Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá. Ngành thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu, dịch bệnh trên tôm sú đang diễn biến phức tạp.

a) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.084,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 913,2 nghìn ha, bằng 95,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,5 nghìn ha, bằng 97,3%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.932,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 174 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.758,7 nghìn ha, bằng 95,9%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.515,2 nghìn ha, bằng 96,6%. Mặc dù vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời gian chuẩn bị đất cho vụ hè thu nhiều nhưng tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay, trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 505,3 nghìn ha, bằng 90,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 496,6 nghìn ha, bằng 90,1%.

Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau. Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 215,6 nghìn ha lúa thu đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.

Đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 764,9 nghìn ha ngô, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước; 85,9 nghìn ha khoai lang, bằng 93,8%; 144,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 28,6 nghìn ha đậu tương, bằng 90,5%; 849 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,9%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá do có thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Ước tính trong tháng Bảy, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 3%; tổng số gia cầm tăng 5,5%.

Tính đến ngày 26/7/2020, cả nước không còn dịch tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh: Dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An; dịch lở mồm long móng ở Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi ở 183 xã thuộc 57 huyện của 17 địa phương[1].

b) Lâm nghiệp

Trong tháng Bảy, thời tiết liên tục nắng nóng đã ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung tập trung vào hoạt động bảo vệ và phòng chống cháy rừng; các tỉnh phía Nam tiến hành chăm sóc diện tích rừng đã trồng và chuẩn bị cho trồng rừng cuối năm. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2020 ước tính đạt 12,7 nghìn ha, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, tăng 4,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.459 nghìn m3, giảm 0,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, tăng 3,3%.

Khai thác gỗ của các địa phương diễn ra cầm chừng do nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ giảm. Ngành gỗ và chế biến gỗ của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm các đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ dán còn bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện chống phá giá từ hai thị trường tiêu thụ lớn là Hàn Quốc và Hoa Kỳ[2].

Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 119 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,2 triệu cây, giảm 1,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.985 nghìn m3, tăng 1,7%; sản lượng củi khai thác đạt 11,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Công tác phòng và chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khiến nhiệt độ ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng cao, dẫn đến cháy rừng ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong tháng (từ 15/6 - 15/7), diện tích rừng bị thiệt hại là 343,2 ha, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 267,5 ha, giảm 66%; diện tích rừng bị chặt phá là 75,7 ha, tăng 49,3%. Một số tỉnh miền Trung có diện tích rừng bị cháy là Khánh Hòa 127,7 ha;  Hà Tĩnh 52,9 ha; Quảng Bình 28,1 ha.nh chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 1.647,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 1.243,1 ha, giảm 8,2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 404,1 ha, tăng 3,6%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2020 ước tính đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 545,1 nghìn tấn, tăng 0,6%; tôm đạt 122,9 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 115,3 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 278,2 nghìn tấn, giảm 1,4%; tôm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 4,9%. Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức giá thấp hơn giá thành sản xuất[3]. Sản lượng cá tra tháng Bảy ước tính đạt 124 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh trên tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến đang diễn biến phức tạp, chủ yếu do môi trường nuôi dẫn tới bệnh hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân, đốm trắng. Diện tích tôm sú bị thiệt hại trong tháng ở một số tỉnh: Cà Mau thiệt hại 1.368 ha; Trà Vinh 788 ha, Bạc Liêu 435 ha. Trong tháng Bảy, sản lượng tôm sú ước tính đạt 38,4 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 65 nghìn tấn, tăng 8,5% chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng 3,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2020 ước tính đạt 344,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 2,5%. Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Bảy ước tính đạt 328,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 255,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 3,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.415,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.231,8 nghìn tấn, tăng 1,5% (sản lượng khai thác biển đạt 2.136,4 nghìn tấn, tăng 1,7%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020[4]. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,9%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%), đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,8%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 42,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 6,1%; sản xuất trang phục giảm 4,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,4%; sản xuất kim loại giảm 2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,7%; dệt tăng 1,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,1%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 2,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,3%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,1%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 15,9% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,7%); khai thác quặng kim loại tăng 15,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất cùng tăng 7,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Đường kính giảm 23,1%; ô tô giảm 22,3%; bia giảm 14,9%; dầu thô khai thác giảm 14,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,3%; sắt thép thô giảm 9,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 8,8%; xe máy giảm 7,7%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; điện thoại di động giảm 6,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 5,4%; thép cán giảm 4,9%; thức ăn cho gia súc giảm 3,9%; alumin tăng 1,2%; điện sản xuất tăng 2%; sơn hóa học tăng 2,6%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 2,9%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu các loại tăng 18,6%; thép thanh, thép góc tăng 13,8%; ti vi tăng 12,4%; linh kiện điện thoại tăng 11,4%; bột ngọt tăng 10,5%; phân ure tăng 9%; thuốc lá điếu tăng 7,4%; nước máy thương phẩm tăng 5,4%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2020 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,8% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,2%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[5]

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Bảy giảm 3,8% so với tháng trước nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17,6%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%. Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19.

Trong tháng 7/2020, cả nước có 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 239,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,4 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 72% về vốn đăng ký và giảm 8,7% về số lao động so với tháng trước[6]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 18,1 tỷ đồng, tăng 78,8% so với tháng trước và tăng 60,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng, cả nước còn có 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019; có 3.372 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 4,8% và tăng 34,8%; có 3.068 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,2% và tăng 24,2%; có 1.504 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,9% và tăng 4,9%; có 4.591 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 10,8% và tăng 31,1%.

Tính chung 7 tháng, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.158,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm nay là 2.094,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có gần 28,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với 7 tháng năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 1.372 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; có 22 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 2,1%; có 51,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,4%. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn có ngành sản xuất, phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 2.340 doanh nghiệp, tăng 190,7% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 25,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 9.862 doanh nghiệp, giảm 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo 9.441 doanh nghiệp, giảm 6,4%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 6.580 doanh nghiệp, giảm 0,4%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 3.959 doanh nghiệp, giảm 14,7%; kinh doanh bất động sản 3.618 doanh nghiệp, giảm 23,9%; vận tải, kho bãi 3.144 doanh nghiệp, giảm 6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 2.968 doanh nghiệp, giảm 21%; thông tin truyền thông 2.158 doanh nghiệp, giảm 4,2%; giáo dục và đào tạo 1.985 doanh nghiệp, giảm 15,4%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 747 doanh nghiệp, giảm 8,7%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 491 doanh nghiệp, giảm 40,3%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 487 doanh nghiệp, giảm 6,2%; khai khoáng 372 doanh nghiệp, giảm 5,8%.

Trong 7 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 12,2%; 8,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,5%, trong đó có 7,9 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 5,1%; 138 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 4,5%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có gần 3,3 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.012 doanh nghiệp; xây dựng có 779 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 570 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 538 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 513 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 497 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 367 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 338 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 318 doanh nghiệp. Trong 7 tháng, trên cả nước còn có 26,7 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

4. Đầu tư

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[7].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45,7 nghìn tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 8,3 nghìn tỷ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng 43,9%. Tính chung 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 203 nghìn tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 41,6% và tăng 4,7%), cụ thể:

- Vốn Trung ương quản lý đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% kế hoạch năm và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 8.340 tỷ đồng, bằng 41,6% và tăng 91,7%; Bộ Y tế 2.313 tỷ đồng, bằng 34,7% và tăng 36,1%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.761 tỷ đồng, bằng 39,6% và tăng 34,1%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 959 tỷ đồng, bằng 31,3% và tăng 84,4%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 432 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 4,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 229 tỷ đồng, bằng 31,7% và giảm 21,1%; Bộ Công Thương 163 tỷ đồng, bằng 37,7% và tăng 58,9%; Bộ Xây dựng 112 tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 25,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 91 tỷ đồng, bằng 32% và giảm 31,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 43 tỷ đồng, bằng 30,8% và giảm 24,5%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 170,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% kế hoạch năm và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 113,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% và tăng 21,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 47,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% và tăng 24,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 24,4%. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 22.063 tỷ đồng, bằng 48,6% kế hoạch năm và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 17.128 tỷ đồng, bằng 35,8% và tăng 73,2%; Quảng Ninh 8.465 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 64,6%; Bình Dương 5.468 tỷ đồng, bằng 41% và tăng 9,8%; Thanh Hóa 5.467 tỷ đồng, bằng 53,3% và tăng 29,2%; Hải Phòng 4.279 tỷ đồng, bằng 53% và tăng 3,7%; Nghệ An 4.215 tỷ đồng, bằng 54,3% và tăng 39,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 4.115 tỷ đồng, bằng 42,4% và tăng 11,7%; Bắc Ninh 3.571 tỷ đồng, bằng 60,6% và tăng 35%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 1.620 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,5 tỷ USD, giảm 21,5% về số dự án và tăng 14,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 619 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng 37,7%; có 4.459 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 4,6 tỷ USD, giảm 45,6%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 970 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,6 tỷ USD và 3.489 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,1 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 71,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 15%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 0,7 tỷ USD, chiếm 7,1%.

Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,7 tỷ USD, chiếm 54,4% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 3,9 tỷ USD[8], chiếm 27,2%; các ngành còn lại đạt 2,6 tỷ USD, chiếm 18,4%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm 25,8%; các ngành còn lại đạt 2,2 tỷ USD, chiếm 47,3%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,6 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 990,4 triệu USD, chiếm 10,5%; Hàn Quốc 983,9 triệu USD, chiếm 10,4%; Đài Loan 809,2 triệu USD, chiếm 8,6%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 783,6 triệu USD, chiếm 8,3%; Nhật Bản 423,4 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 221 triệu USD, chiếm 2,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 178,7 triệu USD, chiếm 70,7% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,9 triệu USD, chiếm 6,3%; thông tin và truyền thông đạt 15,4 triệu USD, chiếm 6,1%[9]. Trong 7 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 36,6%; Mi-an-ma 38,3 triệu USD, chiếm 15,1%; Hoa Kỳ 32,1 triệu USD, chiếm 12,7%; Xin-ga-po 28,3 triệu USD, chiếm 11,2%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 15 ngày đầu tháng 7/2020 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2020 ước tính đạt 697,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 577,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7%; thu từ dầu thô 21,9 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 98 nghìn tỷ đồng, bằng 47,1%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 67 nghìn tỷ đồng, bằng 37,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 96,8 nghìn tỷ đồng, bằng 42,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 103,2 nghìn tỷ đồng, bằng 38,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 66,7 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 30 nghìn tỷ đồng, bằng 44,3%; thu tiền sử dụng đất 71,1 nghìn tỷ đồng, bằng 74,1%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2020 ước tính đạt 798,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 552,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3%; chi đầu tư phát triển 176,4 nghìn tỷ đồng, bằng 37,5%; chi trả nợ lãi 64,6 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu, đồng thời đây cũng là tháng học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% và tăng 7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% và giảm 4,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% và giảm 59,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và tăng 0,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.218 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước do tháng Bảy là tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, khôi phục lại nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,6%; lương thực, thực phẩm tăng 7,5%; may mặc tăng 0,3%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,9%. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,6%; Đồng Nai tăng 9,8%; Hà Nội tăng 9,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,2%; Bình Định tăng 6,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,5%; Thanh Hóa tăng 0,7%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 59,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 46,5%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 45,1%; Cần Thơ giảm 27,5%; Đà Nẵng giảm 24,5%; Thanh Hóa giảm 21,5%; Hà Nội giảm 18,9%; Đồng Tháp giảm 12,4%; Quảng Ninh giảm 11,8%; Hải Phòng giảm 10%.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%) do học sinh và sinh viên bước vào giai đoạn nghỉ hè, cùng với chính sách kích cầu du lịch nội địa được tăng cường nên mức giảm của doanh thu du lịch lữ hành đã thu hẹp lại. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 76,4%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 74,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 63,3%; Đà Nẵng giảm 58,6%; Cần Thơ giảm 57,1%; Quảng Ninh giảm 50,5%; Quảng Bình giảm 48,6%; Hà Nội giảm 38,6%; Thanh Hóa giảm 38,5%; Bình Định giảm 38%; Hải Phòng giảm 23,7%.

Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 289,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Đà Nẵng giảm 12,1%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 8,8%; Hà Nội giảm 6,7%; Cần Thơ giảm 6,2%; Hải Phòng giảm 4,9%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa[10]

Dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%[11]. Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 22.565 triệu USD, cao hơn 1.565 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 448 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 402 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 197 triệu USD; sắt thép cao hơn 137 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm cao hơn 108 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 107 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 tăng nhẹ 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Trong 7 tháng có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 16,2 tỷ USD, giảm 12,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,4 tỷ USD, tăng 27,1%; giày dép đạt 9,5 tỷ USD, giảm 7,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,4 tỷ USD, giảm 12,3%; thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; sắt thép đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,7%. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của đa số các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2 tỷ USD, giảm 12,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 0,5% (lượng giảm 0,1%); hạt điều đạt 1,7 tỷ USD, giảm 4% (lượng tăng 10,4%); cao su đạt 855 triệu USD, giảm 20,3% (lượng giảm 15,1%); hạt tiêu đạt 405 triệu USD, giảm 20,6% (lượng giảm 6,5%). Duy nhất sản phẩm gạo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% (lượng giảm 1,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 76,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ  năm trước, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 53,3 tỷ USD, giảm 1,6% và chiếm 36,6% (giảm 0,7 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,6 tỷ USD, giảm 3,7% và chiếm 8% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4% và chiếm 3% (giảm 0,2 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%. Thị trường EU đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%. Thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,4%. Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%. Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 đạt 20.713 triệu USD, cao hơn 213 triệu USD so với số ước tính, trong đó thức ăn gia súc cao hơn 160 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 137 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 62 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,8 tỷ USD, tăng 6,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2020 ước tính giảm 2,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 8,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,9%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

Trong 7 tháng có 25 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,6 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,9 tỷ USD, giảm 4%; điện thoại và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4%; vải đạt 6,6 tỷ USD, giảm 14,9%; sắt thép đạt 4,8 tỷ USD, giảm 14,1%; chất dẻo đạt 4,6 tỷ USD, giảm 12,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 3,9 tỷ USD, tăng 5,8%; kim loại thường đạt 3,2 tỷ USD, giảm 12,8%; sản phẩm hóa chất đạt 3,1 tỷ USD, tăng 2,8%; ô tô đạt 2,9 tỷ USD, giảm 32,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,9 tỷ USD, giảm 15,5%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 7 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 130,25 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,08 tỷ USD, giảm 7,3% và chiếm 6,5%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%; ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%; Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%; EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 xuất siêu 1,9 tỷ USD[12]; 6 tháng xuất siêu 5,5 tỷ USD; tháng Bảy ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD[13], trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[14]. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,4% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao[15]. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02% do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống, giải khát tăng (giá nước giải khát có ga tăng 0,11%, giá nước quả ép tăng 0,06%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng mức tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% (trong đó: lương thực giảm 0,2% do giá gạo giảm 0,33%; thực phẩm giảm 0,3%[16]); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 7/2020 giảm 0,19% so với tháng 12/2019 và tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2020 tăng 4,31% so với tháng 6/2020, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012. Trong nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 20,89% so với tháng 12/2019 và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới vẫn giảm, tỷ giá USD chưa có dấu hiệu phục hồi do những lo ngại về việc Đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đang mâu thuẫn trong việc thống nhất các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo của nước này. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2020 giảm 0,23% so với tháng trước; tăng 0,24% so với tháng 12/2019 và giảm 0,32% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong nước tháng Bảy sôi động hơn với mức tăng 7,8% lượng hành khách vận chuyển và tăng 4% lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước do tình hình dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát tốt và thời điểm này đang vào mùa du lịch nội địa nên lượng khách đi lại tăng cao. Tuy nhiên, vận tải ngoài nước của các hãng hàng không tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tính chung 7 tháng năm 2020, vận chuyển hành khách giảm 26,7% và vận chuyển hàng hóa giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách tháng Bảy ước tính đạt 318,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,8% so với tháng trước và luân chuyển 16,4 tỷ lượt khách.km, tăng 18,4%. Tính chung 7 tháng, vận tải hành khách đạt 2.128,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%) và luân chuyển 100 tỷ lượt khách.km, giảm 30,3% (cùng kỳ năm trước tăng 9,7%), trong đó vận tải trong nước đạt 2.126,1 triệu lượt khách, giảm 26,5% và 90,5 tỷ lượt khách.km, giảm 20,4%; vận tải ngoài nước đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm 72,9% và 9,5 tỷ lượt khách.km, giảm 68,2%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó vận tải hành khách đường bộ 7 tháng đạt 1.988,6 triệu lượt khách, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước và 72,5 tỷ lượt khách.km, giảm 22,7%; đường thủy nội địa đạt 113,2 triệu lượt khách, giảm 8,2% và gần 2,4 tỷ lượt khách.km, giảm 9%; hàng không đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 35,8% và 23,8 tỷ lượt khách.km, giảm 46,7%; đường biển đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm 24% và 220,5 triệu lượt khách.km, giảm 16,9%; đường sắt đạt 2,5 triệu lượt khách, giảm 51,8% và 1.099,6 triệu lượt khách.km, giảm 49,7%.

Vận tải hàng hóa tháng Bảy ước tính đạt 147,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 4% so với tháng trước và luân chuyển 29,5 tỷ tấn.km, tăng 3,6%. Tính chung 7 tháng, vận tải hàng hóa đạt 957,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,7%)luân chuyển 189,3 tỷ tấn.km, giảm 6,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,2%), trong đó vận tải trong nước đạt 936,5 triệu tấn, giảm 7,3% và 97,7 tỷ tấn.km, giảm 11,3%; vận tải ngoài nước đạt 21,1 triệu tấn, giảm 4,8% và 91,7 tỷ tấn.km, giảm 0,5%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 7 tháng đạt 738,6 triệu tấn, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước và 51,3 tỷ tấn.km, giảm 11,2%; đường thủy nội địa đạt 170,3 triệu tấn, giảm 5,5% và 37,2 tỷ tấn.km, giảm 4,6%; đường biển đạt 45,5 triệu tấn, giảm 3,9% và 96,4 tỷ tấn.km, giảm 2,6%; đường sắt đạt 2,9 triệu tấn, giảm 2,8% và 2,1 tỷ tấn.km, giảm 1,2%; đường hàng không đạt 164,1 nghìn tấn, giảm 33,5% và 2,4 tỷ tấn.km, giảm 46,2%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Bảy đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước, chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ nhưng vẫn giảm 98,9% so với cùng kỳ năm 2019 do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Bảy ước tính đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước và giảm 98,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.758,4 nghìn lượt người, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.043,5 nghìn lượt người, chiếm 81% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 60,5%; bằng đường bộ đạt 570,5 nghìn lượt người, chiếm 15,2% và giảm 70,5%; bằng đường biển đạt 144,4 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 8,4%.

Trong 7 tháng năm nay, khách đến từ châu Á đạt 2.742,9 nghìn lượt người, chiếm 73% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 63,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 926,5 nghìn lượt người, giảm 67,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 824,1 nghìn lượt người, giảm 65,7%; Nhật Bản 202 nghìn lượt người, giảm 61,5%; Đài Loan 192,8 nghìn lượt người, giảm 62,7%; Ma-lai-xi-a 116,6 nghìn lượt người, giảm 65,4%; riêng khách đến từ Cam-pu-chia đạt 120,5 nghìn lượt người, tăng 88,9%.

Khách đến từ châu Âu trong 7 tháng ước tính đạt 666,6 nghìn lượt người, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Liên bang Nga 245,8 nghìn lượt người, giảm 38,1%; Vương quốc Anh 81,6 nghìn lượt người, giảm 56,4%; Pháp 74,6 nghìn lượt người, giảm 57,3%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 53,8%. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234,5 nghìn lượt người, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,9 nghìn lượt người, giảm 62,9%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,3 nghìn lượt người, giảm 61,3%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,4 nghìn lượt người, giảm 60,7%. Khách đến từ châu Phi đạt 12,1 nghìn lượt người, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2019.

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Trong tháng Bảy, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện, thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước. Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, cùng giảm 74,9% về số lượt hộ thiếu đói và nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 733,6 tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/6-18/7/2020), cả nước có 5.848 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 3.550 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 55 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 169 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 15 trường hợp dương tính. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 37,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong); 9.243 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 295 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (7 trường hợp tử vong); 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 2.587 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 223 trường hợp dương tính.

Bệnh bạch hầu tiếp tục bùng phát và lan rộng tại các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến ngày 16/7/2020, cả nước có 100 trường hợp dương tính với bạch hầu (3 trường hợp tử vong), trong đó: Đắk Nông 30 trường hợp (2 trường hợp tử vong); Kon Tum 29 trường hợp; Gia Lai 24 trường hợp (1 trường hợp tử vong); Đắk Lắk 17 trường hợp.

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp[17]. Tại Việt Nam,  trong tháng đã xuất hiện ca nhiễm bệnh mới trong cộng đồng, tính đến 9h00 ngày 27/7/2020 có 420 trường hợp mắc (365 trường hợp đã được chữa khỏi).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/7/2020 là 210.547 người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.027 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.948 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Bảy xảy ra 10 vụ với 122 người bị ngộ độc (4 người tử vong). Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 50 vụ với 1.209 người bị ngộ độc (19 người tử vong).

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/6 đến 14/7), trên địa bàn cả nước xảy ra 1.206 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 715 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 491 vụ va chạm giao thông, làm 549 người chết, 435 người bị thương và 476 người bị thương nhẹ. So với tháng trước, tai nạn giao thông trong tháng Bảy tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, tương ứng lần lượt là tăng 6,3%; tăng 12,3% và tăng 4,6%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Bảy giảm 16% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 11,3% và số vụ va chạm giao thông giảm 21,9%); số người chết giảm 16,4%; số người bị thương giảm 6% và số người bị thương nhẹ giảm 25,6%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 2/7 tại Vĩnh Phúc giữa xe tải và xe máy làm 3 người chết; vụ tai nạn xe ô tô xảy ra ngày 10/7 tại Quảng Ninh làm 3 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn ô tô xảy ra ngày 11/7 tại Kon Tum làm 4 người chết và 32 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 21/7 tại Bình Thuận giữa xe ô tô khách 16 chỗ và xe ô tô tải làm 8 người chết và nhiều người bị thương; vụ tai nạn ô tô xảy ra ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết và 21 người bị thương.

Tính chung 7 tháng năm 2020, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 7.996 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 4.579 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.417 vụ va chạm giao thông, làm 3.791 người chết, 2.366 người bị thương và 3.484 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng giảm 18,6% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 12,1%; số vụ va chạm giao thông giảm 25,9%); số người chết giảm 15,1%; số người bị thương giảm 15% và số người bị thương nhẹ giảm 25,5%. Bình quân 1 ngày trong 7 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ. 

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng Bảy (từ ngày 18/6 đến 17/7) chủ yếu là mưa đá, mưa lớn, sạt lở và xâm nhập mặn tại một số địa phương làm 5 người chết và 11 người bị thương; 53 ngôi nhà bị sập và 771 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 11,9 nghìn ha lúa và 24,7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là hơn 1.687 tỷ đồng. Riêng lũ quét tại tỉnh Hà Giang xảy ra ngày 20-21/7/2020 làm 5 người chết, 2 người bị thương; 2 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 2.864 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; 456 ha lúa, hoa màu và cây lâm nghiệp bị hư hỏng; 237 con gia súc bị chết; 3 cầu treo dân sinh bị sập, cuốn trôi; 2 nhà máy thủy điện (Thái An và Thuận Hòa) bị dừng hoạt động; ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản 495 tỷ đồng, trong đó thiệt hại 2 nhà máy thủy điện là 370 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm 2020, thiên tai làm 45 người chết và mất tích, 144 người bị thương; 130 nghìn ha lúa và 60,5 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 1.220 ngôi nhà bị sập đổ; 64,8 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,4 nghìn tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng 7/2020, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.701 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.699 vụ với tổng số tiền phạt là 13,2 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay đã phát hiện 6.729 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 6.157 vụ với tổng số tiền phạt là hơn 102,9 tỷ đồng.

Trong tháng, cả nước xảy ra 270 vụ cháy, nổ, làm 11 người chết và 8 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 32,8 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.779 vụ cháy, nổ, làm 59 người chết và 119 người bị thương, thiệt hại ước tính 369,4 tỷ đồng./.



[1] Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Trị, Bạc Liêu, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

[2] Thị trường Hàn Quốc chiếm 40% tổng sản lượng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam; thị trường Mỹ chiếm 9%.

[3] Giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 17.800-18.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.

[4] Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

[5] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[6] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 6,9%; số vốn đăng ký tăng 71,9%; lao động giảm 3,7%.

[7] Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 13,5%; năm 2017 tăng 7,8%; năm 2018 tăng 10,3%; năm 2019 tăng 6,8%; năm 2020 tăng 51,8%.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN 7 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020: năm 2016 tăng 12%; năm 2017 tăng 6,4%; năm 2018 tăng 9,7%; năm 2019 tăng 4,7%; năm 2020 tăng 27,2%.

[8] Ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí có 3 dự án điều chỉnh vốn làm giảm 152,8 triệu USD.

[9] Số liệu đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài phân theo ngành kinh tế 7 tháng năm 2020 có sự điều chỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại mục tiêu các dự án và điều chỉnh giữa các ngành.

[10] Số liệu tháng 7/2020 do Tổ liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải Quan) và Tổng cục Thống kê ước tính căn cứ trên số liệu kim ngạch xuất, nhập khẩu kỳ I trong tháng (từ ngày 01 đến ngày 15) của Tổng cục Hải quan kết hợp với thông tin thị trường, tỷ trọng và xu hướng xuất, nhập khẩu các mặt hàng.

[11] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 đạt 289 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 145,5 tỷ USD, tăng 7,8%; nhập khẩu đạt 143,5 tỷ USD, tăng 8,4%.

[12] Ước tính xuất siêu 500 triệu USD.

[13] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 11,2 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 18,1 tỷ USD, giảm 19,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,6 tỷ USD, giảm 15,1%; nhập siêu từ ASEAN 3,9 tỷ USD, tăng 5,3%.

[14] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Bảy so với tháng 12 năm trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 2,48%; tăng 0,31%; tăng 2,13%; tăng 1,59%; giảm 0,19%.

[15] Giá du lịch trọn gói trong nước tăng 0,8%; khách sạn tăng 0,67%; dịch vụ thể thao tăng 0,79%, đồ chơi tăng 0,24%.

[16] Trong đó: giá thịt lợn giảm 2,48%; giá thủy sản tươi sống giảm 0,45%; giá thủy sản chế biến giảm 0,21%; giá trứng giảm 0,75%; giá các loại hạt và đậu giảm 0,18%; giá quả tươi, chế biến giảm 0,33%.

[17] Tính đến 9h00 ngày 27/7/2020, trên thế giới có 16.412,8 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (652 nghìn trường hợp tử vong).


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt