Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 thành phố Bảo Lộc
Trích từ Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 của Chi cục Thống kê khu vực Bảo Lộc – Bảo Lâm

1.     Đánh giá chung

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Bảo Lộc tiếp tục phát triển nhưng ở mức độ thấp; ngành nông nghiêp, giá cả nông sản tăng, đặc biệt là giá cà phê nhân; tuy nhiên, đàn gia súc giảm, nhất là đàn bò sữa do giá thức ăn gia súc giữ ở mức cao; ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng chững lại do thiếu nguyên liệu đầu vào như chè búp tươi,…; giá cả hàng hóa tiêu dùng ổn định, ít biến động; khu vực dịch vụ đang dần phục hồi như thời kỳ trước dịch bệnh Covid-19…

2. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực chủ yếu

2.1. Tài chính, tín dụng

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tổng thu 6 tháng đầu năm đạt 1.563,9 tỷ đồng, giảm 5,4% và đạt 48,8% dự toán cả năm; trong đó, thuế phí đạt 1.388,5, đạt 54,0% dự toán, thu từ nhà đất đạt 145,9 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán và giảm 39,4% so cùng kỳ. Các khoản thu từ nhà đất đạt thấp do thị trường chuyển nhượng bất động sản gặp nhiều khó khăn. Các khoản thu đạt khá như thu từ doanh nghiệp nhà nước TW tăng 10,9% và đạt 55,8% dự toán, thu thuế công thương ngoài quốc doanh đạt 957,3 tỷ đồng, tăng 21,3% và bằng 62,6% dự toán, riêng thuế trước bạ và thuế thu nhập đạt thấp so dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 435,5 tỷ đồng, bằng 37,5% dự toán và tăng 3,8% so cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, chi các chính sách an sinh xã hội, trợ cấp Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.... Trong 6 tháng chi cân đối qua ngân sách nhà nước đạt 396 tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 158,5 tỷ đồng, bằng 58,2% so dự toán, chi thường xuyên ước đạt 237,5 tỷ đồng, bằng 37,3% sự toán và giảm 7,3% so cùng kỳ.

Doanh số cho vay của các ngân hàng, quỹ tín dụng 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27.437 tỷ đồng, tăng 7,1 % so với cùng kỳ năm 2022. Doanh số thu nợ 06 tháng đầu ước đạt 23.287 tỷ đồng, tăng 5 % so với cùng kỳ.

2.2. Đầu tư xây dựng cơ bản

Nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng ước thực hiện đạt 192.697 triệu đồng bằng 52,4% kế hoạch vốn 2023 và tăng 13,7% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách tập trung của tỉnh ước đạt 80.984 triệu đồng bằng 58,9% kế hoạch và giảm 52,5% so cùng kỳ, ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện ước đạt 110.613 triệu đồng đạt 51,0% kế hoạch và tăng 135,1% so cùng kỳ. Nguồn ngân sách cấp tỉnh chủ yếu các công trình chuyển tiếp như đường Trần Khánh Dư phường Lộc Phát, nâng cấp đường Hải Thượng lãn Ông và các tuyến đường Lê Thị Riêng nối Phan Chu Trinh, Nguyễn Khắc Nhu xã Lộc Nga đi Tân Lạc …nguồn xổ số kiến thiết đầu tư cho các trường học đạt 85,8% so kế hoạch. Nguồn ngân sách cấp huyện chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng ở các phường xã để chỉnh trang đô thị.

2.3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.3.1. Sản xuất nông nghiệp

- Cây hàng năm: Diện tích trồng cây hàng năm đến nay đạt 322,2 ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu diện tích cỏ voi; trong đó, diện tích rau các loại 145,2 ha, đậu ăn quả 12,3 ha.

- Cây lâu năm: Cây cà phê: chủ yếu đang tập trung chăm sóc cho diện tích cà phê, tuy nhiên giá cà phê nhân hiện nay trung bình 64.000-64.400đ/kg tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, đây là ảnh hưởng tốt cho người trồng cây cà phê. Diện tích cây cà phê hiện có ước đạt 13.060 giảm 0,6% so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới 6 tháng đầu năm ước 5 ha, giảm so với cùng kỳ.

Cây chè: Diện tích chè 6 tháng đầu năm ước đạt 2.490 ha, giảm 0,6 % so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 11.430 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Giá chè búp tươi tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ (hiện tại dao động: chè hạt 7.500-8.500đ/kg, chè cành 9.500-10.500đ/kg).

 Cây dâu tằm: Diện tích cây dâu tằm hiện có trên địa bàn đạt 780 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch trong 6 tháng ước đạt 6.020 tấn, tăng 3,7%. Giá kén giữ ở mức cao, hiện nay 178-185 ngàn đồng/kg, tăng 5,9% so cùng kỳ nhưng giảm so các tháng trước trong năm.

- Chăn nuôi: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình chăn nuôi trên địa bàn gặp khó khăn về công tác tái đàn heo, gia súc do nguồn giống heo và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; bên cạnh đó, giá heo xuất chuồng không tăng, hiện nay vẫn giữ giá dao động từ 55-56 ngàn đồng/kg (tương đương so cùng kỳ).

Tổng đàn bò hiện có 2.190 con, giảm 21,3% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở đàn bò sữa; tổng đàn bò sữa hiện có 1.140 con, giảm 34,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 263,1 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ, sản lượng sữa tươi ước đạt 3.200 tấn, giảm 17,9% so với cùng kỳ.

Tổng đàn heo trên địa bàn 31.770 con, giảm 3,9% so với cùng kỳ. Hiện nay chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần do người chăn nuôi thua lỗ nên không đầu tư nuôi trở lại; ngoài ra, dịch tả lợn Châu phi có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào dẫn đến nhiều hộ nông dân lo lắng. Sản lượng xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 4.330 tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gà đạt 451,2 ngàn con, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.114,6 tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ.

2.3.2. Sản xuất Lâm nghiệp

Công tác quản lý và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm chú trọng, đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2022-2023 gắn liền với công tác tuyên truyền giáo dục quản lý bảo vệ rừng, ý thức bảo vệ rừng của nhân dân trên các phương tiện như Đài Truyền thanh – Truyền hình... Công tác trồng cây phân tán 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025, đến nay đang chuẩn bị để xuống giống trong mùa mưa sắp tới.

2.3.3. Thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Bảo Lộc 6 tháng đầu năm ước đạt 130 ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước 6 tháng đạt 387,4 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Trong đó, cá trắm: 110 tấn, tăng 1,8%; cá chép 32,5 tấn, tăng 1,5%; cá rô phi 227 tấn, tăng 0,4% so cùng kỳ…

          2.4. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn dự ước trong 6 tháng đầu năm 2023 phát triển nhưng không đáng kể do khó khăn nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước 6 tháng đầu năm ước đạt 2.366.398 triệu đồng, tăng 3,9%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 2.094.388 triệu đồng, tăng  5,0%; sản xuất và phân phối điện giảm 7,4% so với cùng kỳ. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: ngành chế biến thực phẩm đạt 577.683 triệu đồng, tăng 4,1%; ngành dệt ước đạt 530.080 triệu đồng, tăng 6,9%; sản xuất đồ uống ước đạt 405.975 triệu đồng, tăng 6%; sản xuất trang phục ước đạt 332.451 triệu đồng, tăng 3,1%; ngành sản xuất các sản phẩm từ kim loại đạt 127.461 triệu đồng, giảm 5,6%, chủ yếu do các sản phẩm tôn xây dựng giảm.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước 6 tháng đầu năm đạt 3.984.146 triệu đồng, tăng 4,9%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3.504.427 triệu đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong ngành sản xuất chế biến, chế tạo: sản xuất chế biến thực phẩm đạt 903.650 triệu đồng, tăng 1,6%; ngành sản xuất dệt đạt 895.693 triệu đồng, tăng 17,1% so cùng kỳ.

Về sản phẩm trong 6 tháng năm 2023: sản xuất chè ước đạt 8.859 tấn, giảm 12,3% so cùng kỳ; sản phẩm bia đóng lon ước đạt 51.734 ngàn lít, giảm 4,0%; sản phẩm tơ đạt 399 tấn, tăng 29,3%; sản phẩm lụa tơ tằm ước đạt 1.825 ngàn m2, tăng 17,3%; sản phẩm may sẵn ước đạt 870 ngàn sản phẩm, tăng 51,3% so với cùng kỳ.

2.5. Thương mại-dịch vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sức mua bán hàng hóa đã tăng so cùng kỳ, do dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát và đẩy lùi, giá cả hàng hóa ít biến động, không tăng đột biến do hiện tượng găm hàng đầu cơ nhờ các giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp tham gia, chuẩn bị đầy đủ hàng hóa kể cả số lượng và chủng loại phong phú, đảm bảo hàng hóa và đến tận tay người tiêu dùng... Ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5.253,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so cùng kỳ.

Tình hình hoạt động vận tải trên địa bàn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Công tác đảm bảo trật tự đô thị và an toàn giao thông được tăng cường, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so cùng kỳ, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành luật lệ giao thông đường bộ, công tác bến bãi được quản lý tốt hơn.

2.6. Văn hóa- xã hội

Văn hóa thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2023, các họat động văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn diễn ra sôi nổi, cơ bản đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Các hoạt động vui Xuân được tổ chức rộng khắp từ thành phố, xuống các xã phường. Công tác tuyên truyền về các sự kiện diễn ra rộng khắp thành phố: mừng Đảng, mừng xuân, treo cờ tổ quốc, ngoài ra vận động nhân dân treo cờ tổ quốc tại nhà và dọc đường liên thôn, tổ dân phố… chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, như chào đón năm mới 2023, đón xuân Quý Mão, ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước, tuyên truyền tuần lễ vàng Du lịch tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2 năm 2023…Thành phố đã phối hợp với Đoàn nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân trên địa bàn tại Quảng trường 28/3.

Thành phố đã tổ chức thành công Hội thao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2023 với hơn 250 vận động viên đến từ 12 huyện, thành phố trên địa bàn Lâm Đồng, tham gia thi đấu 5 bộ môn; tổ chức thành công phong trào hưởng ứng Lễ phát động tháng thể dục thể thao và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023; phối hợp với Ban tổ chức giải đua xe đạp Cúp Truyền hình Thành phố Hồ chí Minh lần thứ 35 đón chặng  Đà Lạt- Bảo Lộc và tiễn chặng Bảo Lộc – TPHCM thành công, phối hợp thực hiện đón và đưa giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ 13 năm 2023. Tổ chức giải đua xe đạp địa hình Bảo Lộc Championship 2023. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức giải đua Xe đạp phong trào “Về nguồn” tỉnh Lâm Đồng mở rộng lần thứ I, hưởng ứng Tuần lễ vàng Du lịch tỉnh Lâm Đồng năm 2023.

Giáo dục: Trên địa bàn hiện có có 77 trường, trong đó 69 trường học thuộc thành phố quản lý: mầm non, mẫu giáo: 30 trường; tiểu học: 26 trường; THCS: 13 trường.

Công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng tiến độ, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đến nay đã thực hiện 57 đơn vị đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 74,0%, riêng khối giáo dục do thành phố quản lý đạt 73,9% ( khối công lập: 46/52 trường). Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp đạt 97%, hiện nay không có phòng học tạm trong các nhà trường.

Y tế: Nhờ chủ động làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, tăng cường giám sát và phòng dịch bệnh nên trong năm đã hạn chế tối đa dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh dịch Covid-19, số xuất huyết…, tuy nhiên trong 6 tháng trên địa bàn vẫn xảy ra 46 ca sốt xuất huyết, giảm 45 ca so cùng kỳ, thành phố đang tập trung dập dịch sốt xuất huyết để chặn bùng phát các ổ dịch lớn trên địa bàn. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã tuyên truyền truyền thông, kiểm tra nhằm chấp hành tốt quy định của nhà nước, trong tháng hành động đã kiểm tra 236 cơ sở, trong đó cấp xã phường là 213 cơ sở. Kết quả trong 6 tháng đầu năm không có ca ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh xảy ra. Công tác khám chữa bệnh luôn được duy trì, đảm bảo vị trí trực và cấp cứu người bệnh, hạn chế sai sót chuyên môn.

Xã Hội: Ngành lao động thương binh xã hội tham mưu cho UBND thành phố tổ chức thăm hỏi các đối tượng chính sách trong dịp tết Quý mão đối với các đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo... với kinh phí 25,35 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tiếp tục được quan tâm; tổ chức vận động các hộ đăng ký thoát nghèo, hỗ trợ các biện pháp để các hộ thoát nghèo bền vững như vay vốn để phát triển sản xuất…

Công tác quản lý và chăm sóc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm, đến nay thành phố đang quản lý và chi trả trợ cấp cho 1.137 đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội là 4.212 đối tượng với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

An toàn xã hội: Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững và ổn định. Tiếp tục tăng cường các biện pháp đồng bộ như công tác kiểm tra, tuần tra, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội đảm bảo ổn định xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông.

 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt