I. NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN
1. Sản xuất nông nghiệp
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới và lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành nông nghiệp của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng, hoạt động sản xuất cầm chừng, các hộ nông nghiệp dè dặt trong đầu tư xuống giống diện tích hoa các loại giảm, một số đơn vị chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây hoa sang cây rau ngắn ngày do hoa không phải là mặt hàng thiết yếu nên khó tiêu thụ sản phẩm, giá hoa giảm so các tháng trước và so với cùng kỳ.
Cây hàng năm: Tiến độ đến ngày 10/9/2021 diện tích gieo trồng vụ Hè thu năm 2021 ước đạt 3.962,2 ha, bằng 99,37% so với cùng kỳ. Trong đó, cây rau các loại 1.643,6 ha bằng 99,73%; hoa các loại 1.971 ha, bằng 98,98%; cây lấy củ có chất bột 199,3 ha bằng 99,97%; cây gia vị dược liệu và cây hàng năm khác 100,8 ha bằng 99,93%.
Thu hoạch vụ Hè thu 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt 2.470,1 ha, bằng 99,08%. Trong đó, cây rau các loại 1.232,7 ha, bằng 99,73%; hoa các loại 976,5 ha, bằng 98,07%; cây lấy củ có chất bột 149,47ha, bằng 99,97%.
Cây lâu năm: Cây chè 237,2 ha, bằng 100,04%, sản lượng ước 9 tháng đạt 1.822,7 tấn, tăng 0,03% so với cùng kỳ. Cây cà phê đạt 5.157,6 ha, bằng 99,99%, giảm nhẹ do một số cây bị nhiễm bệnh bọ xít muỗi; hiện tại cà phê đang trong giai đoạn nuôi trái; diện tích cà phê catimo chiếm tỷ trọng khá lớn là 86% trong tổng diện tích cà phê. Cây ăn quả 858,9 ha, bằng 99,65%. Trong đó, hồng ăn trái chiếm tỷ trọng chủ yếu của cây ăn quả với 338,1 ha, bằng 98,94% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi: Công tác phòng ngừa dịch bệnh được đặt lên hàng đầu, thành phố tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại...; việc kiểm soát giết mổ và nhập các loại gia súc, gia cầm chặt chẽ.
Số lượng gia cầm ước đạt 191,62 nghìn con, trong đó: đàn gà 155,06 nghìn con, bằng 97,98%, giá trứng gà công nghiệp tại các cơ sở chăn nuôi từ 33.000-36.000 đồng/kg, giá có tăng so tháng trước do là mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, các cơ sở chăn nuôi gà có xu hướng chuyển ra xa các khu dân cư, tránh ô nhiễm môi trường; heo 5.368 con, bằng 94,47% và đàn trâu, bò 1.332 con.
Chuyển giao khoa học kỹ thuật: Trong 9 tháng đầu năm 2021 thành phố đã cấp 461 nhãn hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành (trong đó có 366 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 76 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 9 cơ sở kinh doanh cà phê). Bên canh đó, cũng đã cấp 22 nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất”, 39 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” và 20 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.
2. Lâm nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm 2021 tình hình trồng rừng, chăm sóc và nuôi dưỡng rừng ước đạt 39.446 ha. Trong đó, giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 14.198,8 ha cho 410 hộ và 13 đơn vị từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng; trồng mới rừng tập trung 47,1 ha, tăng 0,64%; chăm sóc rừng trồng đạt 163,1 ha, tăng 1,44%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán 12,78 ngàn cây, tăng 0,94%; ươm cây giống lâm nghiệp ước đạt 122,26 ngàn cây, tăng 0,83%.
Khai thác, thu nhặt gỗ và lâm sản khác chủ yếu là từ nguồn tận thu, tận dụng và chặt hạ các cây có nguy cơ đổ ngã được chặt theo quy định. Ước 9 tháng đầu năm 2021 lượng củi khai thác đạt 296,26 ster, tăng 0,95%; dớn trồng lan ước đạt 4,35 tấn, bằng 98,38%.
Số doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp, thuê rừng là 90 doanh nghiệp đầu tư dự án với tổng diện tích là 4.458,19 ha.
Trên địa bàn thời tiết đang là mùa mưa, lượng mưa tương đối lớn và đều khắp do đó trong tháng không xảy ra cháy rừng trên địa bàn thành phố.
3. Thủy sản
Tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn thành phố Đà Lạt cơ bản ổn định, chủ yếu do các cơ sở hộ cá thể nuôi cá nhỏ lẻ, tận dụng nguồn nước tưới cho trồng trọt, phần lớn diện tích và sản lượng thủy sản tập trung ở xã Tà Nung. Hiện tại công ty Cá Tầm Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất cá tầm giống từ 3-5 gram. Tổng diện tích thủy sản tháng 9 đạt 20,39 ha, tăng 0,25%; sản lượng ước đạt 4,79 tấn, tăng 0,63% so với cùng kỳ.
II. CÔNG NGHIỆP - XÂY DỰNG
1. Sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp cá thể thành phố trong 9 tháng đầu năm 2021 dự tính giảm nhẹ so với cùng kỳ, do thành phố đang trong giai đoạn tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trong tháng 9/2021 có nhà máy Len sợi lông cừu tại xã Trạm Hành bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa tạm thời theo chỉ đạo của thành phố.
Giá trị sản xuất công nghiệp cá thể trong 9 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 305 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ. Giá so sánh 2010 ước đạt 188,8 tỷ đồng bằng 88,1%. Một số ngành công nghiệp chính:
- Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền sản xuất công nghiệp của thành phố, chiếm 99,2% trong tổng cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp cá thể. Thực hiện 9 tháng đầu năm ước đạt 302,4 tỷ đồng, bằng 93,9% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 187,4 tỷ đồng bằng 88,1%. Giá trị một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của thành phố:
+ Ngành chế biến thực phẩm theo giá hiện hành ước 9 tháng đạt 114,8 tỷ đồng bằng 93,8%. Giá so sánh 2010 đạt 76,4 tỷ đồng bằng 87,4% so với cùng kỳ.
+ Sản xuất đồ uống theo giá hiện hành 9 tháng ước đạt 6,8 tỷ đồng, bằng 91,4%. Giá trị theo giá so sánh 2010 9 tháng ước đạt 5,1 tỷ đồng, bằng 87,7% so với cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất trang phục theo giá hiện hành 9 tháng ước đạt 35,2 tỷ đồng bằng 89,2%. Theo giá so sánh 2010 ước đạt 16,4 tỷ đồng bằng 82,2%. Ngành này cũng chịu sự cạnh tranh tương đối lớn của nguồn quần áo may sẵn trên thị trường.
+ Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như sản xuất cửa, tủ sắt và nhôm theo giá hiện hành 9 tháng đạt 59,9 tỷ đồng bằng 94,2%. Giá so sánh 2010 ước đạt 38,5 tỷ đồng bằng 89,4% so với cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất đồ mộc gia dụng giá trị sản xuất theo giá hiện hành 9 tháng ước đạt 36,8 tỷ đồng bằng 93,9%. Giá so sánh 2010 ước đạt 20,2 tỷ đồng bằng 89,3%. Ảnh hưởng chung của Covid 19 nên mức đầu tư của các quán ăn, cà phê giải khát, khách sạn, homestay… giảm gây ảnh hưởng đáng kể đến lượng tiêu thụ của ngành sản xuất bàn, ghế, giường, tủ các loại. Ngoài ra các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ cũng ảnh hưởng đến mức sản xuất đồ mộc gia dụng.
- Sản xuất và phân phối điện, khí đốt giá trị sản xuất theo giá hiện hành 9 tháng đầu năm ước đạt 2,5 tỷ đồng tăng 3,5%. Giá so sánh 2010 ước đạt 1,4 tỷ đồng, bằng 93,1% so với cùng kỳ 2020. Các cơ sở lưu trú, cà phê giải khát đóng cửa nên kéo theo ngành sản xuất nước đá bị giảm mạnh.
III. THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ - VẬN TẢI
a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng nhẹ so với tháng trước. Dịch covid-19 đến nay vẫn còn ảnh hưởng tới đời sống nhân dân thành phố. Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 11.874,09 tỷ đồng, bằng 100,05% cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ 7531,55 tỷ đồng bằng 97,23 % cùng kỳ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4.342,54 tỷ đồng bằng 105,34% cùng kỳ.
b. Tình hình khách đăng ký lưu trú
Trong 9 tháng 2021 ước đạt có 784.547 lượt khách đăng ký lưu trú, bằng 33,52% so cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ có 13.800 lượt khách quốc tế, bằng 17,64% và khách nội địa 770.747 lượt khách, bằng 34,07%. Tổng cộng có 1.564.601 ngày khách đăng ký lưu trú, bằng 32,62% so với cùng kỳ. Trong đó, 35.880 ngày khách quốc tế, bằng 36,61% và 1.528.721 ngày khách trong nước, bằng 32,53% so với cùng kỳ.
c. Vận tải ngoài quốc doanh: Tình hình làn sóng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều tỉnh thành, trong đó có cả thành phố Đà Lạt nên ảnh hưởng các hoạt động vận tải bị ngưng trệ. Thành phố đã ra các văn bản chỉ đạo ngừng hoạt động một số tuyến vận tải ra và vào địa bàn thành phố nên lượng vận tải giảm sâu so với năm ngoái. Tình hình vận tải vận tải như sau:
9 tháng đầu năm 2021 doanh thu ước đạt 716,9 tỷ đồng, bằng 93,2% so cùng kỳ chủ yếu do năm nay chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, hệ thống vận tải bị ngưng trệ; trong đó, kinh tế tư nhân 481 tỷ đồng bằng 82%; kinh tế cá thể đạt 233,3 tỷ đồng, tăng 28,9% chủ yếu do nhu cầu vận chuyển hàng hoá và kinh tế tập thể đạt 2,4 tỷ đồng, tăng 48% so với 9 tháng cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hành khách: khối lượng vận chuyển ước đạt 4,3 ngàn lượt người bằng 96,8%; luân chuyển 542,2 triệu lượt người.km, bằng 98,03% và doanh thu đạt 411 tỷ đồng, bằng 86,4% so với cùng kỳ.
- Vận tải hàng hóa: sản lượng vận chuyển ước đạt 366,5 ngàn tấn, tăng 18,5% so cùng kỳ; luân chuyển 120,2 triệu tấn.km, tăng 25,9% và doanh thu đạt 193 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ.
IV. TÀI CHÍNH
1. Thu ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm 2021 ước đạt 1.093.579 triệu đồng, tăng 7,19% so với cùng kỳ và đạt 75,21% so kế hoạch năm 2021; trong đó: thuế phí, lệ phí đạt 612.673 triệu đồng, tăng 16,94% so với cùng kỳ và đạt 78,55% so kế hoạch cả năm; các khoản thu về nhà đất đạt 451.711 triệu đồng, bằng 95,71% so với cùng kỳ và đạt 70,80% so kế hoạch năm; thu khác 29.195 triệu đồng, tăng 20,02% so với cùng kỳ và đạt 81,1% so kế hoạch năm.
2. Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách nhà nước trên đại bàn thành phố trong 9 tháng ước đạt 675.843 triệu đồng, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước và đạt 83,49% so kế hoạch năm 2021.
V. VĂN HÓA - GIÁO DỤC - Y TẾ - XÃ HỘI
Văn hóa: Trong 9 tháng thành phố thực hiện tuyên truyền kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước; tăng cường công tác kiểm tra các loại hình dịch vụ văn hóa trên địa bàn, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, đặt bảng hiệu, nâng cao chất lượng tuyên truyền nhằm phản ánh tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an toàn giao thông, văn minh đô thị. Hạn chế một số tiêu cực, tệ nạn xã hội trong lĩnh vực văn hóa.
Giáo dục: Khai giảng năm học mới 2021-2022 bằng hình thức online, đồng thời tập trung chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở vật chất trong năm học mới, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới theo các bậc học.
Y tế: Triển khai toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid -19, khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K của Bộ y tế. Chủ động phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp, thực hiện nghiêm túc các văn bản, công điện của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư y tế, phương tiện kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát các chương trình y tế, tình hình dịch bệnh; tham mưu và triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Xã hội: Tiếp tục giải quyết các vấn đề về chính sách, công tác giảm nghèo, công tác người cao tuổi trên địa bàn thành phố; tập trung triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương. Tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn cho doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thực hiện công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố: Tổ chức kiểm tra chương trình giải quyết việc làm từ nguồn vốn trung ương và địa phương năm 2021 đảm bảo theo kế hoạch; dự tính sẽ tiếp tục triển khai 02 lớp đào tạo nghề sơ cấp tại xã Xuân Trường và xã Trạm Hành khi dịch Covid-19 ổn định.
|