Giới thiệu chung
Phát huy hiệu quả công tác thanh tra trong hoạt động thống kê
Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Thống kê được quy định tại Luật Thống kê năm 2003 như sau: Thanh tra Thống kê là thanh tra chuyên ngành về thống kê. Thanh tra Thống kê có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về Thống kê; phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về Thống kê; kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về Thống kê (Khoản 1, Điều 36).

Tổ chức Thanh tra Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 3 cán bộ, 01 Chánh thanh tra là thanh tra viên và 02 cán bộ kiêm nhiệm, ngoài ra tùy tính chất từng cuộc thanh tra mà lãnh đạo Cục sẽ ký quyết định điều động các cộng tác viên thanh tra; chủ yếu là các CBCC thuộc cơ quan Cục tham gia cùng Đoàn thanh tra.

Các năm qua tình hình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch công tác của ngành Thống kê Lâm Đồng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Sự phối hợp giữa cấp ủy, lãnh đạo và các đoàn thể trong cơ quan chặt chẽ trên cơ sở các quy chế dân chủ, quy chế phối hợp, nội quy cơ quan. Việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành theo kế hoạch công tác từ đầu năm do Cục trưởng Cục Thống kê ban hành trên cơ sở kế hoạch chuyên môn của Tổng cục Thống kê giao và tình hình nhiệm vụ công tác tại địa phương. Mặt khác toàn thể cán bộ-công chức cơ quan Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng được sinh hoạt Công đoàn và họp cơ quan thường xuyên vào chiều thứ 6 hàng tuần, qua đó những ý kiến cần phản ánh sẽ được nêu ra chất vấn trực tiếp với lãnh đạo Cục. Đối với cán bộ-công chức thuộc các phòng Thống kê cấp huyện, hàng quý, 6 tháng, 9 tháng có họp phản ánh tại cơ quan Cục, việc phòng chống tham nhũng được coi trọng thường xuyên nên các năm qua không có đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến, vì vậy công tác thanh tra trên các lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trong năm qua không phát sinh; chỉ tập trung vào việc thanh tra việc thực hiện Luật thống kê đối với việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê cơ sở và việc thực hiện phương án điều tra Thống kê của các đơn vị trong và ngoài ngành.

  I. Công tác triển khai Luật Thống kê và Nghị định 14/NĐCP: 

Thông qua các hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ điều tra như điều tra doanh nghiệp hàng năm, các lớp bồi dưỡng Thống kê xã, phường, thị trấn; thanh tra Cục Thống kê Lâm Đồng kết hợp phổ biến tuyên truyền Luật Thống kê và Nghị định 14/2005/NĐ-CP ngày 14/2/2005 Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Thống kê. Quy định chi tiết và hướng dẫn  cho các đối tượng là giám đốc (chủ doanh nghiệp) thuộc các thành phần kinh tế và cán bộ kế toán, thống kê thuộc các doanh nghiệp, CB văn phòng Thống kê xã, phường, thị trấn. Ngoài ra phối hợp với các Phòng Thống kê nghiệp vụ duy trì hình thức thông báo tình hình thực hiện chế độ báo cáo đối với các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm và năm.

   II. Thanh tra chấp hành chế độ báo cáo và phương án điều tra Thống kê: 

Được sự chỉ đạo của Tổng cục Thống kê và lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, hoạt động Thanh tra trong các năm qua đã đi vào nề nếp. Căn cứ vào kế hoạch nhiệm vụ công tác Thanh tra hàng năm Tổng cục Thống kê đã giao, Thanh tra Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã chi tiết kế hoạch Thanh tra cả năm và từng tháng hoạt động. Trên cơ sở đó, Thanh tra Cục chủ động tổ chức triển khai nhiệm vụ. Tiến hành soạn thảo Quyết định thanh tra theo kế hoạch, thành lập Đoàn Thanh tra và hoàn thành hồ sơ thanh tra sau khi kết thúc từng cuộc thanh tra để lãnh đạo phê duyệt theo đúng quy trình

Khi thành lập Đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra trực tiếp hướng dẫn về nghiệp vụ thanh tra cho tất cả các thành viên trong Đoàn, đồng thời tổ chức nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nội dung và đơn vị được thanh tra trước khi tiến hành thanh tra nên các thành viên Đoàn thanh tra đều nắm vững nghiệp vụ, hoàn thành tốt các cuộc thanh tra theo yêu cầu.

Công tác Thanh tra các năm qua trọng tâm là thanh tra việc chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị cơ sở và thanh tra việc thực hiện phương án điều tra.

Ngoài việc thanh tra,  kiểm tra theo kế hoạch, Thanh tra Cục Thống kê Lâm Đồng còn phối hợp với các phòng Thống kê nghiệp vụ tổ chức kiểm tra, giám sát phúc tra các cuộc điều tra. Qua các công tác này đã đánh giá được chất lượng của từng cuộc điều tra, góp phần nâng cao chất lượng thông tin của ngành.

   1) Đối với công tác thanh tra việc chấp hành chế độ báo cáo của các đơn vị cơ sở: 

 Thời gian từng cuộc Thanh tra từ 3 – 5 ngày với các nội dung như: thời gian nộp báo cáo thống kê, biểu mẫu, chỉ tiêu thống kê, đặc biệt là phương pháp thống kê. Qua công tác thanh tra các năm tại các doanh nghiệp có thể nhận thấy nhiều doanh nghiệp có ý thức chấp hành Luật Thống kê, lãnh đạo đơn vị có sự quan tâm và phân công cán bộ làm công tác thống kê, đã triển khai thực hiện các báo cáo thống kê. Tuy nhiên so với chế độ thì báo cáo thống kê của nhiều đơn vị còn chậm trễ. Cán bộ Thống kê của một vài đơn vị chưa nắm vững phương pháp tính toán, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với CB chuyên quản tại Cục Thống kê nên nhiều báo cáo còn nhầm lẫn trong việc phân ngành kinh tế, tính toán sai lệch.

Sau khi được thanh tra các đơn vị đã có những chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện chế độ thống kê định kỳ, cụ thể:

- Lãnh đạo đơn vị được thanh tra đã có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về công tác thống kê, do đó đã quan tâm nhiều hơn đến công tác báo cáo thống kê định kỳ, phân công cán bộ phụ trách công tác thống kê, triển khai thực hiện các báo cáo đầy đủ hàng tháng qua đường công văn và hộp thư điện tử (100% các đơn vị đã được thanh tra đến nay đều chấp hành tốt chế độ báo cáo thống kê).

- Các báo cáo thống kê của các đơn vị đều sử dụng biểu mẫu theo đúng chế độ, các chỉ tiêu tương đối đầy đủ, một vài đơn vị cán bộ thống kê chưa nắm vững phương pháp thống kê thường xuyên liên hệ, trao đổi cùng các Phòng Thống kê nghiệp vụ - Cục Thống kê Lâm Đồng để được hướng dẫn cụ thể.  

2) Đối với công tác thanh tra việc thực hiện phương án điều tra: 

Thời gian tiến hành từ 10 -20 ngày từ khâu tổ chức chỉ đạo điều tra, phỏng vấn thu thập thông tin, kiểm tra, mã hóa, tổng hợp. Qua thanh tra các cuộc điều tra trong các năm cũng nhận thấy rằng hầu hết các cuộc điều tra được tổ chức tương đối tốt từ khâu xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, thu thập thông tin và xử lý kết quả theo đúng phương án điều tra, việc tổ chức điều tra đều thực hiện theo đúng phương án. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, đó là: Công tác thu thập thông tin chưa thật sự tốt, một vài điều tra viên lớn tuổi còn chủ quan trong quá trình thu thập thông tin, một số điều tra viên mới còn thiếu kinh nghiệm phỏng vấn…;công tác của một vài tổ trưởng chưa thực sự phát huy hết vai trò; công tác nghiệm thu chưa kịp thời (nhất là các cuộc điều tra định kỳ hàng tháng), việc thực hiện quy trình điều tra do Cục Thống kê ban hành chưa được thật sự nghiêm túc.

 Sau khi được thanh tra, đến nay có thể nhận thấy nhiều cuộc điều tra đã thực hiện theo đúng phương án và quy trình điều tra; cụ thể như sau:

 - Các điều tra viên có tinh thần trách nhiệm hơn và có sự đầu tư nghiên cứu để nắm vững nghiệp vụ.

- Công tác kiểm tra giám sát của tổ trưởng và giám sát viên các cấp đã được chú trọng. Hầu hết các tổ trưởng thực hiện đúng quy trình như tham dự phỏng vấn đối với điều tra viên. Các giám sát viên cấp tỉnh được phân công đã bám sát địa bàn, tham dự phỏng vấn, giám sát đối với điều tra viên và tổ trưởng kịp thời chấn chỉnh những sai sót của điều tra viên.

- Các đơn vị và cá nhân thực hiện điều tra đã chú trọng đến việc thực hiện quy trình điều tra do Cục Thống kê ban hành. 

III. Bài học kinh nghiệm:  

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Thống kê và Nghị định 14/2006/NĐ-CP chú ý đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

- Công tác Thanh tra phải được quan tâm thường xuyên, ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch cần có nhiều cuộc kiểm tra thường xuyên đối với các doanh nghiệp và phương án các cuộc điều tra.

- Hàng năm làm tốt công tác rà soát và thông báo tình hình chấp hành chế độ báo cáo thống kê của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp có được thông tin để thực hiện tốt chế độ báo cáo cho các năm tiếp theo.

- Đối với các cuộc điều tra mà đối tượng là các doanh nghiệp, CB Thống kê khi làm việc với các doanh nghiệp phải có biên bản làm việc để có cơ sở thực hiện công tác thanh tra (đây là tồn tại đến nay đã dần được khắc phục).

- Hàng năm chú trọng kiểm tra tình hình chấp hành chế độ báo cáo của 01 vài Chi cục Thống kê cấp huyện để kịp thời hướng dẫn, rút kinh nghiệm quá trình thu thập và xử lý thông tin./.

 


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt