Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020

Kinh tế - xã hội nước ta ba tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; giá dầu thô giảm mạnh do căng thẳng giữa A-rập Xê-út và Liên bang Nga, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu và đặc biệt là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh trên toàn cầu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới[1]. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất cho thấy dấu hiệu suy giảm sâu của kinh tế Mỹ, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, thời tiết những tháng đầu năm không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý I năm nay như sau:

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020[2]. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới
mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu lên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân thì nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011-2020[3], làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2020 tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 1,89 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, chỉ cao hơn mức tăng 4,38% và 5,97% của cùng kỳ các năm 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2020[4], đóng góp 1,64 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 3,18%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 10,9% và khí đốt tự nhiên giảm 9,9%. Ngành xây dựng tăng 4,37%, cao hơn mức tăng 0,35% và 1,18% của quý I năm 2011 và năm 2012 trong giai đoạn 2011-2020[5], đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong quý I/2020 đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020[6]. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69% so với cùng kỳ năm trước, là ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,7 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,9%, làm giảm 0,03 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11,04%, làm giảm 0,53 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019; tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất lâm nghiệp phát triển ổn định; sản xuất thủy sản quý I/2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

a) Nông nghiệp

Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.998,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 97% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.076,8 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.921,9 nghìn ha, bằng 96%. Tại các địa phương phía Bắc, thời tiết nắng ấm cùng nguồn nước tưới được cung ứng hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng lúa. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên dự báo thời tiết sẽ nắng nóng, sâu bệnh gây hại diễn biến phức tạp, cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh và xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Sản xuất lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam gặp khó khăn do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, riêng diện tích gieo trồng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt 1.546,4 nghìn ha, giảm 57,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích lúa giảm nhiều là: Bình Thuận giảm 15,5 nghìn ha; Sóc Trăng giảm 15,4 nghìn ha; Trà Vinh giảm 8,2 nghìn ha; Ninh Thuận giảm 5,1 nghìn ha. Đến nay, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 1.143,1 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 105,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.121 nghìn ha, bằng 105,9% với năng suất ước tính đạt 68,6 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Có được kết quả này là do ngành Nông nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống và ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, sử dụng các loại giống lúa ít bị nhiễm sâu bệnh cho năng suất cao. Xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng cao, tính đến ngày 20/3/2020 có 33,8 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng là 20,2 nghìn ha, chiếm 1,3% diện tích gieo trồng. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nhiều do xâm nhập mặn: Trà Vinh 6,8 nghìn ha, Bến Tre 5,3 nghìn ha, Sóc Trăng 3,6 nghìn ha.

Đến trung tuần tháng Ba, vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết thúc thu hoạch lúa vụ mùa 2019-2020. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng ước tính đạt 169,2 nghìn ha, giảm 2,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 44,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 753,2 nghìn tấn, giảm 26,6 nghìn tấn. Diện tích lúa bị nhiễm mặn làm năng suất lúa mùa giảm, đồng thời việc chuyển đổi diện tích trồng lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất vụ mùa của toàn vùng. Một số địa phương có diện tích gieo trồng lúa mùa giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà Mau giảm 2,1 nghìn ha; Kiên Giang giảm 1,5 nghìn ha, Bến Tre giảm 0,8 nghìn ha.

Tính đến giữa tháng Ba, các địa phương trong cả nước đã gieo trồng được 312,9 nghìn ha ngô, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước; 56 nghìn ha khoai lang, bằng 91,1%; 13,4 nghìn ha đỗ tương, bằng 89,3%; 113 nghìn ha lạc, bằng 93,5%; 543,8 nghìn ha rau đậu, bằng 101,5%.

Trong quý I/2020, một số cây công nghiệp lâu năm đã cho thu hoạch, trong đó: Sản lượng điều đạt 149,8 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 137,6 nghìn tấn, tăng 2%; cao su đạt 115,1 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng một số loại cây ăn quả tăng: Bưởi đạt 140 nghìn tấn, tăng 12%; thanh long đạt 390 nghìn tấn, tăng 10%; cam đạt 229,3 nghìn tấn, tăng 8%; xoài đạt 107,7 nghìn tấn, tăng 4,5%; dứa đạt 245,3 nghìn tấn, tăng 3%; nhãn đạt 82,6 nghìn tấn, tăng 3%; chôm chôm đạt 41,9 nghìn tấn, tăng 1,9%; chuối đạt 592,4 nghìn tấn, tăng 1,3%.

Chăn nuôi trâu bò nhìn chung ổn định. Đàn trâu cả nước tiếp tục xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao; đàn bò phát triển khá do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt bò hơi ở mức cao nên người nuôi có lãi. Ước tính tháng 3/2020, đàn trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 3,6%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng trong quý I/2020 đạt 27,5 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 106,5 nghìn tấn, tăng 7,3%; sản lượng sữa bò tươi đạt 257,1 nghìn tấn, tăng 5%. Chăn nuôi lợn có xu hướng dần hồi phục trở lại, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát với 41/63 địa phương công bố hết dịch. Ước tính tổng đàn lợn cả nước tháng Ba giảm 17,5% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, tuy nhiên dịch cúm gia cầm còn xuất hiện ở một số địa phương và thời tiết mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm tồn tại, lây lan nên cần có biện pháp để phòng, chống dịch hiệu quả. Ước tính tổng đàn gia cầm của cả nước tháng Ba tăng 15% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 383,4 nghìn tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,1 tỷ quả, tăng 14,1%.

Tính đến ngày 25/3/2020, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch tả lợn châu Phi không phát sinh thêm ổ dịch mới, có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 5 địa phương[7] và 6 ổ dịch lở mồm long móng tại 4 tỉnh[8] chưa qua 21 ngày.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác trồng rừng và chăm sóc rừng ở các địa phương trên cả nước. Trong tháng Ba, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 17,1 nghìn ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.095,3 nghìn m3, tăng 7,3%; số cây trồng phân tán đạt 11 triệu cây, giảm 2,5%. Tính chung quý I/2020, diện tích rừng trồng tập trung cả nước ước tính đạt 32,6 nghìn ha, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 21,7 triệu cây, giảm 0,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 2.881 nghìn m3, tăng 5%; sản lượng củi khai thác đạt 4,6 triệu ste, tăng 0,2%.

Diện tích rừng bị thiệt hại trong tháng 3/2020263,5 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 194,1 ha; diện tích bị chặt phá là 69,4 ha. Tính chung quý I/2020, diện tích rừng bị thiệt hại là 348,3 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 217,1 ha, gấp 4 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 131,2 ha, tăng 37%.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản tháng Ba ước tính đạt 502,2 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 368,4 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 51,8 nghìn tấn, tăng 3,8%; thủy sản khác đạt 82 nghìn tấn, tăng 1,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 160,1 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 104,9 nghìn tấn, giảm 2,1%; tôm đạt 37,4 nghìn tấn, tăng 7,8%. Nuôi cá tra đang gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi lo ngại nên không mạnh dạn thả nuôi. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm xuất khẩu cá da trơn sang các thị trường chủ yếu sụt giảm[9]. Sản lượng cá tra tháng Ba ước tính đạt 74,7 nghìn tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, sản lượng cá tra ước tính đạt 242,8 nghìn tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có sản lượng cá tra giảm: Đồng Tháp đạt 97,8 nghìn tấn, giảm 1,1%; An Giang đạt 77,8 nghìn tấn, giảm 4,7%; Cần Thơ 33,2 nghìn tấn, giảm 8,9%. Nuôi tôm nước lợ những tháng đầu năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; độ mặn và nhiệt độ thay đổi làm giảm sức đề kháng của tôm; giá tôm thẻ chân trắng không ổn định. Riêng giá tôm sú trong quý I/2020 ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước, mô hình nuôi tôm sú đã chuyển từ quảng canh sang quảng canh cải tiến. Sản lượng tôm sú tháng Ba ước tính đạt 18,8 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 8,7 nghìn tấn, tăng 10,2%. Tính chung quý I/2020, sản lượng tôm sú ước tính đạt 45 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 49,8 nghìn tấn, tăng 8,5%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng Ba ước tính đạt 342,1 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 263,5 nghìn tấn, tăng 2%; tôm đạt 14,4 nghìn tấn, giảm 5,3%, thủy sản khác đạt 64,2 nghìn tấn, tăng 0,6%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 334 nghìn tấn, tăng 1,4%.

Tính chung quý I/2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.503,1 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 662,1 nghìn tấn, tăng 2,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 841 nghìn tấn, tăng 1,9% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 806,2 nghìn tấn, tăng 2%).

3. Sản xuất công nghiệp

Ngành công nghiệp quý I/2020 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp 5,28% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020[10]; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2020 ước tính tăng 5,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, đóng góp 1,64 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,46%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,67%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,18% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh, làm giảm 0,21 điểm phần trăm.

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) quý I/2020 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3,6% (sản phẩm là tư liệu sản xuất tăng 0,6% và sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 4,5%).

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo. Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4% (khai thác dầu thô giảm 10,9%; khai thác khí đốt tự nhiên giảm 9,9%); sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%; ngành sản xuất trang phục chịu tác động nặng nhất từ dịch Covid-19 với mức giảm 3%, đây cũng là lần đầu tiên ngành này sụt giảm; sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,3%; sản xuất kim loại tăng 2,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu quý I/2020 tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Phân u rê tăng 3,6%; sữa tươi tăng 3%; alumin tăng 2,7%; ti vi tăng 0,2%; xe máy giảm 0,9%; quần áo mặc thường giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,7%; thép cán giảm 4,3%; thức ăn cho gia súc giảm 4,4%; sắt, thép thô giảm 4,5%; sữa bột giảm 7,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,9%; ô tô giảm 10,4%; dầu thô khai thác giảm 10,9%; đường kính giảm 17%; bia giảm 18,9%. Một số sản phẩm tăng cao: Linh kiện điện thoại tăng 34,7%; xăng, dầu các loại tăng 17,4%; thép thanh, thép góc tăng 17,2%; bột ngọt tăng 12,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,3%; điện thoại di động tăng 11,1% (điện thoại thông minh giảm 2,7%); giày, dép da tăng 8,5%; nước máy thương phẩm tăng 8,1%; than sạch tăng 7,9%; điện sản xuất tăng 7,2%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với quý I/2019 (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8% của quý I/2019), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 27,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 24,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 22,8%; dệt tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 12,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,5%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,6%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,7%; sản xuất kim loại giảm 1%; sản xuất trang phục giảm 3,2%; sản xuất thiết bị điện giảm 4,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 6,6%; sản xuất đồ uống giảm 12,2%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 15,6%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm: In, sao chép bản ghi các loại tăng 4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 4,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 6,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,5%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 39,4%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%.

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2020 đạt 78,4% (cùng kỳ năm trước là 72,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Dệt 115%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 104,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 103%; sản xuất chế biến thực phẩm 93%; sản xuất thiết bị điện 88,7%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/3/2020 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,4% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,7%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước không đổi và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,8%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong quý I/2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6%; đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26%. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II khả quan hơn quý I.

a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp[11]

Trong tháng 3/2020, cả nước có 12.272 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 131,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 86,2 nghìn lao động, tăng 33,9% về số doanh nghiệp, tăng 35,7% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 2/2020[12]. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,7 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước còn có 3.423 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 5,7% so với tháng trước và giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước; 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 46,3% và tăng 78,6%; 2.785 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 27,5% và tăng 48%; 1.316 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 11% và tăng 37,1%; 5.918 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 167,2% và tăng 59,9%.

Tính chung quý I/2020[13], cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 243,7 nghìn lao động, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 552,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 9,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 14,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1,6% so với quý I/2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 lên 44,5 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, quý I/2020 có 426 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; 8,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,2%; 21,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 4,5%. Một số ngành, lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 10.015 doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng 3.941 doanh nghiệp, tăng 3,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 3.685 doanh nghiệp, tăng 2%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 2.788 doanh nghiệp, tăng 17,5%; vận tải, kho bãi 1.289 doanh nghiệp, tăng 1,3%; thông tin và truyền thông 932 doanh nghiệp, tăng 15,5%; sản xuất phân phối điện, nước, gas 341 doanh nghiệp, tăng 39,8%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 316 doanh nghiệp, tăng 9%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội 191 doanh nghiệp, tăng 2,1%; khai khoáng 143 doanh nghiệp, tăng 11,7%. Có 6 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác 1.672 doanh nghiệp, giảm 0,4%; kinh doanh bất động sản 1.363 doanh nghiệp, giảm 12%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.281 doanh nghiệp, giảm 1%; giáo dục và đào tạo 833 doanh nghiệp, giảm 2,2%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 220 doanh nghiệp, giảm 22,5%; hoạt động dịch vụ khác 274 doanh nghiệp, giảm 12,2%.

Trong quý I/2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 20,6%, trong đó có 2.629 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 4.343 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.206 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.

Trong quý I/2020 có 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tương đương với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 3,7 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 1,3%; 62 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 21,6%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 1,5 nghìn doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 488 doanh nghiệp; xây dựng có 353 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 256 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 244 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 241 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 218 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 169 doanh nghiệp; giáo dục và đào tạo có 164 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông có 162 doanh nghiệp. Trong quý I/2020, trên cả nước còn có 11,4 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy: Có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn quý IV/2019; 42% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định[14]. Dự kiến quý II/2020 so với quý I/2020, có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 77,9% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 74% và 73,8%.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2020, có 55,8% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 48% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 31,3% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 30,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 28,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 26,6% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 24,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,6% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 21,1% số doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Về khối lượng sản xuất, có 22,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2020 tăng so với quý IV/2019; 39,5% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định[15]. Xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 40,3% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 22,8% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 19,8% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý I/2020 cao hơn quý IV/2019; 38,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 41,6% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định[16]. Xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 36,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 22,8% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 40,5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2020 so với quý IV/2019, có 17,9% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 37,5% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 44,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Xu hướng quý II/2020 so với quý I/2020, có 30,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 23,7% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 45,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

5. Hoạt động dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tác động tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[17]. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,7%), cầu tiêu dùng trong dân giảm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước tính đạt 390 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 316,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 4,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% và giảm 26,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 44,7% và giảm 62,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% và giảm 6,5%.

Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 985,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 9,3%; xăng, dầu tăng 8,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,7%; may mặc tăng 6,6%; phương tiện đi lại tăng 5,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 2%. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I vẫn tăng do hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây, trong khi nguồn cung hàng hóa dồi dào, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 11%; Hà Nội tăng 9,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8%; Cần Thơ tăng 7,3%; Thanh Hóa tăng 6,9%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn không hoạt động cùng với lượng khách du lịch giảm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương, trong đó Khánh Hòa giảm 38,2%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Thanh Hóa giảm 20,4%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%; Quảng Ninh giảm 12,4%; Hải Phòng giảm 8,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%) do nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành quý I giảm so với cùng kỳ năm trước: Thanh Hóa giảm 49,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 48,3%; Quảng Ninh giảm 47,1%; Khánh Hòa giảm 43,9%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Bình Định giảm 24,4%; Đà Nẵng giảm 19,5%; Hà Nội giảm 18,7%; Hải Phòng giảm 14,9%.

Doanh thu dịch vụ khác quý I/2020 ước tính đạt 126,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó doanh thu của Cần Thơ tăng 2,3%; Thái Nguyên tăng 1,2%; Đà Nẵng giảm 1,4%; Hà Nội giảm 1,7%; Hải Phòng giảm 6,3%; thành phố Hồ Chí Minh giảm 7,4%.

b) Vận tải và viễn thông

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải quý I/2020, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng lớn khi lượng khách vận chuyển tháng Ba giảm 21,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 3 tháng giảm 6,1% do tác động của các vận động, khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh cùng với việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Vận tải hành khách tháng Ba ước tính đạt 334,4 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 8,8% so với tháng trước và luân chuyển 14,8 tỷ lượt khách.km, giảm 15,1%. Tính chung quý I/2020, vận tải hành khách đạt 1.190,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%) và luân chuyển 55,9 tỷ lượt khách.km, giảm 8% (cùng kỳ năm trước tăng 10%), trong đó vận tải trong nước đạt 1.187,7 triệu lượt khách, giảm 6,1% và 46,4 tỷ lượt khách.km, giảm 3,5%; vận tải ngoài nước đạt 3 triệu lượt khách, giảm 30,3% và 9,6 tỷ lượt khách.km, giảm 24,9%. Xét theo ngành vận tải, tất cả các ngành đường đều bị ảnh hưởng do nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, vận tải hành khách đường bộ quý I đạt 1.128,3 triệu lượt khách, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước và 38,5 tỷ lượt khách.km, giảm 7,2%; đường thủy nội địa đạt 47,7 triệu lượt khách, giảm 1,3% và 1,1 tỷ lượt khách.km, giảm 0,4%; đường biển đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 23,2% và 109,4 triệu lượt khách.km, giảm 5,8%; đường sắt đạt 1,5 triệu lượt khách, giảm 27,8% và 0,7 tỷ lượt khách.km, giảm 23,8%; hàng không là ngành chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi dịch Covid-19 khi các hãng tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế, vận tải hàng không quý I năm nay đạt 11,9 triệu lượt khách, giảm 8% và 15,6 tỷ lượt khách.km, giảm 9,5% (riêng tháng Ba vận chuyển giảm 28,8% và luân chuyển giảm 35,9%).

Vận tải hàng hóa tháng Ba ước tính đạt 138,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 2,9% so với tháng trước và luân chuyển 26,9 tỷ tấn.km, giảm 3,8%. Tính chung quý I/2020, vận tải hàng hóa đạt 435,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,6%)luân chuyển 84,4 tỷ tấn.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,5%), trong đó vận tải trong nước đạt 427 triệu tấn, tăng 1,2% và 47,2 tỷ tấn.km, tăng 2,3%; vận tải ngoài nước đạt 8,7 triệu tấn, giảm 4% và 37,2 tỷ tấn.km, giảm 2,6%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ quý I đạt 340,6 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước và 23,9 tỷ tấn.km, tăng 0,7%; đường thủy nội địa đạt 73,8 triệu tấn, giảm 0,1% và 15,8 tỷ tấn.km, giảm 0,1%; đường biển đạt 19,9 triệu tấn, giảm 0,7% và 42,1 tỷ tấn.km, tăng 0,9%; đường sắt đạt 1,2 triệu tấn, giảm 4,4% và 0,8 tỷ tấn.km, giảm 3,2%; đường hàng không đạt 91,2 nghìn tấn, giảm 2,8% và 1,6 tỷ tấn.km, giảm 21,5%.

Hoạt động viễn thông quý I/2020 nhìn chung ổn định với doanh thu ước tính đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối tháng 3/2020 ước tính đạt 129,2 triệu thuê bao, giảm 6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó số thuê bao di động là 125,5 triệu thuê bao, giảm 5,9% chủ yếu do các nhà mạng tiếp tục thực hiện quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc xử lý sim rác, quản lý thuê bao điện thoại di động và nhu cầu sử dụng điện thoại cố định ngày càng giảm. Số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định tại thời điểm cuối tháng Ba ước tính đạt 15,2 triệu thuê bao, tăng 13% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó thuê bao truy nhập qua hệ thống cáp quang (FTTH) và qua hệ thống cáp truyền hình (CATV) vẫn tăng nhanh, thuê bao truy nhập qua hình thức xDSL tiếp tục giảm.

c) Khách quốc tế đến Việt Nam

Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm ở hầu hết các thị trường, mức giảm mạnh nhất tập trung ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba ước tính đạt 449,9 nghìn lượt người, giảm 63,8% so với tháng trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 62,3%; bằng đường bộ giảm 65,9%; bằng đường biển giảm 83,6%. So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng Ba giảm 68,1%, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 65,7%; bằng đường bộ giảm 77,9% và bằng đường biển giảm 55,2%; khách đến từ châu Á giảm 77,2%; từ châu Âu giảm 27,5%; từ châu Úc giảm 49,9%; từ châu Mỹ giảm 67,9%; từ châu Phi giảm 37,8%.

Tính chung quý I/2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.686,8 nghìn lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 2.991,6 nghìn lượt người, chiếm 81,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 14,9%; bằng đường bộ đạt 551,1 nghìn lượt người, chiếm 15% và giảm 39,4%; bằng đường biển đạt 144,1 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 92,1%.

Trong 3 tháng đầu năm, khách đến từ châu Á đạt 2.674,4 nghìn lượt người, chiếm 72,5% tổng số khách quốc tế đến nước ta, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt 871,8 nghìn lượt người, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc 819,1 nghìn lượt người, giảm 26,1%; Nhật Bản 200,3 nghìn lượt người, giảm 14,1%; Đài Loan 192,2 nghìn lượt người, giảm 7,2%; Ma-lai-xi-a 116,2 nghìn lượt người, giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số khách đến nước ta vẫn tăng trong quý I: Thái Lan 125,7 nghìn lượt người, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Cam-pu-chia đạt 120,4 nghìn lượt người, tăng 254,3%; Lào đạt 36,8 nghìn lượt người, tăng 38,5%.

Khách đến từ châu Âu trong quý I ước tính đạt 664,3 nghìn lượt người, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Vương quốc Anh 81,4 nghìn lượt người, giảm 9,4%; Pháp 74,5 nghìn lượt người, giảm 14,7%; Đức 61,5 nghìn lượt người, giảm 14,9%; riêng khách đến từ Liên bang Nga tăng 13,6% với 245 nghìn lượt người. Khách đến từ châu Mỹ ước tính đạt 234 nghìn lượt người, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ đạt 172,7 nghìn lượt người, giảm 21,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 102,2 nghìn lượt người, giảm 14,4%, trong đó khách đến từ Ôx-trây-li-a đạt 92,2 nghìn lượt người, giảm 15%. Khách đến từ châu Phi đạt 11,9 nghìn lượt người, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán

Hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng trong quý I/2020 chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/3/2020 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm 2016-2020[18]. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh; thị trường chứng khoán giảm mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,2%-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6%-7,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,0%-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý I/2020 đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các công ty Bảo hiểm nhân thọ đã cung cấp nhiều gói sản phẩm linh hoạt mang tính thời điểm, tăng gói hỗ trợ nhằm thu thút khách hàng sở hữu các hợp đồng bảo hiểm phù hợp. Trong đó, các gói bảo hiểm như: Corona Care của công ty Bảo hiểm Viễn Đông, Corona ++ dành cho người Việt từ 16-60 tuổi của Bảo hiểm PVI, ENCOVY của Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội là những chương trình bảo hiểm nhằm mục đích cùng với Chính phủ và cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh của các công ty Bảo hiểm.

Thị trường chứng khoán quý I/2020 gặp nhiều bất lợi do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá dầu thế giới giảm mạnh và Cục dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I năm nay chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 5.608 tỷ đồng/phiên, tăng 24% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 4.676 tỷ đồng/phiên, tăng 0,04% so với bình quân năm 2019. Hiện nay, thị trường cổ phiếu có 756 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 883 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt gần 1.414 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2019.

 Trên thị trường trái phiếu, hiện có 483 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.163 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2019. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu tháng Ba đạt 13.863 tỷ đồng/phiên, tăng 32,2% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, giá trị giao dịch bình quân đạt 11.025 tỷ đồng/phiên, tăng 19,7% so với bình quân năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 168.829 hợp đồng/phiên, tăng 28% so với tháng trước. Tính chung quý I/2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 122.436 hợp đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm trước. Tại thời điểm cuối tháng 2/2020, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 97.427 tài khoản, tăng 7% so với cuối năm 2019.

2. Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[19] do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức khá 13,2% kế hoạch năm[20] mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020[21].

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.

Tốc độ phát triển và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện

quý I giai đoạn 2016-2020 (Theo giá hiện hành)

%

 

Tổng số

Khu vực
Nhà nước

Khu vực
ngoài Nhà nước

Khu vực có
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

 

Tốc độ phát triển

Năm 2016

110,9

105,9

114,5

112,8

Năm 2017

109,5

105,3

115,0

107,1

Năm 2018

110,0

103,0

117,2

108,1

Năm 2019

109,1

102,6

114,8

107,5

Năm 2020

102,2

105,8

104,2

94,6

Cơ cấu

Năm 2016

100,0

34,7

37,6

27,7

Năm 2017

100,0

33,4

39,5

27,1

Năm 2018

100,0

31,3

42,1

26,6

Năm 2019

100,0

29,4

44,4

26,2

Năm 2020

100,0

30,5

45,2

24,3

 

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 59,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13,2% kế hoạch năm và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 13,3% và tăng 3,7%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 11,1% kế hoạch năm và tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,6% kế hoạch năm và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 33,7 nghìn tỷ đồng, bằng 13% kế hoạch năm và tăng 12,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% và tăng 17,7%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, bằng 18% và tăng 18,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD, giảm 3,4% về số dự án và tăng 44,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 236 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, giảm 18%; có 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2 tỷ USD, giảm 65,6%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 455 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 0,71 tỷ USD và 2.068 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,25 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 405,4 triệu USD, chiếm 10,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 337,7 triệu USD, chiếm 8,8%.

Trong quý I/2020, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 21,4%; các ngành còn lại đạt 346,7 triệu USD, chiếm 6,3%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 2 tỷ USD, chiếm 30,7% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không có vốn đăng ký bổ sung giữ mức 4 tỷ USD, chiếm 60,7%; các ngành còn lại đạt 570,2 triệu USD, chiếm 8,6%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 699 triệu USD, chiếm 35,7% giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 441,4 triệu USD, chiếm 22,6%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 176 triệu USD, chiếm 9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 174,1 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại 465,4 triệu USD, chiếm 23,8%.

Trong số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong quý I năm nay, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4.204,7 triệu USD, chiếm 76% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 455,9 triệu USD, chiếm 8,2%; Hàn Quốc 284,4 triệu USD, chiếm 5,1%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 245,9 triệu USD, chiếm 4,4%; Nhật Bản 120,3 triệu USD, chiếm 2,2%; Đài Loan 64,5 triệu USD, chiếm 1,2%; Hà Lan 37,8 triệu USD, chiếm 0,7%; Ma-lai-xi-a 34,4 triệu USD, chiếm 0,6%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2020 có 27 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 22,9 triệu USD; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 26,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 49,3 triệu USD, trong đó lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 14,7 triệu USD, chiếm 29,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 24,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9 triệu USD, chiếm 18,3%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 5,2 triệu USD, chiếm 10,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5 triệu USD, chiếm 10,2%. Trong quý I/2020 có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa kỳ là nước dẫn đầu với 20,1 triệu USD, chiếm 40,8%; Xin-ga-po 12,8 triệu USD, chiếm 26%; Cam-pu-chia 9,5 triệu USD, chiếm 19,3%; Cuba 5 triệu USD, chiếm 10,1%.

3. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 311,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 256,8 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3%; thu từ dầu thô 12,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,4%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, bằng 16,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 54,3 nghìn tỷ đồng, bằng 20%; thu thuế thu nhập cá nhân 28,1 nghìn tỷ đồng, bằng 21,9%; thu thuế bảo vệ môi trường 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4%; thu tiền sử dụng đất 29,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/3/2020 ước tính đạt 278,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 201,2 nghìn tỷ đồng, bằng 19%; chi đầu tư phát triển 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1%; chi trả nợ lãi 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 24,2%.

4. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%, trong đó xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Xuất siêu quý I năm nay đạt 2,8 tỷ USD.

a) Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 2/2020 đạt 20.854 triệu USD, cao hơn 2.254 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 670 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 184 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cao hơn 151 triệu USD; sắt thép cao hơn 146 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ cao hơn 97 triệu USD; thủy sản cao hơn 81 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2020 ước tính đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng Ba có kim ngạch giảm so với tháng trước: Dầu thô giảm 20,8%; sắt thép giảm 20,3%; hàng dệt may giảm 19,4%; giày dép giảm 19,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba giảm 12,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh: Hàng dệt may giảm 29%; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 26,1%; sắt thép giảm 16,4%; giày dép giảm 15,9%; thủy sản giảm 11,9%; điện thoại và linh kiện giảm 10,8%.

Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 68,4%.

Trong quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng 16,2%; hàng dệt may đạt 6,5 tỷ USD, giảm 8,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,7 tỷ USD, tăng 17,7%; giày dép đạt 3,9 tỷ USD, giảm 1,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2 tỷ USD, giảm 5,5%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2%. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 92,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 77,2%; giày dép chiếm 75,5%; hàng dệt may 57,1%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 831 triệu USD, giảm 11,5%; cà phê đạt 794 triệu USD, giảm 6,4% (lượng giảm 3,9%); cao su đạt 331 triệu USD, giảm 26,1% (lượng giảm 33%); hạt tiêu đạt 156 triệu USD, giảm 17,6% (lượng giảm 0,9%). Riêng gạo và hạt điều tăng cả lượng và giá trị, gạo đạt 653 triệu USD, tăng 7,9% (lượng tăng 1,1%); hạt điều đạt 644 triệu USD, tăng 0,8% (lượng tăng 14,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 32 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 54,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 20,8 tỷ USD, giảm 0,2% và chiếm 35,3% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 4,6 tỷ USD, giảm 4,5% và chiếm 7,8% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2% và chiếm 2,7% (giảm 0,4 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu quý I/2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD, tăng 11,5% (do mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 187,5%). Thị trường EU đạt 7,5 tỷ USD, giảm 14,9%. Thị trường ASEAN đạt 6 tỷ USD, giảm 5,2%. Nhật Bản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,5%. Hàn Quốc đạt 4,5 tỷ USD, giảm 2,7%.

b) Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 2/2020 đạt 18.579 triệu USD, cao hơn 79 triệu USD so với số ước tính, trong đó ô tô cao hơn 116 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 56 triệu USD; vải thấp hơn 41 triệu USD; điện thoại và linh kiện thấp hơn 60 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Điện thoại và linh kiện tăng 17%; vải tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 7,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Ba giảm 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 14%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,2%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Xăng dầu giảm 58,8%; vải giảm 25,9%; sắt thép giảm 20,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 14,2%.

Tính chung quý I/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 23,08 tỷ USD, giảm 3,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,18 tỷ USD, giảm 0,8%.

Trong quý I có 14 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 72,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD (chiếm 23,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỷ USD, giảm 8,6%; điện thoại và linh kiện đạt 3,2 tỷ USD, tăng 14,1%; vải đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,7%; chất dẻo đạt 2 tỷ USD, giảm 6,1%; sắt thép đạt 1,9 tỷ USD, giảm 16%; sản phẩm chất dẻo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 8,1%; dầu thô đạt 1,5 tỷ USD; tăng 67,9%; ô tô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 24,4%; kim loại thường đạt 1,4 tỷ USD; giảm 7,9%; sản phẩm hóa chất đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,7%; hóa chất đạt 1,2 tỷ USD, giảm 0,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 1,1 tỷ USD, giảm 14,5%; xăng dầu đạt 1,02 tỷ USD, giảm 17,6%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu quý I, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 52,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,5% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 26,4 tỷ USD, tăng 3,9% và chiếm 46,9% (tăng 2,6 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 26,2 tỷ USD, giảm 5,9% và chiếm 46,6% (giảm 2 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 3,66 tỷ USD, giảm 10,6% và chiếm 6,5% (giảm 0,6 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu quý I, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2,4%. Thị trường ASEAN đạt 7,2 tỷ USD, giảm 8,3%. Nhật Bản đạt 4,9 tỷ USD, tăng 15,8%. Thị trường EU đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,2%. Hoa Kỳ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 13%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Hai xuất siêu 2,3 tỷ USD[22]; 2 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD; tháng Ba ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung quý I/2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 2,8 tỷ USD[23] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.

c) Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 3,34 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 71,9% tổng kim ngạch), giảm 18,6%; dịch vụ vận tải đạt 510 triệu USD (chiếm 15,3%), giảm 31,9%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I ước tính đạt 4,27 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 2 tỷ USD (chiếm 46,8% tổng kim ngạch), giảm 7%; dịch vụ du lịch đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), giảm 2,9%. Nhập siêu dịch vụ trong quý I/2020 là 930 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 335 triệu USD), bằng 27,8% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

5. Chỉ số giá

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020[24]. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020[25], tăng lần lượt 4,87% và 5,56%. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

a) Chỉ số giá tiêu dùng

Trong mức giảm 0,72% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 4,87%, chủ yếu do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/2/2020 và 15/3/2020 làm giá xăng, dầu giảm 9,83% (tác động làm CPI chung giảm 0,43%) và giá dịch vụ giao thông công cộng giảm[26]. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm mạnh bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19[27]. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%, trong đó: lương thực tăng 1,09%[28]; thực phẩm giảm 0,89%[29]; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,01%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25% (giá gas giảm 5,91% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,07% và giá dầu hỏa giảm 12,08%); may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,64% và nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình[30] trong mùa dịch Covid-19 tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,04%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%.

CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. CPI quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu: (i) Nhu cầu về nhiều loại mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: lương thực tăng 1,51% (tác động làm CPI chung tăng 0,07%), thực phẩm tăng 13,21% (tác động làm CPI chung tăng 2,99%), trong đó: giá thịt lợn tăng 58,81% (đóng góp 2,47% vào mức tăng CPI chung); giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 1,8%; giá các loại quần áo may sẵn tăng 1,19%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,52% (tác động làm CPI chung tăng 0,04%); (ii) Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm giá rau trong quý I/2020 tăng 4,14% do rau, quả Trung Quốc không xuất được sang Việt Nam; đồng thời làm giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng cao, lần lượt là 1,43%; 9,89% và 4,75%.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI quý I/2020, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI: (i) Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 5 đợt kể từ đầu năm với giá xăng A95 giảm 4.180 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 3.830 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 3.560 đồng/lít; (ii) Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu đi lại, du lịch của người dân sau Tết giảm làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm[31]; (iii) Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định thị trường.

Lạm phát cơ bản tháng 3/2020 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

b) Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới do các nhà đầu tư trong nước có xu hướng nắm giữ vàng trong thời điểm chứng khoán, bất động sản không ổn định. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/3/2020 giảm 1,13% so với tháng 2/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2020 tăng 3,87% so với tháng trước; tăng 11,37% so với tháng 12/2019 và tăng 25,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, các nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt nên đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng; Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh lãi suất xuống biên độ 0% - 0,25% và tuyên bố sẽ mua không giới hạn lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ thị trường tài chính và đối phó với những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2020 tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

c) Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 tăng 4,45% so với quý IV/2019 và tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 5,17% và tăng 7,83%; lâm nghiệp tăng 0,06% và giảm 0,1%; thủy sản tăng 2,75% và tăng 1,1%.

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý I/2020 giảm 0,03% so với quý IV/2019 và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 1,36% và tăng 6,35%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,15% và tăng 0,57%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 2,49% và tăng 3,94%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8% và tăng 2,34%.

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý I/2020 giảm 0,25% so với quý IV/2019 và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi giảm 2,01% và giảm 1,91%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,6% và tăng 2,37%; thông tin và truyền thông giảm 0,03% và tăng 0,49%; giáo dục và đào tạo tăng 0,12% và tăng 4,15%; y tế và trợ giúp xã hội tăng 0,06% và tăng 3,58%.

d) Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý I/2020 giảm 0,28% so với quý IV/2019 và giảm 0,53% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,27% và giảm 1,4%; nhóm nhiên liệu giảm 5,51% và giảm 9,25%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,14% và giảm 0,05%. Chỉ số giá xuất khẩu quý I/2020 so với quý IV/2019 và so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng như sau: Dầu thô giảm 6,59% và giảm 12,49%; xăng dầu giảm 4,12% và giảm 2,22%; cà phê giảm 2,55% và giảm 6,11%; sản phẩm từ cao su tăng 3,88% và tăng 2,27%; chè tăng 2,47% và tăng 6,41%; cao su tăng 2,16% và tăng 5,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 0,49% và tăng 2,4%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I năm nay giảm 0,16% so với quý IV/2019 và tăng 0,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,52% và tăng 1%; nhóm nhiên liệu tăng 0,56% và tăng 4,75%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,23% và giảm 0,19%. Chỉ số giá nhập khẩu quý I/2020 của một số mặt hàng: Hóa chất giảm 2,32% so với quý IV/2019 và giảm 5,91% so với cùng kỳ năm trước; kim loại thường khác giảm 1,55% và giảm 0,71%; nguyên phụ liệu thuốc lá giảm 1,36% và giảm 4,07%; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 1,05% và giảm 1,05%; khí đốt hóa lỏng tăng 13,2% và tăng 6,31%; sản phẩm từ giấy tăng 8,87% và tăng 11,22%; hàng rau quả tăng 1,59% và tăng 8,15%; than đá tăng 0,65% và tăng 1,95%.

Tỷ giá thương mại hàng hóa[32] quý I/2020 giảm 0,12% so với quý IV/2019 và giảm 0,61% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên tỷ giá thương mại hàng hóa giảm trong 3 năm gần đây[33], trong đó tỷ giá thương mại của rau quả giảm 4,69% và giảm 4,5%; xăng dầu giảm 3,49% và giảm 7,05%; hóa chất tăng 2,37% và tăng 6,28%; cao su tăng 2,11% và tăng 8,85%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 0,82% và tăng 2,61%.

 

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Tình hình lao động, việc làm quý I/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây[34] do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm 673,1 nghìn người so với quý trước và giảm 144,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019 do trong quý thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2019 ước tính đạt 75,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất 10 năm qua. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý I/2020 ước tính là 48,9 triệu người, giảm 351,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 26,9 triệu người, chiếm 55% tổng số và lao động nữ 22 triệu người, chiếm 45%; khu vực thành thị 16,5 triệu người, chiếm 33,7% và khu vực nông thôn là 32,4 triệu người, chiếm 66,3%.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý I/2020 ước tính là 54,2 triệu người, bao gồm 18,2 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,5% tổng số (giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,5 triệu người, chiếm 30,5% (tăng 1,3 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,5 triệu người, chiếm 36% (tăng 0,4 điểm phần trăm).

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2020 ước tính là 2,02%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,57%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,22%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2020 ước tính là 7,01%, trong đó khu vực thành thị là 9,91%; khu vực nông thôn là 5,77%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 ước tính là 2%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,97%; khu vực nông thôn là 2,52% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2019 tương ứng là 1,17%; 0,6%; 1,45%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản[35] quý I/2020 ước tính là 55,3%, trong đó khu vực thành thị là 47,3%; khu vực nông thôn là 61,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2019 tương ứng là 55,9%; 47,9%; 62,2%.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý I/2020 ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng hơn 616 nghìn đồng so với quý trước và tăng 476,5 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 7,8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,8 triệu đồng/tháng, lao động thành thị là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.

2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Đời sống dân cư tháng Ba gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và do tác động của đầu kỳ giáp hạt. Trong tháng, cả nước có 5 tỉnh phát sinh thiếu đói là Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu và Lạng Sơn với hơn 8,6 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 36,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói, gấp 9 lần số hộ thiếu đói, gấp 11 lần số nhân khẩu thiếu đói so với tháng trước và cùng gấp 5 lần số hộ và số nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, cả nước có 12,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 49,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 52,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 243,3 tấn gạo.

Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 3 tháng đầu năm là hơn 4,8 nghìn tỷ đồng (trong đó quà cho đối tượng chính sách, người có công là 2,9 nghìn tỷ đồng; người nghèo là 1,3 nghìn tỷ đồng; cứu đói, cứu trợ khác là 0,6 nghìn tỷ đồng), hơn 17,5 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

3. Giáo dục, đào tạo

Công tác giáo dục, đào tạo đang gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm. Để phòng chống dịch lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người dân, hầu hết các địa phương trên cả nước cho học sinh và sinh viên nghỉ học (Bao gồm 5 triệu trẻ em bậc mầm non; 17 triệu học sinh phổ thông và trên 1,5 triệu học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp[36]). Quyết định cho học sinh và sinh viên nghỉ học không những ảnh hưởng đến kế hoạch, nền nếp dạy và học của nhà trường và học sinh, sinh viên mà còn ảnh hưởng đến các bậc phụ huynh, đặc biệt là phụ huynh học sinh ở cấp mầm non và tiểu học.

Trước tình hình trên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh; rà soát, tinh giản nội dung dạy học, triển khai các hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình đảm bảo nội dung chương trình và kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, tính đặc thù là học lý thuyết tại trường kết hợp với thực hành tại xưởng, nhà máy, xí nghiệp nhưng do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cần tránh tập trung đông người nên việc tổ chức đào tạo nghề cũng như công tác tuyển sinh thời điểm này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo trong năm học. Ngoài ra, dịch bùng phát còn ảnh hưởng đến đời sống của nhiều giáo viên; mất cân đối thu chi ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhiều hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cũng như các hoạt động phong trào hỗ trợ học sinh, sinh viên bị gián đoạn, chậm tiến độ.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng (19/2-18/3/2020), cả nước có 4.986 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; 879 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 16 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút và 1.097 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 17 trường hợp dương tính. Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước có 19,7 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (1 trường hợp tử vong); 4.019 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 67 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 2.427 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 76 trường hợp dương tính.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp[37]. Trước tình hình đó, Việt Nam huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, "tăng cường tốc độ ứng phó" tình hình dịch bệnh. Tính đến 7h30 ngày 27/3/2020 có 153 trường hợp mắc (17 trường hợp đã được chữa khỏi).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2020 là 210,3 nghìn người; số người đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 97.106 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98.622 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng Ba xảy ra 4 vụ với 20 người bị ngộ độc (3 người tử vong). Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 15 vụ với 242 người bị ngộ độc (5 người tử vong).

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhiều địa phương thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong việc dừng các lễ hội lớn cũng như các hoạt động tụ tập đông người. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được triển khai rộng khắp trên cả nước đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Một số hoạt động thể thao được lùi thời gian tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có hoạt động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2020. Về thể thao thành tích cao của Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm giành được nhiều kết quả nổi bật: Đội tuyển Cử tạ Việt Nam giành 13 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2020; giành 10 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Vô địch cử tạ Cúp thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Cúp Thể dục dụng cụ thế giới; giành được 1 huy chương đồng tại giải Boxing vòng loại Olympic khu vực châu Á; giành 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại giải Cúp bắn cung châu Á. Tính chung quý I/2020, đoàn thể thao Việt Nam đã có 5 suất chính tham dự Olympic Tokyo 2020 gồm các môn: Bắn cung, boxing, thể dục dụng cụ và bơi.

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 15/2 đến 14/3), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.101 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 621 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 480 vụ va chạm giao thông, làm 514 người chết, 315 người bị thương và 473 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng Ba giảm 8,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 0,3% và số vụ va chạm giao thông giảm 18,5%); số người chết giảm 6,4%; số người bị thương giảm 20,3% và số người bị thương nhẹ giảm 18%. Đáng lưu ý là trong tháng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng: Vụ tai nạn xảy ra ngày 23/2 tại Bình Dương giữa 2 xe máy đã làm 1 người chết và 2 người bị thương; vụ tai nạn ô tô xảy ra ngày 27/2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm 1 người chết và 6 người bị thương; vụ tai nạn xảy ra ngày 3/3 tại thành phố Hồ Chí Minh giữa xe tải và xe container làm 3 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 4/3 tại Bạc Liêu giữa xe buýt và xe đạp làm 3 người chết ; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/3 tại Hải Phòng giữa xe đầu kéo và xe máy làm 2 người chết; vụ tai nạn xảy ra ngày 8/3 tại Nghệ An giữa xe tải và xe máy làm 2 người chết.

Tình hình tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm có nhiều cải thiện do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong quý I/2020, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.469 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 1.942 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 1.527 vụ va chạm giao thông, làm 1.639 người chết, 1.004 người bị thương và 1.565 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm 13,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 9,6%; số vụ va chạm giao thông giảm 18,9%); số người chết giảm 14%; số người bị thương giảm 17% và số người bị thương nhẹ giảm 19%. Bình quân 1 ngày trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 21 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 17 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 17 người bị thương nhẹ.

7. Thiệt hại do thiên tai 

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Ba chủ yếu do ảnh hưởng của gió mạnh trên biển, mưa đá, mưa lớn, giông lốc, xâm nhập mặn và sạt lở sụt lún đất làm 9 người chết và 17 người bị thương, gần 24,3 nghìn ha lúa và hơn 6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 18 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 7,3 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở và tốc mái. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 758,8 tỷ đồng. Một số địa phương chịu thiệt hại nhiều do thiên tai như: Cà Mau 5 người chết, 1.245 ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, 11 ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 533 triệu đồng; Hà Giang 2 người chết và 10 người bị thương; Tiền Giang 4,2 nghìn ha lúa và 5,6 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 245,5 tỷ đồng; Bến Tre hơn 4,6 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 113,4 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm, thiên tai làm 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn ha lúa và gần 7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.

8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong tháng Ba, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.179 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.102 vụ với tổng số tiền phạt là 41,3 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm đã phát hiện 2.545 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 2.246 vụ với tổng số tiền phạt 58,5 tỷ đồng.

Trong tháng (từ ngày 16/2 đến ngày 15/3), trên địa bàn cả nước xảy ra 279 vụ cháy, nổ, làm 10 người chết và 16 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính gần 97 tỷ đồng. Tính chung 3 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2019 đến ngày 15/3/2020), cả nước xảy ra 791 vụ cháy, nổ, làm 25 người chết và 61 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính là 197,4 tỷ đồng.

Khái quát lại, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2020 duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kinh tế quý I năm nay tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng nhẹ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bước sang quý II, kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh,; có chính sách đặc biệt hỗ trợ cho các ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như miễn, dãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Hai là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đường cao tốc Bắc - Nam...

Ba là, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đầu tư tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích đầu tư các vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc phục vụ nguồn cung nông sản xuất khẩu vào thị trường các nước châu Âu.

Bốn là, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nội nhu của nền kinh tế; có chính sách đưa hàng hóa Việt Nam thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Nâng cao tính phù hợp và tiện ích của hệ thống bán lẻ, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Thực hiện hiệu quả chương trình Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.

Năm là, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có các biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Sáu là, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

 



[1] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn nhiều so với mức 2,9% của năm 2019 và cho rằng khó dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu đến mức nào trong năm 2020. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ mức dự báo thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 11/2019, xuống còn 2,4% cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 2,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2008-2009.

[2] Tốc độ tăng GDP quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 5,90%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48%; năm 2017 tăng 5,15%; năm 2018 tăng 7,45%; năm 2019 tăng 6,82%; năm 2020 tăng 3,82%.

[3] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 3,65%; năm 2012 tăng 2,66%; năm 2013 tăng 2,01%; năm 2014 tăng 2,03%; năm 2015 tăng 1,58%; năm 2016 giảm 2,69%; năm 2017 tăng 1,38%; năm 2018 tăng 3,97%; năm 2019 tăng 1,93%; năm 2020 giảm 1,17%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 13,31%; năm 2012 tăng 8,74%; năm 2013 tăng 4,38%; năm 2014 tăng 5,97%; năm 2015 tăng 9,70%; năm 2016 tăng 8,94%; năm 2017 tăng 8,60%; năm 2018 tăng 14,30%; năm 2019 tăng 11,52%; năm 2020 tăng 7,12%.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành xây dựng quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 0,35%; năm 2012 tăng 1,18%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,93%; năm 2015 tăng 5,60%; năm 2016 tăng 8,60%; năm 2017 tăng 7,60%; năm 2018 tăng 6,80%; năm 2019 tăng 6,68%; năm 2020 tăng 4,37%.

[6] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý I các năm 2011-2020 lần lượt là: Năm 2011 tăng 6,77%; năm 2012 tăng 5,95%; năm 2013 tăng 5,89%; năm 2014 tăng 5,90%; năm 2015 tăng 5,68%; năm 2016 tăng 5,98%; năm 2017 tăng 6,36%; năm 2018 tăng 6,65%; năm 2019 tăng 6,50%; năm 2020 tăng 3,27%.

[7] Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh và Hà Nam.

[8] Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Kon Tum.

[9] Tính đến ngày 15/3/2020, trị giá xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Mỹ đạt 62,1 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Trung Quốc đạt 52,8 triệu USD, giảm 44,7%; thị trường Anh đạt 11,5 triệu USD, giảm 34,1%, thị trường Đức đạt 6,2 triệu USD, giảm 24,6%.

[10] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 tăng 8,94%; năm 2017 tăng 8,6%; năm 2018 tăng 14,3%; năm 2019 tăng 11,52%; năm 2020 tăng 7,12%.

[11] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[12] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 1,6%; số vốn đăng ký tăng 2,5%; số lao động đăng ký giảm 43,9%.

[13] Không tính 1 doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký thành lập mới thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tháng 1/2020 có vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng.

[14] Chỉ số tương ứng của quý IV/2019: Có 46,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 17% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 

[15] Chỉ số tương ứng của quý IV/2019: Có 48% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp tăng so với quý trước; 17,4% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 34,6% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.     

[16] Chỉ số tương ứng của quý IV/2019: Có 43,2% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng so với quý trước; 16,7% số doanh nghiệp có đơn đăt hàng giảm và 40,1% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định.

[17] Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 10,4%; 12,2%; 11,4%; 12,3%; - 0,8%.

[18] Tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm 20/3 các năm 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 tăng 1,54%; năm 2017 tăng 2,81%; năm 2018 tăng 2,23%; năm 2019 tăng 1,9%; năm 2020 tăng 0,68%.

[19] Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I so với cùng kỳ năm trước các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 10,9%; năm 2017 tăng 9,5%; năm 2018 tăng 10%; năm 2019 tăng 9,1%; năm 2020 tăng 2,2%.

[20] Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2019 bằng 13,3% kế hoạch năm.

[21] Vốn đầu tư thực hiện quý I các năm 2016-2020 lần lượt là: 3,5 tỷ USD; 3,6 tỷ USD; 3,9 tỷ USD; 4,1 tỷ USD; 3,9 tỷ USD.

[22] Ước tính tháng Hai xuất siêu 100 triệu USD.

[23] Trong đó, quý I/2020 xuất siêu sang EU đạt 4,1 tỷ USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 4,9 tỷ USD, giảm 43,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 7,2 tỷ USD, tăng 6%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, giảm 20,4%.

[24] Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Ba so với tháng trước của các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: tăng 0,57%; tăng 0,21%; giảm 0,27%; giảm 0,21%; giảm 0,72%.

[25] Tốc độ tăng CPI tháng Ba so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,69%; 4,65%; 2,66%; 2,7%; 4,87%. Tốc độ tăng CPI bình quân quý I so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2020 lần lượt là: 1,25%; 4,96%; 2,82%; 2,63%; 5,56%.

[26] Giá vé máy bay giảm 41,14%; giá vé tàu hỏa giảm 11,71%; giá vé tắc xi giảm 0,07%.

[27] Giá các tua du lịch trong nước giảm 4,96%, du lịch ngoài nước giảm 4,47%; giá khách sạn, nhà nghỉ giảm 1,58%.

[28] Chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và giá gạo xuất khẩu tăng, giá gạo tháng 3/2020 tăng 1,39% so với tháng trước.

[29] Trong đó, giá thịt lợn trong tháng giảm 0,02%; giá các loại thịt gia cầm tươi sống giảm 4,59%, giá trứng gia cầm giảm 1,97%; giá thủy sản tươi sống giảm 1,2%; giá rau tươi giảm 0,79%. Bên cạnh đó, giá các loại quả tươi giảm 1,91% do hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế.

[30] Giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,09%, giấy vệ sinh tăng 0,23%, đồ điện tăng 0,08%.

[31] Giá vé máy bay quý I/2020 giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

[32] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

[33] Tỷ giá thương mại quý I so với cùng kỳ của các năm 2018-2020 lần luợt là: tăng 0,07%; tăng 2,27%; giảm 0,61%.

[34] Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I các năm 2016-2020 lần lượt là: Năm 2016 là 1,76%; năm 2017 là 1,82%; năm 2018 là 1,52%; năm 2019 là 1,17%; năm 2020 là 2%.

[35] Lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp bao gồm những người không làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và thuộc một trong ba nhóm sau: (i) người làm công ăn lương thuộc khu vực chính thức không được ký hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực chính thức và thành viên hợp tác xã không có bảo hiểm xã hội bắt buộc; (ii) chủ cơ sở, lao động tự làm, lao động làm công ăn lương và lao động gia đình tại cơ sở thuộc khu vực phi chính thức; (iii) lao động tự làm phục vụ nhu cầu tự tiêu dùng của hộ gia đình và lao động làm thuê trong các hộ gia đình.

[36] Chỉ tính sinh viên cao đẳng và trung cấp sư phạm.

[37] Tính đến 7h30 ngày 27/3/2020 trên thế giới có 529,5 nghìn trường hợp mắc Covid-19 (23.968 trường hợp tử vong).

 

Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt