Tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng phát triển ổn định; tăng trưởng hầu hết các ngành như sản xuất nông nghiệp; sản xuất công nghiệp; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá.
1. Tài chính
Kế hoạch tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 được giao là 308,9 tỷ đồng, trong đó thu thuế và phí 169,9 tỷ đồng, thu từ bán nhà, cấp đất, thuê đất là 115,4 tỷ đồng, thu khác ngân sách là 23,6 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng năm 2023 đạt 101.512 triệu đồng, đạt 32,86% kế hoạch, chỉ đạt 63,16% so với cùng kỳ. Trong đó, Thu thuế và phí là 68.196 triệu đồng, giảm 34,46%; thu từ bán nhà, cấp đất, thuê đất là 20.256 triệu đồng, giảm 56,37%; thu khác ngân sách là 13.060 triệu đồng, tăng 27,54% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 294,7 triệu đồng đạt 44,76% kế hoạch, bằng 95,31% so với cùng kỳ.
2. Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do địa phương quản lý là 266.010 triệu đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 184.040 triệu đồng, ngân sách cấp huyện là 81.970 triệu đồng.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 105.758 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 63.664 triệu đồng và vốn ngân sách cấp huyện đạt 37.500 triệu đồng. Tiếp tục hoàn thiện các công trình còn lại và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thực hiện nông thôn mới, sửa chữa các phòng làm việc tại các cơ quan, xây dựng đường liên thôn, liên xã; sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
3.1. Sản xuất nông nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đơn Dương chủ yếu tập trung sản xuất và thu hoạch cây hằng năm vụ Đông Xuân và sản xuất vụ Hè Thu. Trong đó:
Cây lúa: Diện tích gieo trồng đạt 533 ha, giảm 15,53% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm đạt 3.141,5 tấn, giảm 15,27% so với cùng kỳ.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng 119,3 ha, tăng 8,21%; diện tích đã thu hoạch 65,8 ha, tăng 15,44%; sản lượng thu hoạch đạt 326,2 tấn, tăng 16,07% so với cùng kỳ.
Khoai lang: Diện tích khoai lang gieo trồng là 319,3 ha, tăng 13,14% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch là 200,6 ha, tăng 20,34%; sản lượng đạt 5.398,8 tấn, tăng 21,89% so với cùng kỳ.
Cây rau các loại: Diện tích rau các loại gieo trồng là 9.722,8 ha, tăng 0,74% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch là 9.721,4 ha, tăng 0,72%; sản lượng thu được 387.165,5 tấn, tăng 0,35% so với cùng kỳ.
Đậu các loại: Diện tích giao trồng là 70,3 ha, giảm 5,42% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch là 71,1 ha với sản lượng 101,3 tấn, giảm 4,37% so với cùng kỳ.
Cây lâu năm: Nhóm cây trồng lâu năm của huyện chủ yếu là nhóm cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm. Cây cà phê với diện tích 1.449,9 ha; cây hồ tiêu với diện tích 6,8 ha; cây hồng với diện tích 1.021,1 ha; cây chuối có diện tích 82,3 ha; cây dứa 74,5 ha với sản lượng thu hoạch ước đạt 530,5 tấn. Hiện trên địa bàn huyện không có diện tích trồng mới cây lâu năm. Trong 6 tháng năm 2023, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch như hồ tiêu sản lượng đạt 7,5 tấn; chuối đạt 1.280 tấn, tăng 3,23% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi:
Tình hình chăn nuôi ổn định, tăng khá trên đàn bò, đàn gia cầm và không có dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi. Số bò sữa tăng do nhiều hộ mở rộng quy mô nuôi, nhờ nguồn thu nhập ổn định từ sữa bò được các công ty ký kết thu mua từ đầu năm từ Công ty Dalatmilk và Vinamilk.
Đàn trâu hiện có 2.377 con, tăng 0,46% so với cùng kỳ. Số con xuất chuồng trong 6 tháng 2023 là 394 con với sản lượng thịt là 108,9 tấn, tăng 3,13% so với cùng kỳ.
Đàn bò đạt 28.948 con so cùng kỳ tăng 3,47%, trong đó: bò sữa là 16.445 con, tăng 0,02% so cùng kỳ. Số con bò xuất chuồng trong 6 tháng năm 2023 là 1.940 con với sản lượng thịt là 500,63 tấn. Sản lượng sữa tươi ước đạt 33.830 tấn, tăng 2,13% so với cùng kỳ.
Tổng đàn lợn ước đạt 9.370 con, giảm 7,68% so với cùng kỳ. Số con xuất chuồng trong 6 tháng là 12.350 con, giảm 5,18%; sản lượng đạt 1.180 tấn, giảm 4,48% so cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm 279,5 ngàn con, tăng 1,93% so với cùng kỳ, trong đó: đàn gà 267 ngàn con; trong 6 tháng năm 2023 sản lượng gà xuất chuồng là 325 tấn, sản lượng trứng gà là 10.956 nghìn quả, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
3.2. Lâm nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện đã trồng được 1.233.564/4.800.000 cây phân tán, cây đa mục đích, đạt 25,7% so với kế hoạch; tổ chức Lễ phát động trồng cây xanh năm 2023 tại xã Ka Đô, lễ phát động đã trồng 260 cây (130 cây Sao đen và 130 cây Muồng) dọc tuyến đường ĐT 727 (từ nhà văn hoá xã Ka Đô đến cầu 13 Ka Đô).
3.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định do tận dụng diện tích ao hồ chủ yếu chứa nước để tưới tiêu cho cây rau hoa. Năng suất nuôi không đạt nên bà con cũng không mạnh dạn đầu tư thêm để nuôi cá. Sản lượng cá khai thác nội địa trong 6 tháng năm 2023 đạt 0,75 tấn. Diện tích nuôi trồng cá nội địa là 66,5 ha thu hoạch cá nuôi trồng nội địa đạt 68,1 tấn.
II. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực cá thể theo giá hiện hành trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 101.982 triệu đồng, tăng 7,08% so với cùng kỳ. Khu du lịch Samten Hills đi vào hoạt động đã thu hút một lượng khách đến tham quan đáng kể mỗi ngày, làm tăng năng suất năng lực sản xuất một số sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó:
+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 41,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đạt 42.188,6 triệu đồng. Trong đó, các hộ các hộ sản xuất bánh, giò chả…ổn định đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; sản phẩm bánh các loại tăng 7,6%; miến hủ tiếu tăng 8,4%; giò chả tăng 8,24% so với cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất đồ uống chiếm tỷ trọng 15,61% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp khu vực cá thể, đạt 15.922 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm nước tinh khiết tăng tăng 10,40%; sản phẩm rượu trắng tăng 9,22% so với cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất trang phục đạt 7.489 triệu đồng, chiếm 7,34% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
+ Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đạt giá trị 20.721,9 triệu đồng, chiếm 20,32% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
V. Văn hóa - xã hội
Văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông: Trong 6 tháng năm 2023 huyện Đơn Dương tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid 19 trên Trang thông tin điện tử huyện, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, hệ thống trạm truyền thanh cấp xã.
Giáo dục đào tạo: Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở dục phổ thông. Tiếp tục triển khai kế hoạch giáo dục và đào tạo năm học 2022 – 2023. Các trường Tiểu học, THCS tiếp tục tham gia tập huấn Chương trình phổ thông năm 2018 và góp ý sách giáo khoa lớp 4, 8. Kiểm tra kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận lại trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Kiểm tra, đánh giá học kỳ II năm học 2022 – 2023. Triển khai công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023 – 2024. Tổ chức xét hoàn thành chương trình tiểu học và xét tốt nghiệp THCS năm học 2022 - 2023. Tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh.
Y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện. UBND huyện ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023
Lao động và thương binh xã hội: An sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo, Triển khai thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 26/4/2023 của UBND huyện về việc Kế hoạch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 08/5/2023 về triển khai Tháng hành động vì trẻ em trên địa bàn huyện năm 2023. |