Lĩnh vực chuyên môn
Chuyên đề: Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra diện tích cây trồng trong thống kê Nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên 9.773,54 km2; toàn tỉnh có 10 huyện và 2 thành phố; có148 xã, phường (118 xã, 30 phường) và 1.668 thôn, tổ dân phố; xã có số thôn nhiều nhất là xã Đinh Trang Hòa của huyện Di Linh 21 thôn; thị trấn có số tổ dân phố nhiều nhất là Thị trấn Liên nghĩa của huyện Đức Trọng với 62 tổ dân phố…

     Tổng diện tích đất tự nhiên : 977.354 ha ( số liệu NGTK năm 2012)

     Trong đó : đất sản xuất nông nghiệp: 316.210 ha

                     đất lâm nghiệp có rừng : 581.563 ha

                     đất nuôi trồng thủy sản : 2.129 ha

                     đất nông nghiệp khác 152 ha

                     đất phí nông nghiệp : 53.763ha

                     đất chưa sử dụng : 23.534 ha      

       Trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cây hàng năm 69.279 ha, chiếm tỷ trọng 21,9%, đất trồng cây lâu năm 246.931ha chiếm 78,1%.

       Là một địa phương có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển sản xuất nông nghiệp, có thể nói Lâm Đồng là nơi hội tụ của hầu hết các loại cây trồng thuộc các vùng, miền của cả nước, trong đó nhiều loại cây trồng  có thể sản xuất được quanh năm, nhất là các giống rau, hoa.  

       Trong những năm qua, để đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp của từng địa phương ( xã, huyện và toàn tỉnh) sau khi kết thúc vụ sản xuất và cả năm.       Căn cứ hướng dẫn của Tổng cục Thống kê theo Quyết định số 329/QĐ-TCTK ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về việc ban hành các phương án điều tra nông nghiệp và thủy sản. Trước khi tiến hành điều tra, Cục Thống kê Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức hướng dẫn công tác điều tra cho Chi Cục Thống kê các huyện, thành phố cũng như trực tiếp đến điều tra viên. Theo đó, đối với điều tra diện tích gieo trồng cây nông nghiệp ( cây hàng năm và cây lâu năm) phương án hướng dẫn điều tra quy định:

     Đối tượng, đơn vị điều tra: là các thôn, ấp, bản có gieo trồng cây nông nghiệp, các khu phố ( nay là tổ dân phố) có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm từ 30 ha/vụ hoặc 30 ha cây lâu năm trở lên.

 

 

    Phương pháp điều tra : Kết hợp kê khai trực tiếp và kê khai loại trừ

 

     - Kê khai loại trừ ( áp dụng đối với cây trồng tập trung qui mô lớn trên địa bàn thôn, xã như : lúa, ngô, cao su, chè, cà phê…

      Nội dung phương pháp điều tra này là : trưởng thôn ( tổ trưởng dân phố) phối hợp cùng cán bộ liên quan cấp xã thăm đồng, quan sát và ước lượng những diện tích loại cây không điều tra ở từng cánh đồng, sau đó căn cứ số liệu diện tích canh tác đến thời điểm điều tra từng cánh đồng, từng khu vực có loại cây cần điều tra, để tính toán diện tích thực tế có gieo trồng loại cây cần điều tra .

     - Kê khai trực tiếp: (áp dụng đối với những cây trồng nhỏ lẻ hoặc trồng xen nhau giữa các loại cây trồng khác trên cùng cánh đồng). Trưởng thôn ( tổ trưởng dân phố) phối hợp với với cán bộ cấp xã thăm đồng, quan sát, ước lượng kết quả gieo trồng thực tế từng loại cây trồng ở từng cách đồng, từng chân ruộng khác nhau để tính toán tổng hợp diện tích gieo trồng cho loại cây điều tra.

      Căn cứ kết quả điều tra và báo cáo của trưởng thôn,thống kê  xã ( phường, thị trấn) lập báo cáo tổng hợp chung chia theo từng thôn, tổ dân phố. Sau đó cùng với cán bộ địa chính, cán bộ khuyến nông  rà soát  lại kết quả tổng hợp diện tích từng loại cây chung  của xã, phường, thị trấn  trước khi  trình Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ký báo cáo gửi Chi cục Thống kê để tổng hợp báo cáo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng.

       Kết quả đạt được qua điều tra diện tích cây trồng.

             ( Số liệu báo cáo chính thức năm 2012)  

    - Tổng DTGT năm 2012 : 334.659 ha, chia ra cây hàng năm 121.381ha, chiếm tỷ trọng 36,2%, cây lâu năm 213.278 ha chiếm 63,8% tổng DTGT cả năm.

     - Diện tích một số cây trồng chủ yếu năm 2012 qua kết quả điều tra diện tích như sau :

     + Lúa 33.195 ha, chiếm 27,3 DT cây hàng năm;

     + Ngô 17.669 ha,chiếm 14,5% DT cây hàng năm;

     + Lang 1.967 ha,chiếm 1,6% DT cây hàng năm;

     + Rau các loại 57.718 ha,chiếm 47,5% DT cây hàng năm;

     + Hoa các loại 6.245 ha, chiếm 5,1% DT cây hàng năm  ha;

     + Cà phê 151.493 ha chiếm 71% DT cây lâu năm, trong đó cho thu hoạch 142.768 ha;

     + Chè 23.209 ha chiếm 10,8% DT cây LN, trong đó cho thu hoạch 22049 ha;

     + Điều 16.359 ha chiếm 7,7% DT cây LN trong đó cho thu hoạch 15.540 ha;

     + Tiêu 406  ha, trong đó cho thu hoạch  337 ha;

     + Cao su 5.433 ha, trong đó DT cho sản phẩm 84 ha; 

     + Cây ăn  quả 11.053 ha.

       Từ số liệu tổng hợp kết quả qua điều tra diện tích cây trồng đã đáp ứng các yêu cầu : 

     - Đây  là cơ sở pháp lý quan trọng để tổng hợp đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh và từng địa phương qua từng vụ, từng năm và từng loại cây trồng báo cáo Tổng cục Thống kê và các cơ quan chức năng theo quy định.

     - Giúp các cấp, các ngành có cơ sở đề ra kế hoạch trong từng vụ, từng năm  tiếp theo và định hướng phát triển nông nghiệp Lâm Đồng theo hướng chất lượng cao, bền vững.

      -  Là cơ sở để tính toán một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác như : Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích, năng suất cây trồng, …

     Tuy nhiên, qua thực tế triển khai điều tra diện tích cây trồng theo phương án quy định của Tổng cục Thống kê, và thực tiễn tại địa phương qua tiếp thu ý kiến của hầu hết các Chi cục trưởng thống kê cũng như cán bộ Văn phòng – Thống kê và lãnh đạo một số xã, phường, thị trân trong việc triển khai điều tra diện tích tại địa bàn điều tra…Một số vấn đề cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra thống kê về nông nghiệp nói chung và diện tích cây trồng nói riêng ở tỉnh Lâm Đồng như sau :

     1.Lâm Đồng là một tỉnh miền Núi, tiềm năng về đất để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp còn khá lớn (hơn 300.000 ha rừng sản xuất và trên 23.000 ha đất chưa sử dụng). Đây chính là “cơ hội” cho tình trạng di dân tự do từ các nơi khác đến, cũng như một bộ phận dân cư lấn chiếm đất rừng phát triển sản xuất không theo quy hoạch,nhất là các địa bàn từng là điểm nóng về tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng cây nông nghiệp trong thời gian qua như  Lâm Hà, Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lâm…

     2.Trong những năm qua, cây cà phê đã khẳng định vị trí quan trọng đối với đời sống hàng ngàn hộ gia đình nói riêng và nền kinh tế của tỉnh Lâm Đồng nói chung…Do đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, điều đó xuất hiện tình trạng “vườn cà phê ” trồng xen kẽ trong nhiều cánh rừng ( kể cả rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương,gây rất nhiều khó khăn trong công tác thống kê diện tích cây trồng.

     3. Do được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi có thể canh tác nhiều lần/ vụ, nhiều vụ/năm, nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích, cùng một cánh đồng (phổ biến ở Lâm Đồng hiện nay là trong một vụ trồng nhiều loại rau, hoa; trên cùng một mảnh đất trồng xen nhiều loại cây trồng như: đậu trồng xen cây ngô, cây ngô, sắn trồng xen cây cà phê, cây cà phê xen chè hoặc xen sầu riêng, cây ăn quả khác…)

     4. Công tác đo đạc, xác định loại đất và ranh giới đất sản xuất giữa các thôn ( tổ dân phố) trong cùng một xã, phường, thị trấn chưa được phân định cụ thể. Hiện tượng xâm canh giữa các địa phương trong tỉnh vẫn còn khá phổ biến. Điều đó cho thấy, nếu lấy thôn là địa bàn điều tra diện tích, thì điều tra viên ( trường thôn) không  có cơ sở để xác định thông tin ghi phiếu ( điều tra theo phương pháp kê khai loại trừ). Thực tế hiện nay ở các địa phương tình trạng trên cùng một cánh đồng có dân của nhiều thôn cùng sản xuất vẫn còn khá phổ biến.

     5. Trong những năm qua, ngành thống kê đã có nhiều quan tâm trong công tác tuyển chọn và bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra thống kê cho lực lượng điều tra viên ở các địa bàn điều tra ( trong thống kê nông nghiệp phổ biến là thôn, tổ dân phố mà chủ yếu là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố). Bên cạnh một số điều tra viên rất nhiệt tình, có kinh nghiệm và am hiểu địa bàn vẫn còn nhiều trường hợp rất hạn chế về kiến thức kinh tế, nhất là người dân tộc bản địa và thường xuyên thay đổi nên việc nắm bắt tình hình và cập nhật thông tin trên địa bàn không liên tục.

    6. Tình trạng dấu diện tích để giảm chỉ tiêu giao kế hoạch thu thuế hàng năm , nhất là đối với thuế tiêu thụ cà phê  (qua hoạt động mua bán sản phẩm) vẫn còn trong suy nghĩ của một số lãnh đạo địa phương ( xã, huyện) nên việc báo cáo không đúng  thực tế vẫn còn xẩy ra ở một số địa phương. Hiện vẫn còn một số địa phương (xin không nêu tên) số liệu điều tra diện tích (chủ yếu cây cà phê) với thực tế vẫn còn chênh lệch hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha cà phê nhưng ngành thống kê địa phương vẫn chưa thể đưavào kết quả điều tra (vì không đủ tính pháp lý do chính quyền những địa phương đó không xác nhận báo cáo kết quả điều tra).   

    7. Nguồn kinh phí  chi cho công tác điều tra diện tích mặc dù Tổng cục Thống kê đã cấp năm sau cao hơn năm trước, nhưng thực tế  còn quá ít (năm 2012 và 2013 được cấp 38.000 đồng/thôn) nên không khuyến khích ĐTV (trưởng thôn) khi tổ chức thăm đồng hoặc đến hộ kê khai số liệu vào phiếu điều tra.

    Từ những  vấn đề trên, có thể khẳng định kết quả điều tra diện tích cây trồng ở địa phương Lâm Đồng  trong những năm qua tuy đã đạt kết quả nhất định, song chưa phản ánh chính xác qui mô diện tích, cơ cấu các loại cây trồng trên địa bàn.

    Có thể minh họa một số điển hình qua kết quả kiểm tra, giám sát điều tra diện tích cây trồng vụ hè thu 2012 của một số địa phương như sau :

    Theo số liệu kiểm tra diện tích sản xuất cây bắp vụ hè thu năm 2012 tại thôn 1 xã Tam Bố của huyện Di Linh: số do trưởng thôn báo cáo là 68 ha, nhưng sau khi đoàn kiểm tra làm việc với cán bộ Văn phòng- Thống kê xã và cán bộ chức năng của xã thì số diện tích ngô  của thôn 1 không phải 68 ha như  phiếu điều tra đã ghi mà là 628 ha ( chênh lệch gấp gấn 10 lần), và nhiều trường hợp khác.

    Cũng từ những bất cập trên, dẫn đến tình trạng khá phổ biến trong điều tra kết thúc diện tích cây trồng thời gian qua là sự thỏa hiệp giữa cán bộ xã với ĐTV  (trưởng thôn), tức là Phiếu điều tra sau khi Chi cục Thống kê giao cho cán bộ Văn phòng- Thống kê xã, phường  nhưng không đến tay ĐTV mà do Cán bộ VP-TK sau khi thống nhất với các bộ phận chức năng của xã như : Khuyến nông, địa chính, Hội nông dân… thì phân bổ trực tiếp cho các thôn, trưởng thôn (ĐTV) chỉ làm động tác ký vào phiếu điều tra để làm thủ tục nghiêm thu thanh toán theo quy định.

     Để khắc phục những hạn chế và góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong điều tra diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Tổng cục Thống kê xem xét và điều chỉnh phương án hoặc cho tỉnh Lâm Đồng được tiến hành  điều tra diện tích cây trồng như sau :

    1.Đối với những thôn, tổ dân phố đã đo đạc, phân vùng  và xác định ranh giới cụ thể, trong từng vụ chỉ trồng thuần một số ít loại cây trồng ( lúa, rau…) như một số thôn (tổ dân phố) của huyện Đức Trọng, Đơn Dương, thành phố Đà Lạt…;trình độ của điều tra viên vững vàng , am hiểu địa bàn và có tinh thần trách nhiệm cao… thì lấy thôn, tổ dân phố làm đơn vị điều tra là phù hợp (từ năm 2013 Cục Thống kê đã trang bị sổ đến từng trưởng thôn để ghi chép và cập nhật thông tin). 

    2.Đối với những thôn (tổ dân phố) diện tích đất sản xuất chưa xác định cụ thể, trình độ của điều tra viên thấp (nhất là vùng đồng bào dân tộc), trong vụ trồng xen canh nhiều loại cây trồng (vụ hè thu); tình trạng xâm lấn đất lâm nghiệp khá phổ biến như một số xã của huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông, huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm… thì không cần thiết lấy thôn là địa bàn điều tra, mà chỉ thực hiện đến cấp xã theo phương pháp thống kê loại trừ. Cụ thể là :

    Sau khi kết thúc khâu gieo trồng từng vụ sản xuất, Chi cục Thống kê các huyện, thành phố (đối với những địa phương tình hình thống kê diện tích còn   nhiều phức tạp) đề xuất với Chủ tịch UBND huyện quyết định thành lập đoàn công tác làm việc với UBND các xã, phường về kết quả sản xuất trong vụ của xã, phường. Thành phần đoàn  công tác gồm đại diện các phòng: Tài nguyên môi trường, Phòng Nông nghiệp, Phòng Tài chính- Kế hoạch, Chi cục Thống kê và mời thêm Hội nông dân do Phó Chủ tịch kinh tế làm trưởng đoàn. Phương pháp làm việc là tổ chức đi thăm đồng kết hợp với đối chiếu, rà soát, cân đối từng loại đất so với  bản đồ đã đo đạc, phân định diện tích đất sản xuất của từng xã, phường (không cần chia đến thôn). Sau khi thống nhất giữa các thành viên trong đoàn công tác của huyện với xã, phường thì lập biên bản để các thành viên trong đoàn cùng ký để làm cơ sở pháp lý. Cách làm này UBND huyện Đức Trọng đã áp dụng triển khai trong nhiều năm qua và  số liệu điều tra đảm bảo độ tin cậy cao (qua kiểm tra, cân đối diện tích giữa các loại đất đã đo đạc và phân định).Ưu điểm của phương pháp này là :

    -Tạo sự thống nhất về số liệu giữa các cơ quan chức năng của huyện, thành phố và làm cơ sở để cấp xã, phường làm các báo cáo gửi các cơ quan chức năng theo quy định.

   - Nguồn thông tin đảm bảo sự tin cậy cao do căn cứ vào kết quả đo đạc trên bản đồ với quan sát thực tế.

   - Tiết kiệm thời gian và kinh phí  điều tra do không phải chi trả đến từng thôn, khu phố; không phát sinh phiếu điều tra mà chỉ cần phiếu tổng hợp đến cấp xã; tiết kiệm công nhập tin thay vì phải nhập từng thôn thì nay chỉ nhập đến cấp xã… 

Hồ Trung Hiếu


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt