Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 11 năm 2013
Vào những tháng cuối năm, UBND các cấp, các sở, ban, ngành khẩn trương chỉ đạo và tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; có giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là trong dịp cuối năm cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

I/ Sản xuất nông, lâm nghiệp:

1. Sản xuất nông nghiệp:

1.1  Sản xuất vụ Mùa:

Hiện nay, toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc khâu gieo trồng vụ Mùa với tổng diện tích gieo trồng tính đến ngày 10/11/2013 được 45.826,2 ha cây hàng năm các loại, giảm 1,97% (giảm 921,2 ha) so vụ mùa năm trước; giảm chủ yếu là cây lúa (giảm 1.240,8 ha), các cây trồng tăng diện tích chủ yếu ở cây rau và hoa (tăng 1.172,3 ha) do hiệu quả thu trên một đơn vị diện tích ở nhóm cây này có chiều hướng tăng, nhiều hộ tích cực đầu tư. Bên cạnh đó, một số diện tích gieo trồng sớm đang bắt đầu thu hoạch, trên diện tích đã thu hoạch xong bà con nông dân chuẩn bị đất cho vụ Đông xuân 2013 - 2014.

Diện tích lúa gieo trồng 14.840,2 ha, đạt 91,83% kế hoạch, giảm 7,72% so cùng kỳ năm trước, do nhiều hộ thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang cây trồng khác nhằm nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích. Các địa phương có diện tích gieo trồng lúa đạt thấp như: huyện Đơn Dương gieo trồng 2.388,9 ha, giảm 20,24% (giảm 606,1 ha); huyện Đức Trọng gieo trồng 3.418 ha, giảm 2,68% (giảm 94 ha); huyện Đạ Tẻh gieo trồng 2.719,2 ha, giảm 1,55% (giảm 42,8 ha) so với cùng kỳ.

Cây ngô gieo trồng 3.846,4 ha, giảm 2,1% (giảm 82,7 ha) so vụ mùa năm trước, do diện tích trồng xen trong cây cà phê thu hẹp. Diện tích trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Di Linh, Đam Rông, Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, và Đạ Huoai với diện tích 3.832,2 ha, chiếm 99,58% tổng diện tích ngô trong vụ toàn tỉnh.

Cây lấy củ có chất bột gieo trồng 3.725,3 ha, giảm 18,72% (giảm 858,2 ha) so vụ mùa năm trước, trong đó khoai lang trồng 516,7 ha, giảm 26,79% (giảm 189,2 ha), do nhu cầu nguyên liệu cho chế biến có phần hạn chế, sức tiêu thụ kém; cây sắn 3.101 ha, giảm 17,11% (giảm 640,1 ha), do giá sắn còn ở mức thấp, sức tiêu thụ còn hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao. Một số cây trồng khác như củ năng, dong giềng và cây chất bột khác với diện tích không nhiều.

Rau các loại gieo trồng 17.260 ha, tăng 5,77% (tăng 942,2 ha), do nhiều hộ chuyển đổi các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng rau, bên cạnh đó giá rau ổn định ở mức cao vào cuối mùa mưa, sức tiêu thụ có chiều hướng tăng và mở rộng ra nhiều tỉnh. Diện tích trồng rau tập trung ở một số vùng chuyên canh như: Đơn Dương 8.075 ha, chiếm 46,78%; Đức Trọng 5.205 ha, chiếm 30,16%; Đà Lạt 1.768 ha, chiếm 10,24%; Lạc Dương 945 ha, chiếm 5,48%.

Hoa các loại 2.361,2  ha, tăng 13,1% (+273,5 ha) so với vụ mùa năm trước, do một số hộ mở rộng diện tích canh tác trồng hoa chuẩn bị cho lễ hội hoa sắp tới.

* Tình hình thu hoạch Vụ Mùa:

Hiện các địa phương đang tiến hành thu hoạch các loại cây trồng với diện tích 16.214,4 ha, chiếm 35,4% diện tích gieo trồng trong vụ, bằng 74,69% (giảm 5.493,3 ha) so với cùng kỳ, do thời tiết trong tháng mưa nhiều và tiến độ gieo trồng ở đầu vụ chậm hơn năm trước.

Lúa thu hoạch 4.658,7 ha, bằng 63,83% (giảm 2.639,9 ha) so cùng kỳ, chiếm 31,39% diện tích gieo trồng; tập trung chủ yếu ở Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông... các huyện phía Nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên chưa thu hoạch do gieo trồng vụ 3; ước tính năng suất bình quân chung đạt 48,2 tạ/ha, tăng 0,19% (tăng 0,09 tạ/ha) so cùng kỳ; ước sản lượng thu hoạch cả vụ 71.524,9 tấn.

Ngô thu hoạch 560 ha, bằng 46,33% (giảm 648,7 ha) so cùng kỳ, chiếm 14,56% diện tích gieo trồng; ước năng suất bình quân chung đạt 47,45 tạ/ha, tăng 0,81% (tăng 0,38 tạ/ha) so cùng kỳ, do sử dụng giống mới phù hợp cho năng suất cao, ước sản lượng thu hoạch cả vụ 18.249,4 tấn.

Rau các loại thu hoạch 8.582,3 ha, bằng 80,63% (giảm 2.061,4 ha) so cùng kỳ, chiếm 49,72% diện tích gieo trồng; ước năng suất bình quân chung các loại rau đạt 324,11 tạ/ha, tăng 6,13% (tăng 18,73 tạ/ha) so cùng kỳ; ước sản lượng cả vụ đạt 559,43 nghìn tấn.

Hoa các loại thu hoạch 1.423,3 ha, tăng 8,73% (tăng 114,3 ha) so cùng kỳ, chiếm 60,28% diện tích gieo trồng.

1.2.  Sản xuất cây lâu năm:

Tính đến ngày 10/11/2013, diện tích trồng mới và chuyển đổi cây công nghiệp dài ngày thực hiện 9.055,1 ha, tăng 21,01% (tăng 1.572,3 ha) so cùng kỳ.

Diện tích chè được trồng mới và chuyển đổi 383 ha, bằng 85,3% so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở Bảo Lâm 232,6 ha, Di Linh 45,8 ha, Bảo Lộc 45 ha.

Cà phê trồng mới và chuyển đổi 5.544,1 ha, tăng 16,08% (+768,2 ha) so cùng kỳ. Diện tích trồng mới, cải tạo vườn và tái canh cây cà phê ở huyện Di Linh 2.500 ha, Bảo Lâm 982 ha, Đức Trọng 567 ha, Đam Rông 530 ha, Lâm Hà 377,5 ha, Bảo Lộc 80 ha, Lạc Dương 80,7 ha.

Diện tích dâu tằm trồng mới, chuyển đổi 268,4 ha, tăng 1,59% so cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở huyện Lâm Hà 160,5 ha, Bảo Lộc 40 ha, Đạ Tẻh 25,8 ha, Đam Rông 10 ha... Giá lá dâu nguyên liệu nuôi tằm trong năm ổn định, nhiều hộ đầu tư trồng mới nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nuôi tằm.

Diện tích cao su trồng mới 1.979 ha, tăng 33,74% so cùng kỳ, chủ yếu mở rộng trên đất rừng nghèo kiệt, tập trung ở Bảo Lâm 934 ha, Đạ Tẻh 621 ha, Đạ Huoai 331,8 ha, Cát Tiên 92,2 ha.

* Thu hoạch sản phẩm cây lâu năm:

Tính đến 10/11/2013 toàn tỉnh diện tích cà phê cho sản phẩm đã thu hoạch được 15.000 ha, chiếm 10,3% diện tích cho sản phẩm, chủ yếu là cà phê Catimo, thu hái tập trung chủ yếu ở Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương. Ước năng suất bình quân chung đạt trên 25,5 tạ/ha, tăng 2,45% (tăng 0,7 tạ/ha) so cùng kỳ. Sản lượng cà phê có tăng so với năm trước nhưng giá cà phê giảm nên nguồn thu của người sản xuất cũng bị ảnh hưởng sẽ tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các ngành khác.

Tình hình thiệt hại do thiên tai:

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (từ ngày 6/11 đến ngày 8/11/2013) gây mưa nhiều làm ngập úng cục bộ, hư hại hơn 194 ha cây hàng năm. Trong đó, 75 ha lúa sắp thu hoạch bị ngã đổ; 79 ha rau, hoa các loại và 4,9 ha nhà kính bị sập, tốc mái trên địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà.        

1.3  Chăn nuôi (thời điểm 1 tháng 10 năm 2013)

Gia súc: đàn trâu có 17.310 con, giảm 3,85% (giảm 694 con) so cùng kỳ năm trước, trong đó, Đức Trọng 6.116 con, chiếm 35,33%; Đơn Dương 2.754 con, chiếm 15,91%; Đạ Tẻh 2.289 con, chiếm 13,22%; Lạc Dương 2.258 con, chiếm 13,04%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.029 tấn tương ứng 3.589 con, giảm 0,94% so cùng kỳ, trọng lượng bình quân xuất chuồng 286,8kg/con. Đàn bò có 68.008 con, giảm 4,67% (giảm 3.332 con) so cùng kỳ, chủ yếu ở Đơn Dương 19.762 con, chiếm 29,06%; Đức Trọng 14.286 con, chiếm 21,01%, các huyện khác còn lại chiếm tỷ lệ thấp. Bò lai hiện có 32.427 con, chiếm 47,68% tổng đàn. Bò sữa có 7.648 con, tăng 43,06% (tăng 2.302 con); trong đó bò cái cho sữa 6.797 con, chiếm 88,87% tổng đàn bò sữa, tăng 63,6%, tập trung ở Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc với 7.561 con, chiếm 98,86% tổng đàn. Đàn bò sữa tăng mạnh so cùng kỳ do giá sữa thu mua của các nhà máy ở mức cao và ổn định, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô đàn và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và chế biến sản phẩm. Sản lượng sữa tươi thu trong năm đạt 23.689,9 tấn, tăng 59,06% (tăng 8.796,6 tấn) so cùng kỳ, bình quân 1 bò cái sữa đạt 4.326,5 kg sữa/năm. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 3.753,1 tấn, giảm 25,57%(giảm 1.289,2 tấn) so cùng kỳ; trọng lượng bình quân 1 con xuất bán đạt 208,9kg/con. Đàn heo có 359.803 con, so cùng kỳ giảm 10,08% (giảm 40.337 con); trong đó heo nái 37.322 con, chiếm 10,35%; địa phương có số lượng heo giảm mạnh là Đức Trọng có 60.520 con, giảm 12,54% (giảm 23.372 con). Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng tính trong năm đạt  65.321 tấn, giảm 5,12% (giảm 3527 tấn) so cùng kỳ, số lợn thịt xuất chuồng 765.042 con, trọng lượng bình quân xuất chuồng đạt 85,4 kg/con.

Gia Cầm: Tổng đàn gà hiện có 2.815,3 nghìn con, tăng 2,29% (tăng 64,1 nghìn con) so cùng kỳ. Tình hình chăn nuôi gà thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh có tăng nhưng không nhiều, do giá thức ăn tăng cao, tình trạng nhập lậu gà thải loại diễn ra ở một số nơi và nguy cơ lây lan vi rút H7N9 từ Trung Quốc gây khó khăn cho phát triển tổng đàn. Tổng số gà nuôi lấy thịt hiện có 1.849,4 nghìn con, chiếm 65,69%; gà đẻ 966 nghìn con, chiếm 34,31% tổng đàn. Tổng số gà nuôi công nghiệp 991,2 nghìn con, chiếm 35,2% tổng đàn, trong đó: gà nuôi lấy thịt 330,2 nghìn con, chiếm 33,31%; gà đẻ 661 nghìn con, chiếm 68,69% tổng đàn, tập trung ở các địa phương nuôi theo mô hình trang trại: Đức Trọng 322,2 nghìn con, chiếm 32,51%; thành phố Đà Lạt 228,6 nghìn con, chiếm 23,06%; huyện Lâm Hà 158,67 nghìn con, chiếm 16,01%. Số gà xuất chuồng trong năm 3.861,9 nghìn con, giảm 15,6% so cùng kỳ, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng 8.086,4 tấn, giảm 13,2% (giảm 1.229,7 tấn) so cùng kỳ, bình quân 1 con xuất chuồng đạt 2,1kg/con, trong đó gà công nghiệp đạt 2,5kg/con. Sản lượng trứng gà thu trong năm đạt 167,74 triệu quả, tăng 35% (tăng 43,49 triệu quả) so cùng kỳ. Trong đó, gà mái đẻ công nghiệp đạt trên 224,4 quả/con. Các loại gia cầm khác có phát triển nhưng không nhiều như: vịt 151,6 nghìn con, giảm 0,2% (giảm 300 con) so cùng kỳ; ngan 114,81 nghìn con, tăng 42,5% (tăng 34,27 nghìn con) so cùng kỳ, ngỗng 4,85 nghìn con, tăng 143,72% (tăng 2,86 nghìn con) so cùng kỳ; chim cút 845,3 nghìn con, tăng 76,2% (tăng 365,6 nghìn con) so cùng kỳ, sản lượng thịt hơi thu trong năm đạt 162,7 tấn.

Ngoài các loại gia súc gia cầm trên, chăn nuôi khác được duy trì và phát triển. Đàn thỏ 36.399 con, tăng 8,04%; sản lượng mật ong thu trong kỳ 988,8 tấn, tăng 4,31%; đàn ngựa 906 con, tăng 9,69%; đàn dê 6.586 con, tăng 0,05% so cùng kỳ.

2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán tính từ đầu năm đến nay đã trồng được 643,5 nghìn cây, đạt 104% so với kế hoạch; trồng rừng phân tán đạt 196 ha với 450.124 cây, đạt 98% kế hoạch.

Tiếp tục triển khai thực hiện công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích là 376.136 ha, giảm 0,4% so cùng kỳ, bằng các nguồn vốn khác nhau cho 22.854 hộ thuộc diện nhận, trong đó có 17.662 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thực hiện các chính sách tài chính mới như chi trả dịch vụ môi trường và lồng ghép theo chương trình, dự án đang được cải thiện, góp phần tăng thu nhập cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng giảm thiểu số vụ vi phạm lâm luật.

Khai thác Lâm sản: Ước tháng 11/2013 khối lượng khai thác gỗ các loại đạt 5.500 m3, tăng 21,41% so cùng kỳ. Trong đó, khối lượng khai thác tận thu, tỉa thưa,vệ sinh rừng đạt 4.050 m3; khai thác rừng trồng đạt 1.450 m3. Ước 11 tháng năm 2013 khai thác gỗ các loại đạt 106.903 m3, giảm 23,09% so cùng kỳ, trong đó khối lượng gỗ tròn thuộc kế hoạch năm 2012 chuyển qua 2.622 m3; khối lượng khai thác tận thu, tận dụng, vệ sinh rừng 82.440 m3, giảm 11,2% và khai thác từ rừng trồng 21.841 m3, tăng 20,08% so cùng kỳ. Đối với chỉ tiêu khai thác năm 2013 hiện đơn vị tư vấn đang tiến hành lập hồ sơ thiết kế khai thác để trình thẩm định phê duyệt.

Tính từ đầu năm đến ngày 10/11/2013, tình hình vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, đã phát hiện lập biên bản 1.719 vụ vi phạm lâm luật, giảm 1,94% so cùng kỳ (-34 vụ), trong đó phá rừng trái phép là 444 vụ, diện tích rừng bị phá là 102,21 ha, giảm 24,04 ha so cùng kỳ; tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.647 vụ đạt 95,81%, đã xử phạt vi phạm hành chính 1.608 vụ; chuyển xử lý hình sự 39 vụ; thu nộp ngân sách 13,7 tỷ đồng; tịch thu 2.355 m3 gỗ tròn các loại; 494 phương tiện các loại; 128 cá thể động vật hoang dã.

         II/ Công nghiệp - Đầu tư xây dựng:

1.  Sản xuất công nghiệp:

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, tình trạng nợ công một số nước Châu Âu, sự bất ổn về chính trị ở các nước Trung Đông; trong nước giá cả biến động tăng, nhất là giá điện đã làm tăng chi phí đầu vào, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 năm 2013 toàn tỉnh tăng 15,28% so cùng kỳ năm trước, trong đó:

Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 4,72% so cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu gồm khai thác cát tự nhiên các loại đạt 24,64 ngàn m3, tăng 28,11% so cùng kỳ; đá xây dựng các loại đạt 94,05 ngàn m3, tăng 13,69%; cao lanh các loại đạt 8,57 ngàn tấn, giảm 24,68%.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng 18,02% so cùng kỳ; một số sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp đã tác động đến tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến là may quần áo bảo hộ lao động 30,45 ngàn cái, tăng 51 lần so cùng kỳ, tăng đột biến do công ty Thương mại Sao Vàng may đồ bảo hộ lao động, trang phục quân đội cung cấp toàn quốc; sản xuất gạch xây dựng 22,32 triệu viên, tăng 20,28%; sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 4,64 ngàn m3, tăng 8,95% so cùng kỳ; một số sản phẩm khác giảm so cùng kỳ như: bộ com lê, quần áo đồng phục, áo jacket, quần dài 250 ngàn cái, giảm 13,04%; chè chế biến các loại 1,78 ngàn tấn, giảm 10,96%; hạt điều khô 96,77 tấn, giảm 8,67%; quần áo lót cho người lớn 176 ngàn cái, giảm 0,34% so cùng kỳ.

Riêng sản phẩm alumin dự tính sản xuất trong tháng 11 là 30.000 tấn, đến cuối tháng 11/2013 là 169.173 tấn. Đến cuối tháng 10/2013 tiêu thụ 119.788 tấn. Bước đầu sản phẩm này đã tiêu thụ trong nước và hiện đang xúc tiến ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 13,1% so cùng kỳ, sản lượng điện sản xuất đạt 406,47 triệu kwh, tăng 15,05% và điện thương phẩm đạt 63,8 triệu kwh, tăng 0,13% so cùng kỳ.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,88% so cùng kỳ, sản lượng nước ghi thu đạt 1.392,41 ngàn m3, tăng 10,91%, thu gom rác thải không độc hại 5.762 tấn, tăng 12,76% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng 9,26% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 2,5% so cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến tăng 15,46% so cùng kỳ; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt giảm nhẹ 0,36%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,07% so cùng kỳ.

2- Đầu tư - xây dựng

Tháng 11/2013 là thời vụ trong hoạt động xây dựng, mặt khác thời tiết thuận lợi cho việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, một số chủ đầu tư chưa thật sự chủ động và tình hình thu ngân sách gặp khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện vốn đầu tư.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 249,45 tỷ đồng, giảm 4,81% so cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu là vốn cân đối ngân sách cấp tỉnh và vốn trái phiếu Chính phủ.

 Nguồn vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 221,65 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,86% trong tổng vốn, giảm 5,36% so cùng kỳ, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế có ưu thế của địa phương và xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế…và các công trình trọng điểm của tỉnh. Có những công trình được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng nhân dịp Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển vào cuối tháng 12/2013. Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 125,98 tỷ đồng; vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu đạt 50,24 tỷ đồng; nguồn vốn từ sổ xố kiến thiết đạt 35,38 tỷ và nguồn vốn khác đạt hơn 4,86 tỷ đồng.

 Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 26,65 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,68% trong tổng vốn, giảm 1,41% so cùng kỳ, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực: giao thông, giáo dục, y tế… trên địa bàn các huyện, thành phố. Vốn cân đối ngân sách cấp huyện đạt 17,73 tỷ đồng, chiếm 66,53% trong tổng vốn, tăng 3,97% so cùng kỳ; vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 3,12 tỷ đồng và còn lại là vốn khác của ngân sách cấp huyện đạt 5,8 tỷ đồng.

Dự ước 11 tháng đầu năm 2013: Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 1.695,21 tỷ đồng, tăng 4,11% so cùng kỳ, đạt 70,33% so kế hoạch năm 2013. Trong đó, nguồn vốn Ngân sách cấp tỉnh đạt 1.470,71 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 86,76% trong tổng vốn, tăng 2,32% so cùng kỳ và nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 207,67 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,25% trong tổng vốn, tăng 16,26% so cùng kỳ.

      Tình hình thành lập mới doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài

Tình hình đăng ký kinh doanh đến 18/11/2013, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 654 doanh nghiệp mới được cấp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 2.756 tỷ đồng; gồm 162 doanh nghiệp tư nhân, 47 công ty cổ phần, 445 công ty trách nhiệm hữu hạn

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 30/10/2013 cấp phép mới 4 dự án, với tổng vốn đăng ký là 9,09 triệu USD; 15 lượt điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Thu hồi 2 dự án đầu tư với tổng số vốn 3,3 triệu USD.

         III. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - GIÁ CẢ

          1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Vào những tháng cuối năm, UBND các cấp, các sở, ban, ngành khẩn trương chỉ đạo và tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; có giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là trong dịp cuối năm cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết.

          Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 năm 2013 đạt 3.229,2 tỷ đồng, tăng 21,73% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 18,03%; trong đó kinh tế nhà nước đạt 261,5 tỷ đồng, tăng 2,7%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 2.934,1 tỷ đồng, tăng 23,35% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,6 tỷ đồng tăng 72,57% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như nhóm hàng lương thực thực phẩm đạt 976,3 tỷ đồng, tăng 40,01%, nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 280,6 triệu đồng, tăng 16,53%, nhóm xăng dầu đạt 313,9 tỷ đồng, tăng 33,18% so với cùng kỳ năm 2012.

          Ước 11 tháng năm 2013, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33.361,2 tỷ đồng tăng 18,01% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,22%; trong đó kinh tế nhà nước đạt 3.048 tỷ đồng, tăng 7,29%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 29.927,1 tỷ đồng, tăng 18,68% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 406,1 tỷ đồng, tăng 74,7% so với cùng kỳ năm 2012.

          2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống

Lâm Đồng đang khẩn trương nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang đô thị và các di tích, điểm tham quan tại Đà Lạt nhằm phục vụ  Tuần Văn hóa - Du lịch và chào đón 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Nhiều danh thắng cảnh nổi tiếng được đầu tư cải tạo như thắng cảnh hồ Than Thở, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, thung lũng Tình yêu, đồi Mộng Mơ, thác Prenn, thác Cam Ly, hồ Xuân Hương, Vườn hoa thành phố…và phát triển thêm nhiều công viên phục vụ du khách và người dân như: Quảng trường Lâm Viên - địa điểm diễn ra đêm khai mạc và bế mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, công viên Trần Quốc Toản (công viên Bà Huyện Thanh Quan) - là công viên Mai Anh Đào đầu tiên của Đà Lạt, công viên hoa Giấy trong khuôn viên Đại học Đà Lạt… Nhiều khu biệt thự cổ như Dalat Cadasa Resort, khu biệt thự Trần Hưng Đạo - Hùng Vương cũng được tu bổ, chỉnh trang để đón du khách vào dịp Tuần Văn hóa - Du lịch và Festival Hoa cuối năm nay.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, ước tháng 11/2013 đạt 358,4 tỷ đồng, tăng 30,18% so với cùng kỳ, ước 11 tháng năm 2013 đạt 3.970,2 tỷ đồng, tăng 17,26% so với cùng kỳ.

         Tổng số khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú tháng 11/2013 đạt 161.587 lượt khách, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2012. Trong đó; khách nội địa đạt 149.489 lượt khách, tăng 26,77%; khách quốc tế đạt 12.098 lượt khách, giảm 1,56% so với cùng kỳ. Ước 11 tháng/2013, số khách nghỉ tại các cơ sở lưu trú đạt 2.294.796 lượt khách, tăng 2,11% so với cùng kỳ 2012. Trong đó; khách nội địa đạt 2.145.162 lượt khách, tăng 0,57%; khách quốc tế đạt 149.634 lượt khách, tăng 30,93% so với cùng kỳ.

         3. Xuất, nhập khẩu

         a. Xuất khẩu

         Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của tỉnh Lâm Đồng như cà phê nhân, chè trong thời gian gần đây có xu hướng giảm mạnh, đã tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do chi phí đầu tư cho niên vụ cà phê ngày tăng mạnh do giá vật tư, phân bón, chi phí chăm sóc đều cao hơn vụ trước, nhưng từ đầu tháng 10/2013 đến nay, thị trường cà phê thế giới cũng như trong nước liên tục rớt giá đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh mặt hàng cà phê trên địa bàn.

         Dự tính kinh ngạch xuất khẩu cả năm 2013 giảm so với cùng kỳ, nên trong 2 tháng cuối năm các cấp, các ngành và các doanh nghiệp cần bám sát tình hình thực tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường mới nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất phát triển.

         Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2013, ước đạt 18.872,7 nghìn USD, giảm 13,57% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế tư nhân ước đạt 7.550,7 nghìn USD, giảm 5,28%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11.322 nghìn USD, giảm 18,19% so với cùng kỳ năm 2012. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê xuất khẩu 3.284,9 tấn, đạt trị giá 7.537,7 nghìn USD, so cùng kỳ giảm 21,69% về lượng và giảm 23,46% về giá trị; chè chế biến xuất khẩu 1.578,8 tấn, đạt trị giá 3.195,4 nghìn USD, giảm 13,47% về lượng và giảm 19,42% về giá trị; mặt hàng rau quả xuất khẩu đạt 1.015 tấn, đạt trị giá 1.907,4 nghìn USD, giảm 39,3% về lượng và giảm 16,25%.

         Ước 11 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 246.334,9 nghìn USD, giảm 5,48% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê xuất khẩu 61.097,7 tấn, đạt trị giá 133.346,8 nghìn USD, so cùng kỳ giảm 12,38% về lượng và giảm 12,36% về giá trị xuất khẩu; chè chế biến xuất khẩu 14.145 tấn, đạt trị giá 26.100 nghìn USD, tăng 3,45% về lượng và tăng 8,91% về giá trị; mặt hàng rau quả xuất khẩu đạt 11.155,4 tấn, đạt trị giá 20.440,7 nghìn USD, giảm 31,54% về lượng và giảm 13,57% về giá trị.

         b. Nhập khẩu

         Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Bao gồm tơ, xơ, sợi dệt, vải may mặc cho hoạt động ngành dệt may và nhóm hàng hóa khác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các mặt hàng nhập khẩu, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào sản xuất các mặt hàng này trong nước. Đồng thời, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phối hợp rà soát bổ sung, sửa đổi tăng thuế nhập khẩu phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế đối với các mặt hàng trong danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

           Ước kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2013 đạt 5.915,1 nghìn USD, tăng 18,61% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 3.529,9 nghìn USD và tăng 78,49%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.385,2 nghìn USD, giảm 20,74% so cùng kỳ. Trong 11 tháng năm 2013, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 46.306,6 nghìn USD, tăng 12,38% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân đạt 25.521,8 nghìn USD và tăng 40,98%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20.730 nghìn USD, giảm 9,97% so cùng kỳ.        

         4. Giá cả thị trường

          Sang tháng 11/2013, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhẹ không phải do những yếu tố cơ bản mà chủ yếu là do việc chủ động điều chỉnh giá các mặt hàng chính sách và dịch vụ công. Tuy nhiên, khả năng trong thời gian tới giá sẽ tăng do tình hình bão lũ trong thời gian qua gây thiếu cục bộ một số nhóm hàng như gia súc, gia cầm, rau, củ quả nên sẽ tăng ở nhóm này; mặt khác, nhu cầu mua sắm thời vụ trong các tháng gần tết và khả năng điều chỉnh giá xăng, dầu, gas … sẽ tác dộng đến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới.

          Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2013 tăng 0,51% so với tháng 10/2013, tăng 3,11% so với tháng 12/2012 và tăng 3,13% so cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2013, chỉ số CPI tăng 7,07% so với bình quân 11 tháng năm 2012. Cụ thể; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,27%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,33%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,83%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,22% so với tháng trước. Bên cạnh đó, nhóm thuốc, dịch vụ y tế, nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục không tăng; riêng nhóm giao thông giảm 0,2% so với tháng trước.

         Giá vàng SJC 9999 trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2013 tiếp tục giảm, dao động từ 3.360.000 - 3.440.000 đồng/chỉ, giảm 0,53% so với tháng trước giảm 27,26% so cùng kỳ; bình quân 11 tháng giảm 13,33% so cùng kỳ năm trước.

         Giá USD được niêm yết trên thị trường tự do ở mức 21.150 đồng/USD mua vào và bán ra ở mức 21.170 đồng/USD. Hiện giá USD bán ra bình quân của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 21.082 đồng/USD. Chỉ số giá USD tháng 11/2013 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 1,17% so cùng kỳ; bình quân 11 tháng tăng 0,63% so cùng kỳ năm trước.

         5. Vận tải, bưu chính viễn thông

         Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước tháng 11/2013 đạt 237.458 triệu đồng, tăng 18,18% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 208.050 triệu đồng, tăng 17,03%; doanh thu vận tải hàng không đạt 29.373 triệu đồng, tăng 27,57% so với cùng kỳ. Ước 11 tháng năm 2013 đạt 2.495.693 triệu đồng, tăng 16,73% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải đường bộ đạt 2.159.790 triệu đồng, tăng 17,66%; doanh thu vận tải hàng không đạt 335.514 triệu đồng, tăng 11,42% so với cùng kỳ.           

         Vận tải hành khách tháng 11 năm 2013 ước đạt 2.302,7 nghìn hành khách, tăng 2,72% và luân chuyển đạt 202.262,5 nghìn hành khách.km, tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải hành khách đường bộ ước tính đạt 2.281 nghìn hành khách, tăng 2,97% và luân chuyển đạt 195.034,7 nghìn hành khách.km, tăng 3,54% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hành khách hàng không đạt 15 nghìn hành khách, tăng 26,95% và luân chuyển đạt 7.224 nghìn hành khách.km, tăng 28,21% so với cùng kỳ.

         Ước 11 tháng năm 2013, vận tải hành khách đạt 25.146,3 nghìn hành khách, tăng 0,66% và luân chuyển đạt 2.286,7 nghìn hành khách.km, tăng 5,57% so với cùng kỳ năm trước.

         Khối lượng hàng hoá vận chuyển ước tháng 11/2013 đạt 610,6 nghìn tấn, tăng 4,14% và luân chuyển đạt 74.059,4 nghìn tấn.km, tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Ước 11 tháng năm 2013 đạt 6.382,7 nghìn tấn, tăng 5,16% và luân chuyển đạt 773.431,2 nghìn tấn.km, tăng 6,72% so với cùng kỳ.  

         Doanh thu hoạt động bưu chính viễn thông tháng 11/2013 ước đạt 173.368 triệu đồng, tăng 4,71% so cùng kỳ. Ước 11 tháng đạt 1.752.539 triệu đồng, giảm 5,92% so cùng kỳ. Từ đầu năm tới nay các nhà mạng đã đưa ra 2 đợt điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G. Trong đó, gói thuê bao không giới hạn dung lượng được nhiều người sử dụng đã tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng vào đợt một (ngày 1/4) và tiếp tục thêm 20.000 đồng trong đợt 2 (ngày 16/10). Để giải thích cho việc tăng giá dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định nhằm tăng chất lượng dịch vụ để đảm bảo cho người dùng hưởng thụ chất lượng ngày càng cao hơn.

         Số thuê bao điện thoại phát triển mới trong tháng 11/2013 giảm so với cùng kỳ, ước đạt 2.050 thuê bao điện thoại bằng 49,81% so với cùng kỳ. Trong đó, thuê bao di động đạt 1.750 thuê bao; thuê bao cố định đạt 300 thuê bao. Thuê bao internet phát triển mới đạt 1.620 thuê bao. Trong 11 tháng năm 2013, số thuê bao điện thoại phát triển mới đạt 25.107 thuê bao, số thuê bao internet phát triển mới đạt 16.383 thuê bao.

          IV. HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH – TÍN DỤNG

          1. Hoạt động tài chính

Công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đang là bài toán khó cho các ngành, các cấp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tài chính, thuế cần tăng cường công tác thất thu thuế trong các tháng cuối năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến 31/10/2013 đạt 3.263,9 tỷ, tăng 4,38% so cùng kỳ, đạt 59,34% kế hoạch, đạt thấp so dự toán được giao, đặc biệt là thu từ thuế, lệ phí và đất, nhà do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu từ cà phê giảm, một số doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả để nợ thuế, thị trường nhà đất đóng băng. Trong đó: thu thuế từ đất, nhà đạt 316 tỷ, giảm 14,45%; thu thuế từ doanh nghiệp Trung ương đạt 445,2 tỷ, tăng 26,09%; thu từ doanh nghiệp địa phương đạt 84,8 tỷ, tăng 18,05%; thu thuế ngoài quốc doanh đạt 899,7 tỷ, giảm 6,22%; thu thuế hải quan đạt 55,6 tỷ, giảm 62,53% so cùng kỳ.

 Tổng thu ngân sách địa phương đến 31/10/2013 đạt 8.118,1 tỷ, tăng 2,71% so cùng kỳ. Trong đó, thu điều tiết đạt 2.351,9 tỷ, giảm 0,2%; thu trợ cấp theo kế hoạch từ Ngân sách Trung ương đạt 2.846,9 tỷ, tăng 16,16% so cùng kỳ.

Trong điều kiện thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các khoản chi ngân sách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và quản lý nhà nước luôn được đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí. Tổng chi ngân sách địa phương đến 31/10/2013 đạt 7.641,7 tỷ, đạt 90,61% kế hoạch, tăng 9,8% so cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển đạt 571 tỷ, giảm 14,6%; chi thường xuyên đạt 4.283,8 tỷ, tăng 21,4% so cùng kỳ; trong tổng chi thường xuyên: chi kinh tế đạt 328,9 tỷ, chiếm 7,68%, tăng 35,9%; chi giáo dục, đào tạo đạt 1.647,1 tỷ, chiếm 38,45%, tăng 23,4%; chi y tế đạt 478,3 tỷ, chiếm 11,17%, tăng 2,5%; chi quản lý hành chính đạt 762 tỷ, chiếm 17,79%, tăng 10,6% so cùng kỳ.

           2. Hoạt động tín dụng

Trong tháng 11/2013, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình cho vay của các chi nhánh đối với chương trình tái canh cây cà phê; thẩm định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp; giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Vốn huy động đến 31/10/2013 đạt 20.367 tỷ, tăng 5,7% so với đầu năm, tăng 10,65% so cùng kỳ. Tiền gửi dân cư đạt 16.697 tỷ, chiếm 81,98% tổng nguồn vốn huy động, tăng 6,7% so với đầu năm, tăng 8,13% so cùng kỳ, tăng chủ yếu ở khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Tổng dư nợ tín dụng đến 31/10/2013 đạt 25.799 tỷ, tăng 14,9% so với đầu năm, tăng 19,30% so cùng kỳ. Trong đó, dư nợ trung, dài hạn đạt 9.847 tỷ, chiếm 38,17% tổng dư nợ, tăng 15% so với đầu năm, tăng 18,28% so cùng kỳ; dư nợ ngắn hạn đạt 15.952 tỷ, chiếm 61,83% tổng dư nợ, tăng 19,93% so cùng kỳ.

Tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/10/2013 là 441 tỷ, chiếm 1,71% tổng dư nợ, tăng 2,32% so cùng kỳ.

          V. MỘT SỐ LĨNH VỰC XÃ HỘI

           1. Công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong tháng 11/2013, ngành Y tế Lâm Đồng tiếp tục tăng cường giám sát, phòng chống cúm A (H1N1), (H5N1), bệnh tay chân miệng và các loại dịch bệnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền Ngày toàn dân dùng muối Iốt (2/11) và Ngày đái tháo đường Thế giới (14/11). 

Trong tháng 11, do công tác thanh kiểm tra được đảm bảo thường xuyên nên không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bệnh sốt rét tuy không có dịch xảy ra, nhưng có 07 trường hợp mắc bệnh mới, giảm 06 trường hợp so cùng kỳ, không có ca tử vong; sốt xuất huyết có 09 trường hợp mắc bệnh, giảm 03 trường hợp so cùng kỳ, không có ca tử vong. Đối với bệnh phong, không có trường hợp mắc bệnh phong mới, hiện đang quản lý 219 bệnh nhân, chăm sóc tàn phế cho 173 bệnh nhân; bệnh lao không có bệnh nhân mới và tử vong do lao, hiện toàn tỉnh đang quản lý điều trị cho 432 bệnh nhân. Trong tháng, phát hiện 02 trường hợp nhiễm HIV mới (tích lũy: 2.043), không có trường hợp mắc AIDS mới (tích lũy: 416), không có tử vong do AIDS (tích lũy: 275). Công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, phát hiện 02 trường hợp bệnh nhân tâm thần phân liệt mới, toàn tỉnh hiện quản lý 2.859 bệnh nhân.

Toàn tỉnh vừa kết thúc đợt tiêm vắc xin Quinvaxem sau 6 tháng ngưng tiêm loại vắc xin này, kết quả có 12.287 trẻ tiêm vắc xin, chiếm 55,55% số trẻ trong diện tiêm chủng. Theo dõi phản ứng sau tiêm, có 310 ca phản ứng nhẹ và 9 ca phản ứng nặng (Đức Trọng 1 ca và Bảo Lâm 8 ca), tất cả các trường hợp này đang được chăm sóc theo dõi tại nhà và các cơ sở y tế.

Trong 11 tháng năm 2013, toàn tỉnh có 1.142 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 26 trường hợp so cùng kỳ, không có ca tử vong, bệnh xuất hiện tập trung ở TP.Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà và Đơn Dương.

          2. Hoạt động văn hóa, tuyên truyền - thể dục thể thao

Hoạt động văn hóa - thông tin tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh, khích lệ toàn dân hăng hái thi đua sản xuất. Trong tháng 11/2013, đã tổ chức Hội diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng với chủ đề “Tôn sư trọng đạo ngày 20/11”; đội chiếu bóng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa 45 buổi, thu hút trên 6.000 lượt người đến xem. Chuẩn bị các chương trình để kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Festival Hoa lần thứ 5, công bố Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên – Đà Lạt 2014. Trong những ngày qua, trên địa bàn thôn, tổ của các huyện , thành phố nô nức tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 83 năm thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2013).

Hoạt động bảo tàng thường xuyên mở cửa đón trên 300 khách đến tham quan, nghiên cứu. Thư viện tỉnh mở cửa phục vụ trên 400 lượt người đến đọc và mượn sách, báo, tài liệu.

Công tác quản lý nhà nước: trong tháng, các ngành chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra 12 cơ sở, phát hiện 02 vụ vi phạm, xử phạt với số tiền là 2,5 triệu đồng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện đang nhân rộng 07 mô hình xã văn hóa nông thôn mới tại các huyện, thành phố. Trong đó, huyện Đơn Dương được chọn xây dựng đề án thực hiện huyện điểm xây dựng nông thôn mới.

Thể thao thành tích cao: tham gia 03 giải toàn quốc và mở rộng, gồm giải vô địch cờ vua các đấu thủ mạnh, giải cầu lông cây vợt trẻ xuất sắc toàn quốc tại Bắc Giang và hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc tại Gia Lai.

Thể thao quần chúng: được duy trì thường xuyên với nội dung ngày càng phong phú, thu hút sự tham gia đông đảo quần chúng. Trong tháng, tổ chức Đại hội thể dục thể thao tỉnh Lâm Đồng lần thứ 7 tại sân vận động Đà Lạt.

          3. Giáo dục - Đào tạo

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động giáo dục trong tháng 11/2013 tăng cường chỉ đạo, thực hiện các biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, tăng cường sinh hoạt chuyên đề bộ môn về đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra đánh giá. Tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc: “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức thi đua chào mừng 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2013); tổ chức hội thi hiểu biết pháp luật cấp huyện, thành phố; kiện toàn các tổ chuyên môn các môn tin học, tiếng anh, thể dục, âm nhạc và mỹ thuật.

Nhìn chung, nhiệm vụ phát triển giáo dục ở các ngành học, bậc học được thực hiện khá tốt. Quy mô trường lớp, học sinh ổn định; các trường không ngừng nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, cảnh quan trường lớp.

4. Tình hình cháy nổ và thiệt hại

Trong tháng 1, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra một vụ cháy vào lúc 11 giờ ngày 9/11 tại số nhà 72 Cao Bá Quát, thành phố Đà Lạt đã thiêu rụi toàn bộ 3 căn nhà của người dân, không có thiệt hại về người, nguyên nhân cháy được xác định là do chập điện.

          5. Tình hình an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội

Ban An toàn giao thông tỉnh ban hành công văn số 138/BATGT ngày 16/08/2013, đề nghị lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông như điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định; chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép của phương tiện, của cầu đường; chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; sử dụng rượi bia khi tham gia giao thông; không thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công công trình trên đường bộ đang khai thác. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông, trong tháng 10/2013 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, giảm 09 vụ; làm chết 12 người, giảm 05 người; bị thương 20 người, giảm 09 người so cùng kỳ 2012. Tính chung 10 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 229 vụ tai nạn giao thông, giảm 109 vụ; làm chết 128 người, giảm 03 người; bị thương 191 người, giảm 134 người so cùng kỳ 2012.

Tóm lại, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục được giữ vững; đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ổn định và ngày càng cải thiện./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt