Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 huyện Di Linh
Trích từ báo cáo Kinh tế - xã hội năm 2020 của Chi cục Thống kê huyện Di Linh

 

           I. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020.

         - Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010): Ngành nông lâm thủy 4,2%; ngành công nghiệp 10%; ngành xây dựng 12,9%; ngành dịch vụ 10,6%.

- Tổng thu ngân sách năm 2020 huyện quản lý thu ước thực hiện 244 tỷ đồng, tăng 30% dự toán đầu năm, tăng 8,12% so với cùng kỳ.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,12%;

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,2% xuống 2,5%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5,1% xuống 3,8%.

- Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân 91,2%;

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 75,6%;

- Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã 100%, số bác sỹ/vạn dân 4,5 bác sỹ;

- Tỷ lệ xã đạt chẩn văn hóa, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị 100%;

- Tỷ lệ độ che phủ rừng 51,4%.

II. Tình hình thực hiện trên các lĩnh vực:

1. Sản xuất nông nghiệp 

1.1. Trồng trọt

Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện được 6.084,6 ha, tăng 3,8 kế hoạch và tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó: 

- Cây lúa nước: Toàn huyện gieo trồng được 3.197,9 ha, tăng 1,2% kế hoạch tăng 5,2% so với cùng kỳ. Ước năng suất lúa bình quân cả năm đạt 51,9 tạ/ha; sản lượng đạt 16.484 tấn, bằng 94,8% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

- Cây ngô: Diện tích gieo trồng cả năm thực hiện 843,5 ha, bằng 50% kế hoạch giảm 20,2% so với cùng kỳ, nguyên nhân, cây ngô thường trồng xen trong diện tích cà phê tái canh, nhưng đến nay cà phê đã phát tán nên không trồng xen được. Năng suất cả năm ước đạt 51,3 tạ/ha; sản lượng thu được 4.326,2 tấn, chỉ đạt 43,8% kế hoạch và bằng 76,7% so với cùng kỳ.

- Cây rau các loại trên địa bàn huyện được người dân tận dụng các nguồn đất có điều kiện thuận lợi về nước tưới để gieo trồng, với hình thức tự sản, tự tiêu, quy mô nhỏ lẻ. Tổng diện tích gieo trồng 1.021 ha (chủ yếu là rau cải các loại và rau bầu, bí), tăng 6,5% so với cùng kỳ. Năng suất ước đạt 116,6 tạ/ha, sản lượng 11.903 tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

- Diện tích đậu các loại gieo trồng được 143,3 ha, bằng 90,4% so với cùng kỳ. Năng suất đậu ước đạt 15,3 tạ/ha, sản lượng đậu thu được 219,2 tấn, bằng 89,5% so với cùng kỳ.

1.1.2. Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm toàn huyện hiện có 52.743,3 ha, tăng 1,98% so với cùng kỳ. Trong đó :

- Cây cà phê: được xác định là cây trồng chính trên địa bàn huyện, với diện tích là 44.589,8 ha, chiếm 84,5% tổng diện tích cây lâu năm, giảm 0,02% (-8,8 ha) do chuyển đổi cà phê năng suất thấp sang cây ăn trái; trong đó diện tích cho sản phẩm là 42.351,6 ha. Trồng mới 1.144 ha, ghép cải tạo 1.174,08 ha, đạt 100,7% kế hoạch. Dự ước năng suất đạt 31,6 tạ/ha, sản lượng ước đạt 133.767,5 tấn cà phê nhân, tăng 1,86% so với cùng kỳ.

- Cây chè: Trong những năm gần đây cây chè cho giá trị kinh tế thấp nên người dân đã chuyển đổi gần hết diện tích trồng chè sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tổng diện tích chè hiện có 473,5 ha, chiếm 0,9% diện tích cây lâu năm. Diện tích chè cho sản phẩm là  471,5 ha. Ước năng suất đạt 94 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước thu được 4.427 tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

- Cây ăn quả: Cây ăn quả các loại trên địa bàn huyện hầu hết được trồng xen trong cà phê với diện tích quy đổi được 6.463,3 ha, tăng 19,6% so với cùng kỳ.              Một số loại cây ăn quả chủ yếu trên địa bàn huyện như: Sầu riêng có 2.705,2 ha, tăng 15,8%; cây bơ có 2.009,6 ha, tăng 14,7%; cây mắc ca có 1004,8ha, tăng 33,6%; cây mít có 284,8 ha, tăng 44,7%; cây chuối có 228,9 ha, tăng 44,3% so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 30.170 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ.

- Cây dâu tằm: Giá kén tằm những năm gần đây luôn ở mức khá cao nên bà con nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Diên tích cây dâu hiện có 613,9 ha, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Diện tích cho sản phẩm là 541,3 ha, tăng 11%, ước năng suất đạt 334 tạ/ha, sản lượng lá dâu thu được 18.078 tấn, tăng 10,7 % so với cùng kỳ.

- Cây tiêu: Diện tích cây tiêu vài năm gần đây giảm do giá tiêu liên tục xuống thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Tổng diện tích hiện có 558,9 ha, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Diện tích cho sản phẩm là 550 ha, năng suất đạt 26,4 tạ/ha, sản lượng thu được 1.450 tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ.

- Một số cây lâu năm khác: Cây điều có 25 ha, cây gia vị có 19 ha.

 1.2. Về chăn nuôi

 Chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, sau khi UBND huyện ban hành Quyết định số 925/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 về việc công bố hết dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tăng cường sản xuất lợn giống đảm bảo cung ứng tái đàn, tăng đàn, thực hiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Đến nay tổng đàn nhìn chung có tăng so cùng kỳ; trong đó đàn trâu có 817 con, tăng 0,5%; đàn bò có 5.180 con, bằng 99,5%; đàn lợn có 18.000 con, tăng 8,5%; đàn gia cầm có 1.500 ngàn con, tăng 1,1% so với cùng kỳ.   

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Thịt trâu 133 tấn, tăng 15,3%; thị bò 252,8 tấn, giảm 0,5%; sữa bò 1.296 tấn, tăng 3,5%; thịt lợn 5.066,9 tấn, tăng 2,6%; thịt gia cầm 2.119,5 tấn, tăng 29,4%; trứng gia cầm 121.096 ngàn quả, tăng 0,5% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất lâm nghiệp

-  Lâm sinh và công tác quản lý bảo vệ rừng: Giao khoán quản lý bảo vệ rừng được duy trì trên diện tích 74.250,6 ha, giao cho 2.307 hộ và 7 tập thể, chiếm 90% diện tích rừng trên toàn huyện. Công tác trồng rừng, trồng cây phân tán thực hiện trồng xen được 567,62 ha tại 05 đơn vị chủ rừng, đồng thời triển khai kế hoạch trồng cây phân tán trên địa bàn 3.068 cây; diện tích rừng trồng mới tập trung 95,2 ha, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

- Khai thác lâm sản: Ước năm 2020, khai thác được 14.656,3 m3 gỗ tròn các loại, tăng 23,5%; củi khai thác đạt 1.200 ster, bằng 19,3% so với cùng kỳ. 

- Tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng: Trong năm, trên địa bàn đã xảy ra 29 vụ vi phạm, giảm 23 vụ so với cùng kỳ. Các vụ vụ vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định, trong đó xử hành chính 28 vụ, xử lý hình sự 01 vụ về hành vi phá rừng trái pháp luật. Lâm sản tịch thu gồm: Gỗ tròn 20,8 m3; gỗ xẻ 14,9 m3. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 287,5 triệu đồng.

3. Thủy sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 90 ha, giảm 38,8% so với cùng kỳ, với 700 cơ sở nuôi trồng. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 01 chi nhánh của Tổng công ty thủy sản Việt nam nuôi cá Tầm tại hồ Kala - Bảo Thuận với số lồng hiện có 196 lồng, thể tích 22.000 m3 và 30 hộ nuôi thủy sản lồng bè với số lồng hiện có 40 lồng, thể tích 10.880 m3. 

Dự ước sản lượng thủy sản năm 2020 thu được 915 tấn cá các loại, bằng 85,64% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các đơn vị, các hộ nuôi cá tầm đang gặp nhiều khó khăn về giá không ổn định, trên địa bàn cũng đã xuất hiện cá tầm Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn tới tình hình tiêu thụ và cũng như cạnh tranh về giá.

4. Sản xuất công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp thành phần kinh tế cá thể trên địa bàn trong tháng 12 đang đi vào hoạt động ổn định và tăng trưởng, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất và sản phẩm công nghiệp đã giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó thì các ngành và các cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, hợp tác để phát triển; giá cả thị trường không ổn định nên cũng đã ảnh hưởng tới việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trên địa bàn huyện.

Giá trị sản xuất công nghiệp thành phần kinh tế cá thể (theo giá so sánh 2010) ước tính tháng 12 năm 2020, đạt 15.970,7 triệu đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ; dự ước năm 2020 đạt 165.480,7 triệu đồng, bằng 99,5% so với cùng kỳ.

5. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Năm 2020 huyện được bố trí kế hoạch vốn đầu tư XDCB từ các nguồn vốn ngân sách tập trung, vốn chương trình mục tiêu với tổng số vốn 199,133 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện đầu tư XDCB năm 2020 đạt 100% kế hoạch, ước khối lượng giải ngân đạt 100% kế hoạch (Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 97,596 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện là 101,537 tỷ đồng). Công tác quản lý xây dựng cơ bản từng bước được nâng cao, các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được triển khai nghiêm túc, công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm được thực hiện thường xuyên.

            6 . Tài chính - Tín dụng

Tổng thu ngân sách năm 2020 huyện quản lý thu được 244 tỷ đồng, tăng 30% so với dự toán giao đầu năm và tăng 8,12% so với cùng kỳ; trong đó: thuế phí 138 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 0,341 tỷ đồng, đạt 34% dự toán; thu tiền cấp và thuê đất 98 tỷ đồng, tăng 78% so với dự toán, thu biện pháp tài chính 7,7 tỷ đồng, tăng 19% dự toán.

           Công tác quản lý chi ngân sách được thực hiện đảm bảo nguyên tắc, chế độ với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện được 781,3 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch và bằng 95,2% so với cùng kỳ.

Hoạt động tiền tệ và tín dụng: Hoạt động tín dụng ổn định, các chi nhánh ngân hàng và quỹ tín dụng tiếp tục tăng cường cho vay phát triển sản xuất, đáp ứng được nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân. Ước doanh số cho vay năm 2020 là 5.988 tỷ đồng, giảm 3,4%; dư nợ là 6.657,7 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Riêng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 81,092 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng là 11,67% (tổng dư nợ 418,766 tỷ đồng, với 14.717 hộ vay vốn).  

7. Thương mại - Dịch vụ

Trong năm, UBND huyện đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn giá thị trường. Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả huyện đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với các mặt hàng thực phẩm, vật tư y tế trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 và chú trọng kiểm tra kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến trong các dịp lễ, tết.

8. Chương trình xây dựng nông thôn mới:

Kết quả thực hiện: Đến hết năm 2020, 02 xã Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện là 16/18 xã; 02 xã còn lại ( xã Sơn Điền và xã Gia Bắc) đạt 17-18/19 tiêu chí NTM; xã Đinh Lạc đạt NTM nâng cao; xã Gia Hiệp đạt 50% tiêu chí xã NTM nâng cao, xã Hòa Ninh đạt NTM kiểu mẫu.

9. Văn hóa - Xã hội:

Hoạt động văn hóa: Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn nghệ, thể dục thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn được triển khai sâu rộng gắn với chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện 460m2 pa nô, 7.745m băng rôn, treo cờ phướn các loại; trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

 Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có bước chuyển biến tích cực; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, khuyến khích trong Nhân dân; tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2020 trên địa bàn huyện.

Giáo dục và đào tạo: Tổng số trường học toàn huyện có 82 trường. Trong đó62/82 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 75,6%), gồm: 20/23 trường mầm non (82,6%), 23/31 trường tiểu học (74.19%), 15/22 trường THCS (63,63%), 4/6 trường THPT; 66/76 trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 86,6%).

Y tế: Tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng. Đến nay toàn huyện đã có 19/19 trạm y tế xã đã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sỹ tham gia khám chữa bệnh, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 91,2% (vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao 91%).

Công tác giảm nghèo: Trong năm 2020 Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác giảm nghèo năm 2020 cho cán bộ thôn, tổ dân phố với 6 lớp tập huấn cho 800 cán bộ thôn, tổ dân phố. Hoàn thành hỗ trợ cho các xã nghèo theo Nghị quyết số 67/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh với kinh phí 4,32 tỷ đồng đối với 06 xã (Liên Đầm, Gia Bắc, Sơn Điền, Gung Ré, Bảo Thuận, Đinh Trang Thượng), các hạng mục hỗ trợ gồm phân bón, máy nông nghiệp, bò giống cho 391 hộ. Hoàn thành hỗ trợ cho 69 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo tại các thôn nghèo theo Chương trình 30a với số tiền 690 triệu đồng để thực hiện thâm canh chuyển đổi cây trồng và vật nuôi (cung cấp 09 máy tưới nước, 29,9 tấn phân bón NPK). Cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, DTTS vùng khó khăn, người sinh sống tại vùng ĐBKK, tỷ lệ cấp đạt 100%. Qua đó công tác giảm nghèo đã đạt được kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện giảm từ 3,2% xuống 2,5%, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5,1% xuống 3,8%.

An toàn giao thông: Năm 2020, trên địa bàn đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, làm bị thương 07 người. So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, số người bị thương giảm 01 người.  


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt