Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 thành phố Đà Lạt
Trích từ báo cáo Kinh tế - Xã hội 9 tháng năm 2022 của Chi cục Thống kê Khu vực Đà Lạt - Lạc Dương

         Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 tăng trưởng và phục hồi trở lại; dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát, các hoạt động thương mại,  dịch vụ tăng khá, sản xuất nông nghiệp được giữ vững; tình hình xã hội cơ bản ổn định, cụ thể như sau:

I. NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

1. Sản xuất nông nghiệp

Cây hàng năm: Tiến độ đến ngày 10/9/2022 diện tích gieo trồng vụ Mùa năm 2022 ước đạt 1.111,2 ha, tăng 0,26% so với cùng kỳ. Trong đó, cây rau các loại 1.040,1 ha, tăng 0,29%; đậu các loại 6,1 ha, tăng 0,16%; hoa các loại 620 ha, tăng 0,49% so với cùng kỳ.

Thu hoạch vụ Hè Thu 2022 so với cùng kỳ đạt 2.941,9 ha, tăng 0,25%. Trong đó, cây rau các loại 1.230,8 ha, giảm 1,16%; năng suất đạt 464,61 tạ/ha, sản lượng đạt 57.183,3 tấn, tăng 2,33%. Hoa các loại 1.460 ha, tăng 0,55%; sản lượng hoa đạt 558,8 triệu cành. Cây gia vị dược liệu hàng năm khác 77,5 ha, tăng 1,3%. Cây lấy củ có chất bột 134,5 ha, tăng 0,58% so với cùng kỳ.

Cây lâu năm: Về diện tích, sản lượng cây lâu năm 9 tháng đầu năm 2022 giữ ổn định so cùng kỳ năm trước, diện tích đạt 6.273,4 ha, tăng 0,07%. Một số cây trồng chủ yếu như: cây cà phê với diện tích đạt 5.157,6 ha, giảm 0,02% do một số cây bị nhiễm bệnh bọ xít muỗi; cây ăn quả với diện tích 859,6 ha, tăng 0,59% (trong đó, diện tích cây hồng chiếm tỷ trọng 39,17% với 336,7 ha, tăng 1,32%); cây chè với diện tích 237,2 ha, sản lượng ước đạt 1.154,7 tấn, giảm 0,04% cùng kỳ. 

Chăn nuôi: Trong 9 tháng đầu năm 2022 tổng đàn trâu, bò hiện có 1.332 con; đàn lợn 4.294 con, giảm 22,62% do gần khu dân cư trong trung tâm thành phố ảnh hưởng tới môi trường dân sinh, một phần do quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến các cơ sở chăn nuôi giảm. Đàn gia cầm đạt 180,67 nghìn con, trong đó: đàn gà 153,72 nghìn con, giảm 2,91% so với cùng kỳ.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật: Trong 9 tháng đầu năm 2022 thành phố đã cấp 126 nhãn hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành (trong đó có 118 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 07 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 01 cơ sở kinh doanh cà phê). Bên cạnh đó, cũng đã cấp 01 nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất”, 04 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt”.

Lũy kế tính đến nay thành phố đã cấp 726 nhãn hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành (trong đó có 653 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 88 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 11 cơ sở kinh doanh cà phê).

2. Lâm nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2022 các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý rừng thực hiện tốt các phương án bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng; kiểm tra khai thác lâm sản, khoáng sản và lấn chiếm đất rừng trái phép. Tuyên truyền, vận động 406 hộ nhận khoán và 90 nhà đầu tư thực hiện tốt các quy định của nhà nước trong công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng trồng mới tập trung 47 ha, tăng 0,58%; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 162,76 ha, tăng 1,43%; giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 15.675,5 ha cho 403 hộ và 03 đơn vị từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 12,71 ngàn cây, tăng 0,87%; ươm cây giống lâm nghiệp đạt 122,2 ngàn cây, 0,24% so với cùng kỳ.

Khai thác lâm sản: Trong những năm gần đây hạn chế việc khai thác gỗ do đã đóng cửa rừng; các lâm sản khác được khai thác chủ yếu người dân tận thu, thu nhặt ven rừng. Củi khai thác đạt đạt 296,6 ster, tăng 0,82%; dớn trồng lan ước đạt 4,3 tấn, giảm 0,68% so với cùng kỳ.

3. Thủy sản

Tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Lạt cơ bản ổn định, chủ yếu do các cơ sở hộ cá thể nuôi cá nhỏ lẻ, tận dụng nguồn nước tưới cho trồng trọt, phần lớn diện tích và sản lượng thủy sản tập trung ở xã Tà Nung. Hiện tại công ty Cá tầm Việt Nam chủ yếu sản xuất cá tầm giống từ 3-5 gram sau đó chuyển sang Đắk Lắk nuôi cá thương phẩm xuất bán, do nhiệt độ và điều kiện ở đó thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển nhanh. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 9 đạt 20,4 ha, tăng 0,25%; sản lượng ước đạt 43,38 tấn, tăng 0,42% so với cùng kỳ.

II. CÔNG NGHIỆP

Tình hình sản xuất công nghiệp cá thể thành phố Đà Lạt trong 9 tháng năm 2022 tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, sản xuất kinh doanh dần ổn định. Tuy nhiên, giá cả nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến tại địa phương.

Giá trị sản xuất công nghiệp cá thể theo giá hiện hành 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 385,4 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Theo giá so sánh 2010 ước đạt 223,9 tỷ đồng tăng 18,2% so với cùng kỳ. Trong đó:

- Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong công nghiệp của thành phố, chiếm 99,17% trong tổng cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp cá thể. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 382,2 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 ước đạt 222,2 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ.

Giá trị theo giá hiện hành một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: Ngành chế biến thực phẩm đạt 92,9 tỷ đồng, tăng 21,2%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như sản xuất cửa, tủ sắt và nhôm đạt 71,6 tỷ đồng, tăng 19,5%; ngành sản xuất đồ mộc gia dụng đạt 46,1 tỷ đồng, tăng 23,5%; ngành sản xuất trang phục đạt 19,5 tỷ đồng tăng 18,6% so với cùng kỳ.

- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt 3,2 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ.

III. THƯƠNG MẠI,  DỊCH VỤ VÀ VẬN TẢI

1. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 23.958,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,02 lần so với cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ 12.856,1 tỷ đồng, tăng 71,06% và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11.102,5 tỷ đồng, tăng 2,56 lần so với cùng kỳ.

Tình hình khách đăng ký lưu trú: 9 tháng đầu năm 2022 ước có 2.771,5 ngàn lượt khách đăng ký lưu trú, tăng gấp 3,53 lần so với cùng kỳ. Lượt khách quốc tế, tăng 3,85 lần và  lượt khách trong nước, tăng 3,52 lần so với cùng kỳ.

Giá bán lẻ hàng hóa:

Tháng 9/2022, giá xăng dầu giảm so tháng trước tuy nhiên vẫn cao so với cùng kỳ. Hàng thực phẩm thiết yếu tăng như thịt heo, trứng gà, rau củ quả (so với tháng trước giá trứng gà công nghiệp tăng 3,84%; thịt heo đùi tăng 1,33%). Hàng chất đốt: So với tháng trước giá Gaz petrolimex giảm 4,55%; xăng A95 giảm 1,75%; xăng A92 tăng 1,58%; dầu Diesel 0,05S tăng 8,35%. Vật liệu xây dựng: So với tháng trước giá Xi măng Hà Tiên 1, cát vàng, thép tròn fi 6, fi 8 bình ổn giá.

Vàng, ngoại tệ: Vàng 99,99 giảm 2,65% so với tháng trước và tăng 0,38% so với cùng kỳ. Đô la Mỹ tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ.

2. Vận tải

Doanh thu vận tải  ngoài quốc doanh trên địa bàn 9 tháng năm 2022 ước đạt 1.247,4 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ (kinh tế tư nhân đạt 855,6 tỷ đồng, tăng 85,3%). Trong đó:

- Vận tải hành khách: Khối lượng vận chuyển ước đạt 8.326 ngàn hành khách, tăng 95,6%; khối lượng luân chuyển ước đạt 1.104,5 triệu hành khách.km, tăng 103,1%; doanh thu ước đạt 816,9 tỷ đồng, tăng 98,5% so với cùng kỳ.

- Vận tải hàng hóa: Sản lượng vận chuyển ước đạt 560 ngàn tấn, tăng 46,9%; luân chuyển ước đạt 200,8 triệu tấn.km, tăng 58,1%; doanh thu ước đạt 282,2 tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ.

IV. VĂN HÓA - GIÁO DỤC - Y TẾ - XÃ HỘI

Văn hóa: Tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2022), ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh(26/3/1931-26/3/2022), hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất năm 2022 gắn với tiết kiệm năng lượng…Triển khai công tác tuyên truyền kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2022); tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ, và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” trên địa bàn Thành phố; tiếp tục đôn đốc các đơn vị đăng ký chương trình hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX năm2022.

 Giáo dục: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện giáo dục ở các cấp. Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường học đến hết năm 2022 trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Y tế: Tiếp tục thực hiện tốt công tác Truyền thông sức khỏe để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tai biến trong chuyên môn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và quản lý các chương trình y tế dự phòng- dân số và phát triển, quản lý hoạt động tại trạm Y tế, cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân.

 Xã hội: Tiếp tục giải quyết các vấn đề về chính sách người có công như: trợ cấp một lần và mai táng phí cho thân nhân người có công cách mạng từ trần; thực hiện mua và cắt giảm Bảo hiểm y tế, dụng cụ chỉnh hình, sổ ưu đãi giáo dục cho các trường hợp tăng và giảm; tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan xác minh hồ sơ xin giao đất, xin thuê nhà chung cư và miễn giảm tiền sử dụng đất theo diện gia đình chính sách trên địa bàn.

Tập trung thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đảm bảo người lao động được hưởng chính sách kịp thời theo quy định.

Tiếp tục thực hiện nghiệm thu và trình UBND thành phố ban hành quyết định trợ cấp xã hội đối với những trường hợp phát sinh mới cho Người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội. Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 5.361 người. Thực hiện công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn cho doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động...

Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội những tháng đầu năm được giữ vững, đời sống nhân dân tương đối ổn định./.   

 

Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt