Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm 2014
Giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán không có nhiều biến động, thậm chí nhiều mặt hàng giá xuống thấp đã giúp cho tâm lý người tiêu dùng yên tâm, không phải lo lắng như những năm trước, năm nay sức mua của thị trường đầu năm không sôi động nên giá cả nhiều mặt hàng cũng giảm nhiệt. Nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định, do các DN thực hiện chương trình bình ổn thị trường giảm giá bán đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tác động đến giá bán trên thị trường.

            I. TÌNH HÌNH TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT GIÁP NGỌ 2014

Để chuẩn bị cho việc đón tết Giáp Ngọ 2014, ngày 03/01/2014 Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 để quán triệt và chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo cho các tầng lớp nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. 

Trong dịp Tết Nguyên đán, những mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho nhân dân mua sắm. Hàng hóa trên thị trường được niêm yết và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với giá cả hợp lý, chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thua kém nhiều so với hàng nhập khẩu; tình hình giá cả thị trường hàng hóa Tết cơ bản ổn định, đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời trong công tác phục vụ Tết của Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương.

Để góp phần bình ổn giá cả thị trường không để xảy ra mất cân đối cung cầu gây đột biến giá cả vào dịp trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ. UBND tỉnh đã có phương án hỗ trợ 100% lãi suất vay trong thời gian 4 tháng (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 âm lịch hàng năm) cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn, dự trữ hàng hóa dịp Tết. Trong dịp này, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 15 điểm bán hàng bình ổn giá do các đơn vị tham gia: Công ty TNHH Bình Tây, công ty cổ phần thương mại Lâm Đồng, siêu thị Coop mart Bảo Lộc, Siêu thị Big C Đà Lạt, Ban Quản lý chợ Di Linh và 11 hộ kinh doanh tại khu B chợ mới Đà Lạt; các mặt hàng chủ yếu là lương thực, thực phẩm phục vụ Tết với  tổng số vốn tham gia hỗ trợ chương trình bình ổn giá khoảng 61,3 tỷ đồng.

Theo quy luật trong dịp tết thì nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ của các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng, nên ngay từ giữa tháng 01/2014, thị trường hàng hoá dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, sức mua Tết năm nay không bằng Tết Quý Tỵ 2013 do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống và vào các ngày cận Tết. Riêng siêu thị Big C - Đà Lạt thu hút đông khách hàng do phát huy lợi thế về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả bình ổn.

Từ ngày mùng 3 Tết hoạt động kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại, hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng đã bắt đầu bán hàng. Sau Tết, lượng hàng hóa vẫn dồi dào, nhưng lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả và giá cả có xu hướng giảm và ổn định trở lại như những ngày bình thường.

         Đối với lĩnh vực tham quan, du lịch: các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường và chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng trong dịp Tết Nguyên đán; đảm bảo đúng quy định về đăng ký, niêm yết giá; đầu tư, nâng cấp sản phẩm dịch vụ phục vụ khách, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường cảnh quan, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách.

        Giá cả các dịch vụ du lịch tăng trên 10 - 30% so với ngày thường, chủ yếu là các dịch vụ lưu trú và ăn uống. Các khách sạn 1 - 2 sao, nhà nghỉ du lịch giá tăng từ 30 - 50%, các khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tăng khoảng 10% - 20% so với ngày thường. Hệ thống khách sạn 3 - 5 sao đều tổ chức chương trình đón Giao thừa và tiệc buffet đặc biệt phục vụ du khách trong dịp Tết. Các khu, điểm du lịch đều tích cực chuẩn bị, nâng cấp cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan môi trường, bổ sung sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách; các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực liên kết tour với một số công ty lữ hành từ các tỉnh đưa khách đến Đà Lạt; chủ động xây dựng một số chương trình tour khuyến mãi, chương trình du lịch nội thành phục vụ du khách và người dân địa phương.

Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, tại các khu, điểm cũng như các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí, Hội tết với các chương trình biểu diễn nghệ thuật thu hút đông đảo sự tham gia của  người dân địa phương và du khách.

Nhìn chung, lượng khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng dịp Tết Giáp Ngọ 2014 giảm so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013. Ngoài một số nguyên nhân như xu hướng khách đi du lịch trong dịp tết tại các nước khu vực Đông Nam Á hoặc các địa phương có biển như Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu,… do thời tiết năm nay các nơi khá mát và khách du lịch đã đến Đà Lạt trong dịp tổ chức Tuần lễ Văn hoá cuối tháng 12 vừa qua nên Tết Nguyên đán khách du lịch đã chọn một số địa phương khác thay vì tiếp tục đến Đà Lạt.

Thời gian cao điểm khách du lịch chủ yếu từ ngày Mùng 2 đến Mùng 5, các khách sạn từ 1 - 5 sao phục vụ với công suất khoảng 80% nhưng chỉ tập trung tại các cơ sở ở gần khu vực trung tâm thành phố như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân.

Trước Tết UBND tỉnh, các ngành và UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt đã tổ chức trợ cấp, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các gia đình gặp khó khăn, neo đơn đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều được đón Tết.

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định; công tác đấu tranh phòng chống, ngăn chặn các vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội được tăng cường. Người nước ngoài và Việt kiều đến Lâm Đồng, chủ yếu là đi du lịch và thăm thân nhân, ăn Tết, không có biểu hiện tổ chức các hoạt động phức tạp.

II. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP

1.     Sản xuất nông nghiệp

Đặc điểm sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân ở tỉnh Lâm Đồng diễn ra trong các tháng mùa khô, nên cơ cấu cây trồng chủ yếu lúa nước, rau, đậu và hoa. Một số vùng gần sông, suối tận dụng được nguồn nước gieo trồng thêm một số loại cây lương thực có hạt, khoai lang, thức ăn gia súc khác nhưng không nhiều. Trong giai đoạn đầu vụ Đông Xuân

(trước và sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014) thời tiết rét đậm kéo dài đã làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây hoa, hoa trổ muộn hơn so với năm trước nên không kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vào dịp tết của người dân (hoa ly, lay ơn…).

Công tác chuẩn bị đất gieo trồng vụ Đông Xuân (2013 – 2014) được các địa phương chỉ đạo đảm bảo kịp thời mùa vụ. Tính đến thời điểm 10/2/2014 diện tích đất cày bừa thực hiện 31.512 ha, tăng 5,74% (+1.709,6 ha), trong đó diện tích cày bừa bằng máy đạt 28.002,8 ha, chiếm 88,86% trong tổng diện tích cày bừa, tăng 5,71% so cùng kỳ.

Từ đầu vụ đến nay toàn tỉnh gieo trồng, xuống giống được 31.129,9 ha cây hàng năm các loại, tăng 5,82% (+1.712 ha) so cùng kỳ.

Lúa gieo trồng được 10.520,9 ha, đạt 99,4% kế hoạch, tăng 4,78% so cùng kỳ, tập trung ở Cát Tiên 4.011 ha, chiếm 38,12%; Đạ Tẻh 1.753 ha, chiếm 16,66%; Lâm Hà 1.143 ha, chiếm 10,86%; Đức Trọng 940 ha, chiếm 8,93%; Đơn Dương 877 ha, chiếm 8,34%; Di Linh 864 ha, chiếm 8,21%;

Ngô gieo trồng 2.048,3 ha, đạt 78,24% kế hoạch, tăng 17,85% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở Đạ Tẻh 1.100 ha, chiếm 53,7%; Cát Tiên 432 ha, chiếm 21,09%; Đạ Huoai 159,4 ha, chiếm 7,78%; Bảo Lâm 102,4 ha, chiếm 4,99%. Diện tích gieo trồng tăng do giá ngô ổn định, dễ tiêu thụ, một số vùng chuyển đổi diện tích ở một số cây trồng như lúa, rau, dưa, mía sang trồng ngô.

Khoai lang gieo trồng 199,2 ha đạt 94,86% kế hoạch, bằng 87,29% so cùng kỳ. Trong đó, Cát Tiên 58,6 ha, chiếm 29,41%; Đơn Dương 42 ha, chiếm 21,08%; Đức Trọng 30 ha, chiếm 15,06%; Bảo Lâm 23 ha, chiếm 11,55%; Đà Lạt 20,2 ha, chiếm 10,14%, chủ yếu là giống khoai lang chất lượng cao.

Rau các loại gieo trồng 15.362,6 ha, tăng 4,08% (+601,7 ha) so cùng kỳ, tập trung ở vùng chuyên canh như: Đơn Dương 6.750 ha, Đức Trọng 3.750 ha, Đà Lạt 3.050,5 ha, Lạc Dương 838 ha. So cùng kỳ tiến độ gieo trồng tăng hơn, do việc thu hoạch rau ở vụ trước kịp thời nên đã chủ động được công tác chuẩn bị đất gieo trồng vụ Đông Xuân.

Diện tích hoa các loại gieo trồng 1.694,7 ha, đạt 59,78% kế hoạch, tăng 12,31% (+185,7 ha) so cùng kỳ. Trong đó: Đà Lạt 845,5 ha, Đức Trọng 480 ha, Lạc Dương 175 ha, Đơn Dương 150 ha. Sản xuất hoa hiện đang được người sản xuất chú trọng và nhân rộng với nhiều giống hoa mới thích nghi với điều kiện tự nhiên và có giá trị kinh tế cao.

Các loại cây hàng năm khác 945,9 ha, chủ yếu là cỏ chăn nuôi 861,1 ha, tăng 24,44% (+169,1 ha) so cùng kỳ. Tập trung ở Đơn Dương 750 ha, Đạ Tẻh 85 ha, Bảo Lâm 26,1 ha. Dâu tây diện tích gieo trồng 53,3 ha, chủ yếu ở Đà Lạt 41,25 ha, Lạc Dương 12 ha và đều tăng hơn so cùng kỳ.

Công tác chăm sóc, bón phân, làm cỏ, tưới tiêu cho cây trồng vụ Đông Xuân được tiến hành tại các địa phương với diện tích được tưới trong vụ đạt 100% diện tích gieo trồng; do nguồn nước tưới tại các sông, suối, kênh, mương, hồ đập được các ngành chức năng tập trung quan tâm chỉ đạo nạo, vét, tích nước đủ cung cấp cho sản xuất trong vụ làm tăng độ ẩm trong đất, hạn chế khô hạn.

Đối với cây lâu năm sau khi thu hoạch xong cà phê niên vụ 2013 đến nay, phần lớn các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có mưa. Tuy nhiên, ngày 11/02/2014 tại thành phố Bảo Lộc có trận mưa trái mùa, lượng mưa khoảng 65 mm đảm bảo đủ nước cho hơn 17 ngàn ha cây lâu năm (trong đó có cây cà phê và cây chè). Đến thời điểm này cây cà phê đang trong giai đoạn trổ hoa, kết trái nhưng thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài vì vậy việc tưới tiêu, chăm sóc, tỉa cành đang được bà con nông dân trong tỉnh quan tâm thực hiện. Đối với cây chè người dân tiến hành làm cỏ, chặt cành già cỗi, tưới nước để cây chè sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo của các ngành, các cấp tại địa phương thường xuyên kiểm tra công trình thuỷ lợi, huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khai thác có hiệu quả các nguồn nước phục vụ cho công tác tưới tiêu, ước tính diện tích cà phê được tưới đạt trên 90% diện tích cà phê toàn tỉnh.

* Tình hình dịch bệnh

Công tác kiểm tra, theo dõi, dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng được sở ban ngành duy trì thường xuyên, khuyến cáo cho bà con nông dân biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng nhằm hạn chế tối đa mức độ thiệt hại.

Trên cây lúa: Toàn tỉnh có 651,6 ha lúa nhiễm rầy, tăng 566 ha so với cùng kỳ, trong đó có 332 ha nhiễm nhẹ, 313 ha nhiễm trung bình, 6,6 ha nhiễm nặng; có 61 ha bị bệnh đạo ôn, giảm 23 ha so với cùng kỳ năm trước, dịch bệnh tập trung chủ yếu ở các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh.

Trên cây cà phê: Sâu đục thân gây hại cây cà phê tại địa bàn thành phố Đà Lạt với diện tích 568 ha, trong đó nhiễm nặng 70 ha.

Trên cây chè: bọ xít muỗi gây hại tập trung ở huyện Bảo Lâm.

Trên cây cao su: bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng phát triển của cây tập trung chủ yếu ở Đạ Huoai.

Hiện các cơ quan chức năng cùng các địa phương đang theo dõi, giám sát chặt chẽ các vùng bị sâu bệnh, dịch hại trên các loại cây trồng; đề ra biện pháp, chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân phòng chống kịp thời, không để lây lan trên diện rộng, nhìn chung dịch hại trên cây trồng ảnh hưởng ở mức thấp so cùng kỳ.

*  Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu bò: Tình hình chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục có xu hướng giảm, do điều kiện chăn thả ngày càng khó khăn, tâm lý lo ngại dịch tái bùng phát trở lại, riêng đàn bò sữa vẫn phát triển. Tổng đàn trâu đến tháng 02/2014 đạt 16.744 con, giảm 4,43%; đàn bò 67.250 con, giảm 2,87% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn bò sữa ước đạt 7.685 con, tăng 38,17%.

Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn ước đạt 310.571 con, giảm 3,73% so với cùng kỳ do tiêu thụ mạnh trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Hiện nay, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh dao động từ 47.000đ/kg - 49.000đ/kg; giá bán sản phẩm chăn nuôi ở mức cao, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi thường xuyên tăng làm cho chi phí đầu vào cao, hiệu quả chăn nuôi thấp làm cho người chăn nuôi thua lỗ nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm ước đạt 3.822,5 nghìn con, tăng 10,73% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở chim cút. Tổng đàn gà ước đạt 2.676,5 nghìn con, tăng 0,23% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gà thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh có tăng nhưng không nhiều, nguyên nhân do người chăn nuôi có tâm lý lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm. Cùng với khó khăn do tác động của dịch bệnh, giá thịt, giá trứng ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái đàn. Tình trạng nhập lậu gà thải loại từ Trung Quốc vẫn diễn ra một số nơi và nguy cơ lây lan vi rút cúm gây khó khăn cho phát triển đàn gia cầm.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn đang diễn ra tại một số địa phương Trung Nam Bộ và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kom Tum). Đối với tỉnh Lâm Đồng dịch bệnh trên đàn gà, vịt xảy ra rải rác tại huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tại xã Phước Cát 1: Từ ngày 07/01 đến ngày 03/02/2014 có 3.440 con gia cầm mắc bệnh và chết, đã tiêu hủy 2.980 con.Trước tình hình trên, Chi cục Thú y đã cử cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để xác minh, phối hợp và hướng dẫn địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tổng hợp theo quy định để ngăn ngừa bệnh lây lan.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh cúm gia cầm nói riêng, các ngành chức năng đề ra các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm trái phép. Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, vận động, nâng cao ý thức của người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, giám sát chặt chẽ các hộ gia đình, trang trại có chăn nuôi gia súc, gia cầm để có giải pháp xử lý kịp thời.

2.  Lâm nghiệp

Tháng 02 là cao điểm của mùa khô, thời tiết trên địa bàn khô hanh, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng dễ xảy ra, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được các cấp, ban ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, tổ chức lực lượng trực cháy thường xuyên, chủ động ứng cứu khi có cháy xảy ra, đôn đốc các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn thực hiện các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2014 theo phương án đã được phê duyệt; tiếp tục triển khai kế hoạch lâm sinh tại các đơn vị; khai thác lâm sản; công tác giao khoán cho các tổ chức và hộ nhận khoán; nghiệm thu khối lượng lâm sinh thực hiện trong năm 2013. Kết quả đạt được trong từng lĩnh vực cụ thể như sau:

        Lâm sinh: đến hết tháng 02/2014 công tác rà soát, kiểm tra ký kết chuyển giao hợp đồng giao khoán thực hiện được 186.522 ha đạt 48,9% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

        Khai thác lâm sản: ước tính trong tháng 2/2014 các đơn vị thuộc kinh tế nhà nước khai thác 18.574 m3 gỗ tròn các loại, tăng 2,8% so cùng kỳ. Trong 02 tháng năm 2014, khối lượng gỗ tròn các loại khai thác ước đạt 34.850 m3, tăng 0,03% so cùng kỳ. Trong đó: khai thác tận thu, tận dụng vệ sinh rừng 30.754 m3, tăng 0,02%; khai thác rừng trồng 4.096 m3, tăng 0,15%; tre, nứa, lồ ô các loại khai thác 32 nghìn cây, giảm 23,8%; sợi mây 16 tấn, bằng 50,8% so cùng kỳ.

Công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng: trong thời gian nghỉ Tết (từ ngày 30/01 đến 04/02/2014): xảy ra 04 vụ cháy thảm cỏ với diện tích 2,23 ha; trong đó 03 vụ tại thành phố Đà Lạt và 01 vụ tại huyện Đạ Huoai (0,15 ha); chiều ngày 17/2/2014 và sáng ngày 18/02/2014 tại tiểu khu 156, cạnh đường đèo Mimôsa xảy ra cháy khoảng 5 ha thực bì dưới rừng thông. Các đơn vị chủ rừng và địa phương trên toàn tỉnh đã thẩm định xong 42 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng với tổng kinh phí 24,2 tỷ đồng. Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố thẩm định xong 149 phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư.

Tình hình vi phạm lâm luật: từ đầu năm đến ngày 15/02/2014 đã phát hiện, lập biên bản 164 vụ vi phạm lâm luật, tăng 6,5% (10 vụ) so với cùng kỳ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 128, trong đó xử lý hành chính 125 vụ, chuyển xử lý hình sự 3 vụ. Lâm sản, phương tiện tịch thu qua xử lý vi phạm: ô tô, máy kéo 01 chiếc; xe máy phương tiện khác 54 chiếc; gỗ các loại 193,3 m3; động vật rừng bị tịch thu 4 con với trọng lượng là 36 kg. Thu nộp ngân sách 1,21 tỷ đồng.

        Tính từ 01/02- 15/02/2014 xảy ra 41 vụ phá rừng, giảm 4,65% (-2 vụ) so cùng kỳ, trong đó số vụ vi phạm về phá rừng làm nương rẫy chiếm trên 97%. Cộng đồn từ đầu năm đến nay tổng số vụ vi phạm 76 vụ, giảm 11,6% (-10 vụ), với diện tích rừng bị phá 20,6 ha, giảm 17,06% (-4,25 ha) so cùng kỳ.

III. CÔNG NGHIỆP - ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp còn khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, thiếu ổn định, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Riêng công tác cung cấp điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt đảm bảo hệ thống an toàn, thông suốt cung ứng đủ trong dịp tết, không cắt theo định kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp dự tính tháng 02 năm 2014 tăng 7,03% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế:

Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 11,51% so với cùng kỳ. Trong đó, đá xây dựng khác 65 ngàn m3, giảm 2,26%; cao lanh các loại đạt 1,54 ngàn tấn, giảm 20,44 %; cát tự nhiên các loại đạt 8,5 ngàn m3, giảm 44,47% so cùng kỳ.

Chỉ số công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng khá như: quả và hạt ướp lạnh đạt 392,31 tấn, tăng 146,2%; bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 62,5 ngàn cái, tăng 25%; phân bón và hợp chất nitơ đạt 3,06 ngàn tấn, tăng 9,91%; hạt điều khô đạt 32,21 tấn, tăng 8,97%; quần áo lót cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 60 ngàn cái, tăng 4,17%. Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ: áo khoác dài, áo khoác không tay, áo khoác có mũ, áo da cho người lớn đạt 9,18 ngàn cái, giảm 25%; chè chế biến đạt 939,34 tấn, giảm 20,81%; quần áo bảo hộ lao động đạt 2,61 ngàn cái, giảm 16,67%; gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 13,3%.                                                                   

Riêng sản phẩm alumin dự tính sản xuất trong tháng 02 năm 2014 là 35.000 tấn. Trong tháng 01/2014 tiêu thụ 63.149 tấn, trị giá 397.840 triệu đồng.

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 5,28% so với cùng kỳ. Trong đó, điện sản xuất đạt 276,65 triệu kwh, tăng 6,38%; sản lượng điện thương phẩm đạt 65 triệu kwh, tăng 0,32% so cùng kỳ. Trong năm 2014 chi nhánh công ty cổ phần Thủy điện Miền Nam tại Lâm Đồng đã phát điện nhà máy thủy điện Đa M’bri.  

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,83% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nước ghi thu đạt 1.303,8 ngàn m3, tăng 0,32%; thu gom rác thải không độc hại 6.563 tấn, tăng 6,57% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp dự tính 02 tháng năm 2014 tăng 5,57% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,74%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,42%; công nghiệp khai khoáng tăng 3,63%; sản xuất và phân phối điện giảm 2,02% so với cùng.

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01 năm 2014 giảm 36,43%  so cùng kỳ. Các ngành đều có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 75,81%; sản xuất trang phục giảm 62,56%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 52,58%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 37,86%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 32,05%; ngành dệt giảm 26,43%.

* Chỉ số tồn kho tháng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 01/2014 giảm 4,28% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 38,34%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 32,52%. Các ngành có chỉ số tồn kho tăng: sản xuất trang phục tăng 82,29%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 26,54%; ngành dệt tăng 10,04%. Chỉ số tồn kho của một số mặt hàng chủ lực của tỉnh giảm mạnh nhưng sản xuất và tiêu thụ vẫn còn rất khó khăn, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp của Nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Riêng tồn kho của sản xuất trang phục tăng cao do công ty Thương mại Sao Vàng sản xuất đơn hàng trang phục quân đội nhưng chưa giao.

2. Đầu tư xây dựng

Tháng 02 năm 2014 thời tiết nắng ráo thuận lợi cho việc thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán nên trong tháng chủ yếu thực hiện đầu tư vốn cho các công trình chuyển tiếp của năm 2013 về hạ tầng cơ sở phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí của nhân dân; riêng các công trình mới theo kế hoạch năm 2014 đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đầu tư.

         Dự ước tháng 02/2014 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 103,02 tỷ đồng, tăng 6,49% so cùng kỳ.

- Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 71,61 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,4% trong tổng vốn ngân sách địa phương , tăng 7,67% so cùng kỳ. Chủ yếu đầu tư công trình khu hành chính tập trung và các công trình giao thông.

- Nguồn vốn thuộc Ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 13,15 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,32% trong tổng vốn, tăng 8,54% so cùng kỳ.

- Nguồn vốn thuộc Ngân sách nhà nước cấp xã đạt 1,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,28% trong tổng vốn, bằng 52,01% so cùng kỳ.

- Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đạt 17,16 tỷ đồng, chiếm 16,66% trong tổng vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý, tăng 7,24% so cùng kỳ. Chủ yếu tập thực hiện các công trình ký túc xá tập trung, công trình thủy lợi và giáo dục.

3. Tình hình thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài

 

Tính từ đầu năm đến 20/02/2014, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 170 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 359,3 tỷ đồng; gồm 53 doanh nghiệp tư nhân, 113 công ty trách nhiệm hữu hạn, 4 công ty cổ phần.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/02/2014 với vốn đầu tư đạt 1 triệu USD. Thu hồi 06 dự án đầu tư với tổng số vốn 1,4 triệu USD. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay còn 110 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 506 triệu USD.

IV. HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH -  TÍN DỤNG

1. Hoạt động tài chính

Ngay từ đầu năm, công tác thu ngân sách đã được ngành tài chính đẩy nhanh trong việc lập bộ cho cả năm, triển khai thu thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập. Bên cạnh đó, động viên khuyến khích các cơ sở kinh doanh khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất để thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Công tác chi ngân sách đảm bảo duy trì tốt các hoạt động thường xuyên về quản lý nhà nước, đảm bảo xã hội, an ninh quốc phòng.

Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 01/2014 đạt 338,43 tỷ đồng, bằng 98,44% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 302,48 tỷ đồng, tăng 10,76% so cùng kỳ. Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp nhà nước 37,98 tỷ đồng, bằng 72,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 5,16 tỷ đồng, bằng 65,6%; thu thuế ngoài quốc doanh 132,42 tỷ đồng, tăng 3,12%; thu phí, lệ phí 7,55 tỷ đồng, bằng 94,3% so cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước địa phương tháng 01/2014 đạt 925,09 tỷ đồng, trong đó thu điều tiết 325,09 tỷ đồng; thu trợ cấp theo kế hoạch từ NSTW thực hiện 450 tỷ đồng, tăng 28,94% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện tháng 01/2014 là 2.577,97 tỷ đồng, tăng 83,54%. Trong đó, chi đầu tư phát triển 190,73 tỷ đồng, tăng 79,22%; chi thường xuyên 834,99 tỷ đồng, tăng 73,99% so cùng kỳ. Trong tổng chi thường xuyên: chi giáo dục đào tạo 318,35 tỷ đồng, tăng 51,17%; chi y tế 44,74 tỷ đồng, tăng 54,89%; chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể 158,95 tỷ đồng, tăng 52,61% so cùng kỳ.

2. Hoạt động tín dụng

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng tiến hành xây dựng và triển khai công tác năm 2014 theo định hướng và điều hành chính sách tiền tệ của ngành; triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành đến nội bộ chi nhánh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đồng thời bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt hợp lý cho các chi nhánh ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Về hoạt động huy động vốn, vốn huy động đến 31/01/2014 đạt 21.160 tỷ đồng, giảm 1,76% so đầu năm. Trong đó, tiền gửi dân cư chiếm 79,54% tổng nguồn vốn huy động, giảm 0,41% so đầu năm. Nguồn vốn huy động giảm do vào thời điểm cuối năm, khách hàng là cá nhân cũng như doanh nghiệp có nhu cầu rút tiền để tiêu dùng nhân dịp tết Nguyên Đán.

Về hoạt động sử dụng vốn, tổng dư nợ tín dụng đến 31/01/2014 đạt 26.600 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trung, dài hạn đạt 10.300 tỷ đồng, chiếm 38,72%, tăng 0,3% so cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn đạt 16.300 tỷ đồng, chiếm 61,28%, giảm 1,2% so với đầu năm.

Về chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/01/2014 là 426 tỷ đồng, chiếm 1,6% trong tổng dư nợ, tăng 0,1% so với đầu năm.

         V. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - VẬN TẢI – GIÁ CẢ

1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

 

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 02 năm 2014 đạt 3.566 tỷ đồng, tăng 14,34% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,89%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 305,1 tỷ đồng, tăng 1,28%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.202,7 tỷ đồng, tăng 14,38% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 58,2 tỷ đồng, tăng 230,28% so với cùng kỳ năm 2013. Một số nhóm hàng tăng mạnh như nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 1.142,1 tỷ đồng, tăng 20,78%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 332,4 triệu đồng, tăng 10,95%; nhóm xăng dầu đạt 378,9 tỷ đồng, tăng 17,43% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong 02 tháng đầu năm 2014, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.205,3 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 13,55%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 615,3 tỷ đồng, tăng 5,28%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 6.468,8 tỷ đồng, tăng 17,55% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 121,2 tỷ đồng, tăng 256,53% so với cùng kỳ năm 2013.

         

             2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống

Ước tháng 02/2014, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, đạt 314,1 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cùng kỳ. Tổng số khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú tháng 02/2014 đạt 206.357 lượt khách, giảm 9,14% so với cùng kỳ 2013. Trong đó; khách nội địa đạt 192.456 lượt khách, giảm  5,89%; khách quốc tế đạt 13.901 lượt khách, bằng 61,46% so với cùng kỳ.

Trong  02 tháng đầu năm 2014, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 713,5 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ. Tổng số khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú 02 tháng đầu năm 2014 đạt 357.027 lượt khách, giảm 7,64% so với cùng kỳ 2013. Trong đó; khách nội địa đạt 327.680 lượt khách, giảm 3,69%; khách quốc tế đạt 29.347 lượt khách, bằng 63,33% so với cùng kỳ.

                   3. Vận tải, bưu chính viễn thông

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 02/2014 đạt 239.602 triệu đồng, tăng 10,14% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 207.513 triệu đồng, tăng 9,16%; doanh thu vận tải hàng không đạt 32.054 triệu đồng, tăng 16,97% so với cùng kỳ. Ước 02 tháng đầu năm 2014 doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 483.418 triệu đồng, tăng 13,12% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 418.149 triệu đồng, tăng 12,76%; doanh thu vận tải hàng không đạt 65.200 triệu đồng, tăng 15,51% so với cùng kỳ.

          Vận tải hành khách tháng 02/2014 ước đạt 2.384,3 nghìn hành khách, tăng 4,42% và luân chuyển đạt 239.754,5 nghìn hành khách.km, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 2.361,4 nghìn hành khách, tăng 4,39% và luân chuyển đạt 231.803,5 nghìn hành khách.km, tăng 7,04% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách hàng không đạt 16,2 nghìn hành khách, tăng 11,64% và luân chuyển đạt 7.947,1 nghìn hành khách.km, tăng 25,82% so với cùng kỳ. Trong 02 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5.195,9 nghìn hành khách, tăng 4,36% và luân chuyển đạt 495.492,4 nghìn hành khách.km, tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 5.149,8 nghìn hành khách, tăng 4,34% và luân chuyển đạt 479.200,5 nghìn hành khách.km, tăng 7,65% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách hàng không đạt 32,8 nghìn hành khách, tăng 11,31% và luân chuyển đạt 16.284,2 nghìn hành khách.km, tăng 22,07% so với cùng kỳ.

         Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 02/2014 ước đạt 583,7 nghìn tấn, tăng 6,68% và luân chuyển đạt 73.403,9 nghìn tấn.km, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Ước 02 tháng đầu năm 2014 đạt 1.299,3 nghìn tấn, tăng 16,57% và luân chuyển đạt 156.768,7 nghìn tấn.km, tăng 18,51% so với cùng kỳ năm trước.

         Doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông tháng 02/2014 ước đạt 185.608 triệu đồng, tăng 8,18% so cùng kỳ. Ước 02 tháng đầu năm 2014 đạt 357.508 triệu đồng, tăng 4,39% so cùng kỳ.

         Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 02/2014 ước đạt 2.380 thuê bao, tăng 29,14% so với cùng kỳ. Trong đó, thuê bao di động đạt 2.180 thuê bao; thuê bao cố định đạt 200 thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 1.520 thuê bao, tăng 71,56% so cùng kỳ. Trong 02 tháng đầu năm 2014 số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 4.944 thuê bao; số thuê bao internet phát triển mới đạt 3.618 thuê bao.

         4. Xuất, nhập khẩu

         a. Xuất khẩu

         Kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2014, ước đạt 30.021,6 nghìn USD, tăng 41,79% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân ước đạt 5.672,6 nghìn USD, tăng 34,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 21.616 nghìn USD, tăng 28,39% so với cùng kỳ năm 2013. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê đạt 9.752,3 tấn, trị giá 19.984,1 nghìn USD, tăng 50,62% về lượng và tăng 48,33% về giá trị; chè chế biến đạt 991,8 tấn, trị giá 1.940,2 nghìn USD, tăng 46,41% về lượng và tăng 75,25% về giá trị; mặt hàng rau quả đạt 1.320,1 tấn, trị giá 2.560,7 nghìn USD, tăng 95,98% về lượng và tăng 99,2% về giá trị so với cùng kỳ.

         Ước 02 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 52.878,2 nghìn USD, tăng 4,49% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê đạt 16.098 tấn, trị giá 32.164 nghìn USD, so cùng kỳ tăng 6,31% về lượng và tăng 0,17% về giá trị; chè chế biến đạt 1.874 tấn, trị giá 3.847,9 nghìn USD, tăng 6,82% về lượng và tăng 30,32% về giá trị; mặt hàng rau quả đạt 2.603,9 tấn, đạt trị giá 4.983,2 nghìn USD, tăng 41,98% về lượng và tăng 54,91% về giá trị so với năm 2013.

         b. Nhập khẩu

         Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Châu Á và Châu Âu gồm thực phẩm chế biến, sợi tơ, vải may mặc cho hoạt động ngành dệt may và nhóm hàng hóa khác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

         Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 02/2014 đạt 4.120,5 nghìn USD, tăng 31,82% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 1.852,4 nghìn USD và tăng 44,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.268,1 nghìn USD, tăng 22,83% so cùng kỳ. Trong 02 tháng năm 2014, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9.457,5 nghìn USD, tăng 53,81% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 4.816,6 nghìn USD, tăng 73,52%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.640,9 nghìn USD, tăng 37,58% so cùng kỳ.

         5. Giá cả

         Giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán không có nhiều biến động, thậm chí nhiều mặt hàng giá xuống thấp đã giúp cho tâm lý người tiêu dùng yên tâm, không phải lo lắng như những năm trước, năm nay sức mua của thị trường đầu năm không sôi động nên giá cả nhiều mặt hàng cũng giảm nhiệt. Nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định, do các DN thực hiện chương trình bình ổn thị trường giảm giá bán đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tác động đến giá bán trên thị trường. Tết năm nay thị trường không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu do thiếu hụt nguồn cung. Người tiêu dùng mua sắm tết muộn, sức mua chỉ thật sự tăng trong 3 ngày cuối năm, chủ yếu vào các mặt hàng thịt gia súc, trứng vịt, thịt gà ta và một số loại hoa, trái cây. Mặt khác, nhờ có sự chuẩn bị kỹ, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách bình ổn giá, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng, lượng hàng hóa đã đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

          Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,53% so với tháng 01/2014 và tăng 3,11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 02 tháng năm 2014, CPI tăng 3,66% so với bình quân 02 tháng năm 2013. Cụ thể; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhóm giao thông tăng 0,66%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,75%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,85%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,14%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,99%. Nhóm bưu chính, viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm thuốc và dịch vụ y tế ổn định so với tháng trước. Riêng nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,23% so với tháng trước.

         Giá vàng 99,99 trên địa bàn tỉnh trong tháng 02/2014 tăng nhẹ, dao động từ 3.160.000 - 3.397.000 đồng/chỉ, tăng 1,63% so với tháng trước và giảm 27,48% so cùng kỳ; bình quân 02 tháng năm 2014 giảm 28,63% so cùng kỳ năm trước.

         Giá USD bình quân dao động ở mức 21.108 đồng/USD, chỉ số giá USD tháng 02/2014 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 1,41% so cùng kỳ; bình quân 02 tháng năm 2014 tăng 1,46% so cùng kỳ năm trước.

VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN HÓA, XÃ HỘI

1.     Tình hình thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà Tết Nguyên đán Giáp Ngọ

Phong trào đền ơn đáp nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” ngày càng được quan tâm chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thăm hỏi, trợ cấp, tặng quà các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng là 23.898 triệu đồng cho 77.790 lượt người, hộ gia đình từ các nguồn: quà tặng của Chủ tịch nước cho 9.083 người (9.025 đối tượng người có công và 58 cụ tròn 100 tuổi) với số tiền 1.956,2 triệu đồng; quà, trợ cấp từ ngân sách của tỉnh cho 9.874 người, gia đình đối tượng với tổng số tiền 8.358,7 triệu; quà, trợ cấp từ ngân sách cấp huyện cho 58.783 người, gia đình đối tượng với tổng số tiền 9.681,025 triệu đồng; quà từ nguồn xã hội hóa với số tiền 3.903,3 triệu đồng.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban giám sát việc chi trả trợ cấp tết, đến nay chưa phát hiện có sai sót trong việc chi hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng.

2. Giáo dục - Đào tạo

         Đến giữa tháng 02/2014, ngành giáo dục cơ bản đã xong việc sơ kết học kỳ I, tiếp tục điều chỉnh, phát triển mạng lưới trường lớp, làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng. Toàn tỉnh có 689 trường, 12 trung tâm, tăng 11 trường so năm học trước. Hệ thống các trường bao gồm 219 trường mầm non, tăng 8 trường; 254 trường tiểu học, giảm 01 trường; 157 trường THCS, tăng 4 trường; 59 trường THPT; 6 trung tâm giáo dục thường xuyên và 6 trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp.

Tổng số học sinh các ngành học, bậc học là 307.912 em, tăng 0,19% so cùng kỳ. Chia ra: giáo dục mầm non có 7.539 cháu ở nhóm nhà trẻ, tăng 2,41% và 53.596 cháu học mẫu giáo, tăng 0,28% so cùng kỳ; giáo dục cấp tiểu học có 114.391 em, tăng 2,45%; cấp THCS có 85.901 em, tăng 0,16%; cấp THPT có 44.810 em, giảm 4,37%; bổ túc cơ sở có 44 em, giảm 67,16%; bổ túc trung học có 1.631 em, giảm 21,84% so cùng kỳ.

Tính đến hết học kỳ I, toàn tỉnh có 8/12 huyện, thành phố và 124/147 xã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; có 147/147 xã duy trì chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và 147/147 xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở.

Kết quả các trường học kiểm tra và đánh giá chất lượng sơ kết học kỳ I năm học 2013-2014 như sau: Chất lượng môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học loại giỏi 45%, khá 34,8%, trung bình 17,2%, yếu 3%; môn Toán học lực loại giỏi 51,7%, khá 26,8%, trung bình 17,8% và yếu 3,7%; về hạnh kiểm có 99,9% học sinh thực hiện đầy đủ nhiệm vụ; 52 học sinh bỏ học, chiếm 0,04% tổng số học sinh. Bậc trung học sơ sở học lực loại khá, giỏi 52,2%, trung bình 31,2%, yếu, kém 16,6%; hạnh kiểm loại khá, tốt 93,4%, trung bình 6,1% và yếu 0,5%; có 665 học sinh bỏ học, chiếm 0,77% tổng số học sinh. Bậc trung học phổ thông học lực loại khá, giỏi 32,2%, trung bình 46,7%, yếu, kém 21,1%; hạnh kiểm loại khá, tốt 89,6%, trung bình 8,9% và yếu 1,5%; có 392 học sinh bỏ học, chiếm 0,87% tổng số học sinh. Nguyên nhân bỏ học chủ yếu do học lực yếu, kém.

Tổng số giáo viên trực tiếp giảng dạy là 16.611, tăng 0,05% so cùng kỳ. Chất lượng giáo viên được nâng lên cả về trình độ chính trị lẫn chuyên môn; tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, giảm sút so cùng kỳ do khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh còn hạn chế, phương pháp dạy học chưa sát đối tượng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân các em còn thiếu chuyên cần, tình trạng bỏ học ở bậc trung học vẫn còn nhiều.

3. Hoạt động y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm    

Trước, trong và sau Tết, ngành Y tế các tuyến từ tỉnh đến huyện được tăng cường trực 24/24; phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 2.110 cơ sở, phát hiện 509 cơ sở có vi phạm, xử phạt 139 cơ sở. Từ ngày 23/01/2014 đến ngày 04/02/2014 (mùng 5 tết Âm lịch), số bệnh nhân đến khám, cấp cứu, tai nạn là 7.053 trường hợp, trong đó cấp cứu tai nạn giao thông là 1.120 trường hợp (tử vong do tai nạn giao thông 10 trường hợp). Tại các cơ sở điều trị của toàn tỉnh, ngành Y tế Lâm Đồng cũng tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 300 bệnh nhân đang điều trị trong dịp Tết, với tổng kinh phí là 15,12 triệu đồng.

Trong tháng, dịch sốt rét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không xảy ra, nhưng có 25 trường hợp mắc mới, giảm 5 trường hợp so cùng kỳ 2013; 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết mới, giảm 02 trường hợp so cùng kỳ 2013, không có tử vong. Bệnh phong không phát hiện thêm bệnh nhân mới, hiện chăm sóc tàn phế cho 187 bệnh nhân và quản lý 198 bệnh nhân. Bệnh lao phát hiện 8 bệnh nhân mới, không có tử vong, toàn tỉnh đang quản lý điều trị cho 449 bệnh nhân. Đối với bệnh HIV và AIDS, phát hiện 8 trường hợp nhiễm HIV mới, số nhiễm HIV tích luỹ tính đến nay là 2.102 trường hợp, không có trường hợp mắc AIDS mới, số nhiễm AIDS tích luỹ tính đến nay là 427 trường hợp, không có tử vong do AIDS mới và tử vong do AIDS tích lũy là 287 trường hợp.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, quy trình tiêm chủng mở rộng trong tháng 01/2014 tại Trạm Y tế phường 7, thành phố Đà Lạt, hiện các đơn vị trong toàn Ngành Y tế Lâm Đồng đã tạm ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem lô 1453189, HSD ngày 04/02/2016.

4. Hoạt động văn hóa - tuyên truyền

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng kỷ niệm 84 năm thành lập Đảng 03/02/2014, chương trình nghệ thuật “Mừng Đảng mừng Xuân” từ ngày 31/01/2014 đến 5/02/2014; chương trình văn nghệ đón giao thừa, bắn pháo hoa tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Di Linh. Trong tháng, với chủ đề “Mừng Đất nước đổi mới - Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014”, đã treo dựng 700m2 panô, 500 băng rôn và 1.000 cờ phướn, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân treo cờ tổ quốc tại nhà và các tuyến phố trong toàn tỉnh; tổ chức Hội Báo xuân 2014, trưng bày 643 tờ báo, tạp chí và ấn phẩm xuân; 22 pa nô; 02 tivi phục vụ nhân dân và du khách, thu hút 2.364 lượt người đến xem và đọc báo.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với chủ đề năm 2014 tiếp tục được các ngành, các cấp, các đơn vị quán triệt, phổ biến và tuyên truyền sâu rộng.

Phong trào thi đua yêu nước ở Lâm Đồng đã lan rộng, trở thành ý thức trong đời sống xã hội. Phong trào xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến ở các giai cấp, từ nhà lãnh đạo quản lý đến những em học sinh. Ngày 14/02/2014 tổng kết kết quả cuộc thi viết về “Gương người tốt việc tốt” năm 2013 đã chọn được 16 tác phẩm để trao giải (01 giải nhất, 02 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích).

Các đội thông tin, đội chiếu phim lưu động tổ chức trên 50 buổi tuyên truyền, 45 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức lễ hội “Pongour – Rằm tháng giêng” năm 2014 từ ngày 13 -15/02/2014 tại thác 7 tầng Pongour - Đức Trọng với nội dung: lễ hội mùa xuân và các trò chơi dân gian của các đồng bào dân tộc, cắm trại, dã ngoại, chương trình văn nghệ; tổ chức lễ hội tình yêu nhân dịp lễ Tình nhân Valentine 14/02/2014 tại khu du lịch Thung lũng Tình yêu - thành phố Đà Lạt.

Để chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Giáp Ngọ 2014 trong không khí vui tươi lành mạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra các hoạt động quảng cáo, cổ động trực quan tại các địa phương có tổ chức hội Xuân và hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhằm chấn chỉnh việc tổ chức vui Xuân Giáp Ngọ hiệu quả, tiết kiệm. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trên 150 cơ sở, qua đó tăng cường nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Chiều 18-2, trong không khí rộn ràng những ngày đầu xuân, 162 thanh niên tại thành phố Đà Lạt chuẩn bị lên đường nhập ngũ đợt 1 đã tham gia hội trại tòng quân năm 2014. Sáng 19/02/2014 các huyện, thành phố của tỉnh tổ chức tưng bừng ngày hội giao quân đầu năm đợt 1/2014, có 500 thanh niên nhập ngũ đợt này. Số tân binh này được giao về cho các đơn vị thuộc Quân khu 7, như Sư đoàn Bộ binh 5, Sư đoàn 302, Trung đoàn Gia Định, BCH quân sự tỉnh Lâm Đồng và Học viện Lục quân.

5. Tình hình an toàn giao thông, cháy nổ và an ninh trật tự xã hội

Để triển khai hoạt động cao điểm đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên Đán 2014, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm lập lại trật tự tại các đô thị, các điểm nóng, bến xe; kiên quyết xử lý các bến đậu xe trái phép; giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng lề đường, xử lý các trường hợp gây mất trật tự an toàn xã hội; tuyên dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi vi phạm giao thông. Theo số liệu được tổng hợp từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng 01/2014 (được tính từ ngày 16/12/2013 đến ngày 15/01/2014) trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, giảm 10 vụ; làm 15 người chết, giảm 4 người và 11 người bị thương, giảm 9 người so cùng kỳ. Trong tết: từ ngày 30/01 – 5/02/2014, toàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 4 người chết và 3 người bị thương (Di Linh 02 vụ, làm 02 người chết và 02 người bị thương; Cát Tiên 01 vụ, làm 01 người chết; Lạc Dương 01 vụ, làm 01 người chết và 01 người bị thương). Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu; chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình đường bộ.

Trước tết xảy ra 01 vụ cháy tại Lâm Hà, thiệt hại 10 triệu đồng; 01 vụ tại Đức Trọng thiệt hại 40 triệu đồng; 01 vụ cháy nhỏ tại Bảo Lộc, thiệt hại không đáng kể; 03 vụ đốt pháo tại các xã Phù Mỹ, Phước Cát, Đức Phổ thuộc huyện Cát Tiên; thu giữ 12 quả pháo sáng, bắt 05 đối tượng đốt pháo và 01 đối tượng buôn bán pháo.

Trong 02 tháng đầu năm 2014, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được giữ vững; đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định và được cải thiện./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt