tỷ đồng, tăng 9,79% so với cùng kỳ, là năm có mức tăng thấp nhất trong ba năm qua, đóng góp 3,83 điểm phần trăm trong mức tăng chung của GRDP. Năm 2019 là năm diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII với nhiều hoạt động thu hút khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng diễn ra từ ngày 20/12 - 24/12/2019. Bên cạnh những sản phẩm du lịch đặc thù như: tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái… việc phát triển, khai thác tiềm năng, lợi thế của du lịch canh nông là hướng đi mới mà Lâm Đồng đang hướng tới và là xu hướng phát triển tất yếu của ngành du lịch Lâm Đồng hiện nay, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời cũng là giải pháp hữu ích nhằm phát triển du lịch bền vững. Tại Đà Lạt hiện có 3 làng hoa đã được công nhận làng nghề truyền thống gồm: Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên; nhiều công ty sản xuất rau, hoa quy mô lớn, công nghệ hiện đại như: Công ty Hasfarm, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Hợp tác xã Anh Đào… Du lịch canh nông tại Đà Lạt - Lâm Đồng hấp dẫn bởi các mô hình đều ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đặc thù, mới lạ, để phát triển du lịch canh nông trở thành sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, trong thời gian qua Lâm Đồng đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Phối hợp với chuyên gia dự án JICA, các chuyên gia về du lịch canh nông khảo sát tư vấn cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông” … Qua đó, phát huy thế mạnh, tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, du lịch của tỉnh Lâm Đồng; phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra các sản phẩm đặc thù góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu được trải nghiệm và tham quan của du khách; hình thành mô hình mẫu về sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch; thu hút hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2.268 tỷ đồng, tăng 9,99% so với cùng kỳ, với mức đóng góp 0,41% trong mức tăng GRDP. Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm các ngành, các cấp, các địa phương đã bám sát và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp theo Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu NSNN năm 2019; tập trung công tác thu ngân sách, trọng tâm là thu từ thuế, phí; chống thất thu ngay từ những tháng đầu năm; đặc biệt là đối với các địa phương có nguồn thu lớn và các lĩnh vực có số thu lớn; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách của từng tháng, từng quý và cả năm. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bền vững; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh; đảm bảo cơ cấu chi ngân sách địa phương.

Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2019 theo giá hiện hành đạt 86.787 tỷ đồng, tăng 12,98% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực I đạt 36.319 tỷ đồng, tăng 10,93%; khu vực II đạt 15.790 tỷ đồng, tăng 17,62%; khu vực III đạt 31.004 tỷ đồng, tăng 12,92%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 3.674 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 66,79 triệu đồng/người/năm. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Lâm Đồng vẫn còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp công nghệ cao chiếm nhiều so với cả nước nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lại thấp. Cơ cấu kinh tế khu vực I là 43,7%, khu vực II là 19% và khu vực III là 37,3%. Là địa phương ứng dụng nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị lớn mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và ổn định thu nhập của nông dân, tuy nhiên năng suất lao động so với các khu vực khác còn thấp cho nên vấn đề đặt ra của địa phương trong chuyển dịch cơ cấu tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng địa phương, song song với phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản địa phương để tạo nhiều sản phẩm mang thương hiệu quảng bá đến khách du lịch và thị trường trong ngoài nước, qua đó tạo nên nét đặc thù trong phát triển du lịch của tỉnh.

2. Hoạt động tài chính, tín dụng

2.1. Hoạt động tài chính

Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2019 đạt 8.369 tỷ đồng, bằng 103,96% so dự toán, tăng 15,86% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 7.987,8 tỷ đồng, bằng 106,15% so dự toán, tăng 18,08% so với cùng kỳ. Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp Trung ương đạt 978,8 tỷ đồng, bằng 88,98% so dự toán, tăng 2,15%; thu từ doanh nghiệp địa phương đạt 159,2 tỷ đồng, bằng 59,4% so dự toán, tăng 103,38%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 74,6 tỷ đồng, bằng 78,53% so dự toán, giảm 20,64%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 1.768,5 t đồng, bằng 104,21% so dự toán, tăng 16,29%; thuế thu nhập cá nhân đạt 830 tỷ đồng, bằng 108,44% so dự toán, tăng 23,05%; thu xổ số kiến thiết đạt 1.057,5 tỷ đồng, bằng 124,41% so dự toán, tăng 30,59% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 381,2 tỷ đồng, bằng 72,61% so dự toán, giảm 16,9% so với cùng kỳ.

Ước tổng thu ngân sách địa phương năm 2019 đạt 16.546,5 tỷ đồng, bằng 131,02% so dự toán, tăng 7,15% so với cùng kỳ. Trong đó, thu được hưởng theo phân cấp đạt 7.349,8 tỷ đồng, tăng 20,09%; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương đạt 5.360,2 tỷ đồng, giảm  6,38% so với cùng kỳ.

Ước tổng chi ngân sách địa phương năm 2019 đạt 12.910 tỷ đồng, bằng 101,5% so dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.363,7 tỷ đồng, bằng 79,87% so dự toán, tăng 31,36%; chi thường xuyên đạt 7.600 tỷ đồng, bằng 92,77% so dự toán, giảm 2,45%. Trong tổng chi thường xuyên; chi giáo dục đào tạo đạt 3.600 tỷ đồng, bằng 96,22% so dự toán, tăng 2,99%; chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể đạt 1.331,8 tỷ đồng, tăng 6,6%; chi sự nghiệp kinh tế đạt 675,3 tỷ đồng, tăng 8,03% so với cùng kỳ.

2.2. Hoạt động tín dụng

            Trong năm, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn những chính sách, quy định của nhà nước và của ngành việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tội phạm, an ninh, an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; các chính sách tín dụng; hoạt động thanh toán; củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Ước năm 2019 vốn huy động đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 15,45% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt 41.800 tỷ đồng, chiếm 74,64% tổng vốn huy động, tăng 13,88% so với cùng kỳ; tiền gửi thanh toán, tiền gửi khác đạt 14.200 tỷ đồng, chiếm 25,36% tổng vốn huy động, tăng 20,32% so với cùng kỳ.

Ước năm 2019 tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung dài hạn 34.000 tỷ đồng, chiếm 33,66% tổng dư nợ, tăng 13,83%; dư nợ ngắn hạn 67.000 tỷ đồng, chiếm 66,34% tổng dư nợ, tăng 18,16% so với cùng kỳ.

            Ước năm 2019 tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 530 tỷ đồng, chiếm 0,52% tổng dư nợ, tăng 48,88% so với cùng kỳ.

            Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; dư nợ cho vay năm 2019 khoảng 68.908 tỷ đồng, chiếm 69% tổng dư nợ; trong đó: thực hiện đầu tư tín dụng cho 116 xã xây dựng nông thôn mới 39.218 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch 570 tỷ đồng.

3. Giá cả thị trường

3.1. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng 99,99 trên địa bàn tỉnh dao động quanh mức 4,1 triệu đồng/chỉ, giảm 0,63% so với tháng trước và tăng 16,83% so với cùng kỳ; bình quân năm 2019 giá vàng tăng 7,78% so với cùng kỳ. Giá USD bán ra bình quân tháng 12/2019 dao động ở mức 23.242 đồng/USD; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,09% so với tháng trước và giảm 0,42% so với cùng kỳ; bình quân năm 2019 giá USD tăng 1,06% so với cùng kỳ.

3.2. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV năm 2019 tăng 0,68% so với cùng kỳ và tăng 3,83% so với quý trước. Trong đó: Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất nông nghiệp tăng 0,6% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với quý trước; cụ thể: cây hàng năm tăng 6,45% so với cùng kỳ và giảm 0,46% so với quý trước; cây lâu năm giảm 6,79% so với cùng kỳ và tăng 1,33% so với quý trước; sản phẩm chăn nuôi tăng 8,89% so với cùng kỳ và tăng 27,35% so với quý trước. Sản phẩm lâm nghiệp tăng 5,15% so với cùng kỳ và tăng 1,17% so với quý trước. Sản phẩm thủy sản tăng 2,93% so với cùng kỳ và tăng 1,28% so với quý trước.

Chỉ số giá sản xuất hàng công nghiệp quý IV năm 2019 tăng 12,69% so với cùng kỳ và giảm 0,26% so với quý trước; trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 10,84% so với cùng kỳ và tăng 0,36% so với quý trước; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,04% so với cùng kỳ và tăng 0,49% so với quý trước; điện và phân phối điện tăng 20,39% so với cùng kỳ và giảm 1,91% so với quý trước.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý IV năm 2019 giảm 1,06% so với cùng kỳ và tăng 0,33% so với quý trước; trong đó chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,25% so với cùng kỳ và tăng 1,86% so với quý trước; sử dụng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,44% so với cùng kỳ và giảm 0,65% so với quý trước; sử dụng cho xây dựng tăng 1,18% so với cùng kỳ và tăng 0,82% so với quý trước.

Chỉ số giá cước vận tải kho bãi quý IV năm 2019 tăng 1,38% so với cùng kỳ và tăng 0,43% so với quý trước. Trong đó: giá cước dịch vụ vận tải hành khách tăng 6,03% so với cùng kỳ và tăng 1,32% so với quý trước; giá cước dịch vụ vận tải hàng hóa giảm 0,92% so với cùng kỳ và ổn định so với quý trước; dịch vụ bưu chính, chuyển phát tăng 0,97% so với cùng kỳ và ổn định so với quý trước. Chia theo ngành vận tải thì dịch vụ vận tải đường bộ tăng 1,46% so với cùng kỳ và tăng 0,62% so với quý trước; trong đó, dịch vụ vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) tăng 8,3% so với cùng kỳ và tăng 3,35% so với quý trước; dịch vụ vận tải hành khách đường bộ khác tăng 4,54% so với cùng kỳ và ổn định so với quý trước. Dịch vụ vận tải hàng không tăng 4,45% so với cùng kỳ và giảm 3,44% so với quý trước.

Chỉ số giá dịch vụ quý IV năm 2019 tăng 6,23% so với cùng kỳ và tăng 1,4% so với quý trước; trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85% so với cùng kỳ và tăng 3,75% so với quý trước; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 10,43% so với cùng kỳ và tăng 1,08% so với quý trước; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 5,26% so với cùng kỳ và tăng 0,07% so với quý trước; hoạt động giáo dục và đào tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ và tăng 1,61% so với quý trước; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội tăng 5,18% so với cùng kỳ và tăng 0,7% so với quý trước; hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 4,57% so với cùng kỳ và tăng 0,93% so với quý trước; hoạt động làm thuê các công việc trong hộ gia đình tăng 6,24% so với cùng kỳ và tăng 2,88% so với quý trước; hoạt động thông tin truyền thông ổn định so với cùng kỳ và so với quý trước.

4. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 ước đạt 24.681,5 tỷ đồng, tăng 11,29% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước đạt 2.830,9 tỷ đồng, tăng 12,58%; do từ quý 4/2017 đến năm 2019 công ty thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tập trung đầu tư mở rộng dự án thủy điện Đa Nhim; triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình XDCB, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh, công trình thực hiện theo chương trình nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tập trung và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự ánđầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là các nguồn vốn đạt thấp so với kế hoạch. Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 19.343,1 tỷ đồng, tăng 11,85%, chủ yếu các doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị và bổ sung vốn lưu động để phát triển sản xuất và đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà ở cũng nhưđầu tư cho sản xuất kinh doanh nhưđầu tư tái canh cây cà phê, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư mở rộng quy mô ngành thương mại, vận tải cá thể … Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 456,2 tỷ đồng, tăng 5,84% so với cùng kỳ, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019

 

Ước thực hiện

quý IV

năm 2019

(Triệu đồng)

Ước thực hiện

năm 2019

(Triệu đồng)

Quý IVnăm 2019 so với cùng kỳ (%)

Năm 2019 so với cùng kỳ (%)

Tổng vốn đầu tư thực hiện

7.204.107

24.681.526

111,54

111,29

Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước

1.034.548

2.830.926

131,94

112,58

Vốn trái phiếu Chính phủ

33.951

67.884

 

 

Vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch NN

 

14.710

 

 

Vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước)

28.000

109.272

103,70

102,56

Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước (Vốn tự có)

151.795

484.647

106,75

107,35

Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân

5.445.962

19.343.052

108,72

111,85

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

124.851

456.156

110,27

105,84

Vốn huy động khác

385.000

1.374.879

110,00

109,46

Dự ước nguồn vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2019 đạt 2.552,5 tỷđồng, tăng 13,48% so với cùng kỳ; nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 2.297,1 tỷđồng, chiếm 90% trong tổng vốn, tăng 13,47% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 964,2 tỷđồng; vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu đạt 384,8 tỷđồng; vốn nước ngoài (ODA) đạt 141,7 tỷđồng; vốn từ xổ số kiến thiết đạt 534,4 tỷđồng và nguồn vốn khác đạt 271,9 tỷđồng. Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 245,5 tỷđồng, chiếm 9,62% trong tổng vốn, tăng 12,93% so với cùng kỳ; trong đó; vốn cân đối ngân sách huyện đạt 156,4 tỷđồng; vốn tỉnh hỗ trợđầu tư theo mục tiêu đạt 62,3 tỷđồng. Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp xã đạt 9,9 tỷđồng, chiếm 0,38% trong tổng vốn.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

5.1. Sản xuất nông nghiệp

* Sản xuất nông nghiệp năm 2019

Tổng diện tích gieo trồng sơ bộ năm 2019 đạt 384.033,4 ha, tăng 1,15% (+4.381,6 ha) so với năm 2018, trong đó: cây hằng năm đạt 128.366 ha, chiếm 33,43%; cây lâu năm 255.667,4 ha, chiếm 66,57%.

Cây lúa: Diện tích gieo trồng đạt 28.164 ha, giảm 1,9% (-545,3 ha) so với cùng kỳ, do chuyển đổi sang cây trồng có kinh tế cao hơn như cây rau, hoa các loại, cây dâu nuôi tằm, cây ăn quả. Năng suất lúa ước tính đạt 53,11 tạ/ha, tăng 1,74 tạ/ha; sản lượng đạt 149.579,1 tấn, giảm 0,19% so với cùng kỳ.

Ngô và cây lương thực có hạt khác: Gieo trồng đạt 8.955,29 ha, giảm 9,35% (-924 ha) so với cùng kỳ. Năng suất ước tính đạt 54,85 tạ/ha, giảm 0,87%;sản lượng ước đạt 48.848,8 tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ.

Cây lấy củ có chất bột: Diện tích gieo trồng đạt 4.885,44 ha, giảm 2,65% (-132,76 ha) so với cùng kỳ. Năng suất ước tính đạt 159,56 tạ/ha, tăng 3,58%; sản lượng ước đạt 38.796,7 tấn, tăng 8,19% so với cùng kỳ.

Cây mía: Diện tích gieo trồng đạt 340,42 ha, giảm 7,75% (-28,6 ha) so với cùng kỳ.Năng suất ước tính đạt 646,47 tạ/ha, tăng 0,43%; sản lượng ước đạt 22.007 tấn, giảm 7,35% so với cùng kỳ.

Cây có hạt chứa dầu: Diện tích gieo trồng đạt 701 ha, tăng 10,29% (+65,46 ha) so với cùng kỳ.Năng suất ước tính đạt 12,27 tạ/ha, tăng 0,77% so với cùng kỳ

Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng đạt 64.559,3 ha, tăng 4,81% (+2.961,8 ha); năng suất ước tính đạt 338,51 tạ/ha, tăng 3,35%; sản lượng ước đạt 2.185,4 ngàn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ

Câyhoa các loại: Diện tích gieo trồng đạt 8.634 ha, tăng 4,02% (+333,5 ha); sản lượng ước đạt 2.845,4 triệu bông/cành, giảm 0,14% so với cùng kỳ

          Tiến độ sản xuất vụ đông xuân 2019-2020:

Tính đến ngày 10/12/2019, trên địa bàn toàn tỉnh gieo trồng được 14.958,2 ha cây hàng năm các loại, tăng 4,47% (+640,6 ha) so với cùng kỳ. Cây trồng chính trong vụ chủ yếu là lúa, rau hoa các loại. Thời tiết thuận lợi, đủ nước phục vụ sản xuất, bà con nông dân tích cực đẩy nhanh tiến độ gieo trồng diện tích rau hoa nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong dịp tết sắp tới tập trung chủ yếu ở vùng chuyên canh rau, hoa như Đà lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng.

Diện tích lúa gieo trồng 9.412,8 ha, bằng 99,82% so với cùng kỳ. Diện tích lúa gieo trồng trong vụ tập trung chủ yếu ở 02 huyện phía nam là Đạ Huoai, Cát Tiên.

Diện tích ngô gieo trồng được 742 ha, tăng 1,64% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng tập trung chủ yếu ở 2 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Huoai.

Rau, đậu, hoa các loại gieo trồng 7.980,6 ha, tăng 7,29% (+542,2 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Rau các loại gieo trồng 6.339,7 ha, tăng 7,3% (+431,3 ha) so với cùng kỳ và được trồng nhiều ở Đơn Dương, Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng. Diện tích hoa các loại gieo trồng 1.484,9 ha, tăng 7,6% (+104,9 ha) so với cùng kỳ, người dân đẩy nhanh tiến độ để kịp phục vụ nhu cầu dịp tết và Festival Hoa Đà Lạt năm 2019, diện tích gieo trồng tập trung chủ yếu ở Đà Lạt, Lạc Dương và Đơn Dương.

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng tháng 12/2019

Theo Chi cục Bảo vệ Thực vật và trồng trọt tỉnh Lâm Đồng tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng trong tháng 12 (từ 10/11 - 10/12/2019) như sau:

- Trên cây lúa: Tại Đạ Tẻh bệnh đạo ôn lá nhiễm 55 ha (giảm55 ha so với tháng trước); bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 13 ha lúa giai đoạn trỗ - chín (giảm 27 ha so với tháng trước); bệnh khô vằn nhiễm 61ha.

- Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu ít biến động so với tháng trước, gây hại 32 ha tại Đơn Dương.

- Trên cây cà phê: Bọ xít muỗi ít biến động so với tháng trước, gây hại 732,4 ha cà phê chè ở tại Lạc Dương, Đà Lạt, Đam Rông.

- Trên cây điều: Bệnh thán thư nhiễm 2.146,9 ha; bọ xít muỗi gây hại rải rác 663 ha tại Đạ Tẻh.

-Trên cây cà chua: Bệnh xoăn lá virus nhiễm 184,7ha tại Đơn Dương, Đức Trọng (31,5 ha nhiễm nặng), giảm 130,7 ha so với tháng trước.

- Trên cây rau họ thập tự: Bệnh sưng rễ gây hại 37 ha tại Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Đà Lạt, (giảm 51,5 ha so với tháng trước); sâu tơgây hại rải rác 65 ha tại Lạc Dương, Đà Lạt, Đơn Dương (5 ha nhiễm nặng), giảm 110 ha so với tháng trước.

- Trên cây hoa cúc: Bệnh héo vàng (virus) ít biến động so với tháng trước, gây hại 50ha (nhiễm nặng 15 ha) tại Đà Lạt, Lạc Dương.

Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm ở Lâm Đồng tiếp tục được quan tâm, đầu tư và phát triển. Sản xuất tập trung đẩy mạnh cải tạo vườn, tái canh cây cà phê nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bằng nhiều biện pháp như: ứng dụng các Chương trình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, thay thế trồng mới, ghép cành, chuyển đổi giống cây trồng, .... Diện tích cây lâu năm sơ bộđạt 255.667,4 ha, tăng 1,37% (+3.466,7 ha) so với cùng kỳ, tăng chủ yếu là trồng mới cây ăn quả, dâu tằm, cà phê...; tuy nhiên một số cây trồng giảm diện tích nhưđiều, chè… do các loại cây này đã già cỗi và hiệu quả kinh tế không cao.

- Cây cà phê: Diện tích hiện có đạt 175.662,5 ha, tăng 0,51% (+896,7 ha) so với cùng kỳ; diện tích trồng mới, tái canh, ghép cành cải tạo giống toàn tỉnh đạt 4.915,3 ha, giảm 24,7% (-1.612,3 ha) so với cùng kỳ. Tổng diện tích cà phê cho sản phẩm 163.459,3 ha, tăng 0,37% (+602,4 ha) so với cùng kỳ; năng suất bình quân chung sơ bộđạt 30,56 tạ/ha, tăng 2,11% (+0,63 tạ/ha); sản lượng cà phê thu hoạch đạt 499.552,5 tấn, tăng 2,49% (+12.141 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây chè: Diện tích chè hiện có 11.112,7 ha, giảm 3,82% (-441,3 ha) so với cùng kỳ, trong đó chè hạt 3.863,4 ha, chè cành 5.301,4 ha, chè chất lượng cao (O long,..) 1.863,9 ha. Diện tích chè cho sản phẩm 10.383,9 ha, giảm 7,46% (-836,5 ha) so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 129,61 tạ/ha, tăng 6,58% (+8,004 tạ/ha); sản lượng chè thu hoạch đạt 134.583,6 tấn, giảm 1,36% (-1.860,9 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây điều: Diện tích hiện có 22.946,9 ha, giảm 5,35% (-1.297,9 ha) so với cùng kỳ, nguyên nhân diện tích điều liên tục giảm do nhiều diện tích sau khi dịch bệnh năng suất kém và hiệu quả kinh tế không cao nên được chuyển sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả, dâu tằm, cao su, tre tầm vông và cây tràm... Diện tích cho sản phẩm 21.027,5 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm đạt 4,61 tạ/ha, tăng 14,94% (+0,6 tạ/ha); sản lượng thu hoạch đạt 9.701 tấn, tăng 9,52% (+843,1 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây tiêu: Tổng diện tích hiện có 2.359,8 ha, giảm 9,81% (-256,6 ha) so với cùng kỳ; diện tích cho sản phẩm đạt 1.995,3 ha, tăng 19,72% (+328,7 ha); sản lượng thu hoạch đạt 5.905,8 tấn, tăng 16,08% (+818,2 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây cao su: Tổng diện tích cao su hiện có 9.484,1 ha, tăng 3,24% (+297,38 ha); diện tích cho sản phẩm 4.158,4 ha, tăng 42,18% (+1.233,57 ha), năng suất bình quân đạt 14,57 tạ/ha; sản lượng cao su đạt 5.905,8 tấn, tăng 41,68% so với cùng kỳ.

- Cây ăn quả: Cây ăn quảở Lâm Đồng đa dạng về chủng loại, với diện tích hiện có 24.746,6 ha, tăng 13,95% (+3.029,1 ha) so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới, tái canh cải tạo tập trung chủ yếu một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng 2.019,76 ha, bơ 1.085,33 ha, mắc ca 655,1 ha, chanh leo 85,08 ha, mít 311,06 ha,... được trồng tập trung ở huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông và thành phố Bảo Lộc.

- Cây dâu tằm: Diện tích dâu toàn tỉnh 8.484,9 ha, tăng 14,55% (+1.077,8 ha) so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới đạt 956 ha, giảm 38,06% (-587,5 ha). Diện tích cho sản phẩm 7.692,9 ha, tăng 20,15% (+1.290 ha); năng suất đạt 205,67 tạ/ha; sản lượng đạt 158.216,5 tấn, tăng 21,68% (+28.188,3 tấn) so với cùng kỳ.

*  Triển khai thực hiện một số chương trình trong nông nghiệp:Toàn tỉnh  hiện có trên 57,71 ngàn ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chiếm 18,28% diện tích đất canh tác, trong đó: diện tích rau các loại ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới, màng phủ và ngoài trời, toàn tỉnh ứng dụng khoảng 23,7 ngàn ha; hoa các loại ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới, màng phủ và ngoài trời, toàn tỉnh ứng dụng khoảng trên 2,5 ngàn ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 38% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; năng suất giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng công nghệ cao tăng 25 - 30%, giúp tăng lợi nhuận trên 30% so với doanh thu; tỷ trọng giá trị nông sản xuất khẩu chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt của toàn tỉnh năm 2019 ước trên 178 triệu đồng/ha; sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 450 - 500 triệu đồng/ha; sản xuất hoa cao cấp đạt bình quân 800 - 1.500 triệu đồng/ha.

Tình hình chăn nuôi

Năm 2019, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp: bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn, dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn tương đối ổn định, chăn nuôi bò sữa, đàn gia cầm phát triển mạnh nhất làđàn gà, vịt, chim cút... cụ thể như sau:    

- Tổng đàn trâu toàn tỉnh ước tính thời điểm 01/01/2020 đạt 14.596 con, giảm 2,58% (-386 con) so với cùng kỳ, nguyên nhân do một sốđịa phương trong tỉnh diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, đa số chăn thả trâu chủ yếu trong rừng (tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số) để lấy thịt. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong năm ước đạt 1.208,4 tấn, tăng 6,45% (+73,26 tấn) so với cùng kỳ.

- Tổng đàn bò toàn tỉnh ước tính tại thời điểm 01/01/2020 là 105.682 con, giảm 1,44% (-1.542 con) so với cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi bò giảm ởđàn bò thịt, nhưng ổn định ởđàn bò sữa, do giá thịt bò hơi ở mức thấp, tiêu thụ thịt bò gặp khó khăn làm cho người chăn nuôi bò thịt có tâm lý lo ngại chưa mạnh dạn đầu tư phát triển, hơn nữa khối lượng bò thịt và chất lượng bò thịt còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở giết mổ lớn. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong năm ước đạt 5.714,7 tấn, tăng 8,03% (+424,8 tấn) so với cùng kỳ.

- Đàn bò sữa ước đạt 21.713 con, tăng 3,76% (+786 con) so với cùng kỳ. Trong đó, bò cái cho sữa ước đạt 15.718 con, chiếm 72,39% tổng đàn bò sữa. Sản lượng sữa bò ước năm 2019 đạt 86.269,6 tấn, tăng 6,76% (+5.462,6 tấn) so với cùng kỳ.

- Tổng số lợn tại thời điểm 31/12/2019 ước đạt 416.356 con. So với thời điểm 01/01/2019 giảm 5,62%, so với thời điểm 01/7/2019 giảm 9,87%. Trong đó: lợn thịt 295.608 con, giảm 5,01% (-15.585 con) so với cùng kỳ; lợn nái 53.229 con; lợn con chưa tách mẹ 66.844 con. Tổng đàn giảm so với cùng kỳ do thời gian qua dịch tả lợn Châu Phi xảy ra 63 tỉnh thành cả nước; đối với Lâm Đồng dịch bệnh xảy ra 10/12 huyện, thành phố, dịch bệnh xảy ra từ 21/6 đến nay. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 76.755,6 tấn, giảm 8,25% (-6.898,4 tấn) so với cùng kỳ, với số lợn thịt xuất chuồng 819.688 con, trọng lượng bình quân xuất chuồng đạt 93,64 kg/con.

- Tổng số gia cầm hiện có 8,77 triệu con, tăng 25,18% (+1.764,2 nghìn con) so với thời điểm 01/01/2019; tăng 6,08% (+502,6 nghìn con) so với thời điểm 01/7/2019. Trong đó, tổng đàn gàước đạt 4.437,6 nghìn con, tăng 28,43% (+982,4 nghìn con) so với thời điểm 01/01/2019; sản lượng trứng gàđạt 305.768,9 nghìn quả, tăng 9,96% (+27.696,05 nghìn quả) so với cùng kỳ. Đàn vịt có 359,6 nghìn con, tăng 137,1% (+207,9 nghìn con) so với cùng kỳ. Đàn ngan 112,67 nghìn con, giảm 12,97% (-16,79 nghìn con) so với cùng kỳ. Đàn ngỗng 8,4 nghìn con, tăng 35,58% (+2,21 nghìn con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi vịt, ngan, ngỗng xuất chuồng đạt 1.759,1 tấn, tăng 30,1% (+407,03 tấn); sản lượng trứng 11.889,2 nghìn quả, tăng 12,02% (+1.275,4 nghìn quả) so với cùng kỳ. Đàn chim cút 3.832,3 nghìn con, tăng 18,12% (+588,02 nghìn con); sản lượng thịt xuất chuồng 919,4 tấn, tăng 15,01% (+119,96 tấn); sản lượng trứng 936,43 triệu quả, tăng 20,29% (+157,95 triệu quả) so với cùng kỳ.

Ngoài các loại gia súc gia cầm trên, chăn nuôi khác vẫn được duy trì ổn định. Đàn dê 14.534 con; đàn hươu 356 con; đàn thỏ 27.654 con; đàn ong 81.158 tổ, sản lượng mật ong thu trong kỳ 1.796,2 tấn, tăng 7,31% (+122,4 tấn); sản lượng kén tằm trong năm đạt 7.566,4 tấn, tăng 18,71% (+1.192,5 tấn) so với cùng kỳ. Giá kén tằm hiện dao động ở mức 135.000 - 140.000 đồng/kg người chăn nuôi có lãi nên đã tích cực đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu và chăn nuôi tằm. 

5.2. Sản xuất lâm nghiệp

Trong những tháng đầu năm 2019 diễn biến thời tiết tương đối phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, thời tiết nắng nóng kéo dài đãảnh hưởng đến tình hình sản xuất lâm nghiệp, tuy nhiên từ giữa tháng 3 đến nay đã mưa tương đối đều tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng.

Diện tích rừng trồng mới sơ bộđạt 2.351,85 ha, tăng 5,46% (+121,72 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: rừng sản xuất trồng mới 2.167 ha, tăng 6,15% do được chuẩn bị ngay từđầu năm (về hiện trường đất đai, bố trí vốn, lực lượng trồng, ...); rừng phòng hộ trồng mới 1158,85 ha, tăng 1,59 ha; rừng đặc dụng và rừng khác trồng mới 26 ha, giảm 17,33% so với cùng kỳ.

Trồng cây lâm nghiệp phân tán ở các loại hình kinh tế trên địa bàn sơ bộ thực hiện 165 nghìn cây, giảm 45,04% so với cùng kỳ, do bố trí nguồn vốn thấp.

Diện tích rừng trồng được chăm sóc sơ bộđạt 9.422 ha, tăng 5,02% (+450,34 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích rừng sản xuất được chăm sóc đạt 7.822 ha, chiếm 83,02% trong tổng diện tích rừng trồng được chăm sóc, tăng 5,17% (+384,47 ha); chăm sóc rừng phòng hộđạt 1.150 ha, tăng 5,09% (+55,74 ha); chăm sóc rừng đặc dụng đạt 220 ha, tăng 3,12% và chăm sóc rừng khác 230 ha, tăng 1,54% so với cùng kỳ.

Tổng diện tích rừng đã giao khoán quản lý bảo vệđạt 434.053 ha, đạt 98,75% kế hoạch; tăng 1,42% (+6.094,1 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Bằng nguồn quỹ bảo vệ phát triển 376.249 ha; nguồn ngân sách tỉnh 57.804 ha,

Khối lượng gỗ tròn các loại khai thác thuộc các loại hình kinh tế sơ bộđạt 60,68 nghìn m3, tăng 5,03% (+2.906,99 m3) so với cùng kỳ, trong đó: Gỗ nhóm 4 khai thác 38.025 m3, giảm 4,04% (-1.599 m3); gỗ nhóm 5 khai thác đạt 115 m3; gỗ nhóm 6 khai thác đạt 6.362,5 m3, tăng 25% (+1.272,5 m3); gỗ nhóm 7 đạt 16.155,5 m3, tăng 24,87% (+3.317,5 m3) so với cùng kỳ. Củi thước 76.282 ster, giảm 1,5% (-1.161,2 ster) so với cùng kỳ; do nhu cầu sử dụng củi làm chất đốt giảm, nguyên liệu thay thế khác như gas, điện, … tăng. Củi khai thác phần lớn sử dụng ở vùng đồng bào dân tộc do tập quán và hộ có thu nhập thấp còn sử dụng.

5.3. Hoạt động thủy sản

Lâm Đồng là tỉnh miền núi, hoạt động sản xuất chủ yếu là nuôi trồng và khai thác thủy sản nước ngọt, đa số hộ tận dụng mặt nước ao, hồ phục vụ tưới trong sản xuất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản nhằm cải thiện, phục vụđời sống; đối với một số vùng như huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh và thành phốĐà Lạt có điều kiện khí hậu và diện tích mặt nước thuận lợi cho việc nuôi trồng cá nước lạnh (cá tầm).

Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 2.445,43 ha, giảm 2,7% (-67,93 ha) so với cùng kỳ, do nguồn nước bịảnh hưởng từ thuốc bảo vệ thực vật, một số diện tích ao, hồ nuôi kém hiệu quả, người dân lấp ao để chuyển sang trồng cây ăn trái, xây dựng nhà cửa. Diện tích nuôi trồng thủy sản phổ biến là nuôi cá, với diện tích 2.445,37 ha, chiếm 99,99%; còn lại là thủy sản khác chiếm tỷ trọng thấp 0,01%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2019 đạt 10.508,33 tấn, giảm 2,5% (-269,28 tấn) so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của hoàng lưu bão số 3, gió Tây Nam hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to, gió lớn trên diện rộng gây ra hiện tượng lũ, ngật lụt, cuốn trôi nhiều diện tích nuôi cá.

6. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp dự tính tháng 12 năm 2019:

Dự tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tháng 12 năm 2019 giảm 0,97% so với cùng kỳ, nguyên nhân do ngành sản xuất điện giảm sâu 27,19% so với cùng kỳ.

Chia theo ngành công nghiệp:

 Ngành khai khoáng:Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng dự tính tháng 12/2019 tăng 14,72% so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng đá cát sỏi, cao lanh tăng 19,3%, ngành khai thác quặng kim loại (tinh quặng bô xít) tăng 8,28%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo: Tháng 12/2019 là tháng diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8 năm 2019 và là tháng giáp Tết Nguyên Đán Canh Tý, vì vậy một số ngành sản xuất công nghiệp có chỉ số tăng trưởng khá, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm trong dịp lễ, Tết . Dự tính chỉ số sản xuất tháng 12/2019 tăng 24,54% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở các ngành: ngành sản xuất đồ uống tăng 84,38%, là do trong nửa cuối tháng 7/2019 đến nay công ty Bia Gài Gòn tại Lâm Đồng chính thức sản xuất và ra sản phẩm; ngành dệt tăng 65,73% do từ trong tháng 9/2019 sản phẩm là sợi len lông cừu của công ty TNHH Sợi Đà Lạt đi vào hoạt động; ngành sản xuất giấy, bao bì bằng giấy tăng 63,28%; ngành sản xuất kim loại tăng 36,58%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,64%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 20,59%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 9,17%; ngành sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 7,55%; ngành sản xuất thực phẩm tăng 4,34% so với cùng kỳ.

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước và điều hòa không khí: Trong tháng 12/2019 tiếp tục duy trì công suất chạy máy phát điện cung cấp nguồn năng lượng điện cho hệ thống điện quốc gia; đồng thời đảm bảo yêu cầu an toàn cho hệ thống hồ, đập thủy điện, và duy trì dòng chảy, sản lượng điện sản xuất theo kế hoạch điều động của Trung tâm điều động điện quốc gia. Hơn nữa năm 2019 thời tiết Lâm Đồng ít mưa lượng nước dự trữ trong các hồ chứa rất thấp nên sản lượng điện giảm so với cùng kỳ, dự tính chỉ số sản xuất tháng 12/2019 chỉ đạt 72,81% so với cùng kỳ năm 2018.

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Chỉ số sản xuất tháng 12/2019, tăng 10,37%; trong đó khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,74% và hoạt động thu gom rác thải tăng 8,93% so với cùng kỳ năm trước.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn tháng 12 năm 2019:

Sản phẩm chủ yếu công nghiệp khai khoáng: Sản phẩm đá xây dựng đạt khoảng 239,6 ngàn m3, tăng 16,66%; cao lanh đạt 19 ngàn tấn giảm 7,49% so với cùng kỳ.

Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Quả và hạt ướp lạnh đạt 736 tấn, tăng 50,89%; ôxit nhôm đạt 58 ngàn tấn, tăng 36,58%; rượu vang đạt 596 ngàn lít, tăng 23,4%; sản phẩm phân bón NPK đạt hơn 6,8 ngàn tấn, tăng 20,6%; sản phẩm bê tông trộn sẵn đạt 35,9 ngàn m3, tăng 8,82% so với cùng kỳ; bia đóng lon đạt 6,5 triệu lít; sợi len lông cừu đạt 60 tấn.

Sản phẩm điện sản xuất phân bổ cho Lâm Đồng đạt 350 triệu kwh, giảm 23,34%; sản phẩm nước sạch đạt 2.546 ngàn m3, tăng 10,74% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2019 tăng 5,29% so với cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp chế biến tăng 13,05%, cung cấp nước tăng 9,92%; ngành khai khoáng tăng 14,51%. Riêng sản xuất và phân phối điện giảm 2,08% so với cùng kỳ.

Ngành khai khoáng: chỉ số sản xuất tăng 14,51% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tinh quặng bôxit tăng 20,67%, ngành khai khoáng khác như khai thác cát, sỏi cao lanhtăng 7,88%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số sản xuất tăng 13,05% so với cùng kỳ; chủ yếu tăng ở các ngành: sản xuất đồ uống 57,46%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 21,44%; dệt tăng 18,76%; sản xuất thực phẩm tăng 7,61%; sản xuất kim loại tăng 7,27%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 5,18%, bên cạnh đó các ngành giảm như: sản xuất máy móc thiết bị giảm 4,63%; in ấn sao chép giảm 1,53% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng hơi nước vàđiều hòa không khí: Chỉ số sản xuất năm 2019 chỉđạt 97,92% so với cùng kỳ năm 2018 lưu lượng nước về hồ không nhiều, các nhà máy thủy điện trên địa bàn duy trì công suất chạy máy phát điện cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; đảm bảo yêu cầu an toàn cho hệ thống hồ, đập thủy điện trên địa bàn.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Chỉ số sản xuất năm 2019 tăng 9,92% so với cùng kỳ; trong đó: khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,87% và hoạt động thu gom rác thải tăng 10,13% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp qua các năm

 

Năm 2017

so với cùng kỳ

(%)

Năm 2018

so với cùng kỳ

(%)

Năm 2019

so với cùng kỳ

(%)

Toàn ngành công nghiệp

110,43

107,46

105,29

  1. Khai khoáng

105,16

108,28

114,51

  1. Chế biến, chế tạo

105,80

111,22

113,05

  1. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

114,60

104,73

97,92

  1. Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

105,60

107,16

109,92

 

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn năm 2019:

Sản phẩm ngành công nghiệp khai khoáng:Tinh quặng bôxit đạt 108,5 ngàn tấn, tăng 20,67%; đá xây dựng đạt khoảng hơn 2.014,1 ngàn m3, tăng 6,2%.

Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến chế, tạo: Quả và hạt ướp lạnh đạt hơn 9.107 tấn, tăng 44,7%; chè (trà) đạt 35,4 ngàn tấn, giảm 12,12% so với cùng kỳ do xu hướng hiện nay trong nhân dân đã chuyển đổi diện tích từ cây chè sang các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn và cây chè chất lượng cao; rượu vang đạt 3.811 ngàn lít, tăng 21,71%; tơ thô đạt 329 tấn, giảm 4,49%; sợi tơ xe đạt 1.153 tấn, giảm 7,02% nguyên nhân sợi tơ tằm giảm do trong quý 3/2019 giá tơ thô trong nước giảm do thị trường tiêu thụ không ổn định nên các đơn vị phải dự trữ kén bằng phòng lạnh; phân bón NPK đạt hơn 118,3 ngàn tấn, tăng 11,7%; bê tông trộn sẵn đạt 381,1 ngàn tấn, tăng 31,93%; oxit nhôm đạt hơn 683,2 ngàn tấn, tăng 7,27% so với cùng kỳ; bia đóng lon đạt hơn 35,5 triệu lít; sợi len lông cừu đạt 225 tấn.

Sản phẩm điện sản xuất phân bổ cho Lâm Đồng đạt 5.211 triệu kwh, giảm 2,89%; sản phẩm nước uống được đạt 31,3 triệu m3, tăng 9,87% so với cùng kỳ.

*Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2019 tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, các ngành công nghiệp chế biến có chỉ số tiêu thụ tăng khá so với cùng kỳ như: sản xuất trang phục tăng 54,62% chủ yếu sản phẩm may mặc của công ty Scavi; sản xuất đồ uống tăng 26,67%; chế biến gỗ tăng 29,5%; sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 25,07%... bên cạnh đó một số ngành có chỉ số giảm như:  dệt giảm 13,41%; sản xuất hóa chất giảm 4,96 % ...

* Chỉ số tồn kho tháng 12/2019 tăng 7,7% so với cùng kỳ: Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 106,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 8,83%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,93%; sản xuất đồ uống tăng 44,23%; sản xuất từ khoáng phi kim loại khác tăng 41,11%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 87,62%; chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 0,28%; ngành dệt tăng 79,63% so với cùng kỳ.

* Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp năm 2019 tăng 7,03% so với cùng kỳ. Trong đó: Ngành khai khoáng giảm 7,51%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,45%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,58% và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải  tăng 0,61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so tháng trước thì chỉ số sử dụng lao động tăng không đáng kể (tăng 0,06%), điều này cho thấy xu hướng sử dụng lao động đi đôi với xu hướng phát triển công nghiệp, góp phần vào giải quyết việc làm, tăng chỉ số sản xuất của tỉnh Lâm Đồng.

* Nhận định xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý IV/2019 so quý III/2019 các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khả quan hơn thông qua các chỉ tiêu tình hình sản xuất kinh doanh có chỉ số cân bằng 19,4%, trong đó: khối lượng sản xuất có chỉ số cân bằng (CSCB) là 16,42%; chỉ tiêu số lượng đơn đặt hàng mới có CSCB là -1,56%; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới có CSCB là -3,7%; chỉ tiêu số lượng lao động bình quân có CSCB là 0%, khối lượng thành phẩm tồn kho có CSCB là -8,96% và nguyên vật liệu tồn kho có CSCB là 11,94%.

Xu hướng kinh doanh trong quý I/2020 so với quý IV/2019, nhận định xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý I/2020 so quý IV/2019 các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có khả quan hơn thông qua các chỉ tiêu tình hình sản xuất kinh doanh có chỉ số cân bằng 41,79%, trong đó: khối lượng sản xuất có chỉ số cân bằng (CSCB) là 38,81%; chỉ tiêu số lượng đơn đặt hàng mới có CSCB là 32,81%; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới có CSCB là 32,81%; chỉ tiêu số lượng lao động bình quân có CSCB là 4,48%, khối lượng thành phẩm tồn kho có CSCB là -23,88% và nguyên vật liệu tồn kho có CSCB là -23,88%.

7. Thương mại, dịch vụ

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 52.071 tỷ đồng, tăng 15,11% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 4.418,6 tỷ đồng, tăng 10,6%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 46.935,2 tỷ đồng, tăng 15,5% (kinh tế cá thể đạt 35.287,3 tỷ đồng, tăng 16,87%; kinh tế tư nhân đạt 11.642,5 tỷ đồng, tăng 11,52%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 717,2 tỷ đồng, tăng 19,12% so với cùng kỳ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2019 ước đạt 35.309,6 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 1.869,9 tỷ đồng, tăng 1,39%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 32.771,7 tỷ đồng, tăng 15,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 668 tỷ đồng, tăng 19,25% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu như lương thực, thực phẩm đạt 15.595,6 tỷ đồng, tăng 17,82%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 3.530,6 tỷ đồng, tăng 17,23%; xăng, dầu các loại đạt 3.901,4 tỷ đồng, tăng 13,09% so với cùng kỳ. 

- Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác năm 2019 ước đạt 5.956,1 tỷ đồng, tăng 14,66%; trong đó, doanh thu dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 3.734,9 tỷ đồng, tăng 15,96%; doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản đạt 886,4 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ.

            - Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2019 ước đạt 10.763,7 tỷ đồng, tăng 16,06% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.409,4 tỷ đồng, tăng 16,08%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 9.354,3 tỷ đồng, tăng 16,06% so với cùng kỳ. Tổng lượt khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú đạt 4.848,9 nghìn lượt khách, tăng 12,69% (khách trong nước đạt 4.538,1 nghìn lượt khách, tăng 14,65%; khách quốc tế đạt 310,8 nghìn lượt khách, giảm 9,92% so với cùng kỳ).

- Doanh thu du lịch lữ hành năm 2019 ước đạt 41,6 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; tổng số khách do các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 62.917 lượt khách, tăng 9,25% so với cùng kỳ.

8. Vận tải, bưu chính viễn thông

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải năm 2019 đạt 4.533,2 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 4.210,7 tỷ đồng, tăng 12,52%; doanh thu kho bãi và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 322,2 tỷ đồng, tăng 12,32% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hành khách năm 2019 ước đạt 1.791,8 tỷ đồng, tăng 13,65%; khối lượng vận chuyển đạt 40.311 nghìn hành khách, tăng 10,09% và luân chuyển đạt 4.286,8 triệu hành khách.km, tăng 9,75% so với cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hàng hoá năm 2019 ước đạt 2.419,3 tỷ đồng, tăng 11,69%; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 16.046,3 nghìn tấn, tăng 13,67% và luân chuyển đạt 2.037,6 triệu tấn.km, tăng 12,13% so với cùng kỳ.

II. BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC

1. Lao động và việc làm

Dựước tại thời điểm 31/12/2019, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 834.561 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động bao gồm: 828.823 người có việc làm và 5.738 người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung tại thời điểm 31/12/2019 là 0,69%, tương đương với 5.738 người thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 1,04%, tương đương với 3.185 người, còn khu vực nông thôn có 2.553 người thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 0,48%, giảm so cùng kỳ 0,13% và giảm so với thời điểm 30/9/2019 là 0,11%. Trong năm 2019 toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 29.131 người được giải quyết việc làm, trong đó có 14.967 người làm việc ở khu vực Nông, lâm, thủy sản và có 3.188 người làm việc cho khu vực Công nghiệp - xây dựng, còn lại 10.976 người làm việc trong khu vực dịch vụ. 

Dựước tại thời điểm 31/12/2019 có 12.685 người thiếu việc làm (tỷ lệ thiếu việc làm là 1,52%), trong đó khu vực nông thôn có 9.745 người (tỷ lệ là 1,84%), còn khu vực thành thị là 2.940 người thiếu việc làm (tỷ lệ là 0,96%); qua số lượng người thiếu việc làm cho thấy mặc dù tỷ lệ thiếu việc làm có giảm nhưng nhu cầu muốn làm thêm việc vẫn mức cao, điều này cho thấy người dân mong muốn làm thêm việc để tăng thu nhập ổn định cuộc sống, đặc biệt làđối với khu vực nông thôn.

2. Đời sống dân cư và đảm bảo an toàn xã hội

Năm 2019, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương có cuộc sống ổn định, trong dịp lễ, tết vừa qua cũng được hưởng tăng thêm bình quân mỗi người từ 1 triệu đến 13 triệu đồng. Đời sống cán bộ, công nhân viên chức khu vực nhà nước ổn định và tăng so cùng kỳ năm trước.

Ở địa phương đã triển khai thực hiện Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ nâng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nhà nước Trung ương đóng trên địa bàn đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn khu vực địa phương quản lý 1,2 lần (TNBQ khu vực địa phương: 5,9 triệu đồng/người/tháng). Đối với các đơn vị địa phương quản lý có ngành xây dựng TNBQ một người 1 tháng cao nhất đạt 7,5 triệu đồng, cao gấp 1,29 lần so với các đơn vị quản lý nhà nước (5,8 triệu đồng). 

Trong dịp đón tết Kỷ Hợi 2019, các đối tượng gồm người có công, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo được tặng quà và trợ cấp tết bằng tiền mặt và hiện vật, trị giá tổng số tiền là 41,6 tỷ đồng (tăng hơn 2,5 tỷ so với năm 2018), tương ứng với 131.935 suất quà được tặng (kể cả tiền và hiện vật quy tiền), tăng 10.151 suất so với năm 2018; cụ thể như (1) Nguồn ngân sách Trung ương (quà của Chủ tịch nước) là 1,9 tỷ đồng, (2) Nguồn ngân sách tỉnh: 36,1 tỷ đồng, (3) Nguồn xã hội hóa 3,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 9.047 hộ nghèo trong dịp tết đã đón nhận 20.543 suất quà, trị giá 5,4 tỷ đồng; còn hộ cận nghèo toàn tỉnh là 13.876 hộ, đón nhận 14.998 suất quà, trị giá 4,1 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 24 nghìn người có công, đối tượng chính sách và 2 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 748 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đầy. Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019), các đối tượng chính sách được các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh quan tâm thăm hỏi tặng quà với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.

3. Hoạt động văn hóa - tuyên truyền               

Trong năm 2019 đã tổ chức thông tin - tuyên truyền các ngày lễ lớn nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực. Các đội thông tin lưu động kết hợp với hoạt động văn hoá văn nghệ, chiếu bóng phục vụ, tổ chức tuyên truyền cổ động tại các địa bàn trong tỉnh, Đoàn Ca múa Nhạc Dân tộc tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc trong tỉnh nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; tuyên truyền lưu động, xe loa về phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với số lượng gần 300 lượt, nhân các ngày kỷ niệm, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật với chủđề “Mừng đất nước đổi mới, Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Kỷ Hợi”; các thành tựu kinh tế xã hội của địa phương trong dịp Tết Nguyên đán 2019 và kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên truyền ngày hội tòng quân đến từng khu dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân treo cờ Tổ quốc, thực hiện nếp sống văn hóa trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt là các các hoạt động trong khuôn khổ Festival Hoa lần thứ VIII - năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉđạo tổ chức Lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019 diễn ra trong 5 ngày từ 20 - 24/12/2019; nhằm tôn vinh những giá trị của hoa, ngành hoa, thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng và tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từđất lành”.

Công tác văn hóa và nghệ thuật: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong năm 2019 đã tổ chức 80 buổi biểu biễn nghệ thuật, thu hút khoảng 200 nghìn lượt người xem; trong đó: 40 buổi biểu diễn phục vụ, vùng sâu vùng xa tại các huyện trên địa bàn tỉnh, 40 buổi phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán, hè 2019, các dịp Lễ, hội nghị... Ngoài ra còn hỗ trợ, phục vụ âm thanh, ánh sáng cho các hội nghị, hội thi của một số sở, ban, ngành trong tỉnh.

Công tác Điện ảnh: Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng tỉnh tổ chức chiếu bóng phục vụ nhân dân trong tỉnh kết hợp công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương,…. Thực hiện nhân bản và phát hành 08 phim truyện, 43 phim tài liệu, 06 phim phóng sự, 03 phim truyện thiếu nhi và nhiều phóng sự chuyên đề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, phổ biến chính sách pháp luật, Người tốt việc tốt…; triển khai treo 191,12 m2 pano cổđộng, thực hiện 45 tài liệu tuyên truyền xe loa, 30 tiểu phẩm tình huống tuyên truyền luật giao thông đường bộ. Chọn lọc, biên tập các ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân và truyền thống yêu nước để khai thác và phục vụ người xem. Đội chiếu bóng lưu động thực hiện 553 buổi chiếu (đạt 102,41% kế hoạch năm), phục vụ 100.820 lượt người xem. Rạp 3 tháng 4 thực hiện 50 buổi phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Công tác Thư viện: Thư viện tỉnh đã cấp đổi 4.499 thẻ bạn đọc (trong đó thiếu nhi 4.194 thẻ; người lớn 305 thẻ); phục vụ 980.910 lượt bạn đọc, luân chuyển 410.314 lượt tài liệu. Bổ sung 13.945 bản sách, báo, tạp chí, nâng tổng số tài liệu thư viện tỉnh hiện có 247.635 bản. Trưng bày, triển lãm 2.324 tài liệu, sách báo và 243 tranh, ảnh tư liệu nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của ngành vàđịa phương trong năm.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Tổ chức các hoạt động lồng ghép Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; kết quả thực hiện như sau: Tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 89%, đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa là 94,9%, đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 96%, đạt 100% kế hoạch.

Công tác phát triển Văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh: Tính đến nay, tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là 83,5%, đạt 100% kế hoạch; Tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 87%, đạt 100% kế hoạch.

4. Hoạt động thể dục - thể thao

Trong năm 2019, ngành thể dục - thể thao Lâm Đồng đã tổ chức các hoạt động, thu hút nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia vào việc rèn luyện sức khoẻ, vui chơi lành mạnh góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ởđịa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Thể thao thành tích cao: Từđầu năm đến nay ngành thể thao Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức thành công 10 giải quốc gia, quốc tế và khu vực. Nhìn chung các giải được tổ chức chuyên nghiệp, chu đáo, thu hút đông đảo vận động viên trong và ngoài nước tham gia, góp phần quảng bá hình ảnh Lâm Đồng - Đà Lạt đến với bạn bè quốc tế. Cửđoàn vận động viên tham gia 55 giải thể thao với khoảng 600 lượt VĐV. Năm 2019 thể thao Lâm Đồng đạt 263 huy chương các loại (72 HCV, 68 HCB, 123 HCĐ), đạt 150% kế hoạch năm. Đội tuyển Bóng đá Lâm Đồng trụ hạng Nhì mùa giải năm 2020. Hiện nay, tỉnh đang quản lý 12 lớp đội tuyển năng khiếu, tuyển trẻ, đội tuyển các môn vàđội tuyển bóng đá Nam với 180 vận động viên.

Thể thao quần chúng: Phong trào Thể dục Thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì và phát triển. Hiện tỷ lệ tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35,2%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 28,3% và 1.135 câu lạc bộ thể dục thể thao. Tổ chức và phối hợp tổ chức 32 giải TDTT quần chúng; hỗ trợ, phối hợp tổ chức 20 giải thể thao cho các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra còn hỗ trợ, phối hợp tổ chức một số giải thể thao cho các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

5. Giáo dục - đào tạo

Trong năm 2019 ngành giáo dục đào tạo Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc ổn định. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ đổi mới phương pháp dạy và học. Từ đó, chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các ngành học, cấp học ổn định, có chuyển biến tích cực: việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non khá tốt; tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp khá cao; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được duy trì đẩy mạnh, học sinh giỏi quốc gia lớp 12 khá ổn định về số lượng và chất lượng giải; tổ chức kỳ thi chung - kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển sinh đại học - cao đẳng đã được ngành chuẩn bị chu đáo và tổ chức đạt kết quả tốt theo đúng tinh thần đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả.

Kết quả giáo dục năm học 2018 - 2019: Quy mô trường lớp tiếp tục được điều chỉnh đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Tính đến 31/5/2019, toàn ngành 713 đơn vị trường học  (MN, PT: 698 trường; Trung tâm GDTX-GDNN: 12; Khuyết tật: 2; CĐSP: 1). Tổng số HSSV: 324.989, trong đó MN, PT: 322.822; các trung tâm GDTX-GDNN: 1.287 và CĐSP: 880 SV). Công tác tuyển sinh và huy động ra lớp đảm bảo yêu cầu, chỉ tiêu đề ra: Mầm non có 71.906/116.157 trẻ đến trường, đạt tỉ lệ 61,9% (Nhà trẻ: 23,16%; Mẫu giáo: 84,75%; Mẫu giáo 5 tuổi: 100%). Tuyển sinh lớp 1: 29.240, tỉ lệ 100%. Tuyển sinh lớp 6: 22.289/24.006, tỉ lệ 92,85%. Tuyển sinh lớp 10 công lập: 14.536/16.100, tỉ lệ 90.28%. Tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 99,42%.

Kết quả năm học 2018 - 2019: Giáo dục mầm non đạt tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm so với đầu năm là 1,9%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm so với đầu năm là 3,1%. Giáo dục Tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt tỉ lệ 99,08%; hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 100%, học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện đạt tỉ lệ 33,3 %. Giáo dục trung học cơ sở tỷ lệ hạnh kiểm là 99,93% TB trở lên; Học lực tỷ lệ Giỏi: 25,82%, Khá: 38,36%, TB: 31,91%, Yếu: 3,83%, Kém: 0,09%. Giáo dục THPT tỷ lệ hạnh kiểm là 99,87% TB trở lên; Học lực tỷ lệ Giỏi: 11,79%, Khá: 45,65%, TB: 36,77%, Yếu: 5,65%, Kém: 0,15%.

Kết thúc năm học 2018-2019, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc, trung thực và đúng quy chế. Kết quả cụ thể như sau: Tổng số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT là 13.380 (bao gồm cả thí sinh tự do). Tổng số thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT là 13.039. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,45% (năm 2018: 98,95%). Trong đó:  Hệ THPT là 12.709/12.999, tỷ lệ đạt 97,77% (thấp hơn so với năm 2018: 1,4%); Hệ GDTX là 330/381, đạt tỷ lệ 86,61% (thấp hơn năm 2018: 4,23%).

Công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện đầu năm học 2019-2020: Tổ chức các hoạt động trong hè 2019 như thực hiện công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp đúng quy định; bàn giao học sinh về địa phương và gia đình quản lý trong thời gian nghỉ hè; tập huấn chuyên môn, chính trị hè; đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học chuẩn bị cho năm học mới.

Đầu năm học 2019-2020 toàn tỉnh có 711 trường mầm non, phổ thông, GDTX, GDNN-GDTX và Cao đẳng Sư phạm (MN: 232, TH: 250, THCS: 159, THPT: 57, Trung tâm GDTX: 12, CĐSP: 01). Tổng số HSSV: 331.078 (MN, PT: 328.539; GDTX: 1.420; CĐSP:1.119). So với đầu năm học trước giảm 06 trường Tiểu học và 02 trường THCS; tăng 02 trường PTCS cấp 1-2, do sáp nhập và tách trường; số học sinh tăng 5.717 học sinh mầm non và phổ thông so với năm học 2018 - 2019.

Công tác tuyển sinh theo kế hoạch: Tuyển sinh lớp 10 là 15.553 học sinh; lớp 6 là 24.369 học sinh; lớp 1 là 27.615 học sinh.

6. Hoạt động y tế        

Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A (H5N1), (H7N9) và bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt rét không có dịch xảy ra. 

Bệnh tay chân miệng: Phát hiện 474 trường hợp, giảm 726 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018, không có trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.

Công tác phòng chống sốt xuất huyết: phát hiện 1.138 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 870 trường hợp so với cùng kỳ, phát hiện 289 ổ dịch sốt xuất huyết vàđã tổ chức xử lý kịp thời không để bùng phát thành dịch lớn, không có trường hợp sốt xuất huyết nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Công tác phòng chống sốt rét: Số bệnh nhân mắc sốt rét là 162 trường hợp, giảm 08 trường hợp so với cùng kỳ, không có trường hợp mắc sốt rét ác tính và không có trường hợp tử vong do sốt rét.

Công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng: Quản lý vàđiều trị cho 1.313 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 1.271 bệnh nhân động kinh.

Công tác phòng chống bệnh phong: Trong năm phát hiện 03 bệnh nhân phong mới (TP. Đà Lạt có 01 bệnh nhân, huyện Đức Trọng 01 bệnh nhân và 01 bệnh nhân tại huyện Di Linh). Toàn tỉnh quản lý 149 bệnh nhân, chăm sóc tàn tật cho 142 bệnh nhân, giám sát 15 bệnh nhân vàđa hóa trị liệu cho 03 bệnh nhân. Duy trì công tác loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Bộ Y tế quy định.

Công tác phòng chống bệnh lao: Khám phát hiện 572 bệnh nhân lao mới, trong đó có 280 bệnh nhân lao phổi AFB (+). Trong năm triển khai tuyên truyền hoạt động truyền thông ngày thế giới chống lao 24/3. Triển khai tốt các hoạt động phòng chống Lao tại tỉnh.

Công tác tiêm chủng mở rộng: Dự tính năm 2019 tiêm chủng đầy đủ cho 23.525 trẻ dưới 1 tuổi, đạt 95,4% kế hoạch. Tiêm phòng uốn ván 2+ cho 21.218 phụ nữ có thai, đạt 97,5% kế hoạch. Tổ chức tiêm vắc xin sởi mũi 2 cho 23.494 trẻ em 18 tháng tuổi, đạt 97,3% kế hoạch; tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 cho 23.874 trẻ 18 tháng tuổi, đạt 98,8% kế hoạch. Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 13 tháng tuổi; mũi 1: 22.972 trẻ, đạt 95,5% kế hoạch; mũi 2: 22.565 trẻ, đạt 93,8% kế hoạch và mũi 3: 22.466 trẻ, đạt 97,3% kế hoạch. Tổ chức tiêm 63.108 liều vắc xin dịch vụ cho đối tượng trên độ tuổi tiêm chủng mở rộng và 8.008 liều vắc xin dịch vụ cho đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản: Tổng số phụ nữđẻ là 21.852; trong đó số phụ nữđược quản lý thai là 21.334, chiếm tỷ lệ 97,6%, số phụ nữđẻđược cán bộ y tếđỡ là 21.842, chiếm tỷ lệ 99,9%; số bà mẹđẻđược khám thai từ 3 lần trở lên trong 3 thai kỳ là 21.125, đạt tỷ lệ 96,6%; số bà mẹđược thăm khám trong vòng 42 ngày tại nhà sau đẻ là 18.390, chiếm tỷ lệ 84,1%.

Công tác chăm sóc sức khỏe, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: Số trẻ sinh là 22.089; số trẻđẻ sống là 21.952; số trẻ sơ sinh sống được cân là 21.952; số trẻđẻ cân nặng dưới 2.500 gr là 993 (tỷ lệ 4,5%). Tại các cơ sở y tế: Số trẻ tử vong dưới 1 tuổi là 69 trường hợp (tỷ suất 4,1‰), số trẻ tử vong dưới 5 tuổi là 98 trường hợp (tỷ suất 5,96‰). Số trẻ từ 6-36 tháng được uống Vitamin A là 64.130/65.390 trẻ, đạt 98,1%. Số bà mẹ sau sinh được uống Vitamin A là 9.924/10.218 bà mẹ, đạt 97,1%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 11,75% (KH giao 11,8%), thể thấp còi là 19,5% (KH giao là 19,5%) đạt chỉ tiêu giao.

Công tác phòng chống bệnh HIV/AIDS: Có 115 trường hợp nhiễm HIV mới đưa vào quản lý (tích lũy: 1.584), có 04 trường hợp mắc AIDS mới (tích lũy: 284) và có 17 trường hợp tử vong AIDS (tích lũy: 576); số người nhiễm HIV còn sống được quản lý tại địa phương là 737 trường hợp. Tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho 1.500 khách hàng phát hiện 32 trường hợp dương tính với HIV.

Chương trình mục tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm: Có 01 vụ ngộđộc thực phẩm với 134 người mắc, xảy ra trên địa bàn huyện Di Linh, không có trường hợp tử vong; do thực phẩm của Dịch vụ nấu ăn lưu động Hoàng Vy (Bảo Lộc); căn nguyên nghi do độc tố tụ cầu khuẩn Staphylococus. Ngay sau khi nhận được thông tin ca mắc đầu tiên, Ban chỉđạo ATTP và các tổ phản ứng nhanh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với TTYT Dự phòng tỉnh, TTYT Di Linh tổ chức giám sát, điều tra ca bệnh và thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời.

Công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm tra An toàn vệ sinh thực phẩm: Tổng sốđoàn thanh, kiểm tra là 283 đoàn. Đã tiến hành kiểm tra 12.158 cơ sở, trong đó có 2.079 cơ sở vi phạm các quy định về ATTP (tỷ lệ 17,09%). Đã nhắc nhở, chấn chỉnh 2.001 cở sở; xử lý vi phạm đối với 78 cơ sở với các hình thức sau: cảnh cáo 11 cơ sở, chuyển hồ sơ sang cơ quan khác xử lý 09 cơ sở, đình chỉ hoạt động có thời hạn 03 cơ sở, phạt tiền 40 cơ sở với tổng số tiền phạt 198.045.000 đồng.

Công tác khám chữa bệnh: Các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh đảm bảo thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân. Kết quả công tác khám chữa bệnh năm 2019: Tổ chức khám bệnh cho 2.213.354 lượt bệnh nhân, đạt 96,6% kế hoạch năm; tổng số ngày điều trị nội trú là 879.161 đạt 100,5% kế hoạch năm. Số bệnh nhân được điều trị ngoại trú là 52.352, đạt 109,1% kế hoạch năm.

Ngoài ra, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo cho 49.944 bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách… với tổng kinh phí từ thiện, nhân đạo gần 4,4 tỷđồng.

Lĩnh vực dược: Ngành Y tếđãđảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu đến các vùng sâu, vùng xa và trong các tình huống thiên tai, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý phục vụcho nhân dân trên địa bàn tỉnh; duy trì thường xuyên các biện pháp bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng như tăng cường công tác kiểm nghiệm dược phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng thuốc, không có thuốc giả lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra kinh doanh thuốc góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường.

7. Tình hình an toàn giao thông

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đã tích cực chỉđạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT; tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt và chưa tự giác chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như lấn chiếm lòng, lềđường làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu, dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định dễ gây ùn tắc giao thông cục bộ cũng như tai nạn giao thông. Bên cạnh những lỗi vi phạm do phía người tham gia giao thông thì các biện pháp chủđộng phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông từ phía các cơ quan liên quan cũng còn hạn chế bởi những lý do khách quan, đó là: Lực lượng làm công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn mỏng; công tác dự báo về các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông còn hạn chế; nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương; Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phát động phong trào bảo đảm trật tự an toàn giao thông; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản liên quan đến công tác bảo đảm an toàn giao thông; khắc phục các điểm đen; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụđể phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông; mặt khác đầu tư xây dựng, nâng cấp chất lượng và các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông phù hợp với nhu cầu đi lại ngày càng tăng trên địa bàn tỉnh.

Số vụ tai nạn giao thông năm 2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/12/2019) trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 181 vụ, giảm 34 vụ; số người chết là 134 người, giảm 08 người; số người bị thương là 114 người, giảm 30 người so với cùng kỳ.

Tổng hợp hàng quý:  Số vụ tai nạn giao thông xảy ra quý I/2019 là 41 vụ, quý II/2019 là 55 vụ, quý III/2019 là 47 vụ, quý IV/2019 là 38 vụ; số người chết trong quý I/2019 là 31 người, quý II/2019 là 39 người, quý III/2019 là 37 người, quý IV/2019 là 27 người; số người bị thương trong quý I/2019 là 25 người, quý II/2019 là 36 người, quý III/2019 là 33 người, quý IV/2019 là 20 người.

            III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ  - XÃ HỘI NĂM 2020

Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong năm 2019 mặc dù gặp khó khăn nhưng tiếp tục có chuyển biến tích cực; kinh tế ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tốc độ tăng trưởng chưa đạt, chỉ số tồn kho còn cao, xuất nhập khẩu chưa có nhiều cải thiện.

Quy mô nền kinh tế của Lâm Đồng không ngừng phát triển, GRDP bình quân đầu người từ thấp hơn đến nay đã bằng bình quân chung cả nước; năng suất ngành nông nghiệp của tỉnh cao gần 2 lần so với bình quân cả nước nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn thiếu bền vững, quy mô nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ trọng khu vực I còn cao trong GRDP (hơn 2 lần so với cả nước); một tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông chủ yếu bằng đường bộ còn nhiều hạn chế nên cần tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nông nghiệp cao và du lịch nghỉ dưỡng nhằm tạo động lực cho nền kinh tế để đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói trong những năm tới thực sự trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng của cả nước và khu vực. 

Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2020 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, các ngành, các cấp cần tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tiếp tục bám sát, thực hiện quyết liệt, phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đãđề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, Nghị quyết HĐND tỉnh khóa VIII về nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; tập trung các nguồn lực thực hiện có hiệu quả 04 chương trình trọng tâm, 12 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các công trình trọng điểm của các huyện, thành phố.

2. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi giống cây trồng, tái canh cải tạo giống cà phê vàđẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, bền vững. Duy trì tốc độ tăng đàn gia súc, tập trung vào các đối tượng có giá trị cao. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; sản xuất các mặt hàng nông sản phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từđất lành”; tiếp tục phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

3. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020; Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Quy hoạch; thực hiện công tác lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; hoàn thành đồ án quy hoạch thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận, các đồ án quy hoạch đô thị vệ tinh và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thực hiện tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành; đảm bảo khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng và trật tựđô thị.

5. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; có các giải pháp cụ thể, thiết thực khuyến khích các thành phần kinh tếđầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí có quy mô lớn, sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch chất lượng cao; đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tăng cường, đổi mới các hoạt động quảng bá xúc tiến, đẩy mạnh kết nối du lịch trong nước và quốc tế, tập trung xây dựng thương hiệu cho du lịch Lâm Đồng.

6. Về xuất nhập khẩu: Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại đối với là những mặt hàng có giá trị cao, có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng qua chế biến có lợi thế về nguyên liệu của địa phương. Chủđộng mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hoá. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường cung cấp cho các doanh nghiệp; tập trung phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được. Hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, thiết bị công nghệ lạc hậu,

7. Vềđiều hành ngân sách: Tập trung chỉđạo công tác thu ngân sách, trọng tâm là thu từ thuế, phí; chống thất thu ngay từ những tháng đầu năm; đặc biệt làđối với các địa phương có nguồn thu lớn và các lĩnh vực có số thu lớn; phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách của từng tháng, từng quý và cả năm 2020. Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bền vững; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội và chi cho quốc phòng, an ninh.

8. Đầu tư phát triển: Tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công - tưđể huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình chỉnh trang đô thị, các khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch. Ưu tiên đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách, bức xúc của tỉnh, các công trình dự án có tính lan tỏa, kết nối vùng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, có giải pháp phù hợp để thu hút mạnh các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển.

9. Về phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã: Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 24/10/2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, triển khai các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

10. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội: Tăng cường tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh; phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở các cấp. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân xây dựng nông thôn mới vàđô thị văn minh”. Có các giải pháp hiệu quảđể huy động các nguồn lực xã hội và hạn chếtối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước trong tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao. 

11. Tập trung các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, tiếp tục vận động sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình. Ưu tiên nguồn lực cho các xã đểđạt chuẩn nông thôn mới, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khơi dậy ý chí chủđộng vươn lên của người nghèo; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

12. Về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, củng cố tổ chức và bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Kế hoạch, lộ trình của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TTW; đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách chếđộ công vụ, công chức; nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ của cấp trên giao đảm bảo chất lượng, hiệu quả vàđúng thời gian quy định. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính.

13. Về quốc phòng an ninh vàtrật tự an toàn xã hội: Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ; công tác tuyển quân, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu,...nắm chắc tình hình, chủđộng đấu tranh, ngăn chặn; không để bịđộng, bất ngờ, kiên quyết xử lý các băng nhóm tội phạm có tổ chức trên địa bàn. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy; thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn giao thông, phấn đấu giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

14. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; kịp thời phát hiện, nhân rộng các nhân tốđiển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực,... góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI và những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2020.


[1] Số liệu Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng báo cáo địa phương


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt