Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2014
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 01/2014 có xu hướng tăng, tập trung ở ngành chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải; sản xuất phân phối điện.

I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP

1.  Sản xuất nông nghiệp

Tính đến thời điểm 10/01/2014 trên địa bàn tỉnh kết thúc khâu thu hoạch vụ Mùa. Hiện nay các địa phương đang tiến hành triển khai gieo trồng và chăm sóc cây trồng vụ Đông Xuân 2013-2014; đối với sản xuất cây lâu năm tại các địa phương hiện đang tiếp tục thu hoạch cà phê cuối vụ; đồng thời đầu tư, chăm sóc, tưới tiêu cho niên vụ tới.

1.1. Thu hoạch vụ mùa

Lúa thu hoạch 15.711,9 ha, đạt 100% diện tích gieo cấy; năng suất đạt 47,55 tạ/ha, giảm 3,6% (-1,78 tạ/ha) so cùng kỳ; sản lượng đạt 72.507,8 tấn, giảm 6,67% (-4.856 tấn) so cùng kỳ. Năng suất, sản lượng giảm do ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong tháng 10 và tháng 11 năm 2013 đúng vào thời kỳ trổ bông kết hạt nên đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả sản xuất.

Ngô thu hoạch 4.199,4 ha, tăng 6,88% (+270,4 ha), đạt 100% diện tích gieo trồng; năng suất đạt 48,2 tạ/ha, tăng 2,38% (+1,1 tạ/ha); sản lượng đạt 20.229,25 tấn, tăng 9,38% (+1.734,4 tấn). Sản lượng tăng do sử dụng giống mới phù hợp có năng suất cao.

Cây lấy củ có chất bột thu hoạch 3.623,7 ha, giảm 14,42% (-772 ha) so cùng kỳ. Trong đó: khoai lang 470,7 ha, giảm 33,31% (-235,1 ha) so cùng kỳ, diện tích giảm do nhiều hộ chuyển đổi cây trồng trên diện tích trồng khoai lang trước đây, nhằm cải tạo đất, tránh sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, diện tích khoai lang thu hoạch phần lớn là giống khoai lang Nhật tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà... ; năng suất đạt 129,05 tạ/ha, giảm 0,02% (-0,03 tạ/ha) so cùng kỳ; sản lượng đạt 6.074 tấn.

Diện tích rau các loại thu hoạch 18.730,8 ha, đạt 100% diện tích gieo trồng trong vụ, diện tích tập trung chủ yếu ở các huyện Đơn Dương, Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, với chủng loại khá phong phú mang giá trị hàng hoá cao như: cải bắp, khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, cải thảo, xà lách, cà rốt, ớt ngọt..., năng suất bình quân chung các loại rau đạt 319,14 tạ/ha, tăng 4,5% (+13,8 tạ/ha); sản lượng đạt 597.772,9 tấn, tăng 19,96% (+99.455,2 tấn) so cùng kỳ.

Diện tích hoa các loại thu hoạch 2.277,5 ha, tăng 9,09% (+189,7 ha) so cùng kỳ.

1.2. Sản xuất vụ đông xuân 2013-2014

Cây hàng năm: đặc điểm sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân ở Lâm Đồng diễn ra trong các tháng mùa khô, nên cơ cấu cây trồng chủ yếu là lúa nước, rau, đậu và hoa. Một số vùng gần sông, suối… tận dụng được nguồn nước gieo trồng thêm một số loại cây lương thực có hạt, khoai lang, một số loại cây khác để làm thức ăn gia súc nhưng không nhiều.

Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tiến hành làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ Đông xuân 2013-2014. Tính đến ngày 10/01/2014, trên địa bàn toàn tỉnh cày bừa được 24.996,6 ha đất, tăng 0,49% (+122,1 ha). Trong đó: diện tích cày bừa bằng máy 22.080,2 ha, chiếm 88,33% diện tích cày bừa, tăng 2,05% (+443,2 ha) so cùng kỳ. Gieo trồng, xuống giống được 22.673,6 ha cây hàng năm các loại, tăng 5,03% (+1.086,2 ha) so cùng kỳ.

Cây lương thực có hạt gieo trồng 9.920,9 ha, tăng 5,9% (+552,7 ha) so cùng kỳ. Diện tích cây lương thực có hạt tăng do công tác chuẩn bị đất và chủ động được nguồn nước ngay từ đầu vụ. Trong đó: Lúa gieo cấy được 8.009,6 ha, đạt 75,68% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ, tập trung ở Cát Tiên 4.011 ha, tăng 8,17% (+303 ha); Đức Trọng 767 ha, tăng 6,53% (+47 ha); Đơn Dương 550 ha, tăng 1,85% (+10 ha); Lâm Hà 750 ha, giảm 24,4% (-242 ha); Đạ Tẻh 1.700 ha, giảm 8,11% (-150 ha) so cùng kỳ. Ngô gieo trồng 1.911,3 ha, đạt 73% kế hoạch, tăng 38,51% (+531,4 ha) so cùng kỳ, tập trung ở Đạ Tẻh 1.100 ha, tăng 70,54% (+455 ha); Đạ Huoai 159,4 ha, tăng 17,43% (+23,7 ha); Cát Tiên 432 ha, giảm 4,64% (-21 ha); Bảo Lâm 78,4 ha, giảm 2,7% (-2,2 ha) so cùng kỳ.

Cây lấy củ có chất bột gieo trồng 212,9 ha, tăng 24,21% (+41,5 ha) so cùng kỳ. Trong đó: Khoai lang gieo trồng 122,4 ha, chiếm 57,49% cây có chất bột, tập trung ở Cát Tiên 59 ha; Đơn Dương 25,5 ha; Bảo Lâm 20,7 ha; Lâm Hà 10 ha chủ yếu là giống khoai lang Nhật với chất lượng cao.

 Tình hình sản xuất rau, hoa chuyển biến theo hướng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên. Rau các loại gieo trồng 10.683,1 ha, tăng 1,66% (+174,6 ha), tập trung ở vùng chuyên canh Đơn Dương 4.430 ha; Đức Trọng 2.650 ha; Đà Lạt 2.350,5 ha; Lạc Dương 428 ha. So cùng kỳ tiến độ gieo trồng tăng hơn, do thời tiết thuận lợi, việc thu hoạch rau ở vụ trước kịp thời, công tác chuẩn bị đất gieo trồng vụ Đông Xuân được chủ động. Diện tích hoa các loại gieo trồng 1.188,1 ha, tăng 5,81% (+65,3 ha), tập trung ở Đà Lạt 737,15 ha, Đức Trọng 230 ha, Lạc Dương 130 ha, Đơn Dương 50 ha. Sản xuất hoa hiện đang được người sản xuất chú trọng với nhiều giống hoa mới thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao được nhân rộng trên các địa bàn.

Cây công nghiệp lâu năm: các địa phương cơ bản đã thu hoạch xong cà phê và tiếp tục đầu tư chăm sóc cây trồng cho niên vụ sau. Theo kết quả điều tra, diện tích cà phê toàn tỉnh 155.170,26 ha, chiếm 70,89% diện tích cây lâu năm toàn tỉnh, tăng 2,43% (3.677,16 ha) so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu do trồng mới mở rộng diện tích.

Tổng diện tích cà phê cho sản phẩm là 144.356,16 ha, chiếm 93,03% diện tích hiện có, tăng 1,11% (+1.587,76 ha) so cùng kỳ. Năng suất bình quân ước đạt 25,80 tạ/ha, tăng 3,84% (+0,95 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng cà phê thu hoạch ước đạt 372.437,82 tấn, tăng 5% (+17.728,72 tấn). Sản lượng cà phê tăng so niên vụ trước, do diễn biến thời tiết thuận lợi cho cây cà phê sinh trưởng, ra hoa và kết trái và hiệu quả của công tác tái canh cây cà phê trong những năm qua.

* Tình hình dịch bệnh

Công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát dịch bệnh trên cây trồng ở các huyện được phổ biến rộng đến người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, hiện nay trên cây lúa bị nhiễm rầy nâu gây hại ở mức nhẹ 284,9 ha; bệnh đạo ôn hại lá, hại bông rải rác 53 ha tập trung chủ yếu ở huyện Cát Tiên.

Hiện các cơ quan chức năng cùng các địa phương đang theo dõi, giám sát chặt chẽ các vùng bị sâu bệnh, dịch hại trên các loại cây trồng đề ra biện pháp, chỉ đạo hướng dẫn bà con nông dân phòng chống kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

1.3. Chăn nuôi

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù có thuận lợi do giá bán sản phẩm có xu hướng tăng nhưng nhìn chung tình hình chăn nuôi chưa thật sự ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa xảy ra, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các ổ dịch cũ là rất cao. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và bệnh cúm gia cầm nói riêng, các ngành chức năng đề ra các biện pháp quyết liệt để phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm trái phép.

Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh nhất là trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đến các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm, vận động, nâng cao ý thức của người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vệ sinh chuồng trại. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, giám sát chặt chẽ các hộ gia đình, trang trại có chăn nuôi gia súc, gia cầm để có giải pháp xử lý kịp thời.

2. Lâm nghiệp

Các đơn vị sản xuất lâm nghiệp đang tiếp tục thực hiện nghiệm thu rừng trồng 2013, khai thác lâm sản, xử lý thực bì, đốt dọn vật liệu cháy, phòng chống cháy rừng mùa khô 2013-2014.

Lâm sinh: các ngành tiến hành kiểm tra nghiệm thu công trình lâm sinh năm 2013, triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục triển khai hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện các hạng mục phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2013-2014 được UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Lâm nghiệp năm 2014.

Ước tháng 01 năm 2014 công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện 66.220 ha, đạt 17,36% kế hoạch và tăng 10,37% so cùng kỳ.

Khai thác gỗ và lâm sản khác: ước tính tháng 01 năm 2014 các đơn vị lâm nghiệp thuộc kinh tế Nhà nước khai thác 6.660 m3 gỗ tròn các loại, tăng 8,47% so cùng kỳ, trong đó: tận thu, tỉa thưa, vệ sinh rừng 6.540 m3, tăng 8,1%; khai thác rừng trồng 120 m3, tăng 33,3% so cùng kỳ.

Công tác phòng chống cháy rừng: Theo dự báo, thời tiết mùa khô năm 2013-2014 diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, do vậy công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp, ban ngành quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu mùa khô, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý ứng cứu khi có yêu cầu chữa cháy trên địa bàn.

Đến đầu tháng 01/2014 đã xây dựng được 39 Km đường băng cản lửa, chuẩn bị 74 chòi canh lửa, Hương ước bảo vệ rừng ở 152 thôn/bản, chuẩn bị trên 350 thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng… ; thực hiện đốt dọn vật liệu cháy trên 495 ha rừng ở vùng xung yếu nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng tại các đơn vị chủ rừng; công tác diễn tập PCCCR đã được Chi cục Kiểm Lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai ở các địa phương. Tổ chức được 26 cuộc với 1.182 người tham gia, ký 17 cam kết bảo vệ rừng, ngoài ra còn tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tình hình vi phạm lâm luật: vẫn tiếp tục xảy ra, trong tháng lực lượng Kiểm Lâm, Ban Lâm nghiệp xã, các chủ rừng đã phát hiện, lập biên bản 156 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu là vi phạm về lấn chiếm đất rừng; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép,... Đây là thời kỳ cao điểm mùa khô người dân chặt phá rừng, đốt thực bì để làm nương rẫy.

II. CÔNG NGHIỆP – XÂY DỰNG CƠ BẢN

1. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 01/2014 có xu hướng tăng, tập trung ở ngành chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải; sản xuất phân phối điện. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2014 toàn tỉnh tăng 11,82% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

- Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 1,61% so cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu gồm cao lanh các loại đạt 7,91 ngàn tấn, tăng 26,68%; đá xây dựng các loại đạt 80,69 ngàn m3, giảm 10,57%; khai thác cát tự nhiên các loại đạt 16,12 ngàn m3, giảm 7,76% so cùng kỳ.

- Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng 19,77% so cùng kỳ, một số sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp đã tác động đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến là may quần áo bảo hộ lao động 15,52 ngàn cái, bằng 6,93 lần so cùng kỳ, do công ty Thương mại Sao Vàng may đồ bảo hộ lao động, trang phục quân đội cung cấp toàn quốc; quần áo lót cho người lớn đạt 300 ngàn cái, tăng 62,76%; quả và hạt ướp lạnh 435,9 tấn, tăng 7,39%; sản xuất gạch xây dựng 25,86 triệu viên, tăng 6,74%; một số sản phẩm khác giảm so cùng kỳ như: phân bón NPK 1,53 ngàn tấn, giảm 60,95%; chè chế biến các loại 1,52 ngàn tấn, giảm 18,94%; bộ com lê, quần áo đồng phục, áo jacket, quần dài 187,5 ngàn cái, giảm 16,67% so cùng kỳ.

Riêng sản phẩm alumin dự tính sản xuất trong tháng 01 năm 2014 là 40.000 tấn. Đến cuối tháng 12/2013 tiêu thụ 178.633 tấn. Bước đầu sản phẩm này đã tiêu thụ trong nước và hiện đang xúc tiến ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 1,55% so cùng kỳ, sản lượng điện sản xuất đạt 341,76 triệu kwh, tăng 1,39% và điện thương phẩm đạt 66,46 triệu kwh, tăng 0,35% so cùng kỳ.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,63% so cùng kỳ, sản lượng nước ghi thu đạt 1.392,41 ngàn m3, thu gom rác thải không độc hại 5.443 tấn, tăng 5,2% so cùng kỳ.

* Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 12 tháng năm 2013 giảm 0,29%. Trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng là: sản xuất kim loại tăng 30,06%; sản xuất trang phục tăng 26,28%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,54%; sản xuất dệt tăng 6,78%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm là: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 44,93%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 9,35%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,92% so với cùng kỳ.

* Chỉ số tồn kho tháng 12/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,27% so với năm trước. Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng thời điểm năm trước là: sản xuất trang phục tăng 31,64%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 35,33%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,09%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 37,28%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 35,16%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 8,66%. Những mặt hàng thực phẩm, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ phục vụ cho tiêu dùng tết Nguyên đán nên sức mua tăng lên làm chỉ số tồn kho giảm.

* Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp đến tháng 12 năm 2013 giảm 0,59% so cùng kỳ. Chia theo khu vực: khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,46%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,01%. Chia theo ngành kinh tế: ngành khai khoáng giảm 1,81%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,48%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 1,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 14,62%. Qua chỉ số sử dụng lao động càng thấy rõ doanh nghiệp ngoài nhà nước với quy mô vừa và nhỏ cũng đang gặp nhiều khó khăn nên thu hẹp sản xuất và giảm lao động.

2- Đầu tư - xây dựng

Trong tháng 01 năm 2014, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tăng khá so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế có ưu thế của địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, y tế, văn hóa và các công trình trọng điểm của tỉnh như: công trình Quảng trường trung tâm thành phố Đà Lạt; khu hành chính tập trung; khu ký túc xá sinh viên.

Dự ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 129,2 tỷ đồng, tăng 17,48% so cùng kỳ, trong đó:

- Nguồn vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 110,87 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 85,83% trong tổng vốn, tăng 20,11% so cùng kỳ; trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 75,58 tỷ đồng; vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu đạt 15,3 tỷ đồng; nguồn vốn từ xổ số kiến thiết đạt 14,74 tỷ và nguồn vốn khác đạt 4,25 tỷ đồng;

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 17,79 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,4% trong tổng vốn, tăng 6,57% so cùng kỳ.

Tình hình thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài

Năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 946 doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới được cấp đăng ký kinh doanh, với tổng số vốn đăng ký 3.662,24 tỷ đồng; gồm 281 doanh nghiệp tư nhân, 53 công ty cổ phần, 612 công ty trách nhiệm hữu hạn.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: có 08 dự án được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2013, với tổng số vốn đăng ký 20 triệu USD. Đến nay tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực là 110 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 506 triệu USD.

III. THƯƠNG MẠI – DỊCH VỤ - VẬN TẢI - BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG

1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-UBND ngày 03/01/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm … đặc biệt là công tác bình ổn giá trong dịp Tết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 15 điểm bán hàng bình ổn giá do 6 đơn vị tham gia, đó là công ty TNHH Bình Tây, công ty cổ phần thương mại Lâm Đồng, siêu thị Coop mart Bảo Lộc, Siêu thị Big C Đà Lạt, Ban Quản lý chợ Di Linh và Chợ mới Đà Lạt; các sản phẩm bình ổn dịp này gồm các mặt hàng: gạo, sữa, bánh mứt, hạt dưa, rau củ quả, giò chả, nem chua,... với cam kết bán đúng giá đã đăng ký nhằm phục vụ các ngày lễ, Tết và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, tổng số vốn tham gia hỗ trợ chương trình bình ổn giá khoảng 61,2 tỷ đồng; đối với các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá thị trường, UBND tỉnh đã có phương án hỗ trợ 100% lãi suất vay trong thời gian 4 tháng (từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm) cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn, dự trữ hàng hóa sẽ là điểm nhấn làm bình ổn giá tiêu dùng, tăng sức mua của người dân cũng như tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian tới.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 01 năm 2014 đạt 3.568,4 tỷ đồng, tăng 18,84% so với cùng kỳ (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 14,04%). Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 294 tỷ đồng, tăng 3,82%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.209,8 tỷ đồng, tăng 18,74% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 64,6 tỷ đồng, tăng 294,54% so với cùng kỳ năm 2013. Một số nhóm hàng tăng mạnh như nhóm hàng lương thực, thực phẩm đạt 1.112 tỷ đồng, tăng 80,78%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 323,6 triệu đồng, tăng 12,95%; nhóm xăng dầu đạt 368,9 tỷ đồng, tăng 27,43% so với cùng kỳ năm 2013.

2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống

Ước tháng 01/2014, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, đạt 409,1 tỷ đồng, tăng 32,16% so với cùng kỳ. Tổng số khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú tháng 01/2014 đạt 200.768 lượt khách, tăng 25,92% so với cùng kỳ 2013. Trong đó; khách nội địa đạt 188.974 lượt khách, tăng 39,24%; khách quốc tế đạt 11.794 lượt khách, bằng 49,71% so với cùng kỳ. Dự báo lượng khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng du xuân, nghỉ dưỡng dịp Tết sẽ tăng cao do ngày nghỉ kéo dài, các đơn vị lưu trú và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang tăng cường các khâu chuẩn bị đón và phục vụ khách trong dịp này, đặc biệt cao điểm vào các ngày từ mùng 2 đến mùng 5 Tết. Tết năm nay do những bất ổn chính trị đang diễn ra tại một số nước như Thái Lan, Campuchia, nên khả năng du khách sẽ chuyển hướng du lịch từ các nước này về các điểm tham quan trong nước. Hiện nay, các cơ sở lưu trú và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nhiều chương trình hấp dẫn phục vụ du khách vui xuân, đón Tết. Nhằm tạo không khí đón Tết mang nét đặc trưng truyền thống Việt Nam cho du khách, các khách sạn đều tổ chức tiệc với nhiều món ăn truyền thống của Tết Việt Nam, tổ chức múa lân, chúc khách may mắn bao lì xì, viết thư pháp; còn các khu du lịch cũng chuẩn bị trang hoàng và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi mới lạ, sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

3. Xuất, nhập khẩu

Tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Lâm Đồng trong năm 2013 gặp nhiều khó khăn không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, giá nguyên vật liệu đầu vào cao nên làm tăng giá sản phẩm; chủng loại, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu chủ yếu là sản phẩm thô nên khả năng cạnh tranh còn thấp; đặc biệt sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu giảm giá trong các tháng gần đây đã ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ nên cũng kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm. Mặt khác, việc tiếp cận thông tin về các quy định nhập khẩu, giá cả, nhu cầu thị trường của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên vẫn phải tiếp tục nhập khẩu từ nước ngoài nên cũng ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu của địa phương.

a. Xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2014, ước đạt 24.449,2 nghìn USD, giảm 16,93% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân ước đạt 6.366,4 nghìn USD, giảm 23,35%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 16.354,8 nghìn USD, giảm 19,47% so với cùng kỳ năm 2013. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: cà phê đạt 6.448,3 tấn, trị giá 13.258,1 nghìn USD, giảm 25,61% về lượng và giảm 28,87% về giá trị; chè chế biến đạt 1.147,2 tấn, trị giá 2.573,5 nghìn USD, tăng 6,53% về lượng và tăng 39,44% về giá trị; mặt hàng rau quả đạt 1.072,0 tấn, trị giá 2.078,2 nghìn USD, giảm 7,62% về lượng và tăng 7,61% về giá trị so với cùng kỳ.

b. Nhập khẩu

Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2014 đạt 4.371,1 nghìn USD, tăng 44,59% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 2.441,0 nghìn USD, tăng 63,11%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.930,1 nghìn USD, tăng 26,43% so cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm tơ sợi dệt nhập 68,4 tấn, trị giá 1.297,2 nghìn USD, tăng 17,12% về lượng và tăng 7,92% về giá trị; các hàng hóa khác đạt 1.849,9 nghìn USD, tăng 74,27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

4. Giá cả thị trường

Sắp đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 nên không khí mua sắm trên địa bàn đang sôi động, đến thời điểm này các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác dự trữ hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết này. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng được nhiều đơn vị áp dụng, lượng hàng hóa đa dạng về mẫu mã và chủng loại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp tết Nguyên Đán Giáp Ngọ năm 2014. Các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp chỉ đạo, phối hợp và chủ động triển khai chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết, tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép và thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh Lâm Đồng có 6 đơn vị tham gia công tác bình ổn giá cả dịp Tết nên việc thiếu hàng cục bộ và tăng giá trong thời gian tới sẽ có khả năng không diễn ra. Cho nên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2014 tăng nhẹ chủ yếu chịu tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá gas, và một phần nhu cầu sản xuất, mua sắm cuối năm để phục vụ Tết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2014 tăng 0,61% so với tháng 12/2013, tăng 4,21% so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,05%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,18%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác và nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,34%; nhóm giao thông tăng 1,09%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 3,64% so với tháng trước. Các nhóm giáo dục; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông ổn định so với tháng trước.

Giá vàng 99,99 trên địa bàn tỉnh trong tháng 01/2014 tiếp tục giảm, dao động từ 3.180.000 - 3.288.000 đồng/chỉ, giảm 0,83% so với tháng trước và giảm 29,77% so cùng kỳ.

Hiện giá USD bán ra bình quân tháng 01/2014 ở mức 21.117đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng01/2014 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 1,50% so cùng kỳ.

5. Vận tải, bưu chính viễn thông

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và TNGT trên QL20, ngày 25/12/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 355/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng phát triển hạ tầng giao thông về đường bộ là ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng QL20, hoàn thành vào năm 2015. Với giải pháp thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khuyến khích đầu tư theo hình thức BOT kết hợp BT..., ngày 12/01/2014 vừa qua, tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL20, đoạn Km 123 + 105 - Km 268 thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BOT và BT. QL20 hiện nay là tuyến đường huyết mạch nối TP. HCM với TP. Đà Lạt, là một trong các trục giao thông chính của tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, dự án có vai trò quan trọng trong vận tải, đi lại của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch, giảm thiểu TNGT trên địa bàn.

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 01/2014 đạt 262.082 triệu đồng, tăng 24,91% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 220.785 triệu đồng, tăng 22,16%;doanh thu vận tải hàng không đạt 41.262 triệu đồng, tăng 42,08% so với cùng kỳ.

Vận tải hành khách tháng 01/2014 ước đạt 3.115,4 nghìn hành khách, tăng 15,58% và luân chuyển đạt 266.855,6 nghìn hành khách.km, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành kháchđường bộ ước tính đạt 3.087,8 nghìn hành khách, tăng 15,49% và luân chuyển đạt 256.550 nghìn hànhkhách.km, tăng 12,24% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách hàng không đạt 20,9 nghìn hànhkhách, tăng 39,74% và luân chuyển đạt 10.301,8 nghìn hành khách.km, tăng 46,68% so với cùng kỳ.

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 01/2014 ước đạt 639,7 nghìn tấn, tăng 12,73% và luân chuyển đạt 84.462 nghìn tấn.km, tăng 23,45% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông tháng 01/2014 ước đạt 191.745 triệu đồng, tăng 12,19% so cùng kỳ. Năm 2013, mặc dù chịu ảnh hưởng do khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng ngành viễn thông vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển, công tác quản lý ngày càng được tăng cường, tạo điều kiện cho thị trường viễn thông phát triển bền vững. Bên cạnh yếu tố giá cước, chất lượng dịch vụ cũng là sự quan tâm hàng đầu của người dùng di động; cùng với việc triển khai hàng loạt dự án tăng năng lực phát triển trạm 3G, nhiều nhà mạng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ với hàng loạt nâng cấp, gia tăng mạng lưới sẽ tác động tích cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 01/2014 ước đạt 3.210 thuê bao, tăng 12,36% so với cùng kỳ; trong đó, thuê bao di động đạt 2.850 thuê bao; thuê bao cố định đạt 360 thuê bao. Số thuê bao internet phát triển mới đạt 1.630 thuê bao, tăng 1,18% so cùng kỳ.

IV. HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH – TÍN DỤNG

1. Hoạt động tài chính

Để đảm bảo kế hoạch thu ngân sách năm 2014, trong những ngày đầu tháng 01/2014, ngành tài chính đẩy nhanh công tác lập bộ cho cả năm, triển khai thu thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, chống thất thu nhất là trong dịp Tết Giáp Ngọ. Công tác chi ngân sách đảm bảo duy trì tốt các hoạt động thường xuyên về quản lý nhà nước, đảm bảo xã hội, an ninh quốc phòng.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến 31/12/2013 đạt 4.878 tỷ đồng, tăng 9,04% so với năm 2012, bằng 88,69% so dự toán địa phương. Trong đó: thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 664 tỷ đồng, tăng 46,04%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 94,7 tỷ đồng, tăng 4,23%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,1 tỷ đồng, tăng 8,48%; thu từ đất nhà đạt 496 tỷ đồng, giảm 11,93%; thu thuế hải quan đạt 80,6 tỷ đồng, giảm 52,12% so với năm 2012.

Tổng thu ngân sách địa phương đến 31/12/2013 đạt 10.504,8 tỷ đồng, tăng 8,11% so với năm 2012, bằng 133,02% dự toán địa phương. Trong đó, thu điều tiết đạt 3.213,1 tỷ đồng, tăng 3,42%; thu bổ sung từ ngân sách Trung ương đạt 3.053,8 tỷ đồng, tăng 128,49% so với năm 2012.

Tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương đến 31/12/2013 là 10.186,7 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2012, bằng 120,79% dự toán địa phương. Chi đầu tư phát triển 921,6 tỷ đồng, tăng 13,8%; chi thường xuyên 5.708,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2012. Trong tổng chi thường xuyên: chi sự nghiệp kinh tế 537 tỷ đồng, chiếm 9,41%, tăng 21,1%; chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo 2.139,7 tỷ đồng, chiếm 37,48%, tăng 5,7%; chi sự nghiệp y tế 639,3 tỷ đồng, chiếm 11,2%, tăng 40,2%; chi quản lý hành chính 1.020,9 tỷ đồng, chiếm 17,88%, giảm 0,4% so với năm 2012.

1. Hoạt động tín dụng

Tháng 01/2014 Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng tiến hành xây dựng và triển khai công tác năm 2014 theo định hướng và điều hành chính sách tiền tệ của ngành; triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của ngành đến nội bộ chi nhánh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động ở các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn. Đồng thời bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt hợp lý cho các chi nhánh ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Hoạt động huy động vốn đến 31/12/2013 đạt 21.539 tỷ đồng, tăng 11,7% so đầu năm, tăng 15,39% so cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt 16.900 tỷ đồng, chiếm 78,46% tổng nguồn vốn huy động, tăng 8% so đầu năm, tăng 9,45% so cùng kỳ; các loại tiền gửi thanh toán của các cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 43,84% so cùng kỳ.

Tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2013 đạt 26.759 tỷ đồng, tăng 19,2% so đầu năm, tăng 21,59 % so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung, dài hạn đạt 10.261 tỷ đồng, chiếm 38,35% tổng dư nợ, tăng 20% so đầu năm, tăng 22,87% so cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn đạt 16.498 tỷ đồng, chiếm 61,65% tổng dư nợ, tăng 20,81% so cùng kỳ.

Tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/12/2013 là 425 tỷ đồng, chiếm 1,59% trong tổng dư nợ, tăng 1,67% so cùng kỳ.

V. MỘT SỐ LĨNH VỰC XÃ HỘI

1. Tình hình thăm hỏi, trợ cấp, giúp đỡ các đối tượng chính sách trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014

Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định về việc trợ cấp cho trên 81.000 đối tượng là những người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, các hộ nghèo, cận nghèo và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng; thời gian quy định việc tổ chức cấp phát, đảm bảo tiền trợ cấp đến đúng đối tượng thụ hưởng trước ngày 15/01/2014 (tức ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Ngọ). Trong đó, hỗ trợ cho 12.200 hộ nghèo với mức 200 ngàn đồng/hộ; 13.369 hộ cận nghèo với mức 150 ngàn đồng/hộ; hỗ trợ Mẹ Việt Nam Anh hùng với mức 2 triệu đồng/người; Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người; các đối tượng khác như gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng/ người.

Riêng một số gia đình chính sách tiêu biểu nhân dịp Tết; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và các ban ngành chức năng tổ chức thăm hỏi, tặng quà theo mức quy định của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và UBND tỉnh. Trên địa bàn các xã, phường, thị trấn đều thành lập Ban giám sát việc chi trả hỗ trợ, trợ cấp tết cho các đối tượng.

2. Hoạt động văn hóa, tuyên truyền

Trong tháng 01/2014, ngành văn hoá- thông tin Lâm Đồng chuẩn bị nhiều chương trình chào đón “Mừng Đảng, Mừng Xuân” bằng nhiều hình thức như treo băng rôn, pa nô, thiết kế các loại maket tuyên truyền; chuẩn bị các chương trình nghệ thuật cho công tác tổ chức Hội Xuân Giáp Ngọ 2014 tại các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh để nhân dân có nhiều điểm vui chơi vào dịp Tết. Các đoàn nghệ thuật và đội thông tin lưu động tiếp tục phục vụ cho nhân dân vùng sâu vùng xa trước dịp Tết. Ngoài ra còn thiết kế maket cụm pa nô trên nóc Rạp chiếu bóng ¾ TP. Đà Lạt để tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trọng tâm của tỉnh năm 2014.

Thông thường trong các dịp Tết, tình hình tai nạn giao thông tăng cao do sử dụng rượu bia nên thường xảy ra thiếu máu nhiều trong cấp cứu và điều trị bệnh. Để đảm bảo có đủ lượng máu an toàn cung cấp cho các bệnh nhân trong dịp này, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Ban chỉ đạo thành phố Đà Lạt tổ chức phát động “Lễ hội xuân hồng” cấp tỉnh năm 2014 đến các địa phương, đơn vị, thông qua đó tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiến máu. Chiến dịch hiến máu bắt đầu từ ngày 15/01/2014 đến ngày 15/3/2014.

Bảo tàng tỉnh mở cửa thường xuyên tại phòng trưng bày và đón trên 500 khách đến tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng. Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ bạn đọc trên 400 lượt người, chuẩn bị các tư liệu để triển lãm trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Ngành văn hóa thông tin tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm dịch vụ văn hóa du lịch, các điểm kinh doanh và sử dụng băng hình, đĩa CD-VCD không có dán nhãn kiểm soát của Cục Điện ảnh và Cục Nghệ thuật Biểu diễn, treo biển hiệu, băng rôn không phép, phòng Karaokê có âm lượng vượt mức cho phép, phát hành lịch quá giá quy định và bán tranh ảnh không rõ nguồn gốc.

3. Hoạt động thể dục thể thao

Tháng 01/2014, hoạt động thể dục- thể thao Lâm Đồng tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, với phương châm đưa thể dục thể thao về cơ sở nhằm phát triển phong trào TDTT quần chúng rộng khắp. Các phòng và trung tâm Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động, thể dục, thể thao thu hút nhiều đối tượng thuộc các lứa tuổi tham gia vào việc rèn luyện sức khoẻ, vui chơi lành mạnh góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đối với thể thao thành tích cao: cử các đoàn tham gia giải Việt dã Bình Dương mở rộng và giải Việt dã leo núi Bà Rá toàn quốc tại Bình Phước.

Phong trào thể thao quần chúng: xây dựng điều lệ giải cờ tướng, giải võ cổ truyền, giải bóng đá tứ hùng mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ 2014.

4. Giáo dục - Đào tạo

Công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2013-2014 nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, tích cực, đảm bảo đúng kế hoạch và đạt kết quả tốt. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 (từ ngày 02-05/01/2014 tại trường THPT chuyên Thăng Long - Đà Lạt) với 60 học sinh tham gia ở 10 môn thi (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Văn , Sử, Địa, tiếng Anh và tiếng Pháp); tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện; kiểm tra việc sử dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý trường học. Đồng thời tổ chức hội nghị tổng kết học kỳ I nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ I và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho học kỳ II; tăng cường công quản lý, xây dựng nề nếp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, không chạy theo thành tích, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Trong tháng, ngành giáo dục đào tạo cử một số cán bộ, công chức, viên chức tham gia giải cầu lông “Người Giáo viên nhân dân” do Bộ Giáo dục & Đào tạo và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Kết quả đạt được 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

5. Công tác đảm bảo y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Tháng 01/2014, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục giám sát dịch cúm A (H5N1), diễn biến dịch cúm A(H1N1) trên địa bàn tỉnh và dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt rét, sốt xuất huyết. Tính từ đầu tháng đến 15/01/2014 trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra.

Công tác phòng chống dịch bệnh: bệnh sốt rét tuy không có dịch xảy ra nhưng có 27 trường hợp mắc, giảm 2 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong; sốt xuất huyết phát hiện 23 trường hợp mắc mới, giảm 3 trường hợp so cùng kỳ, không có tử vong; bệnh phong không phát hiện thêm bệnh nhân mới, hiện đang chăm sóc tàn phế cho 177 trường hợp và quản lý 202 bệnh nhân; bệnh lao phát hiện 5 bệnh nhân mới, không có tử vong, toàn tỉnh quản lý điều trị cho 884 bệnh nhân.

Công tác phòng chống bệnh HIV/AIDS: phát hiện 2 trường hợp nhiễm HIV mới (tích luỹ 2.074 trường hợp), không có trường hợp mắc AIDS mới (tích lũy 427 trường hợp), không có trường hợp tử vong do AIDS mới (tích luỹ 287 trường hợp).

Công tác tiêm chủng trẻ em: từ đầu năm đến nay có 1 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem vào ngày 15/01/2014 ở phường 7 - TP. Đà Lạt, ngay sau sự việc xảy ra Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo tạm ngưng tiêm vắc xin Quinvaxem trong toàn tỉnh để tìm nguyên nhân ca tử vong trên.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm: từ đầu tháng đến nay không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn toàn tỉnh. Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở thực phẩm ở 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành là chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2014 nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao hiểu biết và thực hành phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân, chống lạm dụng rượu bia trong dịp Tết, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm và các văn bản nhà nước quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.

6. Tình hình an toàn giao thông

Theo số liệu được tổng hợp từ Ban An toàn giao thông tỉnh, trong tháng 12/2013, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, giảm 13 vụ; làm 9 người chết, giảm 3 người và 22 người bị thương, giảm 12 người so cùng kỳ năm 2012. Tính chung cả năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 280 vụ tai nạn giao thông, làm chết 158 người, bị thương 245 người; số vụ tai nạn giao thông giảm 126 vụ, số người chết tăng 4 người và số người bị thương giảm 151 người so cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu; chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình đường bộ…Do đó, để hạn chế mức thấp nhất tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh trong năm 2014, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, lực lượng Thanh tra giao thông cần phối hợp với lực lượng cảnh sát và các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, duy trì lực lượng thường xuyên trên các tuyến trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

Đầu năm 2014, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục được giữ vững; đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định và được cải thiện./-


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt