Lĩnh vực chuyên môn
Một số vấn đề về điều tra giá tiêu dùng tại Lâm Đồng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI: Consumer Price Index) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian hay nói cách khác là chỉ tiêu tương đối phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá cả chung qua thời gian của một số lượng cố định các loại hàng hoá và dịch vụ đại diện cho tiêu dùng cuối cùng, phục vụ đời sống bình thường của người dân.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một chỉ số cơ bản đo lường giá cả hàng hoá dịch vụ và cho biết liệu nền kinh tế có bị lạm phát hoặc giảm phát hay không. CPI thường được quan tâm theo dõi và đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định tài chính như công tác điều hành, quản lý, nghiên cứu các chính sách tiền lương, lãi suất ngân hàng, quản lý tài chính, tiền tệ, tính toán sức mua tương đương (PPP) và xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh; CPI còn được sử dụng để loại trừ yếu tố biến động (tăng/giảm) giá trong việc tính toán một số chỉ tiêu thống kê tổng hợp theo giá so sánh; thông tin về CPI còn đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, của  người dân và các đối tượng dùng tin khác trong việc đưa ra các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình.

Căn cứ Quyết định số 409/QĐ-TCTK ngày 22 tháng 5 năm 2009 và phương án điều tra ban hành kèm theo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về điều tra và báo cáo thống kê giá tiêu dùng thời kỳ 2009- 2014. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện nay của Việt Nam  được tính bằng bằng phương pháp bình quân gia quyền giữa CPI của 6 vùng kinh tế. CPI của vùng kinh tế được tính bằng phương pháp bình quân gia quyền giữa CPI của các tỉnh, thành phố trong vùng. CPI của từng tỉnh, thành phố được tính bằng phương pháp bình quân gia quyền giữa mức biến động giá của các nhóm hàng với quyền số tương ứng của từng nhóm hàng. Sau thời kỳ 5 năm, danh mục hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh, bổ sung những hàng hoá hoặc dịch vụ mới, loại đi những hàng hoá hoặc dịch vụ không còn xuất hiện trên thị trường, đảm bảo đại diện cho tiêu dùng của dân cư trong thời kỳ mới, giai đoạn hiện tại đang dùng danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện thời kỳ 2009-2014.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được hình thành từ các nguồn thông tin cơ bản:

- Qui định điểm điều tra đối với những mặt hàng lương thực - thực phẩm: mỗi mặt hàng cần chọn 3 điểm điều tra; các mặt hàng khác chỉ cần chọn 1 điểm điều tra. Thời điểm điều tra giá tiêu dùng là 3 kỳ vào các ngày ngày 5, 15 và 25 hàng tháng; những mặt hàng điều tra 1 kỳ/tháng được tiến hành thu thập giá vào ngày 5 hàng tháng.  Điều tra viên phải trực tiếp đến các điểm điều tra để thu thập giá và ngành Thống kê phải thường xuyên kiểm tra, phúc tra, giám sát công việc điều tra thực tế của điều tra viên.

- Chi tiêu của hàng nghìn hộ gia đình trên toàn quốc, thông qua việc khảo sát thị trường để nắm tình hình lưu thông hàng hoá, tập quán tiêu dùng và chi tiêu của dân cư để tính tỷ trọng tiêu dùng của từng nhóm hàng hoá dịch vụ chủ yếu trong tổng số chi tiêu cho đời sống hàng ngày của người dân gọi là Quyền số giá tiêu dùng. Bao gồm hai loại: Quyền số dọc là tỷ trọng chi tiêu từng nhóm hàng so với tổng chi tiêu của dân cư. Quyền số ngang là tỷ trọng chi tiêu của từng khu vực thành thị và nông thôn.

- Rổ hàng hoá dịch vụ được sử dụng để tính gồm 572 mặt hàng và dịch vụ tiêu dùng có đầy đủ các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày của người dân (với mức thu nhập trung bình) cũng là những hàng hoá, dịch vụ đại diện, được nhân dân ưa chuộng, đang tiêu dùng phổ biến và có khả năng tồn tại trong cả thời kỳ thu thập giá và tương đối phù hợp với danh mục điều tra của các nước khác để đảm bảo tính so sánh quốc tế của chỉ số giá. Ngoài ra, trong danh mục điều tra giá còn có hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ được sử dụng để tính chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ. 

- Mẫu phiếu điều tra để thu thập thông tin như sau: (mẫu phiếu kèm theo phụ lục 01)

 

Trong những năm qua, hàng tháng ngành Thống kê đã tính toán và công bố chỉ số giá tiêu dùng ngày càng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm và cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin trong việc điều hành phát triển kinh tế trong nước và của từng địa phương. Căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ, các cấp, các ngành đề ra những chính sách giải pháp phù hợp trong việc kìm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

I. Một số tồn tại trong điều tra giá tiêu dùng hiện nay:

 Bên cạnh những mặt đã làm được, việc điều tra và tính toán chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn một số tồn tại nhất định:

1. Tồn tại do sử dụng rổ hàng hoá và quyền số cố định:

- CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá mới do sử dụng rổ hàng hoá cố định trong khi nếu có hàng hoá mới xuất hiện thì một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không phản ánh được sự gia tăng sức mua này của đồng tiền nên vì thế lại đánh giá mức giá cao hơn thực tế.

- Không phản ánh được sự thay đổi của chất lượng hàng hoá vì nếu mức giá của một hàng hoá cụ thể nào đó tăng nhưng chất lượng cũng tăng tương ứng thậm chí tăng hơn thì trên thực tế mức giá không tăng. Chất lượng hàng hoá dịch vụ nhìn chung đều có xu hướng được nâng cao nên CPI cũng làm mức giá tăng cao.

- Quyền số cố định nên chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi cơ cấu tiêu dùng giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm hàng qua các năm trong chỉ số giá.

2. Tồn tại do qui định điểm điều tra, thời điểm, phương pháp điều tra:

- Số lần đến thu thập thông tin giá tại điểm điều tra quá nhiều và lặp lại thường xuyên trong tháng nên gây phiền hà cho các điểm điều tra và dễ xảy ra việc kê khai giá qua loa, đại khái nên không chính xác.

- Đối với những mặt hàng lấy giá tại 3 điểm trong cùng một khu vực điều tra phần lớn ít có sự chênh lệch về mức giá giữa các điểm nên dễ dẫn đến tình trạng điều tra viên chỉ thu thập giá tại một điểm và sao chép cho các điểm còn lại.

- Đối với 436 mặt hàng chỉ lấy giá tại kỳ ngày 5 hàng tháng thì không phản ánh được tình hình tăng giảm giá của những mặt hàng này trong các dịp lễ, tết xảy ra trong tháng.

3. Tồn tại do thiết kế phiếu điều tra:

- Mẫu phiếu điều tra hiện nay được thiết kế theo dạng biểu trung gian, tất cả các mặt hàng của các điểm điều tra đều được cập nhật chung vào một biểu, không có xác nhận tên và chữ ký của người cung cấp thông tin và điểm điều tra nên không chứng minh được giá thu thập của điều tra viên là được cung cấp bởi đúng đối tượng điều tra và điểm điều tra. (ví dụ: điều tra viên hỏi giá không phải do người quản lý hoặc người trực tiếp kinh doanh cung cấp, mà hỏi người làm thuê) cho nên có thể dẫn tới hiện tượng sai số khi điều tra. Trong khi người cung cấp thông tin là một nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng của toàn bộ cuộc điều tra, nếu điều tra viên khai thác thông tin không đúng đối tượng sẽ dẫn đến thu thập không đúng hoặc thiếu chính xác số liệu giá kéo theo việc tổng hợp và công bố sẽ không phản ánh đúng thực tế chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn.

- Không kiểm tra cũng như giám sát được việc điều tra viên có đến lấy giá tại cơ sở hay không? Vì trong phiếu không thể hiện được nội dung xác nhận giá của các cơ sở cung cấp.

- Đối với giám sát viên sẽ khó kiểm tra việc điều tra viên có đi thu thập giá tại các điềm đúng qui định hay không vì trong phiếu điều tra không có tên cơ sở và người cung cấp thông tin? Giám sát viên cũng ngại việc đi kiểm tra, phúc tra giá tại các cơ sở do tư tưởng sợ làm phiền cơ sở vì số lần thu thập quá nhiều nhưng cơ sở kê khai không được một quyền lợi gì?

- Phiếu điều tra được thiết kế chưa đảm bảo việc giữ bí mật thông tin của cơ sở vì sử dụng chung cho tất cả các điểm giá; đồng thời cũng chưa đảm bảo cho việc thanh toán vì chưa chứng thực rõ được nội dung cung cấp giá của các điểm điều tra, chỉ phản ánh được giá thu thập của điều tra viên.

 

 II. Một số đề xuất để khắc phục tồn tại trong thời gian tới:

Để việc thu thập và tính toán Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng số liệu; công tác kiểm tra, giám sát việc thu thập giá tại các khu vực điều tra được tốt hơn cũng như tạo sự phối hợp, cộng tác tốt giữa ngành Thống kê, lực lượng điều tra viên với các điểm điều tra thu thập giá. Trong thời gian tới cần có một số cải tiến như sau:

1. Cập nhật rổ hàng hóa và quyền số tiêu dùng:

Hàng năm cần tiến hành cập nhật, bổ sung vào rổ hàng hóa những sản phẩm mới đang được tiêu dùng phổ biến và có thể làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng trên địa bàn. Tiếp tục rà soát và cập nhật lại cơ cấu rổ hàng và quyền số tính chỉ số giá với chu kỳ ngắn hơn (4 năm một lần thông qua điều tra khảo sát chi tiêu 2 năm/lần của Vụ Xã hội – Môi trường) nhằm nâng cao tính đại diện của danh mục hàng hóa dịch vụ được thu thập giá và phản ánh sát hơn cơ cấu tiêu dùng của người dân.

2. Phương pháp thu thập thông tin:

- Đối với những mặt hàng thu thập giá 3 kỳ/tháng chỉ cần điều tra tại 01 điểm trong 1 khu vực (chợ, trung tâm thương mại) vì sự biến động giá giữa các điểm trong cùng một khu vực có xu hướng đồng nhất và 1 điểm điều tra ở khu vực khác nhưng ưu tiên chọn cửa hàng có nhiều mặt hàng điều tra tiêu dùng phổ biến để kiểm tra đối chiếu. Ưu điểm là giảm được số điểm điều tra theo phương pháp hiện nay và kiểm tra chéo, đối chiếu giá các mặt hàng của điểm điều tra này với điểm điều tra khác ngoài khu vực.

- Đối với một số mặt hàng như giá cước vận tải, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, hoa, các dịch vụ làm đẹp, sửa chữa. . . trong 436 mặt hàng chỉ thu thập giá tại 1 kỳ ngày 5 hàng tháng nếu rơi vào các dịp lễ, tết giá tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng thì nên tính theo giá bình quân thời gian (như cách tính giá xăng dầu), có nghĩa là lấy số ngày phát sinh trong tháng làm quyền số khi tính giá bình quân của các mặt hàng này để đảm bảo phản ánh đúng thực tế tình hình tăng giảm giá cả trên địa bàn trong dịp lễ, tết.

3. Thiết kế lại nội dung phiếu điều tra: (mẫu phiếu kèm theo phụ lục 02)

 

 

 Lưu ý: Cần lựa chọn các điểm điều tra phải đảm bảo đủ các mặt hàng trong danh mục điều tra giá tiêu dùng, tránh tình trạng trùng lắp hoặc bỏ sót.

Ưu điểm của phiếu điều tra:

- Dễ kiểm tra việc ghi giá của cơ sở vì các mặt hàng điều tra đã được thiết kế sẵn trong phiếu điều tra.

- Cột 1 giá điều tra trong phiếu do đối tượng điều tra tự ghi nên dễ dàng cho việc ghi giá trong thời điểm thích hợp sẽ giảm hiện tượng trả lời qua loa, đại khái cho xong việc khi điều tra viên đến thu thập thông tin trong những thời điểm không thích hợp. Thông tin cung cấp trong phiếu được khai thác đảm bảo đúng đối tượng điều tra và điểm điều tra được chọn lấy giá vì có xác nhận tên và chữ ký của người cung cấp thông tin.

- Cột 2 giá kiểm tra trong phiếu sẽ thuận tiện cho giám sát viên, điều tra viên trong việc xác minh những mặt hàng có giá tăng giảm bất thường. Mặt khác, tăng cường trách nhiệm của điều tra viên và giám sát viên trong việc kiểm tra và thu thập giá tại các cơ sở cung cấp.

- Khắc phục được tình trạng điều tra viên chỉ lấy giá một điểm tại 3 điểm điều tra trong cùng một khu vực điều tra và tự ghi giá các điểm còn lại trong phiếu điều tra cũ.

- Trong phiếu điều tra ghi cụ thể đơn vị tính, cũng như mục đích, nội dung và tính bảo mật của việc cung cấp thông tin giá để các đối tượng cung cấp thông tin hiểu và tăng cường cộng tác, phối hợp ngày càng tốt hơn.

- Phiếu điều tra được thiết kế đảm bảo tính pháp lý cho việc chứng thực trong thủ tục thanh toán.

- Chi trả thù lao cho người cung cấp thông tin tại các điểm điều tra có quy mô số lượng mặt hàng nhiều; điều tra viên tăng cường giám sát, kiểm tra và thu phiếu các điểm điều tra quy mô lớn và trực tiếp thu thập thông tin những điểm điều tra có số lượng mặt hàng ít.

4. Chương trình nhập tin giá tiêu dùng:

- Chương trình nhập tin giá tiêu dùng cần viết theo hướng nhập tin từng điểm điều tra sẽ tiện dụng trong việc thay thế điểm điều tra, gán giá khi thay thế mặt hàng mới cũng như dễ dàng trong việc kiểm tra giám sát từng điểm điều tra.

- Bổ sung trong chương trình so sánh giá của các kỳ trong mỗi khu vực và giữa các khu vực điều tra với nhau.

III. Những công việc Cục Thống kê Lâm Đồng đã và đang triển khai ngoài phương án điều tra giá tiêu dùng:

- Hàng năm in và gửi thư cảm ơn đến các điểm điều tra giá tiêu dùng nhân dịp năm mới; nội dung cảm ơn và ghi nhận sự phối hợp và cung cấp thông tin của cơ sở trong việc cung cấp thông tin giá cả hàng hóa hàng tháng để phục vụ tính toán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương sử dụng trong công tác quản lý, điều hành tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nhằm mục đích ổn định nền kinh tế vĩ mô.

- Đang triển khai thu thập thông tin giá theo phiếu điều tra mới nhằm thu thập trực tiếp giá từ các điểm điều tra và đảm bảo tính pháp lý và thanh toán trong điều tra.

- Đang tiếp tục tiến hành rà soát chọn những điểm điều tra đa dạng chủng loại hàng hóa và nhiều mặt hàng trong danh mục điều tra để chi trả thù lao trực tiếp cho người cung cấp thông tin nhằm khuyến khích và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin của điểm điều tra.

Đối với việc triển khai phiếu điều tra mới và chi trả thù lao cho các điểm điều tra đang trong quá trình thực hiện Cục Thống kê Lâm Đồng sẽ tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm nhằm thực hiện đảm bảo nguồn kinh phí do Trung ương cấp, nhưng chất lượng thông tin ngày càng được nâng lên và phản ánh đúng tình hình giá cả tiêu dùng trên địa bàn nhằm giúp địa phương cũng như các ngành, các cấp có những cơ chế chính sách phù hợp trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, để ngày càng nâng cao vai trò vị trí của ngành Thống kê trong việc bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời của số liệu theo Luật Thống kê./.

                                                                                

 

Phụ lục 01 : Mẫu phiếu điều tra hiện nay

                                                                                  

Biểu 1.1/ĐTG                                                                                                   + Nơi gửi:

                                       PHIẾU ĐIỀU TRA              + Khu vực điểu tra:

                                GIÁ BÁN LẺ HÀNG HÓA VÀ      ………..…………….

                                   DỊCH VỤ TIÊU DÙNG           + Tên điều tra viên:

                                                            Kỳ …. Tháng …. Năm …. 200            ………………………..

Ngày điều tra                                                                                                     + Nơi nhận:

+ Kỳ 1 ngày 25 tháng trước tháng BC                                                                                         Cục Thống kê tỉnh/thành phố

+ Kỳ 2 ngày 5 tháng báo cáo

+ Kỳ 3 ngày 15 tháng báo cáo

Mã số

Mặt hàng, quy cách phẩm cấp và nhãn hiệu hàng hóa

Dạng quan sát

Khối lượng quan sát

Đơn vị quan sát

Điểm điều tra 1

Điểm điều tra 2

Điểm điều tra 3

Ghi chú

A

B

1

2

3

4

5

6

7

 

 

 

 

Ghi theo danh mục đã chỉ định cho điều tra viên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

…., ngày ….. tháng …. Năm 200…

Người kiểm tra

 

 

Điều tra viên

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

 

Phụ lục 02 : Mẫu phiếu điều tra mới

 

Biểu 1.1/ĐTG

PHIẾU ĐIỀU TRA                  

GIÁ BÁN LẺ HÀNG HÓA VÀ

DỊCH VỤ TIÊU DÙNG

Kỳ …. Tháng …. Năm …. 200

Điểm điều tra:…………………………………………………………………………..

Họ và tên người cung cấp thông tin:…………………………………………….

Điện thoại: ………………………………… Email:…………………….………..

Kỳ điều tra                                                                               Nơi nhận:

+ Kỳ 1 ngày 25 tháng trước tháng BC                                                           - Chi cục Thống kê huyện, thành phố;

+ Kỳ 2 ngày 5 tháng báo cáo                                                                        

+ Kỳ 3 ngày 15 tháng báo cáo

Các thông tin cung cấp trong phiếu này chỉ nhằm mục đích phục vụ công tác Thống kê,

Để tính chỉ số giá tiêu dùng và được bảo mật theo Luật Thống kê

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị tính: đồng

Số TT

Mặt hàng, quy cách phẩm cấp và nhãn hiệu hàng hóa

Mã số

Khối lượng quan sát

Giá điều tra

Giá kiểm tra

Ghi chú

A

B

C

D

1

2

3

 

Ghi theo danh mục mặt hàng đã chọn cho cơ sở

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyên nhân tăng giảm trong kỳ (nếu có):

 

 

 

 

 

 

…., ngày ….. tháng …. năm 200…

Người kiểm tra

Giám sát viên

Người quản lý/cung cấp thông tin

(Ký, ghi rõ họ tên)

(Ký, ghi rõ họ tên)

(Ký, ghi rõ họ tên)

                         

 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt