Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 huyện Đức Trọng
Trích từ báo cáo Kinh tế - Xã hội 9 tháng năm 2022 của Chi cục Thống kê Khu vực Đức Trọng - Đơn Dương

              I.  Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.  Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất vụ Đông Xuân: Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Đức Trọng đạt 10.207 ha, so với cùng kỳ tăng 5,6% (+541 ha). Kết quả các nhóm cây chủ yếu như sau:

 Cây lúa: Tổng diện tích 762 ha/790 ha kế hoạch của huyện, đạt 96,4% và giảm 0,8% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 45,85 tạ/ha; tổng sản lượng lúa đạt 3.494 tấn, tăng 3,68%.

Rau các loại: Kế hoạch giao là 8.590 ha, thực hiện 7.152  ha, đạt 83,25% so kế hoạch, so kết thúc vụ cùng kỳ tăng 4,9% (+336 ha); năng suất bình quân trong vụ đạt 315,61 tạ/ha; sản lượng ước đạt 225.722 tấn.

Hoa các loại: Diện tích gieo trồng trong vụ ước đật 298 ha so với kế hoạch 464 ha, đạt 155,7% kế hoạch, so với cùng kỳ bằng 83,15%, các loại hoa chủ yếu là lay ơn, cúc, thạch thảo, ly ly, lan, hồng môn. Sản lượng hoa đạt gần 79 triệu cành và khoảng 70 ngàn chậu các loại phong lan, hồ điệp, địa lan.

          Sản xuất vụ hè thu 2022: Kế hoạch diện tích đất bố trí cây trồng trong vụ trên 13.200 ha cây trồng các loại, trong đó cây ngô 495 ha, khoai lang 638 ha, rau các loại 10.880 ha, đậu 418 ha, hoa 141 ha.

Thực hiện gieo trồng được 12.891 ha, trong đó so với kế hoạch ngô gieo trồng được 380 ha, đạt 76,77%; khoai lang 658 ha, đạt 103,13%; rau các loại 10.251 ha, đạt 94,22%; đậu hạt 473 ha; hoa 198 ha; cây hàng năm khác 1.203 ha.

Cây lúa vụ mùa: Song song với sản xuất và chăm sóc cho các cây trồng trong vụ hè thu, công tác sản xuất lúa vụ mùa cũng đã được toàn dân thực hiện trên diện tích 2.620 ha, giảm 2% so với cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 19.582 ha, trong đó cây cà phê  chiếm 80,80% tổng diện tích cây lâu năm. Công tác trồng mới cây cà phê 50 ha, cây ăn quả 35 ha, 10 ha dâu tằm, 05 ha hồ tiêu.

Trong 9 tháng đầu năm 2022 sản lượng thu hoạch một số cây trồng như: lá dâu tằm 47.000 tấn; hồ tiêu 1.350 tấn; cây ăn quả thu hoạch chuối 4.500 tấn, chanh leo 3.900 tấn, bơ 3.000 tấn,  sầu riêng 2.000 tấn, mít 1.300 tấn, thanh long 132 tấn, xoài 100 tấn...

Công tác thủy lợi, phòng chống lụt bão: Trong 9 tháng đầu năm 2022 thực hiện tưới tiêu cho các loại cây trồng, không để bị thiếu nước như năm trước nhất là trên cây lúa.

Tình hình hoạt động của trang trại 2022([1]): Toàn huyện qua rà soát đánh giá theo tiêu chí mới cho các loại trang trại hiện toàn huyện có 62 trang trại (trong đó, có 07 trang trại trồng trọt, 55 trang trại chăn nuôi).

Chăn nuôi : 

Tình hình chăn nuôi trong 9 tháng năm 2022 trên địa bàn huyện ổn định, không có dịch bệnh xy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai công tác tiêm phòng đợt 1/2022 trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn huyện với các loại Vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò; dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng trên đàn lợn; cúm gia cầm trên đàn gà, vịt, ngan; bệnh dại trên đàn chó.

Tổng đàn trâu hiện có 4.950 con, ước tính số lượng xuất chuồng trong 9 tháng 2022 là 535 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 128 tấn.

Tổng đàn bò hiện có 22.700 con (trong đó, bò cái sữa 5.150 con); số con xuất chuồng trong 9 tháng 2022 là 1.363 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 233 tấn; sản lượng sữa tươi ước đạt 23.775 tấn.

Tổng đàn lợn hiện có là 82.089 con, trong đó lợn thịt 68.045 con, lợn nái 5.543 con, đực giống 145 con; số con xuất chuồng trong 9 tháng ước đạt 85.050 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt  8.505 tấn.

Tổng đàn gia cầm: Đàn gà có 1.308 ngàn con (trong đó, gà thịt 963,7 ngàn con, gà đẻ trứng 344,48 ngàn con). Trong tổng số thì đàn gà công nghiệp là 766,1 ngàn con, chiếm 58,56%. Số lượng thịt gà, gia cầm xuất chuồng 9 tháng ước đạt 2.264 tấn; sản lượng trứng sản xuất trong 9 tháng đạt 66 triệu quả.

          Ngoài ra chăn nuôi khác: Chăn nuôi thỏ 7400 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6 tấn; ong lấy mật 3.100 đàn, sản lượng mật đạt 16 tấn; chăn nuôi kén tằm ước 4.340 tấn kén.

2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng: Kế hoạch tỉnh giao cho 2 Ban quản lý trên địa bàn huyện trồng rừng mới là 105 ha, trong đó: rừng vành đai 50 ha, còn lại 55 ha là rừng sau giải tỏa, rừng trên đất trống và rừng thay thế. Các đơn vị đã thực hiện 100% kế hoạch trồng rừng năm 2022.

Chăm sóc rừng: Giao cho 2 Ban quản lý trong năm 2022 chăm sóc khoảng  207 ha gồm chăm sóc rừng năm 2,3,4.

Vi phạm lâm luật: Tổng số vụ vi phạm được phát hiện là 22 vụ (tính đến ngày 12/9/2022), giảm so cùng kỳ  26 vụ. Đã xác định được đối tượng vi phạm là 11 vụ và số vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm 11 vụ.

3. Thủy sản:

          Diện tích mặt nước trên toàn huyện hiện có là 720,7 ha, trong đó diện tích đưa vào nuôi thả chỉ khoảng 279 ha do có một số diện tích hồ không thả cá mà chủ yếu là giữ nước cho sản xuất.

 Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 552 tấn, trong đó cá trắm, chép chày chiếm trên 50% sản lượng.

          Sản lượng thủy sản khai thác trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 4,2 tấn, chủ yếu là  khai thác cá trên hồ thủy điện Đại Ninh và một số sông suối.

II. Công nghiệp cá thể:

Dự ước trong 9 tháng đầu năm 2022 hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất công nghiệp cá thể trên địa bàn huyện tương đối ổn định, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp cá thể so với cùng kỳ năm trước đã tăng trở lại, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, công nhân… nhưng các cơ sở sản xuất công nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số và đặc biệt là giữ khách hàng.

III. Giao thông vận tải:

Vận tải hàng hóa ước 9 tháng đầu năm 2022 gần như đã trở lại bình thường, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và việc mở cửa cho khách du lịch đã thực hiện.

IV. Thương mại, giá cả:

Công tác kiểm tra, kiểm soát đối với gian lận thương mại, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng của huyện tăng cường, thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được tốt hơn.

Giá cà phê nhân ổn định so với tháng trước và tăng tương đối so với cùng kỳ năm trước; giá hiện tại 47-48 ngàn/kg (tháng trước là 46-48 ngàn/kg, cùng kỳ năm trước là 38-39 ngàn/kg). Đối với sản phẩm chăn nuôi có giá lợn hơi là mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất, so tháng trước giảm, hiện nay khoảng 62-64 ngàn/kg (tháng trước là 65-67 ngàn/kg); và tăng so với cùng kỳ năm trước 10-12 ngàn/kg (cùng kỳ năm trước là 50-52 ngàn/kg). 

V. Dịch vụ -Du Lịch:

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình khách du lịch đến với Tây nguyên, cũng như Đà Lạt và Đức Trọng đã đã ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và chương trình Festival Đà Lạt năm nay khởi động sớm và kéo dài hai tháng và cả nước cũng đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện cho khách đến tham quan, du lịch. Trong thời gian tới dự tính tình hình kinh doanh du lịch sẽ tăng khá.

Cùng với đó UBND huyện Đức Trọng cũng đã chú trọng đầu tư, chỉnh trang đô thị để nâng cấp lên thị xã, công tác trồng và chăm sóc cây, hoa dọc theo đường cao tốc để tạo cảnh quang nhằm thu hút khách du lịch.

VI. Thu chi ngân sách:

Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện 9 tháng năm 1.218,9 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán tỉnh giao và tăng 59,8% so với cùng kỳ; trong đó: huyện quản lý 822,8 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán và giảm 8,5% so với cùng kỳ; tỉnh quản lý 396 tỷ đồng, đạt 88% dự toán và tăng 21% so với cùng kỳ.

Ước tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 chi 587,5 tỷ đồng, đạt 67,5% dự toán giao và tăng 8% so với cùng kỳ, các khoản chi này bao gồm cả chi ngoài dự toán do ngân sách tỉnh cấp

VII. Văn hóa, xã hội

Văn hóa: Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện đã tổ chức các hoạt động văn hóa tuyên truyền bằng nhiều hình thức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới năm 2022. Tuyên truyền kết quả của kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XV và kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh và của huyện. Tuyên truyền Nghị quyết 08 của tỉnh ủy và Nghị quyết 04 của huyện ủy về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022.

Giáo dục: Trong 9 tháng đầu năm ngành giáo dục đã tổ chức Hội nghị toàn ngành tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, tuyên dương, khen thưởng học sinh năm học 2021-2022. Các trường học tổ chức tốt Lễ Khai giảng năm học mới 2022-2023.

Hiện nay, khối trường thuộc UBND huyện có 51/63 trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 81%, trong đó có 04 trường đạt chuẩn mức độ 2. Huyện được công nhận duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, trong đó có 10 xã đạt mức độ 3. Khối trường THPT thuộc Sở Gíao dục – Đào tạo quản lý có 5/6 trường đạt chuẩn quốc gia.

Y tế: Trong 9 tháng, tổ chức kiểm tra được 1.247 cơ sở, xử phạt 6 trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với số tiền phạt là 17 triệu đồng; kiểm tra 18 cơ sở y, dược tư nhân, xử phạt 4 cơ sở với tổng số tiền 16 triệu đồng. Phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 12 cơ sở spa, thẩm mỹ, qua kiểm tra có 07 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền phạt là 135 triệu đồng.

Triển khai phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 và các dịch bệnh mới; giám sát các chương trình phòng, chống dịch bệnh; các chương trình mục tiêu y tế. Tuyên truyền và vận động, hướng dẫn thực hiện diệt muỗi, lăng quăng. Đến nay, tổng số các ca bệnh truyền nhiễm là 396 ca, trong đó: 58 ca tay chân miệng, 337 ca sốt xuất huyết, 1 ca lao phổi; không có ca tử vong.

Chính sách, xã hội: Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công tiếp tục thực hiện tốt cho các đối tượng này đầy đủ theo qui định của Nhà nước. Chi trả cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể chi trợ cấp Tết Nhâm Dần năm 2022 cho 4.990 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 1.996 triệu đồng; 68 nhân viên trực tại các cơ sở bảo trợ xã hội với số tiền 34 triệu đồng; thăm và tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các đơn vị trực và người lao động làm việc đêm 29 Tết, người nghèo với số tiền 259,5 triệu đồng; trợ cấp Tết cho trên 1.500 người có công và thân nhân với số tiền 1.397,15 triệu đồng.        

Tổ chức 08 lớp đào tạo nghề cho lao động cho 140 lao động tại các xã Hiệp Thạnh, Hiệp An, Tà Năng, Đà Loan, Ninh Loan, Đa Quyn và thị trấn Liên Nghĩa, với tổng kinh phí 356,52 triệu đồng.

Tổ chức thành công ngày hội kết nối, giới thiệu việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động với hơn 20  doanh nghiệp tham gia phỏng vấn trực tiếp và 235 doanh nghiệp phỏng vấn gián tiếp, 180 lao động được tư vấn giới thiệu và hơn 1.000 lao động tham gia tìm hiểu.

          Chi trả hỗ trợ xã hội cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số năm học 2021-2022 với số tiền 372,13 triệu đồng/269 lượt choHS-SV dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng, THCN trong và ngoài tỉnh.

      Trong đợt dịch covid-19 hỗ trợ 1.637 người Lâm Đồng tại các tỉnh thực hiện giãn cách 2.455 triệu đồng. Hỗ trợ 313 lao động tự do: 469,5 triệu đồng. Hỗ trợ 3.595 đối tượng cách ly y tế (F1, F0) trên 3.000 triệu đồng. Hỗ trợ thuê nhà cho 118 người 174 triệu đồng.

Tai nạn giao thông: Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 09/9/2022, trên địa bàn huyện xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông làm 04 người chết và 10 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ giảm 10 vụ, số người chết giảm 11 người, số người bị thương tăng 04 người./.

 

 


([1]) Đánh giá theo tiêu chí mới: trang trại trồng trọt có giá trị sản lượng hàng hóa bán ra trong năm đạt trên 1 tỷ, trang trại chăn nuôi bán ra đạt 2 tỷ trở lên.

.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt