Giới thiệu chung
Các kết quả chủ yếu điều tra Biến động dân số- Kế hoạch hóa gia đình 1/4/2012
Vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2012 dân số Lâm Đồng có 1.229.647 người (tăng 13.121 người so với 1/4/2011), đứng thứ 25 (năm 2009 đứng thứ 36) so cả nước và thứ 3 so vùng Tây Nguyên. Lâm Đồng xếp sau tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai (cả nước: 88.526.883 người, Tây Nguyên: 5.338.434 người).

Quy mô hộ và số lượng dân số

1. Đến thời điểm 01/4/2012 Lâm Đồng có 316.560 hộ, chiếm 1,37% so cả nước và 24,75% so Tây Nguyên, tăng 3.479 hộ so với năm 2011, tăng 1,11%.

2. Vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2012 dân số Lâm Đồng có 1.229.647 người (tăng 13.121 người so với 1/4/2011), đứng thứ 25 (năm 2009 đứng thứ 36) so cả nước và thứ 3 so vùng Tây Nguyên. Lâm Đồng xếp sau tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai (cả nước: 88.526.883 người, Tây Nguyên: 5.338.434 người).

Phân bố dân số

3. Mật độ dân số tỉnh Lâm Đồng tăng đáng kể từ khi nước nhà thống nhất vào năm 1975 đến nay, năm 1979 mật độ dân số là 39 người/km2, năm 1989 tăng lên 63 người/km2, năm 1999 lên 102 người/km2 và 122 người/km2 vào năm 2009, đến năm 2012 là 126 người/km2  so cả nước thấp hơn 141 người/km2 và cao hơn 28 người/km2 so vùng Tây Nguyên.

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

4. Cơ cấu dân số có sự thay đổi theo hướng tích cực: Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 29,37% năm 2009 xuống 28,35% năm 2012. Ngược lại, tỷ trọng dân số của nhóm 15-64 tuổi (là nhóm chủ lực của lực lượng lao động) lại tăng từ 66,19% năm 2009 lên 66,61% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên tăng từ 4,44% năm 2009 lên 5,04%. Chỉ số già hoá là tỷ số phần trăm giữa người già (65 tuổi trở lên)  so với số trẻ em (từ 0-14 tuổi); chỉ tiêu này cho biết cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có bao nhiêu người già, chỉ số này càng cao thì biểu thị sự già hóa của dân số; chỉ số già hóa của Lâm Đồng năm 2012 đạt gần 18% tăng 2% so với năm 2009. Như vậy cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi của Lâm Đồng thì mới có 18 người già, con số này của cả nước là 43 người già.

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi còn cho phép tính “tỷ lệ dân số phụ thuộc” nhằm đánh giá “gánh nặng” của nhóm dân số trẻ (dưới 15 tuổi) và dân số già (65 tuổi trở lên) đối với nhóm dân số trong độ tuổi lao động chủ yếu (15-64 tuổi). Kết quả cho thấy tỷ lệ dân số phụ thuộc của tỉnh Lâm Đồng tuy có giảm nhưng còn thiếu ổn định qua các năm: năm 2009 là 51,1%, năm 2011 là 48,1% và đến năm 2012 là 50,1% nghĩa là cứ 100 người trong nhóm 15-64 tuổi phải “gánh” cho 50 người (42 trẻ em và 8 người già).

5. Có nhiều cách phân biệt khác nhau về thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”. Liên Hợp Quốc định nghĩa đó là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30% và tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên còn ở mức dưới 15% trong tổng dân số. Qua kết quả điều tra năm 2012 cho thấy tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Lâm Đồng là 28,35%, còn từ 65 tuổi trở lên là 5,04%. Như vậy dân số Lâm Đồng đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng đây là một lợi thế lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa, lực lượng lao động đã tăng lên, mở ra một tiềm năng lớn để đưa Lâm Đồng bước vào thời kỳ phát triển ổn định; tuy nhiên cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn trong tương lai, đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ và có chính sách phù hợp đáp ứng về giáo dục, đào tạo, lao động- việc làm, y tế, kế hoạch hóa gia đình,…. Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững thì phải tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và tạo thêm nhiều việc làm mới.   

6. Qui mô bình quân 3,9 khẩu/1 hộ, điều này góp phần giữ qui mô dân số ở mức ổn định, tập quán sống theo gia đình nhiều thế hệ ở đồng bào dân tộc giảm dần, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội.

7. Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra của một thời kỳ, thường là một năm lịch. Tỷ số giới tính khi sinh của Lâm Đồng thời kỳ năm 2009-2012 duy trì ở mức khá cao dao động từ 112-116 bé trai/100 bé gái, cao hơn so bình quân chung cả nước (110-113 bé trai/100 bé gái). Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này dường như chưa hề được khắc phục, mỗi năm tỷ số giới tính khi sinh tăng khoảng 0,8 điểm phần trăm. Đặc biệt TSGTKS ở khu vực thành thị ở mức cao (năm 2009 TSGTKS cao hơn so cả nước 10,7 điểm phần trăm, đến năm 2012 khoảng cách này là 5,6 điểm phần trăm) và diễn ra thực trạng mất cân bằng giới, dự báo những hệ lụy khôn lường, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội trong tương lai.

8. Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh năm 2012 của người dân là 72,7 năm, trong đó nữ cao hơn so với nam tương ứng là 75,4 và 70.

Tình trạng hôn nhân và tuổi kết hôn trung bình lần đầu

9. Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ kết hôn của tỉnh là 24,02%, tỷ trọng này của khu vực thành thị là 24,6% và nông thôn là 23,63%. Còn tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên đang có vợ, có chồng của tỉnh là 68,65%, tỷ trọng này của khu vực thành thị là 67,56% và nông thôn là 69,39%.

Kinh nghiệm cho thấy, trong điều kiện hôn nhân bình thường, tuổi kết hôn trung bình lần đầu càng thấp thì thời gian hôn nhân càng dài, vì vậy khả năng tham gia vào quá trình sinh đẻ càng cao. Năm 2012 tuổi kết hôn trung bình lần đầu của tỉnh là 24,3 (năm 2009 là 24,2), nam kết hôn lần đầu ở độ tuổi 26,2 trong khi nữ kết hôn ở tuổi 22,2 sớm hơn nam giới 4 tuổi.

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu có sự khác biệt theo nơi cư trú. Với cả nam và nữ, SMAM của thành thị đều cao hơn của nông thôn. Vào năm 2012, SMAM của nam thành thị cao hơn của nam nông thôn là 2,1 năm. Sự khác biệt đó của nữ là 2,8 năm. Điều đó cho thấy, cả nam và nữ ở thành thị có xu hướng kết hôn muộn hơn so với nam, nữ của nông thôn, tuy nhiên nữ nông thôn kết hôn sớm hơn nữ thành thị khá cao. Nhìn chung, ở đâu có mức độ đô thị hóa cao hơn hoặc kinh tế phát triển hơn thì ở đó người dân kết hôn muộn hơn.

Tình trạng kết hôn tuổi vị thành niên

10. Theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành năm 2000, “nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên” được kết hôn. Số liệu năm 2012 cho thấy Lâm Đồng vẫn còn hiện tượng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Với cả nam và nữ, tỷ trọng kết hôn vị thành niên ở nông thôn cao hơn hai lần so với ở thành thị. Phần trăm đã từng kết hôn của nữ cao hơn gần năm lần so với nam. Đối với khu vực nông thôn tỷ trọng dân số nữ kết hôn ở tuổi 15-17 cao gấp bốn lần so với nam và cao gần gấp ba lần so với nữ ở khu vực thành thị. Thực tế cho thấy những nơi điều kiện phát triển kinh tế- xã hội còn thấp thì tỷ trọng kết hôn vị thành niên càng cao.

Tình hình giáo dục

11. Trong tổng dân số từ 5 tuổi trở lên có 27,41% đang đi học, đã thôi học là 68,06%, còn lại 4,53% dân số chưa bao giờ đi học.

Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đã liên tục tăng từ 89,8% năm 1999 lên 92,9% năm 2009 và năm 2012 đạt 93,6% thấp hơn cả nước và cao hơn vùng Tây Nguyên (cả nước: 94,7%, Tây Nguyên: 92,1%).

Kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản

12. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai bất kỳ 1/4/2012 đạt 79,8% (cả nước: 76,2%, Tây Nguyên: 78,4%), tăng 0,7 điểm phần trăm so với 1/4/2011. Năm 2012 tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai bất kỳ của Lâm Đồng cao hơn cả nước gần 4 điểm phần trăm. Còn tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức 61,3%, giảm 1,4 điểm phần trăm. Khu vực nông thôn có tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai bất kỳ và hiện đại đều cao hơn ở khu vực thành thị.

Năm 2012, tỷ trọng sử dụng vòng tránh thai chiếm 42,5%, tiếp đến là sử dụng bao cao su chiếm 15,4% và 11,1% sử dụng thuốc uống tránh thai. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai truyền thống (tính vòng kinh và xuất tinh ra ngoài) là 23%.

Năm 2012, tổng số phụ nữ đẻ là 24.695; trong đó đẻ tại cơ sở y tế là 24.517, chiếm tỷ lệ 99,3%, số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ là 24.044, chiếm tỷ lệ 97,4%; số bà mẹ đẻ được khám thai từ 3 lần trở lên là 22.525, đạt tỷ lệ 91,2%; số bà mẹ được thăm khám 2 lần trở lên tại nhà sau đẻ là 21.996, chiếm tỷ lệ 89,1%.

Mức sinh

13. Tổng tỷ suất sinh(TFR) giảm mạnh từ 2,9 con/phụ nữ năm 1999 xuống 2,43 con/phụ nữ năm 2009 và tiếp tục giảm xuống 2,28 con/phụ nữ năm 2010 nhưng đến năm 2011 và năm 2012 có tăng và TFR tương ứng là 2,32 con/phụ nữ; 2,36 con/phụ nữ, biểu thị sự ưa thích sinh con trong năm Mão (Tân Mão 2011) và năm Rồng (Nhâm Thìn 2012). Như vậy năm 2012 TFR Lâm Đồng đạt 2,36 con/phụ nữ (cả nước: 2,05, Tây Nguyên: 2,43) xếp vào  nhóm ở  mức  cao hơn mức sinh thay thế.

Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên trong tỉnh tuy giảm từ 32,6% năm 2005 xuống 23,3% năm 2012, nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với cả nước (14,2%). Năm 2005 tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên ở nông thôn cao hơn gần hai lần so với ở thành thị, đến năm 2012 tỷ lệ này có xu hướng giảm nhanh hơn ở nông thôn so với ở vùng thành thị. Tuy nhiên, trong năm 2011 và năm 2012 xu hướng sinh con thứ ba đột biến tăng; trong năm 2012 cứ 100 phụ nữ sinh thì có 23 phụ nữ sinh con thứ ba trở lên, tăng 2,5 phụ nữ so năm 2011, trong đó khu vực thành thị tăng 2,3 phụ nữ và khu vực nông thôn tăng 5,3 phụ nữ sinh con thứ ba.

Đa số phụ nữ mang thai (93,9%) đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Tỷ lệ phụ nữ biết giới tính trước khi sinh chênh lệch không đáng kể giữa thành thị và nông thôn (95% so với 93,3%). Điều đó chứng tỏ khi mang thai, hầu hết phụ nữ có tâm lý muốn biết sớm giới tính thai nhi, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai.

Mức chết

14. Mức độ chết trẻ em dưới một tuổi của Lâm Đồng không cao nhưng có sự đột biến tăng lên 16,5 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống vào năm 2012 (năm 2011: 14,2). Bên cạnh đó tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi trong năm 2012 cũng tăng so với năm 2011 (24,8 so với 21,3).

Di cư và đô thị hoá

15. Tỷ suất di cư thuần của tỉnh là âm 2,1 phần nghìn, trong đó tỷ suất di cư thuần của nam âm 5,1 phần nghìn, còn nữ dương 0,8 phần nghìn. Về số tuyệt đối thì trong năm 2012 số người đến Lâm Đồng sinh sống và làm việc là 8.343 người, số người đi học tập và  tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh sinh sống là 10.962 người, trong đó số nam giới chiếm phần lớn. Điều này nói lên do điều kiện đất đai ở nông thôn ngày càng khó khăn hơn và cũng như tìm kiếm việc làm ở đô thị trong tỉnh Lâm Đồng còn hạn chế và khó khăn đã dẫn đến số người đi ra ngoài tỉnh nhiều hơn số đến nhập cư, mặt khác các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trong vài năm gần đây thu hút lực lượng sinh viên đến học tập giảm khá nhiều. 

Một số khuyến nghị

Năm 2012 các chỉ số nâng cao chất lượng dân số vẫn còn hạn chế và cao hơn toàn quốc như: Tỷ suất sinh thô 19,7%0 (toàn quốc: 16,9%0); Tổng tỷ suất sinh là 2,36 số con/phụ nữ (toàn quốc: 2,05); Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 23,3% (toàn quốc: 14,2%); Tỷ số giới tính khi sinh 114,1 bé trai/100 bé gái (toàn quốc: 112,3); Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại 61,3% (toàn quốc: 66,6%); Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 16,5 trẻ em dưới 1 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống (toàn quốc: 15,4); Tuổi thọ trung bình 72,7 năm (toàn quốc: 73). Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên đạt 93,6% (toàn quốc: 94,7%).

Để nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em, tận dụng cơ cấu “dân số vàng”, điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số, kiểm soát chênh lệch giới tính khi sinh, nâng cao trình độ dân trí. Trong những năm tiếp theo tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã và toàn xã hội cần tục tập trung giải quyết một số công việc sau đây:

(1) Đẩy mạnh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhằm tạo môi trường việc làm để thu hút nguồn lao động dồi dào của địa phương, nhất là lực lượng lao động trẻ sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh và con em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, tăng tỷ lệ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao. 

(2) Nâng cao năng lực cho cán bộ dân số cơ sở, trực tiếp là cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn thuộc trạm y tế, tập trung đầu tư nguồn lực cho công tác KHHGĐ (giảm sinh) vào các năm chẵn, năm đẹp trong đó chú trọng tăng cường vận động, nhằm duy trì không để đột biến tăng sinh, tiến tới ổn định ở mức sinh thấp và đạt mức sinh thay thế.

Cần chú trọng đến tình hình tăng sinh trở lại xuất hiện ở những vùng có mức sinh thấp, vùng thành thị. Trong giai đoạn này cần quan tâm đầu tư đúng mức cho các vùng này, không chỉ tập trung đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa như một số năm vừa qua.

(3) Đẩy mạnh công tác Giáo dục - Truyền thông nhằm khắc phục các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan tác động đến tình trạng tỷ lệ sinh tăng trở lại và lựa chọn giới tính trước khi sinh, đặc biệt ở khu vực thành thị.

(4) Nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ KHHGĐ, đa dạng hoá các biện pháp tránh thai để có thể cung cấp dịch vụ KHHGĐ tốt nhất đến với mọi người dân.

(5) Tình trạng kết hôn tuổi vị thành niên cần có biện pháp khắc phục, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

(6) Đẩy mạnh việc triển khai đồng bộ chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao trình độ dân trí, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt