Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 huyện Lâm Hà
Trích từ báo cáo Kinh tế - Xã hội 9 tháng năm 2021 của Chi cục Thống kê khu vực Lâm Hà - Đam Rông

              I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM, THỦY SẢN

1. Trồng trọt

a. Cây hàng năm: Tổng diện tích cây hàng năm gieo trồng trên địa bàn huyện Lâm Hà ước 9 tháng đầu năm đạt 4.865,9 ha, tăng 3,4% so cùng kỳ.

- Cây lúa: Cây lúa đã kết thúc gieo trồng, ước cả năm đạt 1.225 ha, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lúa vụ Mùa gieo trồng 641 ha, giảm 10,4% (giảm 74,2 ha) so cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu giảm ở thị trấn Đinh Văn, xã Tân Văn, xã Đạ Đờn, do hiệu quả kinh tế thấp nên bà con nông dân đã chuyển sang canh tác các loại cây khác dẫn đến diện tích lúa giảm từ vụ Đông Xuân. 

- Một số cây trồng hàng năm chủ yếu khác:

Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước đạt 791,4 ha, tăng 5,5% so cùng kỳ 2020, do cây ngô vụ Mùa đã được xuống giống sớm. Diện tích thu hoạch đạt 405,8 ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt 44,6 tạ/ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay tiến độ gieo trồng đạt 245,1 ha/KH 285 ha ngay từ giữa tháng 8 để tận dụng thời tiết mưa nhiều và tránh sâu keo khi mùa thu đến.

Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước đạt 293,9 ha, tăng 18% so cùng kỳ. Diện tích khoai lang tăng do giá bán cao hơn năm trước, khoai lang là loại cây dễ trồng, không phải chăm sóc nhiều và phù hợp với nhiều loại đất. Đến nay đã thu hoạch 154,5 ha, năng suất thu hoạch đạt 157 tạ/ha, tăng 4,2% so cùng kỳ.

Cây rau ước gieo trồng 1.577,6 ha, tăng 12,3% so cùng kỳ. Đến nay thu hoạch 1.257,8 ha; sản lượng rau toàn huyện ước đạt 24.728,5 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

          Hoa các loại gieo trồng được 246,4 ha, giảm 2,7% so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch đạt 190 ha, sản lượng thu hoạch đạt 73.092,6 (1.000 bông/cành), tăng 3,3% so cùng kỳ.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ hoa của tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Lâm Hà nói riêng; một số diện tích hoa đã được chuyển đổi sang trồng rau màu, do vậy diện tích rau các loại trên địa bàn huyện Lâm Hà đang tăng vì đây là những mặt hàng nông sản thiết yếu, ngoài ra còn được vận chuyển ra ngoài tỉnh để hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận.

  b. Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm 9 tháng đầu năm là 48.095 ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn tiếp tục chuyển dịch diện tích giữa các nhóm cây trồng. Diện tích cà phê, tiêu có hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả các loại. Mô hình trồng cây ăn quả trên đất nông, lâm kết hợp bước đầu phản ánh hướng đi đúng đắn. Diện tích dâu tằm tăng do được chuyển đổi từ đất trồng lúa một vụ.

Cây cà phê hiện có 39.847 ha, diện tích chuyển đổi tái canh ước thực hiện 1.050 ha (ghép cải tạo 500 ha, trồng tái canh 550 ha), so với cùng kỳ 2020 giảm 5,8%.

Cây ăn quả các loại 4.330 ha, diện tích trồng mới 1.550 ha (mắc ca 1.200 ha, bơ 165 ha, sầu riêng 75 ha, chuối 32 ha, mít 5,5 ha...). Diện tích mắc ca trồng mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là diện tích mắc ca trồng trên đất nông, lâm kết hợp của đề án trồng 4,8 triệu cây xanh trên địa bàn huyện.   

2. Chăn nuôi

Đàn lợn trên địa bàn huyện Lâm Hà hiện có 91.025 con, tăng 10,4% so cùng kỳ năm trước. Tình hình chăn nuôi lợn đang hồi phục khi một số trại đã tăng số lợn nái; tuy nhiên tốc độ tái đàn còn chậm, chủ yếu là các công ty đã tăng số lượng lợn nuôi gia công cho các trại, vì nhiều trang trại sau thời gian tạm nghỉ để sửa trại lạnh đúng theo quy định. Hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn khi giá con giống tăng, giá thức ăn tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người chăn nuôi.

Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện tăng, đàn gà toàn huyện có 1.100 ngàn con, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước. Số lượng đàn gà vẫn ổn định ở loại hình hộ nuôi từ 4.000 con trở lên, trong đó đa số là gà đẻ trứng. Hiện nay tăng mạnh nhất là mô hình hộ nuôi từ 500 đến dưới 4.000 con, đặc biệt ở thị trấn Nam Ban. Loại hình nuôi gà này kết hợp thức ăn công nghiệp và thả vườn, giá bán ổn định nên được người dân đầu tư phát triển.

3. Lâm nghiệp

Diện tích giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2021 là 19.085,51 ha, trong đó: giao cho 5 tổ chức với diện tích 2.014,4 ha và 812 hộ gia đình với diện tích 17.071,11 ha (có 512 hộ đồng bào dân tộc).

Tổng diện tích đã thực hiện trồng rừng: 759 ha; trong đó: trồng rừng tập trung: đã thực hiện 49,5 ha/85,9 ha KH; trồng bù, trồng dặm đối với diện tích cây hiện có thưa, không đủ mật độ khoảng 20 ha; Trồng xen cây lâm nghiệp (nguồn vốn DVMTR, Đề án 1836, Đề án 02) đã thực  hiện 689,5 ha/ 916,4 ha.

Trong 9 tháng đầu năm, số vụ vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng là 37 vụ, giảm 21,3% so cùng kỳ. Trong đó, phá rừng trái pháp luật 20 vụ, diện tích 2,9 ha; khai thác gỗ và lâm sản trái phép 8 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 9 vụ. Đã xử lý 37 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 402,4 triệu đồng.

4. Thủy sản

Diện tích thủy sản nuôi trồng toàn huyện ước 9 tháng đạt 873,5 ha, giảm 0,4% so cùng kỳ năm 2020.

Tổng sản lượng thủy sản ước 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.449,4 tấn, giảm 6,3% so cùng kỳ (giảm 99,6 tấn). Trong đó thủy sản khai thác 1,5 tấn, tăng 6,3% (do tăng người khai thác từ bộ phận đồng bào dân tộc thiếu việc làm vì ảnh hưởng của dịch bệnh); thủy sản nuôi trồng 1.444,4 tấn, giảm 6,6% (giảm 103,2 tấn). Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá không cao, do nguồn nước bị ô nhiễm nên cá nuôi chậm lớn.     

II. SẢN XUẤT CN - TTCN, XÂY DỰNG, VẬN TẢI

1.     Sản xuất CN - TTCN

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid trong nước diễn biến phức tạp, nhưng huyện Lâm Hà nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều. Các cơ sở sản xuất ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vẫn tăng trưởng khá.

Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước 9 tháng đầu năm 2021 đạt 872.409,1 triệu đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt 1.309.421,4 triệu đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất một số ngành chủ yếu như sau:

Ngành dệt ươm tơ (theo giá so sánh 2010) đạt 338.052,8 triệu đồng, tăng 53,7% so với cùng kỳ. Sản phẩm tơ chỉ tăng 30,4% nhưng giá trị tăng 53,7% do giá tơ năm nay tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (theo giá so sánh 2010) đạt 108.878 triệu đồng, tăng 13,2%. Giá sắt tăng cao, sản phẩm cửa ra vào bằng nhôm, sắt tăng 92,7%; tôn tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh một số ngành tăng thì giá trị ngành sản xuất thực phẩm giảm do các hoạt động dịch vụ ngành ăn uống, nhà hàng tiệc cưới bị hạn chế. Giá trị ngành chế biến thực phẩm (theo giá so sánh 2010) ước đạt 133.042 triệu đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ.

2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng ước 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.019.142 triệu đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 6,4% so cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị các công trình nhà ở đạt 743.974 triệu đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Giá nông sản cà phê, kén tằm, hồ tiêu tăng làm tăng thu nhập của người dân và thị trường bất động sản sôi động, giá đất tăng cao, nhiều hộ dân bán đất đầu tư xây dựng nhà ở. Theo giá thực tế giá trị sản xuất ngành xây dựng ước 9 tháng đạt 1.584.052 triệu đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

              3. Vận tải

           Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc phong tỏa hoặc hạn chế đi lại của nhiều tỉnh thành trên cả nước làm cho doanh thu ngành vận tải 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn huyện Lâm Hà giảm 5,5% so với cùng kỳ, đạt 176.850,5 triệu đồng; riêng tháng 9, doanh thu ngành vận tải đạt 7.495,8 triệu đồng, giảm 54% so với tháng cùng kỳ.

             Doanh thu vận tải hành khách ước 9 tháng đầu năm đạt 52.904,6 triệu đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hành khách vận chuyển đạt 314 ngàn người, giảm 17%.

Doanh thu vận tải hàng hóa ước 9 tháng đạt 123.428,8 triệu đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 575,9 ngàn tấn, giảm 3,4%.

III. THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước 9 tháng đầu năm đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2020. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng huyện Lâm Hà vẫn là vùng xanh của tỉnh nên hoạt động mua bán diễn ra bình thường. Ngoài ra, giá nông sản cà phê, kén tằm, hồ tiêu tăng làm tăng thu nhập của người dân; giá đất tăng, nhiều hộ dân bán đất chi cho đầu tư xây dựng, mua sắm, tiêu dùng.

Giá một số mặt hàng nông sản chủ yếu: Cà phê nhân 40 ngàn đồng/kg, tăng 30% so với cùng kỳ; kén tằm 150 ngàn đồng/kg, tăng 36%; hồ tiêu 80 ngàn đồng/kg, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá heo hơi 50 ngàn đồng/kg, giảm 38% so với cùng kỳ, hiện giá heo đang ở mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.

Các mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón được tăng cường do vào mùa mưa bà con tiến hành bỏ phân, chăm sóc cây công nghiệp dài ngày. Giá các loại phân bón tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, sắt thép cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá xăng dầu tăng.

IV. VĂN HÓA, XÃ HỘI

1. Y tế

Tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 10/9, toàn huyện có 479 trường hợp cách ly tập trung (đã hoàn thành cách ly 381 trường hợp); 5.298 trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà (đã hoàn thành 5.182 trường hợp); lấy xét nghiệm được 441 mẫu.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ước tính lượt người khám bệnh: 134.928 lượt người, bằng 84,3% so cùng kỳ năm trước; tổng số lượt người điều trị là 5.073 người, bằng 81,3% so cùng kỳ; trong đó số lượt người điều trị nội trú là 4.212 người, bằng 85,3% so cùng kỳ; Số trẻ em tiêm đủ vắcxin là 1.628 trẻ, giảm 10,8% so cùng kỳ. Số liệu khám chữa bệnh so cùng kỳ giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ khi có dịch xuất hiện, thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện nhằm tránh lây lan dịch bệnh đã hạn chế số lượng người đi lại, kể cả đi khám bệnh. 

2. Giáo dục

Ngành giáo dục và đào tạo Lâm Hà đã và đang chủ động công tác chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ đến các trường để thích ứng trước diễn biến của dịch, vừa bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vừa triển khai tốt các hoạt động giáo dục, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới với mục tiêu “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.

3. Văn hóa thông tin - thể dục thể thao

Từ đầu năm đến nay, ngành văn hóa tập trung truyên truyền nhiều Ngày Lễ lớn, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, của địa phương như: Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/2/1930; mừng Tết nguyên đán Tân Sửu 2021; tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền phòng, chống dịch covid 19; tuyên truyền công tác phòng chống cháy rừng mùa khô, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ 8/3/2021; ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/2021; ngày giải phòng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2021; ngày Quốc khánh 2/9/2021 ....

4. Xã hội

  Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và QĐ 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 và Quyết định số 1900/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Tính đến ngày 10/9/2021 UBND huyện trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt hỗ trợ và chi trả các đối tượng, cụ thể: 998 lao động tự do với kinh phí 1.497 triệu đồng; 46 người bán vé số lưu động với kinh phí 69 triệu đồng; 139 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí 368,9 triệu đồng; 57 hộ kinh doanh với kinh phí 171 triệu đồng; 237 người lao động Lâm Hà thực sự gặp khó khăn ở các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg với kinh phí 355,5 triệu đồng.

Thực hiện chính sách người có công: Từ đầu năm, đã tổ chức bàn giao 07 căn nhà tình nghĩa cho người có công với kinh phí 230 triệu đồng; Lập danh sách tiêm vacxin phòng bệnh covid -19  cho 1.316 đối tượng người có công; 

             Tổ chức chi trả kịp thời trợ cấp hàng tháng cho người có công với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt