Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 huyện Bảo Lâm
Trích từ Báo cáo kinh tế - xã hội quý I năm 2023 của Chi cục Thống kê khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm

 

1. Đánh giá chung

Trong quý I/2023 thời tiết đang là mùa khô, tuy nhiên trên địa bàn huyện Bảo Lâm vẫn có một số cơn mưa, do vậy cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Các ngành thương mại, sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng khá. Giá cả hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng ít biến động.

2. Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực chủ yếu

2.1. Tài chính, tín dụng

Lũy kế quí I năm 2023, thu NSNN địa phương ước đạt 306.865 triệu đồng, bằng 107,9% so với cùng kỳ; trong đó, thu thuế và phí trên ước đạt 273.703 triệu đồng, bằng 102,3% so với cùng kỳ. Phần huyện quản lý ước đạt 119.360 triệu đồng, bằng 83,4% so với cùng kỳ; trong đó, thu thuế và phí ước đạt 87.281 triệu đồng, bằng 67,4% so với cùng kỳ, thu phần huyện quản lý đạt thấp chủ yếu ở phần thu lệ phí trước bạ và thuế thu nhập đạt thấp.

Lũy kế quí I, chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 180.166 triệu đồng, bằng 105% so với cùng kỳ. Trong tổng số chi ngân sách địa phương, chi đầu tư thực hiện 60.933 triệu đồng, chiếm 33,8%; chi sự nghiệp giáo dục đạt 66.540 triệu đồng, chiếm 36,9%; chi quản lý hành chính cấp huyện 21.425 triệu đồng, chiếm 12,9% tổng chi ngân sách.                    

Lũy kế quí I năm 2023, các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cho 3.767 lượt hộ vay, với doanh số là 2.476.876 triệu đồng; bằng 99,75% so với cùng kỳ; thu nợ 2.220.652 triệu đồng, bằng 104,0% so với cùng kỳ. Tổng số dư nợ của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng trên địa bàn đến thời điểm hiện nay là 7.986.586 triệu đồng, bằng 115,96% số dư nợ cùng kỳ năm trước.

2.2. Đầu tư, xây dựng

Lũy kế vốn đầu tư quí I trên địa bàn huyện Bảo Lâm so với cùng kỳ chỉ bằng 37,6%, do các công trình khởi công mới năm 2023, đa số công trình nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa có khối lượng hoàn thành do vừa được HĐND huyện thông qua và đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu thi công, đồng thời cũng trong tình trạng chung cả tỉnh và trên địa bàn huyện nói riêng về tiến độ giải ngân đầu tư công năm nay quá chậm so với cùng kỳ và so với kế hoạch năm.

2.3. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

 2.3.1. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm: Trong quý I/2023, nông hộ trên địa bàn tiếp tục gieo trồng và thu hoạch vụ Đông Xuân, ước diện tích gieo trồng được 435,9 ha, tăng 1,47% so với cùng kỳ. Diện tích cây lương thực có hạt chủ yếu là cây bắp gieo trồng được 72,4 ha, tăng 0,84% so với cùng kỳ. Diện tích rau, đậu và hoa các loại gieo trồng được 277,8 ha, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, diện tích thu hoạch vụ Đông Xuân ước đạt 233,9 ha, tăng 1,3% so cùng kỳ; trong đó, diện tích ngô thu hoạch 34,7 ha, sản lượng đạt 158,2 tấn; nhóm cây chất bột lấy củ là 7,4 ha; nhóm cây lấy hạt chứa dầu là 7,2 ha, tăng 1,41% so với cùng kỳ. Diện tích rau, đậu và hoa các loại thu hoạch được 162,5 ha, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích rau các loại thu hoạch được 147,2 ha, tăng 1,66%, sản lượng ước đạt 2.158 tấn.

Cây lâu năm: Trong quý I/2023, diện tích cây lâu năm ổn định so với năm 2022. Thời tiết đã vào mùa khô, tuy nhiên trong quý I trên địa bàn vẫn có một số cơn mưa giúp cây cà phê nói riêng trổ bông thuận lợi và tiết kiệm chi phí tưới cho nông hộ. Diện tích cây lâu năm hiện nay là 54.520 ha, chiếm phần lớn là cây cà phê, cây chè và cây ăn quả các loại, hiện nay bà con tập trung vào chăm sóc, tưới nước và tỉa cành cho cây trồng.

Cây cà phê: Diện tích hiện có 36.730 ha, diện tích cho sản phẩm 34.528 ha. Giá cà phê nhân hiện nay tăng hơn so cùng kỳ phần nào cải thiện thu nhập cho nông hộ và giúp tái đầu tư tốt hơn cho niên vụ tiếp theo, giá cà phê hiện tại dao động 47.500- 48.000đ/kg.

Cây chè: Diện tích hiện có 6.618 ha, giảm so cùng kỳ năm trước, chủ yếu do các hộ dân chuyển đổi sang trồng cà phê, cây ăn quả và cây dâu tằm. Giá chè búp tươi hiện nay dao động: chè cành 10.500-11.000đ/kg, chè hạt 7.500-8.500đ/kg.

Cây ăn quả các loại: Diện tích ước đạt 5.823,4 ha, diện tích cho sản phẩm là 3.690,6 ha. Phần lớn diện tích là cây bơ 1.517,6 ha và cây sầu riêng 2.831 ha. Diện tích cây ăn quả tăng lên đáng kể trong những năm qua do giá cả ổn định nên bà con tập trung vào đầu tư ổn định sản xuất.

Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi 1/1/2023, tổng đàn trâu trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 99 con, bằng 76,15% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 32,4 tấn, bằng 72,64% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò hiện có 2.443 con, bằng 88,74% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 205 tấn; sản lượng sữa bò đạt 85 tấn. Tổng đàn heo là 17.550 con, tăng 6,89% so với cùng kỳ, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 4.775 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng đàn gà ước đạt 692,8 ngàn con, bằng 94,92% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng đạt 1.790,4 tấn, bằng 85,78% so với cùng kỳ; Sản lượng trứng đạt 83.745 ngàn quả, tăng 7,9% so với cùng kỳ; số lượng gà đẻ trứng tăng chủ yếu ở khối doanh nghiệp.

2.3.2. Lâm nghiệp   

Tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp phát hiện trong quý I trên địa bàn là 06 vụ, so với năm 2022 giảm 02 vụ; trong đó: khai thác rừng trái phép 03 vụ, lâm sản thiệt hại 24 m3 gỗ các loại, phá rừng trái phép 01 vụ với diện tích rừng thiệt hại 0,18 ha và vi phạm các vấn đề về quản lý lâm sản là 02 vụ. Kết quả xử lý 02 vụ, thu nộp ngân sách 20 triệu đồng.

Trong quý I, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm khai thác gỗ rừng trồng đạt 385 m3 gỗ, tăng 4,1% so với cùng kỳ, sản lượng củi khai thác được 340 m3.    

2.3.3. Thủy sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn huyện là 275,9 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ, chủ yếu diện tích được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và quảng canh, người nông dân tận dụng ao trữ nước tưới cà phê để thả nuôi cải thiện đời sống của hộ là chính, các hộ nuôi trồng thủy sản vẫn trong tình trạng tự phát, một số hộ thuê mặt nước ở các hồ thủy lợi để nuôi trồng tuy nhiên năng suất hiệu quả chưa cao.

Tình hình đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện Bảo Lâm chủ yếu trên các hồ có mặt nước lớn, các hồ chứa nước như hồ Cái Bảng của Bauxit, hồ chứa nước của thủy điện Đồng Nai 3, 4… sản lượng đánh bắt giảm do nguồn cá ở hồ, suối dần cạn kiệt vì người dân khai thác tận diệt bằng kích điện không có kế hoạch nuôi dưỡng và bảo tồn. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong quý I/2023 ước đạt 285,3 tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ.

2.4.  Sản xuất công nghiệp

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã đi vào phục hồi, phát triển ngành công nghiệp bền vững dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá như: sản xuất trà, cà phê, cửa sắt, các sản phẩm khoáng phi kim loại, sửa chữa các loại máy phục vụ nông nghiệp, điện năng lượng mặt trời…

Giá trị sản xuất (theo giá 2010) trên địa bàn trong quý I ước đạt 50.440 triệu đồng, tăng 9,35% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất thực phẩm ước đạt 30.491 triệu đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 61,17% trong tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 8,99% so với cùng kỳ.

Theo giá hiện hành, gia trị sản xuất quí I năm 2023 đạt 89.013 triệu đồng, tăng 17,06% so cùng kỳ. Ngành sản xuất thực phẩm ước đạt 53.328 triệu đồng, chiếm 60,58% toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng 17,67% so với cùng kỳ.

Sản lượng khai thác cát, đá trong quí I ước đạt 296 m3, bằng 96,4% so với cùng kỳ; sản lượng chè chế biến ước đạt 270 tấn, bằng 105,4%; nhóm hàng chế biến lương thực, thực phẩm ước thực hiện 516,5 tấn bánh bún tươi, bằng 103,8%; 48,2 tấn bánh mì, bánh tráng, bằng 128,6%; 275 tấn đậu khuôn, bằng 103,3% so với cùng kỳ, phần lớn các sản phẩm trên được tiêu dùng tại chỗ, chủ động được nguyên liệu trong khâu sản xuất. Các sản phẩm từ gỗ ước đạt 702 sản phẩm, bằng 99,7%; sản lượng cửa sắt đạt 41.775 m2, bằng 104,1%; sản lượng may đo quần áo đạt 8.500 sản phẩm, bằng 86,4 % so với cùng kỳ;...

2.5. Thương mại, dịch vụ

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước quí I đạt 126.199 triệu đồng, tăng 6,75% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách ước quí I doanh thu đạt 15.815 triệu đồng, tăng 8,14% so với cùng kỳ; khối lượng hành khách đạt 201 nghìn hành khách, tăng 7,25% và luân chuyển đạt 17.626 ngàn hành khách.km, tăng 7,31% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa quí I ước đạt 110.384 triệu đồng, tăng 6,55%; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 219 nghìn tấn, tăng 6,32% và luân chuyển đạt 37.846 ngàn tấn.km, tăng 6,45% so với cùng kỳ.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa quí I năm 2023 trên địa bàn đạt 847,7 tỷ đồng, tăng 17,16% so với cùng kỳ; doanh thu các nhóm hàng hóa đều tăng khá cao, mức tăng dao động từ 6,93% đến 21,36% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trên địa bàn như Alumin, Hydroxit, Trà olong, trà xanh và Trà đen các loại. Ước kim ngạch xuất khẩu quí I năm 2023 trên địa bàn đạt 59 triệu USD, bằng 22,69% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 0,26 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chính trên địa bàn huyện là phân bón chuyên dụng như phân NPK vô cơ, bao bì bảo quản hoa phục vụ cho xuất khẩu.

2.6. Các vấn đề xã hội

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Kết luận số 01- KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 69-KH/TU ngày 12/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí  Minh” năm 2023 gắn với chủ đề học tập của tỉnh.

Công tác thu gom rác thải và giữ gìn vệ sinh môi trường được cải thiện hơn trước, công tác vệ sinh đường phố, chăm sóc cây xanh công viên và các tuyến đường được tăng cường nhằm tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trung tâm y tế triển khai khám chữa bệnh theo đúng Luật Bảo hiểm Y tế và thanh quyết toán theo đúng thông tư 15/2018/TT-BYT; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tập trung chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt công tác vệ sinh, cảnh quan môi trường và tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi cấp tỉnh vào tháng 3/2023. Trường đạt chuẩn quốc gia đạt 55/61 trường, tỷ lệ 90,16%.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Công an huyện đã tiến hành lập biên bản 431 trường hợp vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 660.2 triệu đồng. Trong quí không để xảy ra tai nạn giao thông.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2022 là 824 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,44%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 586 hộ, tỷ lệ 5,56%; 1.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,18%; trong đó, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có 930 hộ, chiếm 8,82%./.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt