Tình hình kinh tế - xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc vụ hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác tăng khá. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa và trồng rừng tập trung, gây ra hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, lây lan trên diện rộng.

a) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.087 nghìn ha lúa mùa, bằng 102,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 915,2 nghìn ha, bằng 103,2%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,8 nghìn ha, bằng 98,7%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa ở các địa phương phía Bắc năm nay nhanh hơn cùng kỳ năm trước do lịch thời vụ sản xuất vụ xuân kết thúc sớm, ở phía Nam chậm hơn chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, đặc biệt tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 2.009,8 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 173,9 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.835,9 nghìn ha, bằng 98%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.568,6 nghìn ha, bằng 97,9%. Hiện nay trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 563,2 nghìn ha, bằng 125,5% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 552,4 nghìn ha, bằng 126,3%.

Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau. Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 245,3 nghìn ha lúa thu đông, bằng 106,3% cùng kỳ năm trước. Hiện tại lúa thu đông đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Tính đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 780,4 nghìn ha ngô, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước; 88,4 nghìn ha khoai lang, bằng 96,9%; 150 nghìn ha lạc, bằng 97%; 31,5 nghìn ha đậu tương, bằng 97,2%; 811,5 nghìn ha rau, đậu, bằng 103%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn, đặc biệt khi tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn. Chăn nuôi lợn trong tháng Bảy tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và lây lan sang các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn. Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[1]. Tính đến tháng Bảy, đàn trâu cả nước giảm 3% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,6%; đàn gia cầm tăng 7,9%; đàn lợn giảm 16%.

b) Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp trong tháng Bảy tập trung vào hoạt động khai thác gỗ, bảo vệ và phòng chống cháy rừng ở các tỉnh phía Bắc, chuẩn bị trồng rừng ở các tỉnh phía Nam. Diện tích rừng trồng tập trung tháng 7/2019 ước tính đạt 14,8 nghìn ha, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,4 triệu cây, giảm 2,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.470 nghìn m3, tăng 3,6%; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, giảm 3,2%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác trong tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Trị ước tính đạt 105 nghìn m3, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước; Nghệ An đạt 102,4 nghìn m3, tăng 19,7%; Yên Bái đạt 48,8 nghìn m3, tăng 11%; Phú Yên đạt 31,1 nghìn m3, gấp 2 lần; Lâm Đồng đạt 8,3 nghìn m3, gấp 3 lần. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 124,8 nghìn ha, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 40,8 triệu cây, giảm 3,1%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.500 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 10,7 triệu ste, giảm 1,7%.

Trong tháng 7/2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 804,4 ha, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 756,8 ha, gấp 5,6 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 47,6 ha, giảm 28%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy tăng cao: Phú Yên 386,1 ha, gấp 277 lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 là 1,4 ha); Hà Tĩnh 166,4 ha, gấp 3 lần; Quảng Bình 85 ha, gấp 7 lần; Quãng Ngãi 54,4 ha, gấp 3 lần; Quảng Nam bị cháy 32,8 ha trong khi cùng kỳ năm trước tỉnh này không xảy ra vụ cháy rừng nào. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.740,5 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.409,9 ha, gấp 3,8 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 330,6 ha, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2018.

c) Thủy sản

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2019 ước tính đạt 740,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 539,7 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 97,8 nghìn tấn, tăng 1,5%; thủy sản khác đạt 103 nghìn tấn, tăng 3,5%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 400 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 267,1 nghìn tấn, tăng 6%; tôm đạt 87,6 nghìn tấn, tăng 0,9%. Nuôi cá tra gặp khó khăn khi giá cá tra tiếp tục giảm, hiện dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng Bảy ước tính đạt 127,7 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 44,5 nghìn tấn, tăng 5,3%; An Giang đạt 38,7 nghìn tấn, tăng 10,1%. Giá tôm thẻ chân trắng vẫn giữ mức tương đương với mức giá tại thời điểm trung tuần tháng Sáu[2], bên cạnh đó môi trường thả nuôi tôm thẻ không ổn định nên người dân giảm diện tích và mật độ nuôi. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng Bảy ước tính đạt 55,6 nghìn tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có sản lượng giảm mạnh: Cà Mau đạt 7,2 nghìn tấn, giảm 4%; Trà Vinh đạt 6,8 nghìn tấn, giảm 39,7%; Kiên Giang đạt 2,9 nghìn tấn, giảm 0,9%. Sản lượng tôm sú tháng Bảy ước tính đạt 34,1 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bạc Liêu đạt 14 nghìn tấn, tăng 9,2%; Trà Vinh đạt 2,2 nghìn tấn, tăng 15,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2019 ước tính đạt 340,5 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 272,6 nghìn tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 10,2 nghìn tấn, tăng 6,3%. Khai thác biển tháng Bảy ước tính đạt 324,3 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 261,9 nghìn tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 5,8%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.521 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.321,2 nghìn tấn, tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.199,8 nghìn tấn, tăng 4,9% (sản lượng khai thác biển đạt 2.099,6 nghìn tấn, tăng 5,1%).

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao 10,7%; ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2019 ước tính tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,4%; chế biến, chế tạo tăng 10,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,1%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 48%; sản xuất kim loại tăng  40,6%; khai thác quặng kim loại tăng 16,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 12,9%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 11,4%; dệt tăng 11,1%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 3,2% (cùng kỳ năm trước tăng 17%); sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 2,9%; sản xuất thuốc lá tăng 1,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 0,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,5% (khai thác dầu thô giảm 6,9%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 1,6%); sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 5,6%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 57,1%; xăng, dầu tăng 45,1%; tivi tăng 23,9%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 16,4%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,8%; sơn hóa học tăng 13,4%; điện thoại di động tăng 12,7% (điện thoại thông minh tăng 15,2%); thép thanh, thép góc tăng 12,3%; than sạch tăng 11,6%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 11,5%; bia các loại tăng 10,4%; điện sản xuất tăng 10,1%; ô tô tăng 10%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Khí đốt thiên nhiên dạng khí và thuốc lá điếu tăng 1,6%; phân u rê tăng 0,2%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,3%; dầu thô khai thác giảm 6,9%; xe máy giảm 8,7%; linh kiện điện thoại giảm 15,1%; đường kính giảm 16,9%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2019 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,7%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[3]

Trong 7 tháng năm 2019 có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, điều này dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp ra nhập thị trường.

Trong tháng 7/2019, cả nước có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,2 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% về số doanh nghiệp và giảm 26,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước[4]; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 23,3%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 94,9 nghìn người, giảm 15,1%. Trong tháng, cả nước còn có 2.690 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,9% so với tháng trước; 2.501 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 6,4%; có 2.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,7%; có 1.434 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,4%.

Tính chung 7 tháng năm nay, cả nước có 79,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%[5]. Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm nay là 743,9 nghìn người, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng năm nay có 1,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 21,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27,2%; có 56,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,4%. Trong đó, hầu hết các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Có 25,8 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 32,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 0,4%; 10,3 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 13%), tăng 1,7%; 10,1 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 6,9%; 6,6 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,3%), tăng 15,1%; 4,8 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 6%), tăng 22,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 5,3%... Có 2 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 3,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,7%), giảm 4,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 818 doanh nghiệp (chiếm 1%), giảm 19,2%.

Trong 7 tháng năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 24,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% (vốn đăng ký đạt 280,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 11,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,8% (vốn đăng ký 108,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%); Tây Nguyên 2 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,3% (vốn đăng ký 24,9 nghìn tỷ đồng, tăng 107,7%); Đông Nam Bộ 33,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,2% (vốn đăng ký 492,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1%); Đồng bằng sông Cửu Long 5,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,9% (vốn đăng ký 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 7 tháng năm nay là 23,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có gần 9 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 38,8%), tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; có 3,4 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,5%), tăng 11,1%; có 2,9 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 18%; có 1,4 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 6,1%), tăng 20,8%; có 1,3 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 5,8%), tăng 9,6%; có 1,2 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5,1%), tăng 10,7%... Trong 7 tháng năm nay còn có 24,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 11,8 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 7,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,6% và 5,4 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 22%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng năm 2019 là 9,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,4% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 18,9%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 3,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 40,7%), tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 10,8%), giảm 7,2%; xây dựng có 926 doanh nghiệp (chiếm 10%), tăng 16,9%.

4. Đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng Bảy và 7 tháng năm 2019 mặc dù đã có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước[6] nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019[7]. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 7 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây[8].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Bảy ước tính đạt 29,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 27,6%; vốn địa phương 26,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9%. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 158,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch năm và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 43,3% và tăng 9,7%), gồm có:

- Vốn Trung ương quản lý đạt 19,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% kế hoạch năm và giảm 29,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 3.893 tỷ đồng, bằng 44,3% và giảm 58,3%; Bộ Y tế 1.745 tỷ đồng, bằng 33% và tăng 33,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.326 tỷ đồng, bằng 39,5% và giảm 54,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 479 tỷ đồng, bằng 32,5% và tăng 1,5%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 424 tỷ đồng, bằng 32,3% và giảm 27,2%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 294 tỷ đồng, bằng 39,5% và giảm 2,3%; Bộ Khoa học và Công nghệ 140 tỷ đồng, bằng 43,8% và tăng 38,7%; Bộ Công Thương 91 tỷ đồng, bằng 37,3% và giảm 8,1%; Bộ Xây dựng 89 tỷ đồng, bằng 35,8% và giảm 25,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 57 tỷ đồng, bằng 35,9% và tăng 2,4%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 138,8 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch năm và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 93,5 nghìn tỷ đồng, bằng 43,9% và tăng 8,6%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, bằng 49,1% và tăng 18%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% và tăng 15,4%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 10,4 nghìn tỷ đồng, bằng 28,4% và giảm 0,8%; Quảng Ninh 5.187 tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 14,8%; Thanh Hóa 4.234 tỷ đồng, bằng 54,2% và tăng 22%; Hải Phòng 4.118 tỷ đồng, bằng 45,4% và tăng 3,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 3.680 tỷ đồng, bằng 55,8% và tăng 13,1%; Quảng Nam 3.582 tỷ đồng, bằng 48,2% và tăng 23%; Bình Dương 3.446 tỷ đồng, bằng 42,1% và tăng 2,6%; Vĩnh Phúc 3.156 tỷ đồng, bằng 50,6% và tăng 4,2%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2019 thu hút 2.064 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 tháng còn có 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 733 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,70 tỷ USD và 3.654 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,82 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.059 triệu USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%; các ngành còn lại đạt 1.370,7 triệu USD, chiếm 16,6%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng đạt 9.079,3 triệu USD, chiếm 77,6% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, chiếm 6,1%; các ngành còn lại đạt 1.902,6 triệu USD, chiếm 16,3%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.384,9 triệu USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%; các ngành còn lại đạt 2.381,1 triệu USD, chiếm 27,9%.

Cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng năm 2019, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 766,2 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 688,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Tây Ninh 599,4 triệu USD, chiếm 7,25%; Bắc Ninh 597,6 triệu USD, chiếm 7,22%; Đồng Nai 541,9 triệu USD, chiếm 6,6%; Hải Phòng 412,4 triệu USD, chiếm 5%; Bắc Giang 400,1 triệu USD, chiếm 4,8%; Tiền Giang 346,9 triệu USD, chiếm 4,2%; Hải Dương 341,2 triệu USD, chiếm 4,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu 332,6 triệu USD, chiếm 4%; Đà Nẵng 316,7 triệu USD, chiếm 3,8%; Hà Nội 269 triệu USD, chiếm 3,3%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.785,6 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.473,4 triệu USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1.123,7 triệu USD, chiếm 13,6%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 991,6 triệu USD, chiếm 12%; Xin-ga-po 942,9 triệu USD, chiếm 11,4%; Đài Loan 359,1 triệu USD, chiếm 4,34%; Thái Lan 354,8 triệu USD, chiếm 4,29%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 325,6 triệu USD, chiếm 3,9%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm nay có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 180,1 triệu USD; 21 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 97,3 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng năm 2019 đạt 277,4 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 94,3 triệu USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 83,4 triệu USD, chiếm 30,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 37,1 triệu USD, chiếm 13,4%. Trong 7 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Tây Ban Nha là nước dẫn đầu với 59,8 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư; Hoa Kỳ 45,7 triệu USD, chiếm 16,5%; Ô-xtrây-li-a 45,4 triệu USD, chiếm 16,4%[9]; Cam-pu-chia 38,5 triệu USD, chiếm 13,9%; Xin-ga-po 34,8 triệu USD, chiếm 12,5%.

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong 7 tháng năm 2019, thu ngân sách Nhà nước duy trì tiến độ ổn định, chi ngân sách bảo đảm đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2019 ước tính đạt 777,7 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 620,5 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9%; thu từ dầu thô 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 123,9 nghìn tỷ đồng, bằng 65,5%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 85,1 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 103,2 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 121,1 nghìn tỷ đồng, bằng 50,1%; thu thuế thu nhập cá nhân 62,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,3%; thu thuế bảo vệ môi trường 28,6 nghìn tỷ đồng, bằng 41,4%; thu tiền sử dụng đất 61,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2019 ước tính đạt 726,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 522,8 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3%; chi đầu tư phát triển 130,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,4%; chi trả nợ lãi 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,6%), sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 415,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 312,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 13,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 51 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% và tăng 11%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 7,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 8,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.804,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước[10], nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,74% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,72%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 2.134,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,1% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,2%; lương thực, thực phẩm tăng 12,8%; phương tiện đi lại tăng 12,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,4%; may mặc tăng 10,7%. Một số địa phương có mức tăng khá: Quảng Ninh tăng 18,9%; Bình Dương tăng 17,2%; Thanh Hóa tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 14,7%; Bắc Ninh tăng 14,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,9%; Bình Định tăng 13,6%; Hà Nội tăng 13,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm nay ước tính đạt 337,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Định tăng 18,1%; Quảng Ninh tăng 17%; Hải Phòng tăng 16,7%; Cần Thơ tăng 15,1%; Nghệ An tăng 14,8%; Khánh Hòa tăng 13,1%; Hà Nội tăng 11,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,7%.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng ước tính đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Quảng Ninh tăng 19,4%; Bình Định tăng 18,9%; Khánh Hòa tăng 16,6%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,4%; Lâm Đồng tăng 10,2%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,3%; Hà Nội tăng 7,9%.

Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 307,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu của Cần Thơ tăng 12,6%; Bình Thuận tăng 12,2%; Đà Nẵng tăng 10%; Hải Phòng tăng 8,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,1%; Ninh Bình tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,6%.

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 ước tính đạt 288,47 tỷ USD với kim ngạch xuất khẩu đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29%). Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2019 đạt 21.428 triệu USD, thấp hơn 172 triệu USD so với số ước tính, trong đó xăng dầu thấp hơn 70 triệu USD; giày dép thấp hơn 64 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ thấp hơn 44 triệu USD; rau quả thấp hơn 40 triệu USD; hóa chất thấp hơn 38 triệu USD; điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 29 triệu USD; dệt may cao hơn 30 triệu USD; sắt thép cao hơn 68 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2019 ước tính đạt 22,60 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,99 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 15,61 tỷ USD, tăng 6,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng Bảy có kim ngạch tăng so với tháng trước: Hàng dệt may tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 6,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 4,3%; giày dép tăng 3,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tăng 9,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng khá: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19%; giày dép tăng 15,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,4%; hàng dệt may và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cùng tăng 11,2%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2%, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 101,13 tỷ USD, tăng 5,6%, chiếm 69,7% (tỷ trọng giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong 7 tháng có 24 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 51,6%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt27,3 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,9%; hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, tăng 7,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 16,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 5,9%; thủy sản đạt 4,6 tỷ USD, giảm 1,9%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản 7 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước: Rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 0,3%; cà phê đạt 1,8 tỷ USD, giảm 18,7% (lượng giảm 7,6%); hạt điều đạt gần 1,8 tỷ USD, giảm 11% (lượng tăng 13,8%); gạo đạt 1,7 tỷ USD, giảm 14% (lượng tăng 0,8%). Riêng cao su đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,4% (lượng tăng 8,2%) và hạt tiêu đạt 528 triệu USD, tăng 1,9% (lượng tăng 35,1%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 7 tháng năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 32,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 24,3 tỷ USD, tăng 0,4%; Trung Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 0,1%; thị trường ASEAN đạt 15,2 tỷ USD, tăng 5,5%; Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 4,4%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2019 đạt 19.495 triệu USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với số ước tính, trong đó một số mặt hàng thấp hơn nhiều so với số ước tính: Điện tử, máy tính và linh kiện thấp hơn 378 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng thấp hơn 229 triệu USD; vải thấp hơn 180 triệu USD; sắt thép thấp hơn 143 triệu USD; xăng dầu thấp hơn 101 triệu USD; dầu thô và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép cùng thấp hơn 75 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước tính đạt 22,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,1 tỷ USD, tăng 15,4%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với tháng trước: Xăng dầu tăng 44%; điện thoại và linh kiện tăng 30,2%; ô tô tăng 20,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 13,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,5%. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy tăng 5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 164,3%; than đá tăng 122,1%; ô tô tăng 36,1%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,5%.

Tính chung 7 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 143,34 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 60,83 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,51 tỷ USD, tăng 5,3%.

Trong 7 tháng có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,8% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,2%), trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 28,2 tỷ USD (chiếm 19,7% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 19%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 20,8 tỷ USD, tăng 12,7%; vải đạt 7,8 tỷ USD, tăng 4,6%; chất dẻo đạt 5,2 tỷ USD, tăng 1,5%; ô tô đạt 4,3 tỷ USD, tăng 69%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2018: Điện thoại và linh kiện đạt 7,1 tỷ USD, giảm 4,4%; sắt thép đạt 5,7 tỷ USD, giảm 2,4%; kim loại thường đạt 3,7 tỷ USD, giảm 20%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 7 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 42 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 26,6 tỷ USD, giảm 0,8%; thị trường ASEAN đạt 18,8 tỷ USD, tăng 5,2%; Nhật Bản đạt 10,5 tỷ USD, giảm 0,4%; thị trường EU đạt 8,29 tỷ USD, tăng 8,6%; Hoa Kỳ đạt 8,27 tỷ USD, tăng 8,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu xuất siêu 1,9 tỷ USD[11]; 6 tháng đầu năm xuất siêu 1,6 tỷ USD; tháng Bảy ước tính xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 7 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 1,8 tỷ USD[12] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,6 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,6 tỷ USD.

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng trở lại; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ ngày 1/7/2019; diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi; việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây[13].

Trong mức tăng 0,18% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (lương thực tăng 0,05%[14]; thực phẩm tăng 0,4%[15]); giáo dục tăng 0,22% (dịch vụ giáo dục tăng 0,17%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% (giá du lịch trọn gói tăng 0,22%; khách sạn tăng 0,58%; dịch vụ giải trí tăng 0,74%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67%[16]; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,94%. Riêng nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cùng giảm 0,03%.

CPI bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 7/2019 tăng 1,59% so với tháng 12/2018 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông và đồng đô la Mỹ giảm giá. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2019 tăng 4,04% so với tháng 6/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2019 tăng 4,78% so với tháng trước; tăng 9,27% so với tháng 12/2018 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2019 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 0,27% so với tháng 12/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước ở hầu hết các ngành đường, đặc biệt ngành đường bộ và đường hàng không, riêng vận tải đường sắt tiếp tục xu hướng giảm cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

Vận tải hành khách tháng Bảy ước tính đạt 427,4 triệu lượt khách, tăng 1,2% so với tháng trước và 20,8 tỷ lượt khách.km, tăng 4,1%. Tính chung 7 tháng năm 2019, vận tải hành khách đạt 2.923,5 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và 134,8 tỷ lượt khách.km, tăng 9,7%, trong đó vận tải trong nước đạt 2.912,5 triệu lượt khách, tăng 10,1% và 104,6 tỷ lượt khách.km, tăng 11,1%; vận tải ngoài nước đạt gần 11 triệu lượt khách, tăng 4,4% và 30,2 tỷ lượt khách.km, tăng 4,9%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ đạt 2.763 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và 92,6 tỷ lượt khách.km, tăng 10,4%; đường thủy nội địa đạt 118,2 triệu lượt khách, tăng 5,5% và 2.304,8 triệu lượt khách.km, tăng 6,7%; đường biển đạt 4,5 triệu lượt khách, tăng 5,1% và 265,4 triệu lượt khách.km, tăng 5,3%; đường hàng không đạt 32,5 triệu lượt khách, tăng 8,9% và 37,4 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%; riêng vận tải đường sắt đạt 5,3 triệu lượt khách, giảm 5% và 2.235,5 triệu lượt khách.km, giảm 5,7%.

Vận tải hàng hóa tháng Bảy ước tính đạt 139,6 triệu tấn, tăng 1% so với tháng trước và 26,7 tỷ tấn.km, tăng 1%. Tính chung 7 tháng, vận tải hàng hóa đạt 962,6 triệu tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước và 183,4 tỷ tấn.km, tăng 7,2%, trong đó vận tải trong nước đạt 943,3 triệu tấn, tăng 8,8% và 103 tỷ tấn.km, tăng 10,4%; vận tải ngoài nước đạt 19,3 triệu tấn, tăng 3% và 80,4 tỷ tấn.km, tăng 3,4%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ 7 tháng đạt 739,7 triệu tấn, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 49,4 tỷ tấn.km, tăng 10,1%; đường thủy nội địa đạt 173,1 triệu tấn, tăng 5,2% và 36,2 tỷ tấn.km, tăng 5,9%; đường biển đạt 46,7 triệu tấn, tăng 4,9% và 95,1 tỷ tấn.km, tăng 6,5%; đường hàng không đạt 247,1 nghìn tấn, tăng 12,7% và 629,6 triệu tấn.km, tăng 12,2%; đường sắt đạt gần 3 triệu tấn, giảm 10,9% và 2,1 tỷ tấn.km, giảm 5%.

e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khánh quốc tế đến nước ta trong tháng 7/2019 đã tăng trở lại so với tháng trước, đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt khách, trong đó chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng cao vẫn là khách đến từ các nước châu Á.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Bảy ước tính đạt 1.315,8 nghìn lượt người, tăng 11% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á tăng 12,2%; từ châu Âu tăng 5,4%; từ châu Mỹ tăng 13,4%; từ châu Úc giảm 7,7%; từ châu Phi tăng 6%. Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 9.796,8 nghìn lượt người, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 7.704,9 nghìn lượt người, tăng 4,7%; bằng đường bộ đạt 1.934,3 nghìn lượt người, tăng 25,2%; bằng đường biển đạt 157,6 nghìn lượt người, giảm 11,3%.

Trong 7 tháng, khách đến từ châu Á đạt 7.600,9 nghìn lượt người, chiếm 77,6% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt 2.890,3 nghìn lượt người, giảm 2,8%; Hàn Quốc 2.400,1 nghìn lượt người, tăng 22,1%; Nhật Bản 524,5 nghìn lượt người, tăng 12,9%; Đài Loan 517 nghìn lượt người, tăng 27,6%; Ma-lai-xi-a 337,3 nghìn lượt người, tăng 13,9%; Thái Lan 227,4 nghìn lượt người, tăng 48,2%; Xin-ga-po 165,5 nghìn lượt người, tăng 4,2%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.298,1 nghìn lượt người, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 396,8 nghìn lượt người, tăng 6,3%; Vương quốc Anh 187,2 nghìn lượt người, tăng 4,1%; Pháp 174,7 nghìn lượt người, tăng 1%; Đức 133,2 nghìn lượt người, tăng 6,1%. Khách đến từ châu Mỹ đạt 607,1 nghìn lượt người, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 465,7 nghìn lượt người, tăng 7,4%. Khách đến từ châu Úc đạt 264,4 nghìn lượt người, giảm 0,8%, trong đó khách đến từ Ô-xtrây-li-a đạt 235,1 nghìn lượt người, giảm 0,2%. Khách đến từ châu Phi đạt 26,3 nghìn lượt người, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018.

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Tình hình thiếu đói trong tháng Bảy được cải thiện, cả nước chỉ có 4 địa phương phát sinh thiếu đói với 0,8 nghìn hộ thiếu đói, giảm 63,8% so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng với 3,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 61%. Tính chung 7 tháng năm 2019, cả nước có 65,7 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 265,6 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 30,7%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói gần 3,9 nghìn tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng Bảy tình hình mắc sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh. Trên cả nước có 25,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (3 trường hợp tử vong), gấp 2 lần so với tháng trước và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước; 4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 78 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (1 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 3,6 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 931 trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong); 506 người bị ngộ độc thực phẩm (4 người tử vong). Tính chung 7 tháng năm 2019, cả nước có 96,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (6 trường hợp tử vong); 22,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (2 trường hợp tử vong); 333 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; (11 trường hợp tử vong); 13 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu (1 trường hợp tử vong); 31 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 5,6 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (3 trường hợp tử vong); và 1.372 người bị ngộ độc thực phẩm (9 người tử vong).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/7/2019 là 209,5 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 96,69 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,35 nghìn người.

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 16/6 đến 15/7), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.435 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 806 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 629 vụ va chạm giao thông, làm 657 người chết, 463 người bị thương và 640 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 7/2019 tăng 6,2% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 17,7% và số vụ va chạm giao thông giảm 5,6%); số người chết tăng 7,2%; số người bị thương tăng 17,8% và số người bị thương nhẹ giảm 6,7%. Đáng lưu ý, trong tháng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 2/7 tại Tiên Yên, Quảng Ninh làm 2 người chết và 18 người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 6/7 tại Diễn Châu, Nghệ An làm 1 người chết và 14 người bị thương; vụ tai nạn giữa xe ô tô với xe máy điện ngày 9/7 tại Hà Tĩnh làm 3 người chết; vụ tai nạn giữa tàu SE1 với ô tô xảy ra ngày 9/7 tại Quảng Ngãi làm 2 người chết và 3 người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 16/7 tại Đắk Lắk làm 1 người chết và 10 người bị thương; đặc biệt trong ngày 23/7 tại huyện Kim Thành, Hải Dương đã xảy ra liên tiếp 3 vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết và 2 người bị thương.

Tính chung 7 tháng năm 2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9.820 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.210 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.610 vụ va chạm giao thông, làm 4.467 người chết, 2.794 người bị thương và 4.676 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 7 tháng năm nay giảm 5,1% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 2,2%; số vụ va chạm giao thông giảm 8,2%); số người chết giảm 5,3%; số người bị thương giảm 2,2% và số người bị thương nhẹ giảm 10,9%. Bình quân 1 ngày trong 7 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 24 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 22 vụ va chạm giao thông, làm 21 người chết, 13 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng 7/2019 chủ yếu là bão, mưa lớn, giông lốc và sạt lở đất tại một số địa phương làm 16 người chết và mất tích, 38 người bị thương; 92 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 2 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 2,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 176 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, thiên tai làm 34 người chết và mất tích, 47 người bị thương; 156 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 3 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 3,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 7 tháng ước tính 239 tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng Bảy, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.602 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 1.563 vụ với tổng số tiền phạt 14,6 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng đã phát hiện 7.096 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 6.459 vụ với tổng số tiền phạt 66 tỷ đồng.

Trong tháng 7/2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 493 vụ cháy, nổ, làm 2 người chết và 15 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 104 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, cả nước xảy ra 2.404 vụ cháy, nổ, làm 65 người chết và 113 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 781 tỷ đồng./.



[1] Địa phương chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi là Ninh Thuận.

[2] Giá tôm thẻ loại 70 con/kg dao động từ 79.000-84.000 đồng/kg; loại 100 con/kg dao động từ 73.000-75.000 đồng/kg.

[3] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[4] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 9,7%; số vốn đăng ký tăng 14%.

[5] 7 tháng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký tăng 11,6%; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng 7,4%.

[6] Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Bảy so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 9,5%; 8,6%; 8,3%; 8,0%; 8,5%.  Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 7 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 53,2%; 47,6%; 45,2%; 43,3%; 44,9%.

[7] Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 11,3%; năm 2016 là 13,5%; năm 2017 là 7,8%; năm 2018 là 10,3%; năm 2019 là 6,2%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 7 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 6,4%; năm 2016 là 12%; năm 2017 là 6,4%; năm 2018 là 9,7%; năm 2019 là 3,9%.

[8] Số dự án cấp mới 7 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 1.068 dự án; 1.408 dự án; 1.378 dự án; 1.656 dự án, 2.064 dự án. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 7,4 tỷ USD; 8,6 tỷ USD; 9,1 tỷ USD; 9,9 tỷ USD; 10,6 tỷ USD.

[9] Trong đó,công ty TNHH T&T Group-Global đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thương mại - xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng với giá trị đầu tư là 30 triệu USD.

[10] Thấp hơn mức tăng của 7 tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7 tháng của các năm giai đoạn 2015-2017. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng các năm 2015-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,8%; 10%; 10,4%; 12%; 11,6%.

[11] Tháng Sáu ước tính xuất siêu 400 triệu USD.

[12] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 16 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 22 tỷ USD, tăng 38,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,9 tỷ USD, giảm 4%; nhập siêu từ ASEAN 3,6 tỷ USD, tăng 4,3%.

[13] CPI bình quân 7 tháng năm 2017, 2018, 2019 lần lượt tăng so với cùng kỳ năm trước 3,91%; 3,45% và 2,61%.

[14] Chủ yếu do nhóm bột mì và bột ngũ cốc khác tăng 1,99% (giá ngô tăng 0,67%; giá khoai tăng 3,99%; giá sắn tăng 1,29%), trong khi giá gạo giảm 0,09%.

[15] Trong đó, giá thịt lợn tăng 0,81% so với tháng trước do dịch tả lợn châu Phí khiến nguồn cung giảm (làm CPI chung tăng 0,03%), theo đó giá thịt quay, giò chả tăng 0,32%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,24%. Ngoài ra, giá trứng gia cầm các loại tăng 0,25%; giá cá tươi và cá ướp lạnh tăng 0,5%; giá thủy hải sản khác tăng 0,11%; giá rau tươi tăng 0,76%...

[16] Mức lương cơ sở tăng từ 1/7/2019 theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019.


Các tin khác
© Copyright 2012 CỤC THỐNG KÊ TỈNH LÂM ĐỒNG
10 Đường 3 Tháng 4, Phường 3, TP. Đà Lạt