Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng ước tháng 10 năm 2014
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,38% so với tháng 9/2014, tăng 2,73% so với tháng 12/2013 và tăng 4,07% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do tăng giá học phí theo lộ trình tăng học phí 2014-2019 của Bộ giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng của việc tăng giá lúa gạo vụ hè thu trong thời điểm tháng trước và những ngày đầu tháng

         I. Sản xuất nông, lâm nghiệp

1. Sản xuất nông nghiệp

1.1.  Trồng trọt

Sản xuất vụ mùa:

Thời vụ gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Mùa sắp kết thúc, tiến độ gieo trồng tính đến ngày 10/10/2014 toàn tỉnh gieo trồng 38.878,1 ha cây hàng năm các loại, tăng 2,19% so cùng kỳ, diện tích gieo trồng tăng chủ yếu ở cây lúa, rau và hoa các loại.

Lúa gieo trồng l4.275,4 ha, đạt 95,48% kế hoạch, tăng 0,94% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở huyện Đức Trọng 3.370 ha (chiếm 23,61%), bằng 98,6%; Đơn Dương 2.632 ha (chiếm 18,44%), tăng 10,17%; Di Linh 1.857 ha (chiếm 13,01%), tăng 0,8%; Đạ Tẻh 1.849,4 ha (chiếm 12,96%), giảm 6,59%; Lâm Hà 1.539,6 ha (chiếm 10,78%), giảm 2,62% so cùng kỳ.

Ngô gieo trồng 3.625,9 ha, bằng 99,42% so cùng kỳ, diện tích gieo trồng giảm chủ yếu ở Lâm Hà, Đạ Tẻh.

Khoai lang gieo trồng 505,1 ha, tăng 3,29% so cùng kỳ.

Sắn gieo trồng 2.417,7 ha, bằng 84,52% so cùng kỳ, diện tích gieo trồng tập trung chủ yếu ở Đam Rông, Bảo Lâm và 3 huyện phía Nam.

Rau các loại gieo trồng 12.930,9 ha, tăng 4,71% so cùng kỳ, tập trung ở Đà Lạt 1.695,5 ha, Đức Trọng 1.785 ha, Đơn Dương 7.652,5 ha và Lạc Dương 905 ha.

Hoa các loại gieo trồng 2.159,3 ha, tăng 9,03% so cùng kỳ, do nhiều hộ chuyển một phần diện tích trồng rau sang trồng hoa do sức tiêu thụ hoa ổn định và tăng, tập trung ở Đà Lạt 1.445,6 ha, Đơn Dương 250,4 ha, Lạc Dương 190 ha, Đức Trọng 183 ha.

Cây hàng năm khác 1.374,6 ha. Trong đó, 47,5 ha Atisô trồng ở Đà Lạt, 12 ha dâu tây ở Lạc Dương, 5 ha dưa hấu ở Đạ Huoai, các loại khác chủ yếu là cây gia vị, dược liệu và cỏ thức ăn chăn nuôi.

Thu hoạch vụ mùa:

Thu hoạch cây hàng năm vụ Mùa chủ yếu là ngô, rau, đậu và hoa các loại ở những diện tích gieo trồng sớm từ đầu vụ. Tính đến ngày 10/10/2014, tiến độ thu hoạch thực hiện 6.164,2 ha/38.878,1 ha gieo trồng, đạt 15,86%, tăng 17,26% so cùng kỳ.

Diện tích ngô thu hoạch được 103,2 ha/3.625,9 ha, đạt 2,85% diện tích gieo trồng, tăng 2,18% so cùng kỳ.

Diện tích rau thu hoạch 4.510,8 ha/12.930,9 ha, đạt 34,88% diện tích gieo trồng, tăng 8,89% so cùng kỳ.

Diện tích đậu thu hoạch 36,2 ha/579 ha, đạt 6,25% diện tích gieo trồng, tăng 17,15% so cùng kỳ.

Hoa các loại thu hoạch 1.320,8 ha/2.159,3 ha, đạt 61,17% diện tích gieo trồng, tăng 34,42% so cùng kỳ.      

Về tình hình trồng mới cây công nghiệp lâu năm:

Từ đầu năm đến 20/10/2014 toàn tỉnh thực hiện trồng mới cây lâu năm 9.677,7 ha, tăng 6,87% so cùng kỳ. Trong đó, Bảo Lâm 2.654,8 ha; Di Linh 2.662 ha; Lâm Hà 874,9 ha; Đạ Tẻh 803,9 ha; Đức Trọng 595 ha; Bảo Lộc 582 ha; Đạ Huoai 571,2 ha; Đam Rông 526,7 ha; Cát Tiên 178 ha. Cây trồng mới chiếm tỷ trọng cao là cà phê 5.207,8 ha, chiếm 53,81%; cao su 2.187 ha, chiếm 22,6%; dâu tằm 373,1 ha, chiếm 3,86%; cây ăn trái 941,1 ha, chiếm 9,72%; chè 775,4 ha, chiếm 8,01% tổng diện tích trồng mới cây lâu năm.

Tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng tháng 10/2014:

Trên cây lúa vụ Mùa 2014, các ngành, các địa phương cùng với Chi cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Nông nghiệp Di Linh, Đức Trọng tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy nâu hại lúa. Cấp thuốc chống dịch cho cả vụ trên diện tích 2.000 ha tại Đức Trọng và 1.684,09 ha tại Di Linh. Lượng thuốc cấp 3.684,09 lít Azora 350EC, đã sử dụng 993,4 lít. Trung tâm Nông nghiệp Đức Trọng đã xử lý chống dịch 1.028 ha; Trung tâm Nông nghiệp Di Linh đã xử lý chống dịch 696,88 ha.

Trên cây cà phê: sâu đục thân gây hại trên 490 ha; bệnh gỉ sắt nhiễm 804 ha; bệnh vàng lá nhiễm 280 ha; bệnh khô cành nhiễm 413,6 ha; bọ xít muỗi hại 1.379,82 ha tại Lạc Dương, Đam Rông.

Trên cây chè: bọ xít muỗi gây hại 1.635,5 ha; có 207,6 ha nhiễm nặng; rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh phồng lá, chấm xám đều nhiễm ở mức nhẹ, không phát triển thành dịch.

Cây cao su: chủ yếu bệnh nấm hồng, xì mủ tuy nhiên mức độ nhiễm bệnh nhẹ xuất hiện ở Đạ Tẻh.

1.2. Tình hình chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển. Đến thời điểm 01/10/2014 tổng đàn trâu ước đạt 17.742 con, tăng 2,5%; đàn bò 72.301 con, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò sữa đạt 11.841 con, tăng 54,8% (4.193 con) so cùng kỳ. Tổng đàn lợn ước đạt 367.460 con, tăng 2,13% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm ước đạt 3.899 nghìn con, giảm 1,33% so với cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi gia cầm thời gian qua trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm do người chăn nuôi lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm, giá thức ăn chăn nuôi tăng làm chi phí đầu vào cao, hiệu quả chăn nuôi thấp, người chăn nuôi thua lỗ, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tìm được giải pháp nên phải bỏ chuồng, hạn chế tái đàn.

Tình hình dịch cúm trên địa bàn toàn tỉnh không còn xảy ra, tuy nhiên nguy cơ bùng phát trở lại là rất cao. Hiện nay, thời tiết trong thời điểm chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh cúm gia cầm nói riêng. Công tác kiểm dịch động vật tiếp tục được các ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng quy trình kiểm dịch. Các sản phẩm chăn nuôi như heo, trâu, bò, gà, vịt, trứng gia cầm,...luôn được kiểm dịch trước khi xuất ra hoặc nhập vào trong tỉnh.

2. Lâm nghiệp

        Lâm sinh: thời tiết đang ở trong những tháng cuối mùa mưa, các đơn vị lâm nghiệp tiếp tục tập trung cho công tác trồng mới rừng tập trung, trồng cây lâm nghiệp phân tán, chăm sóc rừng trồng theo mùa vụ. Ước tính trong tháng các đơn vị thực hiện trồng mới rừng tập trung đạt 890 ha; dự ước đến hết tháng 10/2014 thực hiện 2.566 ha, đạt 78,64% kế hoạch năm, tăng 15,17% so cùng kỳ. Cây lâm nghiệp trồng phân tán tại các địa phương trong tỉnh đến nay đạt 234,6 nghìn cây, tăng 21,3% so cùng kỳ.

Công tác chăm sóc rừng trồng trong tháng tại các đơn vị lâm nghiệp thuộc loại hình kinh tế nhà nước ước đạt 320 ha; đến hết tháng 10/2014 thực hiện 2.554,1 ha, đạt 78,2% kế hoạch năm, tăng 18,63% so cùng kỳ. 

Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ đầu năm đến nay thực hiện 376.136 ha rừng, chiếm 64,75% diện tích rừng hiện có, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,18% so với cùng kỳ. Trong đó, hình thức khoán bảo vệ rừng được chi trả bằng tiền 370.471 ha (từ nguồn ngân sách tỉnh, dự án phát triển Lâm nghiệp và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng); giao khoán hưởng lợi từ trồng rừng (NĐ 135, QĐ 178, NĐ 01, 30a) là 5.665 ha cho 22.852 hộ nhận khoán bảo vệ rừng (có 17.662 hộ nhận khoán là đồng bào dân tộc thiểu số).

Khai thác lâm sản: sản lượng gỗ khai thác tại các đơn vị quốc doanh lâm nghiệp trong tháng 10/2014 đạt 4.430,9 m3. Đến hết tháng 10/2014 thực hiện 101.536,5 m3, đạt 67,69% kế hoạch, tăng 0,13% so cùng kỳ, sản lượng gỗ tăng nhưng không nhiều chủ yếu là khai thác từ rừng trồng. Các loại lâm sản khác khai thác và thu nhặt như củi thước 5.838 ster, giảm 10,98%; lồ ô tuyển 103,3 nghìn cây, tăng 0,29%; mung 12 nghìn cây, bằng 82,7%, mây chỉ 46,3 tấn, bằng 57,1%; lá buông 20 tấn, bằng 100% so cùng kỳ.

Tình hình vi phạm lâm luật: trong tháng các đơn vị chủ rừng phối hợp với lực lượng chức năng giải tỏa được 35,4 ha diện tích đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trái phép. Phát hiện 115 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu là các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 64 vụ, khai thác rừng trái phép 22 vụ, phá rừng trái pháp luật 21 vụ với 4,25 ha rừng bị phá.

Luỹ kế từ đầu năm đến 20/10/2014 số vụ vi phạm lâm luật đã phát hiện 1.520 vụ, giảm 11,57% so với cùng kỳ, các vụ vi phạm xảy ra chủ yếu là hành vi phá rừng trái phép 281 vụ, giảm 53,33%, diện tích rừng bị phá 80,06 ha, giảm 21,67% so cùng kỳ. Vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản 318 vụ; vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật hoang dã 5 vụ, giảm 54,5%; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 763 vụ, giảm 8,9% so với cùng kỳ.

Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.484 vụ, trong đó xử lý hành chính 1.456 vụ, chuyển xử lý hình sự 28 vụ. Lâm sản, phương tiện tịch thu qua xử lý vi phạm 525 chiếc phương tiện, dụng cụ các loại; 1.751,17 m3 gỗ; 1.036 cá thể, 177,5 kg thịt động vật rừng. Thu nộp ngân sách 14,4 tỷ đồng.

II. Công nghiệp - Xây dựng cơ bản

1. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2014 tăng 5,38% so cùng kỳ.

Chỉ số phát triển sản xuất ngành khai khoáng giảm 0,57% so cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm đá xây dựng các loại đạt 70,93 ngàn m3, giảm 5,38%; cát tự nhiên các loại đạt 34,91 ngàn m3, tăng 89,2%; sản phẩm cao lanh các loại đạt 2,2 ngàn tấn, giảm 65,17% so cùng kỳ.

Chỉ số phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,66% so cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp đã tác động đến tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là: hạt điều khô 139,78 tấn, tăng 147,81%; phân bón NPK 3,06 ngàn tấn, tăng 88,44%; sợi xe tơ sợi tơ tằm 104,91 tấn, tăng 52,27%; chè nguyên chất 1,52 ngàn tấn, tăng 40,61%; vải dệt thoi tơ sợi tơ tằm 250,04 ngàn m3, tăng 36,37%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket 300 ngàn cái, tăng 26,32%; quần áo bảo hộ lao động 72,24 ngàn cái, tăng 19,8%; alumin 42 ngàn tấn, tăng 10,54%. Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như  rau ướp lạnh 416,67 tấn, giảm 61,51%; quả và hạt ướp lạnh đạt 391,03 tấn, giảm 12,26%; gạch xây bằng đất sét nung 19,67 triệu viên, giảm 13,49% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,81% so cùng kỳ. Trong đó, điện sản xuất đạt 572,71 triệu kwh, giảm 0,25%; sản lượng điện thương phẩm đạt 67 triệu kwh, tăng 10,2% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nước ghi thu đạt 1.265,82 ngàn m3, tăng 3,76%; thu gom rác thải không độc hại 6.291 tấn, tăng 4,54% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng năm 2014 tăng 21,65% so cùng kỳ. Trong đó: ngành khai khoáng tăng 9,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,42%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,32%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,92% so cùng kỳ.

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2014 tăng 17,51% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,05% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 58,42%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 41,3%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,15%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,86%; ngành dệt tăng 6,83%; sản xuất trang phục tăng 2,26% so cùng kỳ.

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 năm 2014 tăng 1,29% so với tháng trước và tăng 17,56% so cùng kỳ. Trong đó, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 234,81%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 157,18%; sản xuất trang phục tăng 166,75%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 16,67%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 61,61%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 34,39%; ngành dệt giảm 0,16%  so cùng kỳ.

* Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng năm 2014 giảm 0,5% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế: ngành khai khoáng giảm 9,46%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,19%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 1,24%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,65% so cùng kỳ. Chia theo loại hình: doanh nghiệp nhà nước tăng 0,06%; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 2,81%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,74% so cùng kỳ.

2. Đầu tư xây dựng

Tiếp tục tập trung thực hiện các công trình đã cấp vốn triển khai đảm bảo kế hoạch và thực hiện đúng quy định đầu tư. Các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện nhằm kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình thực hiện. Nhìn chung đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn về vốn, công tác lập thủ tục hồ sơ còn lúng túng, điều chỉnh nhiều lần, công tác đền bù còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các công trình.

Dự ước tháng 10/2014 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh đạt 175,05 tỷ đồng, giảm 42,1% so cùng kỳ. Trong đó:

 Nguồn vốn thuộc Ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 163,76 tỷ đồng, chiếm 93,54% trong tổng vốn, giảm 38,73% so cùng kỳ; chủ yếu tập trung đầu tư công trình khu hành chính tập trung và các công trình giao thông. Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 96,31 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu đạt 17,32 tỷ đồng; vốn từ xổ số kiến thiết đạt 41,46 tỷ đồng.

 Nguồn vốn thuộc Ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 10,55 tỷ đồng, chiếm 6,03% trong tổng vốn, bằng 30,77% so cùng kỳ. Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách huyện đạt 7,88 tỷ đồng; vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 0,13 tỷ đồng; vốn khác đạt 2,54 tỷ đồng.

Dự ước 10 tháng năm 2014 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh đạt 1.419,33 tỷ đồng, bằng 96,02% so cùng kỳ, đạt 84,3% kế hoạch. Trong đó:

 Nguồn vốn thuộc ngân sách cấp tỉnh đạt 1.171,71 tỷ đồng, chiếm 82,55% trong tổng vốn, bằng 92,36% so cùng kỳ. Trong đó, vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 538,12 tỷ đồng; vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 293,78 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết đạt 265 tỷ đồng.

 Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 242,73 tỷ đồng, chiếm 17,1% trong tổng vốn, tăng 25,76% so cùng kỳ, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện, thành phố.

* Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong 10 tháng năm 2014 ước đạt 172 tỷ đồng, đạt 40,85% so kế hoạch năm 2014, chủ yếu thực hiện chương trình Nông thôn mới, công trình ký túc xá tập trung, các công trình thủy lợi và giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn:

          Trung tâm hành chính tập trung: hiện đang gấp rút thi công các hạng mục xây lắp cho kịp tiến độ, đồng thời có bổ sung nội thất các khu làm việc chung, hội trường, khu vực tiếp nhận hồ sơ, hệ thống cáp quang, hệ thống điện.

         Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Đà Lạt: hiện đang thực hiện các gói thầu 19,20,22,25,26,28. Giá trị thực hiện khoảng 67,45% so kế hoạch. Gói thầu 27 đã hoàn thành và đang hoàn tất thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng.

Một số công trình khác trên địa bàn tỉnh: đang chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số công trình như: nâng cấp đường Trần Nhân Tông, đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Sương Nguyệt Ánh, đường quốc lộ 20 (Đà Lạt), hồ chứa nước Đạ Chao (Đạ Tẻh), đường giao thông nội huyện Bảo Lâm, Cầu Hai Cô (Cát Tiên), trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, thủy lợi Đạ Nar (Đạ Huoai).

3.Tình hình doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài

Đăng ký kinh doanh: từ đầu năm đến ngày 30/9/2014, đã cấp đăng ký kinh doanh  cho 598 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 2.702 tỷ đồng; cấp giấy đăng ký hoạt động cho 99 chi nhánh, 18 văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; cấp thay đổi, bổ sung đăng ký kinh doanh cho 1.308 doanh nghiệp; thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh 74 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: từ đầu năm đến 30/9/2014 có 09 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 24,6 triệu USD. Điều chỉnh 26 giấy chứng nhận đầu tư. Thu hồi 08 dự án với tổng vốn đăng ký 12,5 triệu USD.

III. Hoạt động tài chính - ngân hàng

1. Hoạt động tài chính

 Ngành tài chính Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo thường xuyên công tác quản lý thu Ngân sách Nhà nước, chống thất thu và đẩy mạnh thu nợ thuế; tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế và xử lý kịp thời các trường hợp không đúng, không đủ số thuế phải nộp. Công tác chi ngân sách đảm bảo tốt các hoạt động thường xuyên về quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, quản lý chặt chẽ chi tiêu công, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 15/10/2014 đạt 3.481,4 tỷ đồng, bằng 58,02% so dự toán, tăng 19,01% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 3.244,2 tỷ đồng, bằng 76,9% so dự toán, tăng 21,25% so cùng kỳ; trong thu nội địa thì thu từ doanh nghiệp Trung ương đạt 520,3 tỷ đồng, bằng 66,63% so dự toán, tăng 32,53%; doanh nghiệp địa phương đạt 106,6 tỷ đồng, bằng 77,93% so dự toán, tăng 42,51%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 81,7 tỷ đồng, bằng 84,71% so dự toán, tăng 58,13%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 870 t đồng, bằng 56,21% so dự toán, tăng 8,24%; thuế trước bạ đạt 130,7 tỷ đồng, bằng 73,88% so dự toán, tăng 8,04%; thuế thu nhập cá nhân đạt 177,8 tỷ đồng, bằng 70,17% so dự toán, tăng 5,55% so với cùng kỳ. Thuế từ đất, nhà đạt 343,4 tỷ đồng, bằng 49,06% so dự toán, tăng 19,37%; thu khác ngoài ngân sách đạt 262,5 tỷ đồng, bằng 170,43% so dự toán, tăng 97,57%; thu thuế xổ số kiến thiết 270,3 tỷ đồng, bằng 78,34% so dự toán, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách địa phương tính đến ngày 15/10/2014 đạt 8.487,4 tỷ đồng, bằng 88,34% so dự toán, tăng 8,93% so cùng kỳ. Trong đó, thu điều tiết đạt 2.923,2 tỷ đồng, bằng 71,9% so dự toán, tăng 19,15%; thu bổ sung từ Ngân sách Trung ương đạt 3.370,2 tỷ đồng, bằng 89,6% so dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương tính đến ngày 15/10/2014 10.962,7 t đồng, bằng 114,1% so dự toán, tăng 11,51% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển 1.917,7 tỷ đồng, bằng 169% so dự toán, tăng 6,92%; chi thường xuyên 4.726,2 tỷ đồng, bằng 79,8% dự toán, tăng 12,08% so cùng kỳ. Trong tổng chi thường xuyên, chi sự nghiệp kinh tế 412 tỷ đồng, chiếm 8,72%, tăng 36,4%; chi giáo dục, đào tạo 2.076,2 tỷ đồng, chiếm 43,93%, tăng 12,43%; chi y tế 799,1 tỷ đồng, chiếm 16,91%, tăng 39,96%; chi quản lý hành chính 914,5 tỷ đồng, chiếm 19,35%, tăng 18,17% so với cùng kỳ.

2. Hoạt động tín dụng

Trong tháng 10/2014, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đã kết nối được 224 doanh nghiệp và 10 khách hàng cá nhân có doanh số hoạt động lớn với tổng giá trị là 2.517 tỷ đồng. Đảm bảo an toàn tài sản kho quỹ, cung ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước trên địa bàn; thông báo kịp thời tình hình tiền giả mới xuất hiện; thực hiện đúng quy định về quản lý ngoại hối, kinh doanh ngoại tệ và hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Vốn huy động đến 30/9/2014 đạt 26.020 tỷ đồng, tăng 20,8% so đầu năm, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt 21.190 tỷ đồng, chiếm 81,4% tổng vốn huy động, tăng 25,4% so đầu năm, tăng 26,2% so với cùng kỳ; các loại tiền thanh toán, tiền gửi Kho bạc đạt 4.830 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng vốn huy động, giảm 26,2% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/9/2014 đạt 29.137 tỷ đồng, tăng 8,9% so đầu năm, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung dài hạn 11.446 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng dư nợ, tăng 12% so đầu năm, tăng 18,9% so với cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn 17.691 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng dư nợ, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

         Tổng nợ xấu đến 30/9/2014 là 553 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng dư nợ, tăng 30% so đầu năm, giảm 57,5% so tháng trước, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Nợ xấu giảm mạnh so với tháng trước là do chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp được đánh giá tích cực trả nợ trong thời gian thử thách.

         IV. Thương mại – dịch vụ - vận tải

         1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

         Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 năm 2014 đạt 2.373,2 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 251,1 tỷ đồng, tăng 16,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.090,4 tỷ đồng, tăng 9,1% (trong đó, kinh tế tư nhân đạt 766,1 tỷ đồng, tăng 89%; kinh tế cá thể đạt 1.324,1 tỷ đồng, giảm 13,3%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,7 tỷ đồng, giảm 36,2% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu như nhóm lương thực, thực phẩm đạt 786,9 tỷ đồng, giảm 5,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 567,4 tỷ đồng, tăng 167,6%; nhóm xăng dầu các loại đạt 229,7 tỷ đồng, bằng 100% so với cùng kỳ.

Ước tính 10 tháng năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 23.285,7 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 2.612,2 tỷ đồng, tăng 12,4%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 20.286,3 tỷ đồng, tăng 10,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 387,2 tỷ đồng, tăng 167% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng chủ yếu như nhóm lương thực, thực phẩm đạt 8.217 tỷ đồng, tăng 6,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 4.422 tỷ đồng, tăng 120,2%; nhóm xăng dầu các loại đạt 2.650,1 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ.

          2. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành

         Ước tháng 10/2014, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 362 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 45,4 tỷ đồng, tăng 1,8%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 315 tỷ đồng, tăng 3,9% và doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,6 tỷ đồng, bằng 51,6% so với cùng kỳ. Tổng số khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú tháng 10/2014 đạt 221.684 lượt khách, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó; khách trong nước đạt 213.083 lượt khách, tăng 2,9%; khách quốc tế đạt 8.601 lượt khách, giảm 7,5%. Khách qua các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 577 lượt khách, bằng 52,4% so cùng kỳ.

       Trong 10 tháng năm 2014, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 3.609,1 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 466,1 tỷ đồng, tăng 5,2%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 3.116,6 tỷ đồng, tăng 3,5% và doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 26,4 tỷ đồng, bằng 86,6% so với cùng kỳ. Tổng số khách ngủ qua đêm tại các cơ sở lưu trú 10 tháng năm 2014 đạt 2.276.781 lượt khách, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Trong đó; khách trong nước đạt 2.155.791 lượt khách, tăng 7,9%; khách quốc tế đạt 120.990 lượt khách, giảm 0,8%. Khách du lịch qua các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 12.010 lượt khách, tăng 6,6% so cùng kỳ.

        Là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2014 - Tây Nguyên - Đà Lạt với nhiều chương trình hấp dẫn như: không gian hoa “Đà Lạt bốn mùa hoa”; phiên chợ rau, hoa Đà Lạt; hội chợ triển lãm du lịch làng nghề Đà Lạt 2014; hoa viên nghệ thuật “Thiên đường mùa đông”; tour du lịch dã ngoại “Đà Lạt không ở phố”; tour tham quan “Du lịch hoa” … nhưng lượng khách đến tham quan trong 10 tháng qua tăng không cao so với kỳ vọng của địa phương nên trong 3 tháng cuối năm, ngành du lịch cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách đến tham quan trong các dịp lễ sắp tới.

         3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

         a. Xuất khẩu hàng hóa

         Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2014 đạt 37.833,3 nghìn USD, tăng 103,31% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế Nhà nước đạt 13.640,5 nghìn USD, chiếm 36,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; kinh tế tư nhân đạt 8.849 nghìn USD, chiếm 23,39% và tăng 40,79%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15.343,8 nghìn USD, chiếm 40,56% và tăng 24,51% so với cùng kỳ. Các mặt hàng như: hàng rau quả đạt 1.237 tấn, trị giá 2.278,4 nghìn USD, tăng 26,07% về lượng và tăng 15,25% về giá trị; hạt điều đạt 120 tấn, trị giá 820 nghìn USD, tăng 61,51% về lượng và tăng 68,86% về giá trị; cà phê đạt 5.416,8 tấn, trị giá 11.512 nghìn USD, tăng 78,13% về lượng và tăng 57,95% về giá trị, trong đó: cà phê xuất sang thị trường Anh đạt 1.836,7 nghìn USD, Đức đạt 1.527,2 nghìn USD, I-ta-li-a đạt 584,8 nghìn USD, Bỉ đạt 330 nghìn USD; chè chế biến đạt 1.346,1 tấn, trị giá 3.236,6 nghìn USD, giảm 0,64% về lượng và tăng 8,9% về giá trị, chủ yếu là mặt hàng chè xanh, chè đen và chè chế biến xuất sang Pa-ki-xtan đạt 561,3 nghìn USD, Áp-ga-ni-xtan đạt 140,3 nghìn USD; hàng nông sản khác đạt trị giá 3.180,3 nghìn USD, tăng 39,47%; sản phẩm bằng plastic đạt 267,2 nghìn USD, tăng 171,82%; hàng dệt may đạt 1.783,1 nghìn USD, tăng 9,89% so với cùng kỳ.

         Ước 10 tháng năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đạt 408.692,4 nghìn USD, tăng 79,67% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế Nhà nước đạt 139.325,6 nghìn USD, chiếm 34,09% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; kinh tế tư nhân đạt 89.850 nghìn USD, chiếm 21,99% và tăng 55,62%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179.516,8 nghìn USD, chiếm 43,92% và tăng 6,38% so với cùng kỳ. Trong đó: Alumin đạt 354.936 tấn, giá trị 111.804,7 nghìn USD; hàng rau quả đạt 12.228 tấn, trị giá 23.722,9 nghìn USD, tăng 20,59% về lượng và tăng 28% về giá trị; hạt điều đạt 1.135,4 tấn, trị giá 7.542 nghìn USD, tăng 35,12% về lượng và tăng 33,26% về giá trị; cà phê đạt 78.062,1 tấn, trị giá 162.598,7 nghìn USD, tăng 35,03% về lượng và tăng 29,24% về giá trị; chè chế biến đạt 11.581,9 tấn, trị giá 26.035,3 nghìn USD, giảm 7,83% về lượng và tăng 13,67% về giá trị; hàng nông sản khác đạt trị giá 26.221,2 nghìn USD, tăng 15,71%; sản phẩm bằng plastic đạt 2.641,6 nghìn USD, tăng 93,09%; hàng dệt may đạt 15.025,4 nghìn USD, giảm 7,18% so với cùng kỳ.

         b. Nhập khẩu hàng hóa        

         Kim ngạch nhập khẩu tháng 10/2014 đạt 6.651,5 nghìn USD, tăng 12,61% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế tư nhân đạt 3.845,5 nghìn USD, giảm 5,2%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.806 nghìn USD, tăng 51,63% so với cùng kỳ. Các sản phẩm nhập khẩu như: phân bón đạt 249,6 tấn, trị giá 109,5 nghìn USD, tăng 62,08% về lượng và tăng 59,39% về giá trị; sản phẩm tơ sợi dệt đạt 32,6 tấn, trị giá 908,8 nghìn USD, giảm 40,29% về lượng và tăng 20,01% về giá trị; vải may mặc đạt 142 nghìn USD, tăng 34,22%; máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 208 nghìn USD, giảm 55,46%; hàng hóa khác đạt 4.411,6 nghìn USD, giảm 1,28% so với cùng kỳ.

         Ước 10 tháng năm 2014 kim ngạch nhập khẩu đạt 46.367,6 nghìn USD, tăng 13,95% so với cùng kỳ. Trong đó: kinh tế Nhà nước đạt 43,3 nghìn USD, chiếm 0,09% và giảm 20,99%; kinh tế tư nhân đạt 24.341,1 nghìn USD, chiếm 52,5% và tăng 9,93%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21.983,2 nghìn USD, chiếm 47,41% và tăng 18,86% so với cùng kỳ. Các sản phẩm nhập khẩu như: phân bón đạt 1.651,8 tấn, trị giá 888,1 nghìn USD, tăng 110,15% về lượng và tăng 96,92% về giá trị; sản phẩm tơ sợi dệt đạt 239,3 tấn, trị giá 5.579,5 nghìn USD, giảm 38,01 % về lượng và giảm 20,35% về giá trị; vải may mặc đạt trị giá 1.337 nghìn USD, tăng 17,34%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3.026,9 nghìn USD, giảm 24,77%; hàng hóa khác đạt 27.805,5 nghìn USD, tăng 18,23% so với cùng kỳ.

         4. Giá cả thị trường

         a. Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,38% so với tháng 9/2014, tăng 2,73% so với tháng 12/2013 và tăng 4,07% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân do tăng giá học phí theo lộ trình tăng học phí 2014-2019 của Bộ giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng của việc tăng giá lúa gạo vụ hè thu trong thời điểm tháng trước và những ngày đầu tháng. Ngoài ra trong quý 4 hàng năm là thời điểm chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết cuối năm nên giá cả thị trường đang có xu hướng nhích dần lên do nhu cầu tiêu dùng và dự trữ. Tuy nhiên, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng, cùng với việc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, nhóm hàng nhiên liệu, nguyên liệu được điều hành theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là các yếu tố góp phần bình ổn giá thị trường. Cụ thể: so với tháng trước nhóm giáo dục tăng 8,86%; nhóm giao thông giảm 0,94%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,56%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,44%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,4%, nhóm thực phẩm giảm 0,92%, nhóm ăn uống ngoài gia đình ổn định; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch ổn định so với tháng trước. Bình quân 10 tháng đầu năm 2014, CPI tăng 4,42% so với bình quân 10 tháng năm 2013.

b. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng 99,99 trên địa bàn tỉnh tháng 10/2014 được bán ra với giá bình quân 3.181.000 đồng/chỉ, giảm 2,69% so với tháng trước giảm 6,8% so cùng kỳ, bình quân 10 tháng giảm 13,46% so với bình quân cùng kỳ. Giá USD bán ra bình quân tháng 10/2014 dao động ở mức 21.207 đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng 10/2014 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 0,58% so cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ.

         5. Vận tải, bưu chính viễn thông

        Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 10/2014 đạt 264.185 triệu đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 234.450 triệu đồng, tăng 20,7%; doanh thu vận tải hàng không đạt 29.703 triệu đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2014 doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 2.432.875 triệu đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.123.283 triệu đồng, tăng 9,6%; doanh thu vận tải hàng không đạt 309.256 triệu đồng, tăng 1% so với cùng kỳ.

       Vận tải hành khách tháng 10/2014 ước đạt 2.224,4 nghìn hành khách, giảm 1,9% và luân chuyển đạt 222.121,5 nghìn hành khách.km, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 2.203,5 nghìn hành khách, giảm 1,9% và luân chuyển đạt 214.505,8 nghìn hành khách.km, tăng 1,8%; vận tải hành khách hàng không đạt 14,7 nghìn hành khách, tăng 4,4% và luân chuyển đạt 7.612,5 nghìn hành khách.km, tăng 13,1%. Trong 10 tháng năm 2014 ước đạt 23.889,7 nghìn hành khách, tăng 8,4% và luân chuyển đạt 2.257.019,3 nghìn hành khách.km, tăng 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 23.672,8 nghìn hành khách, tăng 8,5% và luân chuyển đạt 2.177.126,2 nghìn hành khách.km, tăng 2,3%; vận tải hành khách hàng không đạt 152,6 nghìn hành khách, giảm 0,8% và luân chuyển đạt 79.854,8 nghìn hành khách.km, tăng 3,7% so với cùng kỳ.

       Khối lượng hàng hoá vận chuyển chủ yếu là đường bộ tháng 10/2014 ước đạt 546,1 nghìn tấn, giảm 27,7% và luân chuyển đạt 81.661 nghìn tấn.km, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2014 đạt 5.969,4 nghìn tấn, giảm 6,5% và luân chuyển đạt 738.392,6 nghìn tấn.km, giảm 6,4% so với cùng kỳ.  

         Doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông tháng 10/2014 ước đạt 228.666 triệu đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Ước 10 tháng năm 2014 đạt 1.966.683 triệu đồng, tăng 24,5% so cùng kỳ.

        Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 10/2014 ước đạt 25.690 thuê bao; trong đó, thuê bao di động đạt 25.420 thuê bao; thuê bao cố định đạt 270 thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 3.800 thuê bao, tăng 169,8% so cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2014 số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 175.173 thuê bao, trong đó thuê bao di động đạt 172.436 thuê bao, thuê bao cố định đạt 2.737 thuê bao; số thuê bao internet phát triển mới đạt 26.172 thuê bao.

         V. Một số lĩnh vực văn hóa – xã hội

        1. Hoạt động văn hóa - tuyên truyền    

          Trong tháng 10/2014, ngành văn hóa thông tin trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động đảm bảo tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân trong tỉnh. Toàn tỉnh treo 178 cờ phướn, băng rôn với tổng diện tích 377,6 m2 để tuyên truyền ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10); phát động quyên góp quỹ vì người nghèo nhân ngày “vì người nghèo” (17/10); tuyên truyền ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 và kỷ niệm 84 năm ngày phụ nữ Việt Nam (20/10). Tổ chức các hoạt động phục vụ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ II-2014 và vòng chung khảo Hội thi Dân vận khéo khối các cơ quan nhà nước lần thứ II.

Bảo tàng tỉnh mở cửa thường xuyên đón trên 450 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ trên 500 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách, báo, tài liệu.

2. Hoạt động phong trào thể dục - thể thao

Trong tháng 10/2014, hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phương châm đưa thể dục thể thao về cơ sở nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng rộng khắp, thu hút nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia vào việc rèn luyện sức khỏe.

Thể thao thành tích cao: Tham gia giải cờ vua đối thủ mạnh toàn quốc tại Bắc Giang; giải cầu lông trung cao tuổi toàn quốc tại Lạng Sơn; giải cầu lông cây vợt xuất sắc toàn quốc tại Bắc Ninh; giải E-Sport toàn quốc tại Đà Lạt.

Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức giải thể dục Aerobic các câu lạc bộ tỉnh, giải bóng bàn các doanh nghiệp tỉnh và giải quần vợt các nhà quản lý doanh nghiệp tỉnh tại Đà Lạt.

3. Giáo dục - Đào tạo

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014-2015, ngành giáo dục Lâm Đồng không ngừng phấn đấu thực hiện tốt những chỉ tiêu chủ yếu đã để ra; phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn; phát triển quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục; thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số học sinh. Nhìn chung, quy mô trường, lớp, học sinh ổn định; các hoạt động dạy và học được triển khai thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, đúng tiến độ.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; thực hiện xóa mù chữ; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông. Đến nay, toàn tỉnh có 8/12 đơn vị cấp huyện và 132/147 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng 24 xã so với năm học trước; 147/147 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Công tác phát triển đội ngũ giáo viên: năm học mới 2014-2015, toàn tỉnh có 16.372 người, tăng 0,6% so năm học trước. Hàng năm, giáo viên được tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ nên chất lượng giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương

4. Hoạt động y tế

Trong tháng 10/2014, ngành y tế Lâm Đồng tiếp tục giám sát dịch cúm A (H5N1), (H1N1) và các dịch bệnh: tiêu chảy cấp, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đầu tháng đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bệnh sốt rét có 41 trường hợp mắc bệnh, tăng 3 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong; có 05 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong. Bệnh phong phát hiện 1 bệnh nhân mới, toàn tỉnh hiện đang điều trị 7 bệnh nhân trong tổng số 203 bệnh nhân, chăm sóc tàn phế cho 187 bệnh nhân. Phát hiện 36 trường hợp lao mới, không có tử vong, hiện toàn tỉnh đang quản lý điều trị cho 378 bệnh nhân lao. Phát hiện 9 trường hợp nhiễm HIV mới (tích lũy: 2.181), không có trường hợp chuyển sang AIDS mới (tích lũy: 430), không có tử vong do AIDS mới (tích lũy: 290); tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho 190 khách hàng, phát hiện 5 trường hợp dương tính; tổ chức xét nghiệm HIV cho 2.521 phụ nữ có thai, không phát hiện trường hợp nào dương tính.

Công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng: toàn tỉnh đang quản lý và điều trị cho 2.807 bệnh nhân, trong đó 1.399 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 1.408 bệnh nhân động kinh. Tổ chức khám bệnh cho 154 lượt bệnh nhân, tư vấn tâm lý cho 23 bệnh nhân, khám trầm cảm cho 5 bệnh nhân. Tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thân cộng đồng và trẻ em tại 116 xã, phường điểm của 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Công tác tiêm chủng mở rộng: từ đầu năm đến nay đã thực hiện tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin cho 18.552 trẻ dưới 1 tuổi, đạt 78,6% kế hoạch; uống đủ 3 liều vắc xin ngừa bại liệt cho 16.207 trẻ dưới 1 tuổi, đạt 68,6% kế hoạch; tiêm sởi mũi 2 cho 18.226 trẻ 18 tháng tuổi, đạt 72,1%; tiêm bạch hầu, ho gà, uốn ván cho 17.861 trẻ, đạt 71,9% kế hoạch. Thực hiện tiêm chủng UV2+ cho 16.229 phụ nữ có thai, đạt 68,5% kế hoạch và cho 7.156 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đạt 67,9% kế hoạch. Trong tháng, thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi - rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI).

Công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm: trong tháng thực hiện kiểm tra 63 cơ sở, kết quả 62 cơ sở đạt chất lượng, 1 cơ sở không đạt chất lượng đã xử lý theo quy định.

5. Tình hình an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội

Trong tháng, Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành văn bản số 134/BATGT ngày 6/10/2014 về bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm đấu nối trên địa bàn tỉnh; thành lập đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đang tổ chức thi công hệ thống cấp, thoát nước và ban hành văn bản số 137/BATGT ngày 13/10/2014 đề nghị các sở, ban ngành liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông khi thi công công trình. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong tháng 10/2014 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ; làm chết 11 người, giảm 1 người và bị thương 15 người, giảm 5 người so cùng kỳ năm 2013. Tính chung 10 tháng năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 206 vụ tai nạn giao thông, giảm 23 vụ; làm chết 122 người, giảm 6 người và bị thương 185 người, giảm 6 người so cùng kỳ năm 2013.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt