Lĩnh vực chuyên môn
Tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật thống kê (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật thống kê (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo các vị đại biểu Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật thống kê (sửa đổi) như sau:

 


Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật thống kê (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo các vị đại biểu Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật thống kê (sửa đổi) như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

Nhiều ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật điều chỉnh  hoạt động thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ chức thống kê nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định tổ chức thống kê nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước vào khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị xem xét việc tổ chức thống kê nhà nước thực hiện dịch vụ thống kê. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: mục đích của hoạt động thống kê nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân. Thông tin thống kê nhà nước được công bố, phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tiếp cận, sử dụng; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước cấp ngân sách để thực hiện hoạt động thống kê. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

2. Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

Có ý kiến đề nghị làm rõ “đơn vị hành chính tương đương” tại khoản 20. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu quy định tại khoản 20 Điều 4 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị thể hiện một số khái niệm tại khoản 8, 9, 10 và khoản 14 theo ngôn ngữ pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý tại Điều 4 của dự thảo Luật.

3. Về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê (Điều 10)

- Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi nghiêm cấm tại điểm e khoản 1 vào các hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước quy định tại điểm a khoản 2 . Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: hoạt động thống kê ngoài nhà nước được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm (điểm a khoản 3 Điều 5) và giá trị của thông tin thống kê ngoài nhà nước không có giá trị sử dụng thay thế thông tin thống kê nhà nước (Điều 72), do vậy Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ, khuyến khích người khác làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kêỦy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10.

- Có ý kiến đề nghị diễn đạt rõ nghĩa hành vi nghiêm cấm đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước trong lĩnh vực chính trị. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý tại điểm b khoản 2 Điều 10.

4. Về hệ thống thông tin thống kê nhà nước (Chương II)

Một số ý kiến đề nghị giải thích sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 20141.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: năm 2014 có sự chênh lệch lớn số liệu thống kê xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc là do nguyên nhân về phương pháp thống kê2 và buôn lậu, gian lận thương mại. Kinh nghiệm quốc tế để lượng hóa từng nguyên nhân trong tổng số chênh lệch đòi hỏi phải rà soát giữa các nước với nhau trong khoảng thời gian nhất định3. Trước tình hình số liệu thống kê chênh lệch lớn, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Tổng cục Hải quan trao đổi với bạn về điều chỉnh phương pháp thống kê của bạn (Trung Quốc) hoặc định kỳ báo cáo thống kê kèm theo báo cáo giải trình phân tích chi tiết để thấy rõ sự khác biệt lớn. Đối với buôn lậu, gian lận thương mại có ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng yêu cầu Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ xử lý cơ bản trong vài năm tới.

Có ý kiến đề nghị xem xét tính thống nhất, khắc phục sự chênh lệch số liệu thống kê như tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ giảm nghèo.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương. Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính. Dự thảo Luật quy định về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, thẩm định phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, thẩm định phương án điều tra thống kê, thẩm định chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành, thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; bổ sung quy định các hành vi nghiêm cấm; bổ sung đầy đủ quyền và trách nhiệm của cả 3 nhóm chủ thể, gồm nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho ngành thống kê, nhóm chủ thể sản xuất thông tin thống kê và nhóm sử dụng thông tin thống kê; đẩy mạnh ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là sử dụng dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành…

- Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm từng cấp để giải quyết chồng chéo trong hệ thống thông tin thống kê nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 14 và khoản 5 Điều 15 của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về công bố số liệu thống kê cấp vùng. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung quy định danh mục vùng trong phân loại thống kê quốc gia tại điểm e khoản 2 Điều 23. Thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó có phân tổ số liệu thống kê cấp vùng.

5. Về hệ thống thông tin thống kê nhà nước (Điều 12)

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định hệ thống thông tin thống kê cấp xã.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: qua tổng kết thi hành Luật thống kê, mô hình tổ chức thống kê hiện nay ở nước ta đang phát huy tốt vai trò cấp xã là đơn vị vừa thu thập thông tin và vừa cung cấp thông tin. Trong hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã quy định có hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã nhằm hình thành hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thông tin của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

6. Về phương pháp thống kê

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện phương pháp thống kê theo chuẩn quốc tế.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: hiện nay các phương pháp thống kê áp dụng trong hoạt động thống kê đã tuân theo các tiêu chuẩn do Thống kê Liên hợp quốc quy định, cụ thể: Phương pháp luận về hệ thống tài khoản quốc gia 20084; Phương pháp luận về thống kê chuyên ngành (thống kê công nghiệp, thống kê nông nghiệp, thống kê dịch vụ quốc tế,…); Hệ thống phổ biến dữ liệu chung5; Các phân loại thống kê chuẩn quốc tế (phân loại chuẩn về hoạt động kinh tế6, phân loại chuẩn về sản phẩm7, phân loại chuẩn về giáo dục8…); Việc sản xuất, xử lý, công bố, lưu trữ thông tin thống kê nhà nước theo mô hình chuẩn quốc tế9Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

7.  Về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 16)

- Có ý kiến đề nghị danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cần phân loại theo dân tộc và giới tính nhằm hoạch định chính sách quốc gia về dân tộc và bình đẳng giới. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin bổ sung cột phân tổ chủ yếu vào danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia tại phụ lục kèm theo, trong đó có phân loại theo dân tộc và giới tính đối với một số chỉ tiêu thống kê.

- Có ý kiến đề nghị quy định tiêu chí xác định chỉ tiêu thống kê quốc gia là phải tầm quốc gia, bảo đảm tính khả thi và so sánh quốc tế. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý tại khoản 3 Điều 16 của dự thảo Luật.

- Có ý kiến đề nghị bổ sung nội hàm, ý nghĩa và cách tính chỉ tiêu thống kê; nghiên cứu chất lượng chỉ tiêu, không chỉ nêu về lượng. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: danh mục chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định tại phụ lục kèm theo dự thảo Luật mới chỉ quy định về tên gọi chỉ tiêu thống kê, phân tổ chủ yếu và việc phân công cho cơ quan, đơn vị thu thập, tổng hợp. Nội dung về mục đích, ý nghĩa, khái niệm, nội dung, phương pháp tính, kỳ báo cáo, nguồn số liệu của từng chỉ tiêu mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, phải điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, nên được quy định tại văn bản dưới Luật cho phù hợp.Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

- Một số ý kiến đề nghị rà soát lại danh mục các chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ đưa vào danh mục các chỉ tiêu ở tầm quốc gia, bổ sung các chỉ tiêu để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điều chỉnh danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cho phù hợp. Qua rà soát danh mục chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia còn 169 chỉ tiêu, 20 nhóm. Số còn lại tiếp tục phân cấp cho bộ, ngành và được thể hiện trong hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành, gộp một số chỉ tiêu để bảo đảm sự cân đối của chỉ tiêu và bổ sung các chỉ tiêu để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững10.

8. Về điều chỉnh, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Điều 17)

Có  ý kiến đề nghị danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia do Quốc hội quyết định bổ sung, điều chỉnh. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật.

9. Về trách nhiệm của bộ, ngành trong trường hợp không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương (Điều 19, 25, 31 và Điều 49)

Có ý kiến đề nghị quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trong trường hợp không tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm định. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định trong trường hợp bộ, ngành không tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê trung ương thì người có thẩm quyền ban hành tự quyết định và chịu trách nhiệm, tại khoản 5 Điều 19, khoản 5 Điều 25, khoản 5 Điều 31 và khoản 5 Điều 49 của dự thảo Luật.

10. Về tổng điều tra thống kê quốc gia (Điều 28)

 Có ý kiến đề nghị không cần thiết phải tiến hành tổng điều tra thống kê quốc gia; có ý kiến đề nghị không nhất thiết phải định kỳ tổng điều tra 5 năm một lần, chu kỳ có thể dài hơn do hiện nay các ngành đang xây dựng cơ sở dữ liệu của quốc gia ở các cấp, ngành nên sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ giảm bớt những vấn đề tổng điều tra kiểu thủ công.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo như sau: thực tế hiện nay ở nướcta đang đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, qua tổng kết thi hành Luật thống kê, hệ thống công nghệ thông tin về thống kê mới chỉ giúp cho hoạt động thống kê được nhanh gọn, kịp thời, chất lượng hoạt động thống kê từng bước được nâng lên, nhưng chưa thể thay thế được các cuộc tổng điều tra. Tùy từng mục đích của các cuộc tổng điều tra mà phải tiến hành theo phương pháp trực tiếp, không thể khai thác qua cơ sở dữ liệu. Để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành, khi công nghệ phát triển, cơ sở dữ liệu tốt, chu kỳ tổng điều tra sẽ dài hơn. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định cụ thể chu kỳ tiến hành tổng điều tra quốc gia tại các điều a, b, c khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật.

11. Về lịch công bố thông tin thống kê nhà nước (Điều 54)

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể lịch công bố thông tin thống kê trong Luật; quy định rõ thời gian công bố các chỉ số thống kê; quy định rõ các nguyên tắc, phương thức công bố thông tin thống kêỦy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng quy định người có thẩm quyền công bố thông tin thống kê chịu trách nhiệm hàng năm xây dựng và công bố công khai lịch công bố thông tin thống kê nhà nước.

Có ý kiến đề nghị quy định việc xử lý trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa số liệu thống kê sơ bộ, số liệu thống kê ước tính và số liệu thống kê chính thức hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền công bố thực hiện điều chỉnh số liệu thống kê chính thức đã được công bố. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: việc có sự khác nhau giữa các mức độ của 3 số liệu nói trên do có sự khác nhau về tính sẵn có của nguồn thông tin và thời điểm khác nhau về thông tin dùng để tính toán các chỉ tiêu thống kê. Tuy nhiên, khi có sự khác nhau lớn, cơ quan công bố số liệu thống kê phải có giải thích rõ khi công bố. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thẩm định số liệu thống kê để đảm bảo hơn tính chính xác của số liệu thống kê.

12. Về hợp tác quốc tế về thống kê (Điều 58)

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hợp tác quốc tế về chia sẻ thông tin thống kê. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 58.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hợp tác quốc tế về hệ thống chỉ tiêu thống kê. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: điểm b khoản 2 Điều 58 quy định hợp tác quốc tế về phương pháp thống kê đã bao gồm về hệ thống chỉ tiêu thống kê. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

13. Về sử dụng thông tin thống kê nhà nước (Điều 59)

Có ý kiến đề nghị xem xét cụm từ "tạo điều kiện" tại khoản 2; đề nghị quy định rõ cơ quan có trách nhiệm thực hiện, quy trình thực hiện và các vấn đề có liên quan để hoạt động thống kê không chỉ để phục vụ quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy và giúp ích cho các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của mình, phù hợp mục đích của hoạt động thống kê đã nêu tại Điều 3 dự thảo LuậtỦy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định tại khoản 2 Điều 59 của dự thảo Luật.

14. Về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước (Điều 61)

Có ý kiến đề nghị bổ sung quyền khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước khi phát hiện sai phạm của cơ quan thực hiện thống kê. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và quy định tại khoản 4 Điều 61 của dự thảo Luật.

15. Về tổ chức thống kê nhà nước (Chương VII)

Nhiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật quy định cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một số ý kiến đề nghị cơ quan thống kê trung ương hoạt động độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội. Có ý kiến đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê trung ương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: để hoạt động thống kê độc lập, khách quan vấn đề quan trọng là phải bảo đảm sự độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan thống kê và người làm công tác thống kê. Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê là bảo đảm độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ; nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, ép buộc, áp đặt làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê. Để làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan thống kê trung ương, nhằm bảo đảm tính độc lập về chuyên môn của các cơ quan thống kê trong hoạt động thống kê, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng quy định cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các tổ chức, cá nhân (khoản 3 Điều 65).

Có ý kiến đề nghị quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thống kê trung ương. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 65 của dự thảo Luật.

16. Về hoạt động thống kê ngoài nhà nước (Chương VIII)

- Có ý kiến đề nghị rà soát các nguyên tắc hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5.

- Có ý kiến đề nghị cần khẳng định giá trị pháp lý của thông tin thống kê do tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế công bố. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: trong thực tiễn với kinh nghiệm quản lý, điều kiện để nghiên cứu một cách toàn diện các hoạt động này còn hạn chế, nếu quy định ngay trong Luật này sẽ không tránh khỏi sự không đầy đủ làm phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc các tổ chức quốc tế công bố số liệu thống kê theo thông lệ quốc tế, chỉ mang tính tham khảo nhằm định hướng phát triển toàn cầu. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị không nên hạn chế các hoạt động liên quan đến dịch vụ thống kê ngoài nhà nước như quy định tại khoản 2 Điều 70. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng quy định mở rộng phạm vi của hoạt động thống kê ngoài nhà nước, cho phép thực hiện hoạt động dịch vụ thống kê.

Có ý kiến đề nghị quy định dịch vụ thống kê ngoài nhà nước là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã quy định phạm vi của hoạt động thống kê ngoài nhà nước, yêu cầu đối với hoạt động thống kê ngoài nhà nước. Các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

             17. Về điều khoản chuyển tiếp

Có  ý kiến cho rằng cần quy định điều khoản chuyển tiếp thực hiện giữa Luật thống kê hiện hành và Luật thống kê (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội xin bổ sung Điều 73 trong dự thảo Luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên, còn có một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về từ ngữ, kỹ thuật văn bản của dự án Luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Luật.

 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt