Các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà trong 9 tháng đầu năm 2022 đã sôi động trở lại và có sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, THỦY SẢN
1. sản xuất nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
* Cây hàng năm: Tổng diện tích cây hàng năm gieo trồng trên địa bàn huyện ước 9 tháng năm 2022 đạt 5.260,5 ha, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất một số cây trồng chủ yếu như sau:
Cây lúa gieo trồng được 1.136 ha, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã thu hoạch 529,5 ha, năng suất bình quân đạt 42,8 tạ/ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Nguyên nhân năng suất tăng là do bà con sử dụng giống lúa mới, nguồn nước đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Cây ngô 9 tháng gieo trồng được 861,5 ha, tăng 8,9% so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 606,5 ha, tăng 11%; năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 46,4 tạ/ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Năm nay giá bán ngô cao nên diện tích gieo trồng tăng.
So với cùng kỳ, cây rau ước 9 tháng đầu năm thực hiện 1.877,1 ha, tăng 10,5%; cây đậu thực phẩm gieo trồng 99,3 ha, tăng 4,3%; cây hoa các loại 273,9 ha, tăng 12%. Diện tích rau, hoa tiếp tục được mở rộng, đầu tư thâm canh, chú trọng công tác chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất và giá trị hàng hóa tăng. Ước 9 tháng diện tích rau thu hoạch là 1.657,3 ha, năng suất thu hoạch bình quân 195 tạ/ha, tăng 14,3% so với cùng kỳ; cây đậu thực phẩm thu hoạch 49,5 ha, năng suất thu hoạch bình quân ước đạt 13,7 tạ/ha, tăng 1,2%; cây hoa các loại thu hoạch 232,5 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 84.607,3 ngàn bông, tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước.
* Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm toàn huyện 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 49.203 ha, tăng 2,2% so cùng kỳ. Một số cây trồng chính:
Cây cà phê: Tổng diện tích cây cà phê toàn huyện hiện có 39.490 ha, giảm 0,6% so cùng kỳ. Diện tích cà phê giảm do bà con nông dân phá bỏ diện tích cà phê xen với cây ăn quả, cây mắc ca khi những loại cây này đã đi vào kinh doanh ổn định; ngoài ra cây cà phê già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp cũng được chuyển đổi sang trồng dâu tằm, rau, hoa các loại. Diện tích cây cà phê tái canh ước thực hiện 400 ha, bằng 80%; ghép chồi 450 ha, bằng 82,9% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sâu bệnh trên cây cà phê ít biến động, bệnh khô cành, vàng lá… gây hại ở mức độ nhẹ; trong giai đoạn trái non xuất hiện hiện tượng rụng quả ở một số địa phương như Phi Tô, Phú Sơn.
Cây ăn quả (không tính cây mắc ca): Các loại cây ăn quả chủ yếu được trồng trên địa bàn huyện gồm chuối, mít, bơ, sầu riêng, cam, cây thanh long... Tổng diện tích là 2.122,4 ha, tăng 28,6% so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới 9 tháng đầu năm đạt 483,6 ha, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cây mắc ca ước đạt 3.370 ha, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Diện tích trồng mới 9 tháng là 710 ha, bằng 59,1% so với cùng kỳ.
Cây dâu tằm: Diện tích hiện có ước đạt 3.620,4 ha, tăng 4,3% so cùng kỳ. Diện tích trồng mới ước thực hiện 150,5 ha, giảm 16,9% so cùng kỳ. Giá kén tằm vẫn ở mức tương đối cao nên diện tích dâu tiếp tục được mở rộng.
1.2. Chăn nuôi
Đàn trâu trên địa bàn huyện hiện có 390 con, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước tính 18,1 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đàn bò ước có 7.420 con, so với cùng kỳ giảm 1,2%. Trong đó đàn bò sữa có 468 con, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò trên địa bàn huyện ước giảm so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả từ chăn nuôi bò không cao.
Tổng đàn lợn có 90.000 con, giảm 1,2% so cùng kỳ. Trong đó chiếm tới 83% là số lượng lợn của các hộ nuôi với quy mô 300 con trở lên. Tính riêng các trang trại nuôi gia công thì số lợn duy trì là 60.000 con/50 trang trại.
Tổng đàn gia cầm ước tính 1.250 ngàn con, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Trong đó: đàn gà có 1.100 ngàn con, tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước.
2. Lâm nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp là 14 vụ (giảm 23 vụ so với cùng kỳ năm trước); trong đó, phá rừng trái pháp luật 9 vụ, diện tích rừng bị phá 1,3 ha; tàng trữ lâm sản 2 vụ, khối lượng lâm sản 0,2 m3, vận chuyển lâm sản trái phép 2 vụ… Đến nay đã xử lý 9 vụ, thu qua xử lý nộp ngân sách là 503,3 triệu đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước.
3. Thủy sản
Diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Lâm Hà 9 tháng đầu năm ước đạt 900 ha, giảm 3,4%. Tổng sản lượng thủy sản toàn huyện ước 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.398,6 tấn, giảm 3,3% so cùng kỳ. Thời tiết năm nay tuy thuận lợi hơn nhưng do các hộ nuôi chủ yếu là quảng canh, gần khu vực sản xuất nông nghiệp nên thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới môi trường ao hồ làm cá chậm lớn dẫn đến sản lượng thủy sản giảm so với cùng kỳ năm trước.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG – VỐN ĐẦU TƯ
1. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.088.073,4 triệu đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất một số ngành chủ yếu như: Giá trị sản xuất ngành chế biến thực phẩm ước đạt 141.530,7 triệu đồng, tăng 25,7%, do các hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng tiệc cưới... đã sôi động trở lại, nhu cầu sử dụng các sản phẩm như giò chả, bún, rượu,... đều tăng so với cùng kỳ năm trước; ngành dệt ươm tơ đạt 427.147,3 triệu đồng, tăng 14,6%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại ước tính đạt 55.391,1 triệu đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ...
Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 1.775.958,2 triệu đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
2. Xây dựng, vốn đầu tư
* Xây dựng: Giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn ước tính 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.600.010 triệu đồng (theo giá so sánh 2010), so với cùng kỳ tăng 10,7%; theo giá hiện hành ước đạt 2.350.047 triệu đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Năm nay, tình hình kinh tế đã phục hồi trở lại, thu nhập của người dân tăng do giá cà phê, kén tằm tăng cao và hoạt động mua bán bất động sản sôi động… nên đầu tư xây dựng của hộ dân cư phát triển mạnh. Các công trình xây dựng có quy mô đầu tư ngày càng lớn hơn so với trước đây làm cho giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng cao.
* Vốn đầu tư: Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng đầu năm ước thực hiện 225.360 triệu đồng, tăng 47,9% so với cùng kỳ, đạt 66,9% kế hoạch năm. Trong đó:
Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 9 tháng là 161.080 triệu đồng, tăng 278,7% so với cùng kỳ, đạt 61,7% kế hoạch năm. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực 9 tháng đầu năm 2022 là 64.280 triệu đồng, giảm 32% so với cùng kỳ, đạt 84,4% kế hoạch năm.
III. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ
1. Thương mại
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện Lâm Hà 9 tháng đầu năm ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nguyên nhân do giá bán nông sản (cà phê, kén tằm, hồ tiêu…) đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, các hoạt động bán lẻ cũng trở lại bình thường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.
2. Vận tải
Hoạt động vận tải 9 tháng đầu năm 2022 đã ổn định trở lại. Tổng doanh thu hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước 9 tháng đạt 248.322,7 triệu đồng, tăng 84,4% so với cùng kỳ. Trong đó:
Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 156.282 triệu đồng, tăng 64,3% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước 611 nghìn tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 90.495,1 triệu đồng, tăng 232,6% so với cùng kỳ. Khối lượng hành khách vận chuyển là 451,8 nghìn người, tăng 85,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách đều tăng cao hơn so với khối lượng vận chuyển là do ảnh hưởng giá xăng, dầu tăng làm cho giá cước vận tải tăng so với cùng kỳ năm trước.
IV. THU CHI NGÂN SÁCH
Ước 9 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 446.277 triệu đồng, tăng 63,7% so cùng kỳ, vượt 11,6% kế hoạch năm. Trong đó, thu phí, lệ phí là 321.646 triệu đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước; một số khoản thu phí, lệ phí tăng như thuế trước bạ đạt 84.405 triệu đồng, tăng 54,7%; thuế thu nhập cá nhân đạt 154.231 triệu đồng, tăng 248,4% chủ yếu là tăng các khoản thu từ hoạt động mua bán bất động sản. Thu từ nhà, đất là 103.924 triệu đồng, tăng 34,6% và thu khác là 17.374 triệu đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ.
Ước 9 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách địa phương là 589.163 triệu đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển là 94.019 triệu đồng, tăng 30%; chi thường xuyên là 495.144 triệu đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ.
V. VĂN HÓA, XÃ HỘI
1. Y tế
Trong 9 tháng đầu năm 2022, ước tính lượt người khám bệnh 122.436 lượt người, bằng 91,7% so cùng kỳ; tổng số lượt người điều trị 5.908 người, tăng 14,3% so cùng kỳ, trong đó số lượt người điều trị nội trú 4.923 người, tăng 14,9% so cùng kỳ; số trẻ em tiêm đủ vắcxin 896 trẻ, bằng 54,8% so cùng kỳ. Số liệu trẻ dưới 6 tuổi tiêm vắc xin giảm sâu do 2 tháng trở lại không có đủ nguồn cung vắc xin.
2. Giáo dục
Sáng ngày 5/9, cùng với học sinh cả nước, các trường trên địa bàn huyện đều long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Năm học này toàn huyện có 77 trường học, trong đó có 24 trường mầm non, 26 trường Tiểu học, 17 trường THCS, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú và 05 trường Trung học phổ thông. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng điều kiện dạy và học. Năm 2022 số phòng học kiên cố trên địa bàn huyện Lâm Hà là 1.138/1.249 phòng, đạt tỷ lệ 91,1%.
Tổng số học sinh sau khai giảng các cấp học cụ thể như sau: Bậc mầm non 7.203 trẻ, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm học trước; Bậc tiểu học 14.481 học sinh, tăng 3,3%, Bậc trung học cơ sở 10.359 học sinh, giảm 3,1% và Bậc trung học phổ thông 4.850 học sinh, tăng 5% so với cùng kỳ.
3. Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao
Từ đầu năm đến nay, ngành văn hóa tập trung truyên truyền nhiều ngày Lễ lớn, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước cũng như của địa phương như: Chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2/1930; mừng tết Nhâm Dần 2022; ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022; ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản HCM 26/3/2022; ngày giải phòng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2022, ngày Quốc khánh 2/9/2022, kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong...
Phát động đợt thi đua đặc biệt đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới và chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập huyện (28/10/1987 – 28/10/2022).
4. Xã hội
Công tác Người có công: Tổ chức chi trợ cấp hàng tháng cho 1.150 đối tượng người có công trên địa bàn huyện từ đầu năm tới nay với kinh phí trên 17.485 tỷ đồng; chi trợ cấp Tết cho đối tượng người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, người không hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí 790,6 triệu đồng...
Giải quyết việc làm: Thông qua các hình thức giải quyết việc làm đã giải quyết và duy trì việc làm ổn định cho 2.681 lao động/kế hoạch 3.500 lao động, đạt 76.6% kế hoạch (trong đó, lao động là DTTS là 845 người).
Đào tạo nghề: Phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tổ chức dạy nghề 02 lớp sửa chữa máy nông nghiệp cho 46 học viên tại xã Đạ Đờn và xã Liên Hà; Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm cho 177 người là đồng bào DTTS tại các xã Phú Sơn, Đạ Đờn, Mê Linh và TT. Đinh Văn.
|